9 thg 11, 2013

Vấn Nạn Về Sự Sống Đời Đời

CHÚA NHẬT 32 TN. C
Deacon Tiền-Lê, SVD
 Có rất nhiều vấn nạn được đặt ra cho con người ở mọi thời đại xung quanh việc kẻ chết sống lại. Thiết nghĩ mỗi người chúng ta cũng đã từng trăn trở về mục đích và nghĩa đời người là gì?
Quả thực đó là những vấn đề không đơn giản chút nào. Có hay không kẻ chết sống lại? Nếu có thì cuộc sống đời sau sẽ như thế nào? Làm sao để có thể đạt đến sự sống vĩnh cửu ở đời sau? v.v. Hy vọng các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, giúp chúng ta giải đáp được phần nào những thắc mắc đó.

Kẻ chết có thực sự sống lại hay không?
Rất tiếc là không ai trong chúng ta đã trải qua kinh nghiệm về cái chết để giờ đây có thể khai mở những bí ẩn, những vấn nạn đằng sau cái chết cho chúng ta.
Như thế Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về cái chết dựa trên nền tảng lời Chúa mặc khải qua các bài đọc của chúa nhật 32 thường niên này, đồng thời dựa vào chính kinh nghiệm đức tin mà Giáo hội dạy qua kinh Tin kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”
Sau khi chết con người có thực sự sống lại hay không? Đây là một vấn nạn được đặt ra từ ngàn xưa. Trải qua mọi thời đại con người không ngừng nỗ lực đi tìm câu trả lời, nhưng không một giải đáp nào thỏa đáng. Nhiều người đã dùng hình ảnh dưới đây để ví von với mục đích gợi mở và khai sáng nhằm giúp vấn đề dễ hình dung hơn.
Có một bào thai (song thai), một trai một gái. Một ngày kia sắp đến giờ phút chào đời, tức là cả hai sẽ phải rời bụng mẹ để sinh ra đời. Trẻ trai nói với bé gái: không biết cuộc sống trần gian thế nào nhỉ? Bé gái trả lời: cả chị và em đều chưa một ai có kinh nghiệm về cuộc sống ở trần gian cả. vì ai cũng: “một cõi đi về” (Trịnh Công Sơn).

Ngay cả những anh chị ra đời trước chúng ta, khi đã rời khỏi nơi đây cũng không bao giờ quay trở lại đây (bụng mẹ) để nói với chúng ta về sự sống ở trần gian và những gì xẩy ra ở đó, thì làm sao chúng ta có thể hình dung được. Cũng như rồi đây khi chúng ta rời khỏi đây thì không bao giờ trở lại nữa. Cũng thế, không một ai ở trần gian có kinh nghiệm thực sự về sự sống đời sau, vì không ai trở lại trần gian sau khi chết.
Vậy chúng ta dựa vào đâu để đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn này?
Minh họa về sự sống lại: lần kia khi giảng tuần đại phúc cho một giáo nọ tại giáo phận Huế, linh mục Ngô Phúc Hậu đã giải thích thế này khi có mấy người thắc mắc về việc kẻ chết sống lại.
Ngài đã trả lời bằng cách nêu các câu hỏi liên quan để dẫn dắt họ đến điều họ cần, ngài hỏi: - Thế các anh có tin là Thiên Chúa dựng nên trời đất, muôn vật muôn loài không? Họ đáp: dạ tin.
Ngài tiếp: - Vậy các anh có biết là một số loài động vật có một chu trình đời sống rất độc đáo không? Tức là sự sống trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như một số loài sâu bọ, con nhọng tằm, con tò vò, sau một giai đoạn sống, chúng làm tổ xây kén, ở trong kén, sau đó nó lại hồi sinh trở thành con bướm có thể bay tung tăng trên bầu trời, đi tìm hoa hút mật không?
Họ đáp: dạ biết. Vậy các anh có thấy là con người cao quý hơn mọi loài vật, kể cả động vật bậc cao không? Họ thưa: Dạ, con người quý giá hơn muôn vàn thụ tạo khác.
Ngài kết luận: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa chỉ dựng nên con người và chỉ ban cho họ cuộc sống vật chất ở đời này mà không có hạnh phúc đời sau thì quả là một điều hết sức phi lý. Con người là hình ảnh Thiên Chúa thì con người phải được sống lại để được hưởng sự sống đời đời như Thiên Chúa.
Câu chuyện trên giúp chúng ta phần nào hình dung rõ hơn về niềm tin của 7 anh em chịu tử đạo trong sách Macabê mà chúng ta vừa nghe. Bởi vì tin vào sự sống đời sau, nên họ dám chấp nhận những hình phạt, với sự tra tấn dã man của nhà vua.
Nếu không xác tín một cách mạnh mẽ thì làm sao họ có thể can đảm dám chết để trung thành với Lề luật của Chúa được. Động lực nào khiến cho họ trở thành những vị anh hùng trước đòn vọt của lý hình?
Điều gì khiến họ dám chỉ thẳng vào mặt vua Antiôkhô là: “Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (2Mc 7,14), đó chẳng phải là sức mạnh của niềm tin vào sự sống đời đời sao?
Nếu có sự sống đời sau thì đời sống đó sẽ như thế nào?
Trở lại với bài Tin mừng, chúng ta thấy nhóm Xađốc chất vấn Chúa Giêsu về việc có hay không sự sống đời sau, và họ muốn biết sự sống đời sau diễn ra như thế nào qua câu hỏi: Sau khi sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong số 7 người đàn ông kia? (Xc, Lc 20,33).
Chúa Giêsu cùng một lúc trả lời cho họ hai vấn nạn: có sự sống lại, bằng chứng mà Ngài trưng dẫn là chuyện ông Môsê đã gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp trong đoạn văn nói về bụi gai. (Xc, Lc 20,37).
Sau đó Ngài khẳng định với họ: “người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. vì đối với Người tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). Và trước đó Ngài đã giải đáp thắc mắc của họ về sự khác biệt của sự sống đời này và đời sau.
Những người Xađốc đã liên hệ việc cưới vợ, lấy chồng ở đời này để bắt bẻ Đức Giêsu về sự sống đời sau. Nhưng Đức Giêsu đã giải đáp thắc mắc cho họ bằng sự khẳng định: Sự sống đời sau của con người giống như các thiên thần chứ không như họ nghĩ.
Đức tin của con người thời nay vào sự sống đời sau
Thực ra đây vẫn còn là một thách đố lớn đối với tất cả con người ở mọi thời đại, chứ không riêng gì chúng ta. Sở dĩ những người thuộc nhóm Xađốc chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề này là bởi vì trong thâm tâm họ không tin vào sự sống đời sau, nên họ muốn cài bẩy Chúa Giêsu. Còn đối với chúng ta thì sao?
Nếu không tin có sự sống đời sau thì chúng ta ngồi đây để làm gi? Tất cả những cố gắng hy sinh, nỗ lực bác ái, công bằng hằng ngày mà ta thực hiện đều vô nghĩa, nếu không có niềm tin vào sự sống vĩnh cửu.
Người Việt nam ta có câu: “Chết là thể phách, còn là tinh anh”. Chúng ta nghĩ gì về câu nói của các bậc tiền nhân: “sinh ký, tử quy”, sống gửi, chết về? Nếu chết là hết thì cần gì phải mất bao nhiêu công sức, tiền của để tìm kiếm thi thể chị Huyền trên sông Hồng ở Hà nội, trong vụ bác sỹ Tường phi tang nạn nhân để làm gì?
Nếu chất là hết thì người ta cần gì phải tốn công xây mồ yên mả đẹp với hàng trăm tỉ đồng cho một ngôi mộ ở Hải Dương, hay ở Trung Quốc mà báo chí nườm nượp đưa tin về sự phung phí của các đại gia trong thời gian vừa qua?
Đối với người Công giáo chúng ta: chết không phải là hết mà mở ra một nguồn sống mới, một niềm hy vọng về hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chúng ta luôn xác tín rằng phải có sự sống đời sau, nếu không thì tất cả mọi cố gắng, nỗ lực, hy sinh về công bằng bác ái, yêu thương và những thiệt thòi ở đời này sẽ trở nên bất công, vô nghĩa và phi lý không thể chấp nhận được.
Chúng ta tin tưởng rằng trong cuộc sống mai hậu, Thiên Chúa sẽ thưởng công và trả lại sự công bằng cho tất cả những hy sinh cố gắng của mỗi người chúng ta hôm nay.
Vì tin vào sự sống đời sau, mà Giáo hội mời gọi chúng ta làm nhiều việc lành, hưởng nhiều ân xá để trao tặng cho các linh hồn đang cần đến lòng Chúa xót thương, đang phải thanh luyện và chờ ngày về hưởng kiến nhan Chúa trên thiên quốc.  
Với niềm tin tưởng vào sự sống lại, chúng ta cố gắng hy sinh và làm thật nhiều việc lành, hươingr nhiều ân xá để chỉ cho các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện ở chốn luyện hình để họ sớm được về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa nơi cuộc sống bất diệt.
Thiết nghĩ không ai trong chúng ta có một mảy may nào nghi ngờ về sự sống lại, nhưng chỉ khác nhau ở cấp độ xác tín. Xin cho tất cả mọi người chúng ta có một niềm tin và niềm hy vọng thật mạnh mẽ để chúng ta nỗ lực sống tốt ở đời này và mai ngày được hưởng sự sống lại trong vinh quang với Thiên Chúa. Amen.
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét