Rafael N-Long, SVD
Trong một lần đi tham dự lớp Kinh
Thánh Cầu Nguyện tại giáo xứ Lạng Sơn, Gò Vấp, tôi có dịp được nghe một bài hát
sinh hoạt và những hình ảnh nói lên sự bất lực của con người trước sức mạnh của
thiên nhiên, trong đó có một vài câu làm tôi nhớ mãi:
“Đôi tay đang nắm
nay còn mai mất cuộc đời, chỉ cần niềm tin trong trái tim Người”.
Rồi trong một lần
tình cờ, tôi được nghe câu chuyện có thật của một người. Chị kể rằng: “Một lần
nọ, hai đứa con nhỏ của con ốm nặng. Con đã đưa cháu ra trạm xá, đã đến phòng
mạch của y sĩ trong ấp, đã cho cháu uống bốn năm loại thuốc, nhưng tình trạng
không thuyên giảm.
Mấy ngày trôi qua,
bệnh tình của hai cháu càng nặng thêm. Con bàn với chồng nên đưa cháu đi bệnh
viện, nhưng trong nhà không có đủ một triệu đồng thì lấy gì mà đi bệnh viện.
Con bơ vơ, cúng quẫn, chỉ biết nhìn hai đứa trẻ mà nước mắt chảy dài.”
Tối hôm đó, khi đi
ngủ, hai cháu sốt cao, cứ khóc mãi. “Con hết biết làm gì, nên ôm mỗi đứa mỗi
tay rồi miệng con thầm thì: ‘Con hết cách
rồi Chúa ơi. Xin Chúa thương con của con.’ - Con lập đi lập lại vài lần,
rồi cả ba mẹ con ngủ thiếp đi từ lúc nào.
Đến sáng, hai cháu
dậy sớm chạy chơi, chẳng thấy bệnh gì nữa. Từ đó, con nhận ra rằng, Chúa vẫn
thương con. Dù đức tin của con non kém nhưng con xác tín mạnh mẽ rằng, Chúa đã
cứu hai đứa con của con.
Một câu chuyện cuộc
đời thật đơn sơ. Đối với người phụ nữ này, đức tin là điều gì đó còn rất xa lạ,
không định nghĩa được.
Vậy mà với lòng đơn
sơ phó thác, sức mạnh niềm tin đã chữa lành cho hai người con của chị. Không
biết khi chữa lành cho hai đứa con của chị, Chúa có nói như đã nói với người
phụ nữ Samari: “Này bà, lòng tin của bà
mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15, 28) không?
Lâu nay tôi vẫn sống
đức tin bằng lý trí, bằng những suy tư mang tính kiến thức khoa giáo, thiếu
nhạy bén về vấn đề gọi là “cảm thức đức tin”.
Nghe lời bài hát làm
tôi giật mình bởi sống trong cuộc đời có quá nhiều biến động và đau khổ. Mọi
thứ trên đời này Chúa ban cho rồi Người lại lấy đi khi nào chẳng hay.
Sống, chết dường như
không có ranh giới. Hạnh phúc, đau khổ luôn sát cánh cùng nhau. Tri thức, khả
năng, vật chất và cả ước vọng tương lai, những thứ đó nay còn mai mất. Không có
gì đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc.
Đứng trước vũ trụ, con
người thấy mình nhỏ bé. Mọi điều vĩ đại con người tạo ra, không là gì trước mặt
Chúa, trước sức mạnh siêu nhiên. Những trận động đất, sóng thần xảy ra, trong
phút chốc xóa tan hết những gì con người cho là vĩ đại.
Bởi vậy, đâu là vĩnh
cửu để con người bám víu vào, phải chăng là Thiên Chúa, là niềm tin vào Người.
Trong thư Colosê 2,7
“Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng là
Đức Kitô”. Đời tu sẽ đi về đâu nếu cuộc sống mình không có Chúa, không lấy
Chúa là nền tảng để từ đó xây lên hành trình cuộc đời mình.
Cho nên tin là ký
thác cuộc đời, giây phút hiện tại với mọi yếu tố hiện sinh cụ thể của cuộc sống
tu trì trong tình yêu của Thiên Chúa, mà tôi là người tin, đón nhận được nguồn
năng lực siêu nhiên của Thiên Chúa để làm cho cuộc đời mình hạnh phúc.
Sức mạnh niềm tin
“thúc đẩy và hướng dẫn tư tưởng, việc làm, quyết định và trách nhiệm”.[1]
Một khi sống hạnh phúc trong Chúa, tôi không còn phải sợ hay ít nhất cũng là
bình an trước những trở lực do sự dữ gây ra, và nếu lỡ có phải đối diện với nó,
thì hãy như thánh Phaolô chỉ dẫn mà thực hiện:
“Luôn luôn giương lên khiên mộc đức tin, nhờ đó anh em có
thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6, 16).
◊
[1] Gioan Phalô II, Bài Giảng ở
Baltimore, 8.10.1995 - Theo Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo, Nxb. Tôn
Giáo, Hà Nội, 2002, tr 237.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét