Deacon
DuyThạch, SVD
Chuyện kể
rằng: Có một anh trai làng yêu tha thiết một cô thôn nữ. Họ hẹn ước sẽ cùng
nhau đi đến cuối cuộc đời. Nhưng chẳng may chiến tranh nổ ra. Chàng phải tạm
chia tay nàng, lên đường tòng quân để bảo vệ quê hương, xóm làng.
Và họ
cũng biệt tin nhau từ sau lần chia tay ấy.
Cho đến
một hôm, chàng trai lúc bấy giờ đã là một đại tá quân đội, bỗng bất ngờ dẫn một
toán quân đến bao vây một tu viện nữ. Đại tá ra lệnh: tất cả các nữ tu phải ra trình
diện, bởi vì có một kẻ thù rất nguy hiểm đang lẩn trốn trong tu viện này.
Khi tất
cả các nữ tu đều tập trung ở đại sảnh, vị đại tá bất ngờ tiến đến trước mặt người
yêu cũ cùa mình, bấy giờ đã là một nữ tu, và nói rằng: “Soeur ơi! Tại sao Soeur
lại hy sinh tuổi thanh xuân của mình, để chọn một lối sống khắc khổ, thiếu thốn
như vậy. Soeur hy sinh cực khổ như vậy, lỡ như sau cuộc đời này không có thiên
đàng thì sao?
Vị nữ tu
nhẹ nhàng đáp lời đại tá rằng: “Vâng xin cám ơn đại tá. Đại tá cứ ăn chơi, cứ hưởng
thụ, cứ sống sung sướng đi…” lỡ như sau cuộc đời này có hỏa ngục thì sao? Vị đại
tá không nói một lời nào và buồn bã rút quân khỏi tu viện.
Cuộc
tranh luận về một sự sống phía bên kia cái chết luôn là một cuộc tranh luận hết
sức căn bản và thiết yếu của con người. Bởi lẽ, quan niệm về việc có hay không
một sự sống phía bên kia cái chết, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lẽ sống và lối sống
của một con người.
Phụng vụ
Lời Chúa ngày hôm nay nhắc lại cho chúng ta về xác tín căn bản của giáo hội
Công Giáo về sự sống đời sau.
Bài đọc
I trích từ sách Macabe, quyển thứ hai, ghi lại những chứng từ quan trọng của 7
anh hùng tử đạo người Do thái. Trước những khuyến dụ, đe dọa, và tra tấn của
vua An-ti-ô-khô, cả bảy anh em đều kiên định và xác tín niềm rằng: “bởi lẽ chúng
tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng
sự sống đời đời…
Thà chết
vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người
cho sống lại. "
Trong
bài Tin Mừng, trước vấn nạn hóc búa mà nhóm Sa-đốc đặt ra, Đức Giê-su đã đưa ra
những giáo huấn rất quan trọng về sự sống đời sau. Thứ nhất, "Con cái đời
này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống
lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.
Thứ hai,
“họ không thể chết nữa vì được ngang hàng với các thiên thần”. Thứ ba, “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con
cái sự sống lại”; “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên
Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
Qua câu
trả lời ấy, Chúa Giê-su cung cấp cho chúng ta những nền tảng đức tin về chính
Thiên Chúa và chính phận người. Thiên Chúa không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết
nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Quả vậy,
thuở ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người là để con người được sống hạnh phúc
vĩnh viễn với Người. Như vậy, lúc đầu con người không phải đau khổ và không phải
chết. Nhưng rồi, con người đã bất tuân phục Thiên Chúa, và đã chuốc lấy những hậu
quả của lỗi lầm ấy, mà hậu quả của nặng nề nhất chính là sự chết.
Và để cứu
con người khỏi những nỗi đau khổ triền miên, đặc biệt là sự chết đời đời, Đức
Giê-su, Con một Thiên Chúa đã chấp nhận xuống thế làm người. Nhờ cái chết và sự
phục sinh của Người, con người lại được thắp lên niềm hy vọng một sự phục sinh
và sự sống vĩnh cửu đời sau.
Chính Đức
Giê-su đã hứa rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy,
thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải
chết” (Ga 11,25-26). Sự phục sinh của Đức Giê-su chính là bảo chứng và là nền tảng
cho đức tin mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác sống lại
và sự sống vĩnh cửu”.
Như vậy,
chấp nhận chân lý của một cuộc sống vĩnh cửu sau cái chết là chấp nhận cuộc đời
dương thế của mỗi người chúng ta dù có dài, có thọ lắm đi nữa thì cũng chỉ là một
phần nhỏ của cả cuộc đời sau cái chết. Phần chính yếu của cuộc đời chúng ta là
phía sau cái chết. Đó là một cuộc sống vĩnh viễn.
Người Ả
rập có câu truyện như sau : Khi Ibrahim còn cai trị lãnh thổ Balk (nay là một
vùng ở miền bắc Afhganistan) và được coi như một vị thánh vương, ngày kia có một
tu sĩ thuộc tông phái sufi đến yết kiến.
Nhà vua hỏi :
- Thầy cần
gì ?
Tu sĩ
đáp :
- Thần
xin bệ hạ chỗ ngủ trong quán trọ này.
Vua phì
cười :
- Đây là
hoàng cung của ta, đâu phải quán trọ ?
Tu sĩ tỉnh queo hỏi :
Trước bệ hạ, ai làm chủ nơi này ?
- Cha ta, nhưng đã qua đời !
- Vậy, trước tiên vương là ai ?
- Ông nội ta, dĩ nhiên đã qua đời trước cha ta.
- Tâu bệ hạ, như vậy nơi đây thật sự chỉ là chỗ tạm trú một thời gian, thế nên các vị
tiên vương đều phải lần lượt ra đi. Bệ hạ cũng sẽ giống y như thế mà thôi. Vậy sao ngài cho rằng nơi đây không phải là quán trọ ?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã có một cảm nhận rất
sâu sắc về phận người và thế giới bên kia: “Con Chim ở đậu cành tre; con cá ở
trọ trong khe nước nguồn; tôi nay ở trọ trần gian; trăm năm về chốn xa xăm cuối
trời” (ca khúc “Ở trọ”).
Thánh Phao-lô thì dạy như vậy: “Nếu ngôi nhà của
chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở
do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người
thế làm ra.” (2Cr 5,1); “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng
mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta.” (Pl 3,21)
Chúng ta đang ở trong tháng cầu nguyện cho các
linh hồn. Lời Chúa hôm nay gợi lại cho chúng ta về cùng đích và nơi chốn vĩnh cửu
của cuộc đời mình. Cùng đích của chúng ta chính là Thiên Chúa; nơi chốn vĩnh cửu
của chúng ta là cõi phúc thiên đàng, nơi chúng ta được hưởng hạnh phúc suốt đời
với Chúa và với anh chị em mình.
Con tin
rằng tất cả mọi người trong nhà thờ này đều tin như thế. Vấn đề là niềm tin ấy
có thật sự ảnh hưởng trên lối sống của mỗi người chúng ta hay không? Chúng ta
có đã và đang chọn lựa những giá trị của Nước Trời? Hay vẫn còn vun vén cho những
đam mê trần thế?
Sắc đẹp
rồi cũng tàn phai, thân xác này rồi cũng tan thành tro bụi. Tiền của rồi cũng mục
nát. Người có tài năng, địa vị, chức quyền rồi cũng đến lúc nghỉ hưu. Chỉ có một
điều duy nhất sẽ tồn tại mãi, sẽ theo chúng ta mãi cho đến cả đời sau nữa.
Đó chính
là tình Chúa và tình người. Nếu chúng ta không có tình Chúa và tình người thì
chắc chắn chúng ta không thể sống trong vương quốc Thiên Chúa được.
Xin Chúa
ban ơn biến đổi để mỗi người chúng ta luôn sống thân tình với Chúa bằng cách
siêng năng tham dự Thánh Lễ và đời sống kinh nguyện hằng ngày. Hoa trái của một
đời sống thân tình với Chúa là những nghĩa cử yêu thương chúng ta dành cho anh
chị em mình.
Một khi
nghĩa cử yêu thương, hành vi bác ái càng gia tăng, thì lòng thù hận, cái ác, sự
đau khổ càng được giảm thiểu.
“Ngọt
ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Ước mong
rằng mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được niềm vui sống tình Chúa tình người để
rồi sẵn sàng dấn thân, xây dựng, vun đắp cho gia đình, cho giáo xứ, cho xã hội
ngày càng êm ấm, hạnh phúc hơn.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét