Deacon Tương Lai, SVD
“Thật,
thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn
trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Tre già măng mọc”.
Chết là
một chân lí, đời người chỉ có một lần chết mà thôi. Như một nhà thơ nào đó đã
nói: Chết làm sao cho khỏi tiếng ố danh.
Bởi vì : “Chết ốm
đau là cái chết thường tình,
Già mà chết là lẽ
đời phải chết.
Chết vì tình là đời
đời mạt kiếp,
Chết vì ăn là cái
chết đê hèn.
Con người chết vì
lí tưởng cao đẹp, vì đức tin.
Ôi cái chết thiêng
liêng cao cả!
Chết một ngày mà để
muôn ngàn thuở.
Cái chết này thiên
hạ phải nghiêng mình”.
Đúng
vậy, hôm nay
Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể “Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Chúng ta
hợp với các ngài để tạ ơn Chúa đã gieo trồng trong Hội thánh Chúa ở Việt Nam
bằng những dòng máu anh hùng, và tôn vinh Cha ông với niềm tự hào về sức mạnh
toàn thắng của Thánh Giá Chúa Kitô.
Nhìn lại
cuộc đời của các thánh Tử Đạo Việt Nam, nhìn lại thời gian Giáo hội bị bách hại
và những cuộc trở lại đạo sau đó, Sử gia Tertulianô đã viết: "Máu
của những vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu."
Các anh hùng tử đạo là những người đã từng
sống trên mảnh đất Việt Nam này như chúng ta, cùng một phong tục, một
nền văn hoá, cũng có những tình cảm, những yếu đuối…, nhưng các ngài đã làm nên
những việc phi thường qua cuộc sống trung thành với Chúa, với Giáo hội cho đến
cùng, bất chấp mọi gian lao thử thách. Các ngài đã chấp nhận tất cả những
thương khó trong đời theo Chúa Giêsu, để ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha được
thực hiện, cho mình và cho mọi người.
Nếu chúng ta biết
được các hình phạt của các thánh tử đạo đã trải qua, chúng ta mới thấy được
lòng trung kiên của các ngài.
- Những hình phạt
nhẹ nhất là bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ
đói cho tới chết.
- Nặng hơn một chút
thì bị voi giày xéo, bị trói vào đá dìm xuống sông, bị chôn sống, bị đổ dầu
đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng.
- Quyết liệt hơn
thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc thiêu sống.
- Ác liệt nhất là
bị xử lăng trì (phanh thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt theo
từng nhịp trống đánh cho tới chết).
Dù các hình phạt
khủng khiếp như vậy, nhưng các ngài không để cho mình bị mua chuộc, không để
cho mình bị khuất phục. Tiền bạc không làm cho các Ngài mù tối. Khổ đau không
làm cho các ngài chùn bước, nhục hình không làm cho các ngài ngã qụy, và ngay
cả cái chết cũng không uốn cong được lòng trung tín của các Ngài.
Vậy thử hỏi vì ai,
vì động cơ và nghị lực nào khiến các ngài can đảm chịu đựng những cực hình dã
man và hân hoan bước ra pháp trường như thế ? Như hình ảnh của thánh Lô-ren-sô
Ngôn một trong các vị thánh trẻ tuổi nhất mới 20 tuổi dám hy sinh vợ trẻ con
thơ và mạng sống của mình. Hay hình ảnh của thánh Micae Hồ Đình Hy một vị quan
lớn ở triều đình. Trước khi đưa đầu mình cho lý hình, ngài đã hiên ngang rửa
tay chân, sửa soạn lại đầu tóc, y phục cho chỉnh tề.
Vâng, chính Đức
Kitô bị treo trên thập giá là tấm gương và là động cơ duy nhất giúp các ngài can
trường thể hiện niềm tin của mình.
Trong thời đại của
chúng ta, những cảnh hành hình tàn bạo và sự bắt đạo của các chính quyền có lẽ
cũng ít và dĩ nhiên, phúc tử đạo bằng máu đào có lẽ cũng hiếm. Với bản tính tự
nhiên của con người, người ta chỉ để ý đến những việc phi thường còn những công
việc hàng ngày trong cuộc sống người ta lại ít quan tâm. Chính vì vậy mà chúng
ta không nhận ra rằng chúng ta cũng đang tử đạo hàng ngày, hàng giờ và cuộc
sống của chúng ta cũng là một chuỗi ngày tử đạo.
Vâng, trong cuộc
đời:
- Chính khi ta biết
chấp nhận sự thiệt thòi mất mát chỉ vì mình là người Kitô hữu nên không được
thăng quan tiến chức trong cơ quan xí nghiệp….chẳng hạn, như thế là ta đang tử
đạo.
- Chính khi ta biết
chấp nhận sự coi rẻ khinh thường của bạn bè, của người đời…, như thế là ta đang
tử đạo.
- Chính khi ta biết
yêu thương và tha thứ cho hết mọi người kể cả những đối thủ đang tìm cách ám
hại ta… làm như thế là ta đang tử đạo.
- Chính khi ta biết
hy sinh, chấp nhận nhau; cha mẹ hy sinh cho con cái, ngược lại con cái biết
hiếu thảo với cha mẹ; vợ chồng biết hy sinh và chấp nhận nhau mọi chuyện trong
yêu thương…, làm như thế là ta đang tử đạo.
Tất cả đều là những
chứng tá tuyệt vời có giá trị, nếu như chúng ta có đủ ý thức biết hướng Thiên
Chúa. Động lực của chứng tá tử đạo là yêu thương tột bực nhất là đức ái, là mến
Chúa yêu người cao cả nhất. Mà tình yêu một khi đã đạt tới cao điểm thì có một
sức mạnh phi thường.
Do đó “Tình yêu
hùng mạnh như tử thần, lòng ghen tị của tình yêu mãnh liệt như âm phủ. Ngọn lửa
tình yêu là ngọn lửa hào hùng nung nấu. Tình yêu dù thác lũ cũng không thể dập
tắt, dù Hồng Thủy cũng không thể nhấn chìm”
(Dc 8,6).
Có hiểu được điều đó, mới khỏi ngạc nhiên
trước thái độ của các thánh tử đạo, trước bách hại, trước cực hình ô nhục đau
thương, và trước cái chết khốc liệt rợn rùng. Vinh quang thay những chứng nhân
anh hùng dám hi sinh vì chân lí đức tin.
“Chết
một ngày mà để muôn ngàn thuở,
Nêu
cái gương cho hậu thế chiếu soi”.
Mừng Lễ
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội luôn vững tin
vào Thiên Chúa và luôn xác tín rằng, chính Chúa Giêsu đã Sáng lập Giáo hội và
cửa địa ngục sẽ không bao giờ thắng nổi.
Ước gì lời Chúa hôm nay, cũng như hình ảnh các thánh tử
đạo mà chúng ta mừng kính sẽ là “Kim Chỉ Nam” hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.
Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin cho mỗi
người, mỗi gia đình biết noi gương các thánh luôn trung thành và yêu mến Chúa,
sống đời đạo đức gương mẫu, để ngày kia chúng ta được sum vầy trong Nước Chúa,
bên Các Thánh Tử Đạo cha ông của chúng ta. Amen.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét