CN 32 Thường niên C
Deacon Huy, SVD
Có câu
chuyện kể lại rằng, một lần kia có một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nói
rằng, ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau để rồi trong đời sống
hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, với mình sống nhịn nhục, chịu thua
thiệt với người khác, nếu không có đời sau ông là kẻ dại dột.
Pascal đã trả lời cho nhà triết gia: Ông nói đúng. Ông không tin linh
hồn bất tử cũng không tin có sự sống đời sau nên sống hưởng thụ thác loạn. Nhưng
nếu có đời sau thì ông là kẻ dại dột và ngu xuẩn hơn tôi, vì tôi chỉ thiệt thòi
tạm đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời.
Đối với người không
tin có sự sống lại, thì họ cho rằng chết là hết, chết là không được hưởng thụ
nữa, không còn được gần người thân nữa, không còn vui chơi giải trí, chết là
vĩnh viễn mất đi, do đó họ rất sợ khi phải đối diện với cái chết.
Nhưng đối với người
Kitô hữu, cái chết là cửa ngõ để đi vào sự sống đời đời, chính Đức Giêsu đã
chết và sống lại, để xác tín niềm tin cho chúng ta là chắc chắn có sự sống đời
sau. Một cuộc sống trường sinh bất tử, mà ai ai cũng khao khát.
Qua câu trả lời cho
vấn nạn của những người Sađốc trong Tin Mừng Luca (20, 27-38), là những người
không tin có sự sống lại, cũng chẳng tin có sự sống đời sau. Người Pharisêu
thì lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này, người
ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.
Đức Giêsu vén mở
cho ta phần nào bức màn đời sau. Đời sau khác hẳn đời này: người ta không
cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng, vì con người không thể chết nữa, nên không cần
sinh con, để bảo tồn nòi giống, nhưng được sống ngang hàng với các thiên thần,
nghĩa là chẳng còn phải lo lắng điều gì khác, ngoài việc ca ngợi, tôn vinh và
phụng thờ Thiên Chúa.
Họ được thông phần
vinh quang Thiên Chúa, được dự phần vào dòng dõi của Ngài. Họ đang sống cuộc
sống trường sinh bất tử. Vì thế, Chúa Giêsu đã nại đến tước hiệu Thiên Chúa của
Abraham, của Isaac, của Giacop, để chứng minh cho sự bất tử của con người.
Chúa Giêsu lý luận
rằng, nếu Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống thì Abraham, Isaac, Giacóp cũng như
mọi người qúa cố đều là những người đang sống với Thiên Chúa. Sự sống trường
sinh bất tử mà Chúa Giêsu muốn đem đến cho con người chính là sự phục sinh của
Ngài.
Ngài đã sống lại, đó
là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự sống mai sau, đó là cốt lõi của niềm tin
Kitô giáo, như Thánh Phaolô đã nói: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì niềm tin
của chúng ta chỉ là hảo huyền và những người đã an nghỉ trong Chúa Kitô cũng bị
tiêu vong”.
Do đó, nền tảng cuộc
sống đạo của chúng ta, chính là sự sống lại của Chúa Giêsu. Lịch sử Kitô giáo
chỉ thực sự bắt đầu từ sự sống lại của Ngài. Quả thật, nếu Chúa Giêsu không
sống lại, thì Ngài chỉ là một người lừa dối và toàn bộ giáo lý của Ngài đã
rơi vào quên lãng. Đồng thời, các môn đệ của Ngài đã không cần phải lấy mạng
sống mình để minh chứng.
Mỗi ngày Chúa nhật
chúng ta đều tuyên xưng niềm tin phục sinh, khi kết thúc kinh tin kính:”tôi
trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Khi chúng ta tin vào cuộc
sống đời sau, thì mới cho chúng ta niềm hy vọng ở giây phút hiện tại.
Với đời sau, đời
sống hiện tại của chúng ta trên trần gian là một cuộc hành trình đi về miền đất
hứa của đời sống vĩnh cữu. Chúng ta tin rằng, con người sinh ra là để được sống
và được hạnh phúc luôn mãi. Cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường
sinh.
Một số tôn giáo
tin rằng đời người có nhiều kiếp, kitô giáo cho rằng chính cuộc đời
ta đang sống này sẽ định đoạt đời sống vĩnh cửu của chúng ta, không
có cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống làm sao để
đáng hưởng hạnh phúc đời sau.
Những việc thiện
hôm nay chúng ta làm sẽ góp phần xây hạnh phúc mai sau. Tất cả cuộc sống của
chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu và sự sống
mai sau. Tất cả những nổ lực xây dựng công bình, bác ái, yêu thương của chúng
ta chỉ có ý nghĩa, khi chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.
Còn khi con người
không tin vào sự sống lại thì tự nhiên bị rơi vào thế mất quân bình đưa họ vào
sự sống buông thả, không còn qúy trọng chính bản thân mình và của người khác.
Cho nên, họ chỉ biết làm sao để thỏa mãn mọi nhu cầu của bản thân, bất chấp
mọi cái, hưởng thụ hết ở giây phút hiện tại, vì đối với họ đời sau không có nên
không cần lo lắng.
Không tin vào sự
sống lại dễ đưa con người đến kiêu ngạo tự mãn, từ đó gây nên những hành động
tội ác, những tội ác mà họ gây ra là vì không thấy mục đích mà đời người hướng
tới. Họ mất niềm tin, mất định hướng, không biết mình sống ở đời này để làm gì.
Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta đừng bao giờ quá bám víu vào sự gì ở đời này, vì tất cả đều biến
đổi và qua đi. Hãy tích cực tìm kiếm và xây dựng đời sống vĩnh cửu, bằng việc
chuyên cần tham dự bàn tiệc Thánh Thể và biết lắng nghe và sống Lời Chúa theo
gương Đức Maria.
Xin cho niềm tin vào
sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự sống vĩnh cửu, luôn là động lực giúp chúng ta
tin tưởng tiến bước trong cuộc lữ hành trần gian này. Xin cho chúng ta nhận
thấy và cảm nghiệm được sự đồng hành của Chua Giêsu trong cuộc sống của chúng
ta, để giữa những thử thách, khổ đau của cuộc sống, chúng ta vẫn tiếp tục tiến
bước trong tin tưởng và yêu thương.
Do đó, bài Tin Mừng
hôm nay cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ về lời tuyên xưng trong
Kinh Tin Kính và xác tín rằng: Chết không phải là hết mà nó chỉ bắt đầu cuộc
sống mới.
Lạy Chúa, khi ra
thăm nghĩa trang, hay lúc vào viếng phòng hài cốt, mới hiểu rằng
mình phải có lòng tin lớn lao mới dám nghĩ một ngày nào đó những
thân xác hư hoại này sẽ sống lại, nhưng cuộc sống trần gian này quá
đẹp khiến chúng con mãi mê quên mình là lữ khách,chúng con loay hoay
vun vén cho đời sống cá nhân như thể sẽ sống mãi trên mặt đất này.
Xin khơi dậy nơi chúng con niềm khát khao những điều
cao cả, xin đừng để chúng con mãn nguyện với những cái tầm thường, nhưng
biết sống tốt giây phút hiện tại này, để ngày sau cũng được sống lại với Người.
Amen.
<
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét