23 thg 11, 2013

Những điều nghịch lý của một vị vua

Chúa nhật 34 TN.C  LỄ CHÚA KITÔ VUA
Deacon Tiền Lê, SVD
 Chúa nhật 34 kết thúc năm phụng vụ 2013. Giáo hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu Kitô trong vai trò của một vị vua.
Quả thực khi nghe bài Tin mừng về ngày lễ Đức Kitô vua vũ trụ tôi cứ phân vân, không biết phụng vụ Giáo hội có sự nhầm lẫn nào chăng? Lẽ ra trong ngày lễ đăng quang trọng đại thế này, phải đọc một bài diễn văn để kể về những công trạng, những thành tích, hay ít nhất là nói về một vài khả năng nào đó của nhân vật được tôn phong làm vua mới đúng.

Trái lại, gần như tất cả nội dung bài Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến những thất bại, những đau khổ của tên tử tù Giêsu mà thôi. Đó là một nghịch lý? Vậy, đâu là điểm mấu chốt để chúng ta tuyên nhận rằng: Đức Giêsu Kitô là vua vũ trụ?
Những nghịch lý của ngày đăng quang vua Giêsu
Trải theo dòng lịch sử Kinh thánh cũng nhiều lần nói về Ngài như một vị vua đích thực. Trong ngày truyền tin, sứ thần Gabriel nói với Đức Maria: Người con bà sinh ra sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao.
Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn thuở muôn đời (Xc. Lc 30,33).
Khi tiến vào thành thánh Giêrusalem, người Do thái đã không ngớt lời tung hô Ngài như một vị vua: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”; “hoan hô con vua Đavít”. Quả thực, Ngôn sứ Dacaria đã nói về sự xuất hiện của Ngài như một vị vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa (Dcr 9,9).
Và trong ngày bị xử án chính Ngài cũng xác nhận với Philatô: “Tôi là vua”(Ga 18,37). Trong cuộc đời rao giảng, Ngài luôn tỏ ra như một Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm, không chỉ trên con người, mà còn trên cả thiên nhiên, vạn vật và vũ trụ nữa.

Đó là tất cả bằng chứng thể hiện Ngài là một ông vua đích thực. Tuy nhiên, điều khiến chúng ta cảm thấy nghịch lý ở đây là bài Tin mừng có vẻ đang nói về một tên tử tù hơn là một vị vua.
Rõ ràng Tin mừng mà chúng ta vừa nghe đã mô tả những chi tiết về bản án của một tên tử tù. Ngài bị kết án tử, chân tay bị đóng dính vào thập giá, thân trần trụi chịu bao nhục hình. Ngược với y phục lộng lẫy của một vị vua chúa trần gian, áo gấm lông bào, oai vệ.
Ngài bị bêu xấu và bị thách thức: “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy tự cứu lấy mình đi”; “Hắn cứu được người khác mà không cứu được mình” (Lc 23,37.39). Chúng ta thử tưởng tượng một cảnh vực náo loạn dưới chân thập giá Chúa lúc đó.
Dân chúng đứng nhìn, các thủ lãnh buông lời cười nhạo, lính tráng chế diễu, còn quan Philatô cho viết một tấm bảng rồi gắn lên phía trên đầu Người: “Đây là vua dân Do thái”, không phải để tôn vinh mà là để nhạo báng Ngài.
Một trong hai tên trộm cướp cũng nhục mạ Ngài: “ông không phải là Đấng Kitô sao?” Đó chỉ là những thái độ, những lời lẽ dành cho một tội đồ hơn là một ông vua. Vậy, tại sao Ngài được gọi là vua? Bởi vì Ngài là một con người khiêm tốn, hiền hòa và yêu thương.
Một vị vua khiêm tốn, hiền hòa
Đức Giêsu là một vị vua của sự hiền lành và khiêm tốn. Trên thập giá Người bị nhục mạ, chế diễu, khinh bác đủ điều, thậm chí bị thách thức để chứng tỏ quyền lực, sức mạnh của một vị Thiên Chúa là xuống khỏi thập giá để đè bẹp đối phương.
Nhưng không, Ngài đã lặng thầm trong khiêm tốn, dẫu khổ đau. Ngài đã để cho những kẻ chống đối mặc sức gào thét, sĩ vả, sổ toẹt và đánh đập mà không một lời ai oán biện minh cho sự oan sai của mình. Ngôn sứ Isaia đã mô tả sự hiền lành, khiêm tốn và ý nghĩa thâm sâu từ sự đau khổ của Ngài như sau:
Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca;
Như chiên bị đem đi làm thịt; như cừu câm nín khi bị xén lông
Người chẳng hề mở miệng.
Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi thủ tiêu.
Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh.
Vì tội lỗi của dân, Người bị đánh phạt.
Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn.
Bị mại táng giữa những người giàu có, dầu chẳng làm chi tàn bạo.
Và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53,7-9).
Như thế, Ngài đã dùng sức mạnh của sự đau khổ để chinh phục thế giới. Ngài đã khiến kẻ thù phải ngã quỵ trước đức hiền hòa và sự khiêm nhu. Cuối cùng Ngài đã trở thành vị chúa tể, vua cả trời đất, vạn vật, muôn loài dưới tước hiệu Vua yêu thương.   
Một vị vua yêu thương
Vào khoảng năm 50 của thế kỷ XX, có một bộ phim rất nổi tiếng với tựa đề: “Vua các vua”. Bộ phim này đã thu hút sự chú ý của tỉ khán giả trên thế giới. Chính vì lý do đó mà đạo diễn Will Roge đã phải thốt lên: “Bạn không bao giờ có thể có được một cuốn phim nào vĩ đại hơn, bởi bạn không thể nào tìm được trên thế gian này một nhân vật vĩ đại hơn Đức Giêsu”.
Điều đặc biệt là bộ phim đã cuốn hút sự quan tâm theo dõi của những người đau khổ, và các bệnh nhân. Có một nữ bệnh nhân mặc dầu kiệt sức đang nằm nhà thương, nhưng bà đã được y tá đặt ngồi trên xe lăn đưa tới hội trường để xem phim và sau khi xem xong bà đã thì thào với cô y tá, nhờ cô viết lại lời của bà để gửi cho đạo diễn như sau:
“Cám ơn ông, cuốn phim Vua các vua của ông đã cho tôi niềm tin và sức mạnh thần kỳ để tôi không còn cảm thấy đau đớn, thất vọng nữa. Tôi đã tìm lại được niềm hy vọng nơi vị vua nhân lành của ông. Chính Ngài sẽ ban cho tôi được sống. Bởi tôi tin vào tình yêu và sự quảng đại của Ngài”.
Chúng ta không thể nào hình dung nỗi sự quảng đại và tình yêu cao cả của Ngài dành cho nhân loại. Ngài yêu thương cả kẻ thù, hiến mạng vì người tội lỗi; cầu xin, tha thứ cho kẻ giết mình.
Chính bởi tình yêu cao thượng ấy mà trong giờ phút chân tay bị đóng dính vào thập giá Ngài vẫn mở lòng để đón nhận một tội đồ khét tiếng trở về, tên trộm lành và ban cho anh ta một gia tài vĩnh cửu.
Chúng ta thường biết đến anh trộm lành này như một kẻ cơ hội, một người may mắn, người trúng số. Vì chỉ với một lời cầu xin: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi”. Nhưng quả thực, đời không đơn giản thế đâu!
Dầu chỉ một câu nói đơn sơ, nhưng đó là tất cả niềm tin, sự hy vọng kèm theo cả một thách đố lớn. Bởi vì giữa tiếng ồn ào của đám đông sách động, giữa những tiếng kêu ai oán của tội ác, giữa sự cuồng loạn của đám người chống đối, thì lời cầu xin của anh trộm lành trở thành bản tụng ca uy quyền của Đức Chúa. Nói cách khác, giữa lúc sự nghi kỵ của loài người đạt tới đỉnh cao, không còn một ai dám tin vào kẻ bị đóng đinh vào thập giá như bao tên tội đồ khác.
Trong lúc gần như Ngài đang chuốc lấy sự thảm bại ê chề, thì anh trộm lành vẫn một niềm xác tín Ngài là chúa tể của vương quốc vĩnh hằng. “Thật ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi” (Lc 23,43).
Như thế, thêm một lần Ngài đã chứng minh sức mạnh của tình yêu đã cứu độ anh trộm lành. Ngài đã mở cửa thiên đàng cho anh ta khi mà chân tay đang còn bị khóa chặt vào thập giá. Ngài đúng là vị chúa tể của tình yêu. Là vua muôn vua chúa các chúa, bởi đã thắng thế gian bằng đau khổ, sự chết và tình yêu.
Bài học  
Lời kẻ trộm lành nói với kẻ chịu đồng một án: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”(Lc 23,41). Có khi nào trong cuộc đời của chúng ta, nhất là những lúc gặp đau khổ, tai ương hoạn nạn mà ta đủ can đảm để thưa lên một lời như anh trộm lành này không, hay ta lại than trách, ai oán Chúa? Lạy Chúa con đã làm gì nên tội? Tại sao con phải rơi vào hoàn cảnh bi đát như thế?
Bài học về sự khiêm nhường từ thập giá của Đức Giêsu hôm nay, nhắc nhở cho những lần chúng ta muốn tính toán sòng phẳng theo kiểu người đời. Nhất là khi đứng trước một sự bất công, hay bị ức hiếp, bị chà đạp, bị xúc phạm bởi những kẻ lộng quyền.
Chúng ta thường cầu mong chúa ra tay uy quyền làm một vài phép lạ nào đó để khử trừ những kẻ dám ức hiếp dân lành, gây ra tội ác. Hãy noi gương Ngài để trở thành người môn đệ thân tín và sẽ chinh phục được đối phương bằng tình yêu, sự nhân lành và lòng quảng đại.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét