Duy Thạch SVD.
"Một
trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông
không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!
" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy
mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!Chúng ta chịu như thế này là
đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!
" Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi! " Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng." (Lc 23,39-43).
Có hai tên trộm cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su nhưng chỉ có một tên
trộm được vào Nước Thiên Đàng.
Đó là một
tên trộm siêu hạng bởi lẽ anh ta không những chỉ đánh cắp của cải của người
khác nhưng còn đánh cắp cả Nước Thiên Đàng. Trong một phút chốc ngắn ngủi,
trong một vị thế hết sức bất lợi, anh ta vẫn có thể xoay sở để lấy được một món
hời cần thiết cho cả đời anh.
Có lẽ anh
ta cũng không thể ngờ được, đánh cắp Nước Thiên Đàng lại dễ dàng đến thế. Chỉ
một câu nói vọn vẹn 9 từ, anh ta đã chiếm trọn trái tim của Đức Giê-su, một kho
tàng và một vị trí vĩnh viễn trên Nước Trời.
Tuy
nhiên, nếu nghĩ cho kỹ thì câu nói ấy quả thật không phải là một câu nói tầm
thường mà bất cứ ai cũng có thể có được. Đó là một câu nói biểu lộ một đức tin
tuyệt vời nhất.
Nó tuyệt
vời ở điểm nào? thưa nói tuyệt vời khi được đặt vào khung cảnh ấy, không gian ấy,
thời gian ấy.
Đối với Đức
Ki-tô, một vị vua tình yêu, thì thời điểm ấy chính là thời vàng son, là đỉnh cao của
triều đại Ngài; khi mà Ngài có thể biểu lộ một tình yêu đạt đến cảnh giới cao
nhất: "Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người dám hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Đó cũng chính là lúc mà
vua Ki-tô chuộc tội nhân loại, mang tất cả tội tội nhân loại vào mình mà đưa
lên cây thập giá.
Vậy đó
không phải là thời điểm tốt nhất để xóa hết tội lỗi của nhân loại đó sao? tội lỗi
của tên trộm thì có xá gì đâu!Ngay cả những người mưu đồ giết hại Ngài, Ngài
cũng sẵn sàng tha thứ: "Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ
làm" (Lc 23,33).
Nhưng vấn
đề là vào thời điểm ấy có ai dám tin rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ. Khi mà:
"Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn
đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên
Chúa, là người được tuyển chọn! "Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại
gần, đưa giấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì
cứu lấy mình đi! " Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là
vua người Do-thái."
Ngay cả
"một tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông
không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!
Cũng
đúng, dưới cái nhìn của nhân loại thì Đức Giê-su xem như là một vị ngôn sứ thất
bại; chẳng cứu nổi mình thì còn cứu được ai?
Thế mà,
chẳng hiểu sao lại có một con người, đi ngược lại hết mọi quan niệm của nhân loại
để bày tỏ niềm tin vào Đức Giê-su. Đó là người trộm lành. Phải gọi là người trộm
thánh mới đúng. Anh ta tin rằng Đức Giê-su vẫn là Đấng cứu độ. Anh ta tin rằng:
Nước của Đức Giê-su không thuộc thế gian này. Anh ta tin rằng Đức Giê-su có khả
năng cứu anh ta.
Và quả
đúng như lời Đức Giê-su đã nói: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống" (Ga 11,25). Người
trộm thánh đã có được đức tin ấy và anh ta lập tức được sống với Đức Giê-su
trên thiên đàng.
Người ta
đặt vấn đề rằng làm sao một tên trộm lại có được một đức tin tuyệt vời như thế?
phải chăng đó là một thông điệp lý tưởng mà các tác giả Tin Mừng muốn nhắn gửi
đến cộng đoàn người tin thế kỷ thứ nhất và cả người tin qua mọi thời đại. Nhiều
lúc Đức Giê-su hiện diện trong những biến cố đau khổ bi đát của cuộc đời, làm
cho nhiều người ki-tô hữu thất vọng. Vì thế một thông điệp như thế thật đáng
cho chúng ta suy gẫm.
Mỗi người
ki-tô hữu đều được mời gọi tin tưởng vào Đức Giê-su trong mọi biến cố của cuộc
đời đặc biệt trong những biến cố khổ đau, trong những khuôn mặt đau khổ, xấu
xí, xù xì; trong những người tội lỗi, người không ra người, ngợm không ra ngợm;
tin rằng Đức Giê-su có thể cứu độ chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu
chúng ta dám tin vào Ngài như người trộm lành.
Một niềm
tin hướng về vương quốc Nước Trời mai sau vẫn luôn là một thách đố cho mỗi người
chúng ta, khi chúng ta vẫn an vui với trần thế này. Một sự thất vọng có thể chiếm
ngự và quật ngã cuộc đời chúng ta khi chúng ta coi việc thành công thành đạt
trên cõi đời này là tất cả.
Niềm tin
vào Đức Ki-tô là Đấng Cứu Độ, Nước của Ngài là nước trời mai sau vẫn là một niềm
tin hết sức nền tảng cho cả cuộc đời mỗi người ki-tô hữu.
Vậy ra,
người mà toàn thể người ki-tô hữu thời nay phải ngã mũ bái phục, phải học hỏi cả
đời, đó là người trộm thánh.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét