7 thg 12, 2013

Hãy sinh hoa quả của lòng sám hối!

Deacon Duy Thạch, SVD
Chúa Nhật tuần trước, ngôn sứ Isaia đã dẫn đưa chúng ta vào một khung cảnh thái bình hạnh phúc trên núi của Đức Chúa. Tuần này, Isaia lại tiếp tục giới thiệu cho chúng ta về khung cảnh hòa bình, hòa hợp trong thời của Đấng Mê-si-a, Đức Giê-su Ki-tô.
Chúng ta sẽ gặp thấy những hình ảnh rất dễ thương như: “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú, giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”
Những hình ảnh ấy gợi lên cho chúng ta một sứ ấm cúng của một gia đình thế giới, một sự hòa hợp lạ lùng: những con thú dữ có thể ở chung với những con thú hiền lành; đứa trẻ thơ có thể thọc tay vào hang rắn lục. Mùa vọng tiếp tục đem đến cho chúng ta nhiều điều đáng hy vọng, đáng mong chờ.
Nối tiếp tư tưởng của ngôn sứ Isaia, thánh Gioan Tẩy Giả cũng loan báo cho chúng ta về một Nước Trời, một Vương Quốc Thiên Đàng, một triều đại hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa và với mọi người.
Vấn đề là chúng ta có cảm giác được cái “Nước Trời đã đến gần” mà thánh Gioan nói đến hay không? Vấn đề là chúng ta có mong mỏi được ở trong vương quốc ấy không? Hay là chúng ta cảm thấy đủ rồi, no ấm, thỏa mãn với cuộc sống hiện tại rồi, còn mong chi cuộc đời mai sau nữa?!
Tôi đang ở nhà lầu; tôi đang đi xe hơi; tôi đang ăn sung mặc sướng; và tôi đang có sức khỏe tốt thì tội gì phải nghĩ gì đến cuộc đời nào khác làm gì cho mệt?
Đó là những vấn đề rất quan trọng, bởi lẽ, nếu chúng ta khao khát, mong mỏi Nước Trời thì chúng ta mới cảm thấy thấm thía, và đánh động bởi lời mời gọi tha thiết của thánh Gioan trong suốt mùa vọng này. Lời mời gọi đó là: “Hãy Sám Hối… Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
Đó là một lời mời gọi hết sức hấp dẫn thời bấy giờ, có thể nói là “đắt như tôm tươi” vậy. Khi nghe những lời ấy thì “người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến, tuôn đến với ông”. Nghĩa là, hầu như tất cả dân cư trên toàn đất nước Do Thái đều kéo đến với ông Gioan “để thú tội và ông làm phép rửa cho họ”.
Hằng năm, cứ vào Mùa Vọng tại nhà thờ Gx. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Sài Gòn, có rất nhiều người đến xếp hàng rồng rắn để xưng tội. Nó giống giống như khung cảnh người ta đến với Gioan an Tẩy giả tại sông gio-đan ngày xưa.
Đó là những tín hiệu rất lạc quan, chứng tỏ rằng lời mời gọi của thánh Gioan ngày nào vẫn còn hấp dẫn, vẫn còn lay động cõi lòng của bà con giáo dân mình.
Tuy nhiên, đi dự tĩnh tâm, đi xưng tội cũng chỉ là một phần nhỏ, một bước đầu tiên của quá trình sám hối mà thôi. Nó thậm chí không mang lại ơn ích gì cho chúng ta nếu như chúng ta làm những việc ấy một cách máy móc, hình thức, theo bổn phận, mà không có một cõi lòng sám hối thật sự.
Hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả hơi nặng lời với nhiều người Pha-ri-sêu và nhiều người Sa-đốc đến chịu phép rửa: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.”
Đây là hai nhóm lãnh đạo Do thái được xem là mẫu mực, đạo đức và được dân chúng rất tôn trọng thời bấy giờ. Tại sao ông Gioan Tẩy Giả lại nặng lời với họ đến thế? Phải chăng Gioan có ác cảm gì với hai nhóm người này?
Thưa không! Gioan không ác cảm gì với họ cả. Ông nói như thế vì ông biết rằng họ chỉ đến lãnh phép rửa như một nghi thức bề ngoài chứ không mang tâm tình sám hối.
Gioan biết rằng họ cậy dựa vào nguồn gốc thân thích với Abraham và không cần sám hối. Gioan nhắc nhở họ rằng nền tảng của việc làm con cái Abraham là đức tin, niềm tín thác vào Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa cũng có thể làm cho hòn đá trở nên con cái tổ phụ Abraham.
Bên cạnh “lời thật mất lòng” ấy, thánh Gioan cũng đưa ra một lời mời gọi rất quan trọng: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”.
Quả vậy, sám hối không phải chỉ đơn thuần là việc đi xưng tội, đi nghe giảng một vài ngày nhưng là một quá trình thay đổi thật sự, một cuộc đổi đời đích thực. Càng sinh nhiều hoa quả của lòng sám hối thì con đường chúng ta dọn để đón Chúa càng thẳng và càng sạch sẽ hơn.
Con đường Chúa muốn chúng ta chuẩn bị bằng hoa quả của lòng sám hối, chính là con đường nối kết yêu thương với anh chị em xung quang mình. Thánh Gioan mời gọi chúng ta hãy nhìn vào cõi lòng mình, nhìn thật kỹ, để chúng ta có thể thấy những ngổn ngang, lộn xộn, gồ ghề trong lòng mình mà sửa đổi.
Đó là sự ngổn ngang của những người chồng, người vợ chưa chăm sóc, chưa quan tâm đủ cho nhau, nhiều lúc còn gây đau khổ cho nhau. Đó là sự lộn xộn của những anh chị em, bạn bè, mất lòng nhau, mà chưa thể làm hòa. Đó là sự gồ ghề của những cõi lòng ít kỷ, chỉ chăm chút cho bản thân, mà không cần quan tâm đến người bên cạnh.
Mùa vọng là dịp thuận tiện để chúng ta hàn gắn lại những vết thương lòng  bằng sự khoan dung tha thứ; Mùa vọng cũng là cơ hội để chúng hàn gắn lại những tương quan đổ vỡ với người thân, bạn bè, hàng xóm, láng giềng.
Đó cũng là dịp may để chúng ta có những quyết tâm thay đổi những thói quen xấu bằng những việc tốt lành, biết nghĩ tốt, nói tốt và làm việc tốt cho tha nhân.
Đó là con đường giúp chúng ta có được sự bình an và niềm vui đích thực. Đó cũng chính là con đường, là cõi lòng mà Chúa Cứu Thế muốn đến, và muốn ngự trị mãi mãi.
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét