Deacon Peter NgọcVĩnh, SVD
“Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Chẳng có lấy một cử chỉ chữa
bệnh nào. Cũng không thấy có một công thức chữa bệnh nào được đọc trên người
bệnh. Ở đây chỉ có một lệnh truyền. Đức Giêsu nói với những người bệnh phong,
“Hãy đi trình diện với các tư tế”.
Mười người bệnh phong trong đoạn Tin Mừng (Luca 17,11-19)
không được chữa lành ngay lập tức. Họ vẫn còn mắc bệnh khi rời Đức Giêsu. Tuy
nhiên, họ đã tín thác hoàn toàn nơi Đức Giêsu, theo như đúng lệnh truyền của
Ngài, họ lập tức lên đường quay về đền thờ Giêrusalem.
Họ phải đi bộ nhiều cây số để trình diện với các
tư tế và trên đường đi họ đã nhận ra da thịt họ đã sạch, họ thật sự được chữa
lành. Sự vâng phục đức tin có sức mạnh của một phép lạ.
Tuy nhiên chỉ có một người quay lại tôn vinh
Thiên Chúa, khi được lành. Mà người này lại là một người Samari. Chỉ có anh
nhận biết được Đức Giêsu chính là tác nhân chữa lành căn bệnh của mình.
Anh thấy có một sự chữa lành sâu xa hơn nhiều so
với việc được chữa lành thân xác. Chính anh đã nhận ra được thiên tính nơi Đức
Giêsu. Vì sự hiểu biết và nhận thức này dẫn đưa anh trở lại chúc tụng và tôn
vinh Thiên Chúa.
Có lẽ trong đời sống, chúng ta cũng nhận thấy
mình cần được chữa lành, không chỉ trong đời sống thể xác, nhưng còn trong đời
sống tinh thần và thiêng liêng nữa. Việc chữa lành này không diễn ra trong chốc
lát, nhưng đi theo chúng ta suốt cuộc đời.
Tương tự như những người phong hủi, trong cuộc
hành trình, chúng ta không thấy Đức Giêsu hiện diện với mình-chúng ta không
thấy Người bằng con mắt trần tục. Nhưng trong niềm tin, Người cho chúng ta biết
Người đang ở đó, ngay bên cạnh chúng ta và sẽ chữa lành cho chúng ta.
Người đang dõi theo từng bước đường chúng ta đi.
Với sự giúp đỡ đắc lực từ phía gia đình, bạn bè, thầy cô giáo… Họ sẽ giúp ta
nhận ra sự chữa lành và đổi mới này, đó mới là con đường đích thực mà hầu như
chúng ta sẽ phải bước tới.
Tuy nhiên đức tin cần được diễn tả bằng lòng
biết ơn.
Những người bệnh đã đến với Chúa Giêsu trong
niềm hy vọng cao độ, Chúa Giêsu chữa lành cho tất cả, 9 người trong số đó đã
không trở lại cám ơn Ngài. Thường là thế, một khi người ta đã nhận được điều
mình mong muốn, người ta không bao giờ trở lại.
Thường
chúng ta hay quên ơn Thiên Chúa.
Trong giờ phút túng cực, chúng ta cầu nguyện
thật hăng say thống thiết, túng cực qua rồi chúng ta quên ơn Chúa. Biết bao
người trong chúng ta không hề biết cảm tạ Chúa trước bữa ăn nữa, Ngài đã ban
cho chúng ta Con Một của Ngài, mà ta lại không bao giờ biết nói lên lời cảm tạ Chúa.
Thật ra, Chúa không cần chúng ta ca tụng, nhưng
được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng ta chẳng thêm gì cho
Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời.
Sở dĩ, Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà
thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban
thêm cho anh ơn phần hồn. Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được
thêm ơn.
Chúng
ta cũng hay quên ơn đồng loại của mình.
Không mấy ai trong chúng ta chưa từng mang ơn lớn đối với
một người nào. Ngay lúc đó, ít ai nghĩ rằng rồi đây mình sẽ quên ơn, và cũng ít
người trong chúng ta đã trả xong nợ tri ân mình đang mắc.
Thường là một người bạn, một người thầy, một người khách qua
đường, hay một bác sĩ đã làm cho chúng ta một ơn gì đó mà chúng ta không thể
báo đáp. Thảm kịch của cuộc đời là người ta không muốn cố gắng để trả ơn!.
Gần
hơn nữa, Con người chúng ta thường hay quên ơn cha mẹ
Họ là những người đã cho ta sự hiện hữu trên
đời, nuôi dưỡng, giáo dục và hi sinh tất cả vì ta, tần tảo sớm hôm để mong con
nên người. Họ không mong đợi nơi ta sự đáp trả xứng đáng nhưng thử hỏi có khi
nào chúng ta đã thể hiện lòng biết ơn, hay nói một lời cảm ơn chân thành phát
xuất từ tấm lòng người con hay chưa?
Lạy Chúa Giêsu, đức tin có sức mạnh
chữa lành, nhưng đức tin đó cần thể hiện cụ thể qua lòng biết ơn. Xin cho mỗi người chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, tạ ơn Chúa, biết ơn người, để cuộc đời chúng con mãi là bài ca tri ân tình thương của Chúa. Amen.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét