19 thg 11, 2013

Sức mạnh lớn lao của Lời Chúa

Deacon KB-Tên, SVD
 Trong Tin mừng theo thánh Luca, “hành trình lên Giêrusalem” như là phần “trọng yếu” của Tin mừng, phần này dài nhất, 10 chương (9,51-19,27) và điệp khúc “trên đường lên Giêrusalem” được lập đi lập lại nhiều lần.
Dù hành trình lên Giêrusalem là “trọng yếu”, nhưng Chúa Giêsu đã không vì thế mà Ngài lơ đi những mảnh đời đang lầm thang vất vưởng. Ngài đã dừng lại, đồng cảm và đồng hành với họ, và đem lại cho họ niềm an ủi.

Ngài đã rẽ vào một hướng khác, mà theo các nhà chú giải thánh kinh, Ngài đã đi qua hướng Đông, biên giới giữa Samaria và Galilê, thay vì đi về hướng Nam là lên Giêrusalem, để rồi Ngài lại gặp được những con người, đã bị loại ra bên lề xã hội. Ngài trao lại cho họ quyền làm người, làm cho họ được xã hội nhìn nhận.
Nhìn vào đời sống của chúng ta, có biết bao người đang lầm thang vất vưởng, có khi nào chúng ta dám hy sinh một chút thời gian, hay việc riêng tư của mình, dừng lại để đồng cảm và an ủi họ. Có bao giờ chúng ta cảm thấy xót thương, như Chúa Giêsu đã xót thương.

Chúa Giêsu, Ngài đã đến trần gian để nếm cảm nỗi khổ của con người, để từ đó Ngài cứu chữa, nâng đỡ. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, tức là đi vào con đường khổ nạn để cứu chuộc con người. Đây sứ mạng “phổ quát” của Chúa Giêsu trong suốt hành trình dương thế.
“Hãy đi trình diện với tư tế”, Ngài đáp lại lời van xin của những ngừoi bị phong cùi. 10 người phong hủi cũng đi trình diện với tư tế, và đang khi đi thì họ được sạch. Điều đó cho ta thấy, việc chữa bệnh được thực hiện từ xa.
Đây là cách làm mà Chúa Giêsu chưa hề làm khi Ngài chữa bệnh một ai. Thông thường Ngài đến gần, đụng vào người bệnh và chữa lành. Có thể nói, đây là việc mà Chúa Giêsu muốn đề cao vai trò của lời Chúa hay nói đúng hơn là đề cao sức mạnh lớn lao của Lời Chúa.
Thế nhưng, để Lời Chúa được thể hiện thì đòi hỏi nơi con người phải có lòng tin. Chính vì tin tưởng vào lời của Chúa Giêsu mà 10 người phong hủi đã đi trình diện với tư tế, và đang khi đi thì họ được sạch.
Lòng tin ấy không dừng lại ở việc chữa lành bệnh tật, mà lòng tin ấy còn thể hiện ở cấp độ cao hơn nữa, là đem lại cho con người ơn cứu độ. “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh,” là lời mà Chúa Giêsu nói với người phong hủi sứ Samaria, khi anh đến sấp mình phủ phục dưới chân của Chúa Giêsu để tạ ơn Người.
Anh được cứu độ bởi vì lòng tin của anh.
Điều đó, không có nghĩa là ta cứ tin thì sẽ được cứu độ, sẽ được vào Nước Trời. Không phải thế, niềm tin của chúng ta không phải là những lời nói suông, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể như người phong hủi Samaria.
Hành động ấy phải thể hiện qua sự xác tín thực sự trong đời sống của mình. Xác tín thế nào được, khi cuộc sống của chúng ta gặp nhiều cắt trở.
Dòng đời, quả thật, không êm ả để ta thực hiện niềm xác tín của mình. Đang khi cuộc sống gia đình ấm êm hạnh phúc, người thân trong gia đình đang sống yên vui với mình hôm qua, bổng dưng hôm nay lại phải lìa thế.
Xác tín thế nào được, khi người vợ hoặc người chồng trong gia đình mang chứng bệnh hiểm nghèo, chưa biết kết cục thế nào, lại tiếp tục đứa con trai duy nhất bị tai nạn. Gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn, túng quẩn.
Dẫu biết rằng, đây là một gia đình rất đạo đức, mọi người trong gia đình thường xuyên đi lễ, thường xuyên giúp việc cho nhà xứ, mà nay lại lâm vào hoàn cảnh đau thương như thế. Sao Thiên Chúa lại để gia đình tôi như thế?
Có những lúc hoàn cảnh cuộc sống làm chúng ta chao đảo, dễ đánh mất đức tin của mình. Đây là một thách đố cho mỗi người chúng ta.
Thế nhưng, trong thực tế, có người đã giữ vững đức tin của mình, họ phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, vì họ xác tín rằng, đời sống của họ ở trần gian này chỉ là tạm bợ, cuộc sống Nước Trời mới là vĩnh cửu, mới là đích điểm họ nhắm tới.
Đức Giêsu đến không giải thích cho chúng ta đau khổ, mà Ngài chấp nhận đau khổ như chìa khóa để bước vào vinh quang. Đây là điểm then chốt cho mỗi người chúng ta, khi đối diện với những bất hạnh của cuộc đời.
Niềm xác tín ấy còn phải thể hiện qua lời tạ ơn. Người phong hủi đã đến tạ ơn Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa, bằng cách anh phủ phục dưới chân Đức Giêsu, một hành động nói lên niềm tin của ông vào Đức Giêsu. Đây là hành động mà con người dành cho Thiên Chúa của mình.
Thì chúng ta cũng vậy, phải thể hiện niềm tin của mình bằng việc tạ ơn và chúc tụng Thiến Chúa, vì Người đã ban cho chúng ta biết bao ơn lành, và đặc biệt nhất là Người đã ban chính Con Một là Đức Giêsu Kitô, để chuộc tội con người chúng ta và đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Và chúng ta cũng biết tạ ơn nhau, đây là điều cần thiết, vì đời sống chúng ta là sống với và sống cùng anh em, chúng ta không thể sống một mình. Mọi người đều là ân nhân của nhau, cho nên chúng ta cần phải biết cảm ơn nhau.
Cuộc đời sẽ trở nên tốt hơn, khi mỗi người chúng ta biết sống với niềm xác tín niềm tin của mình, mà một trong những cách thức để thể hiện xác tín, đó là lòng biết ơn Thiên Chúa qua lời tôn vinh, tạ ơn; biết ơn nhau qua cách đối xử với nhau bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái.
Một cử chỉ nhỏ mọn, nhưng nếu được làm với tất cả yêu mến sẽ không bao giờ qua đi. Làm tất cả mọi việc và sống hết mình vì tình yêu Chúa Giêsu. Amen.
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét