9 thg 12, 2013

Đêm sắp tàn, ngày sắp đến ...

Deacon Vĩnh, SVD
Đã bao mùa Giáng sinh trôi qua, nhưng có lẽ “tính chất căn bản” của mùa Vọng phần nào đã phai mờ trong lòng nhiều người.

Nếu trước đây mùa Vọng đã trở nên lời nhắc nhở canh tân lối sống, sửa sang tâm hồn, dọn lòng mừng Chúa đến. Thì hôm nay, nhiều khi con người chỉ nghĩ đến việc trang hoàng nhà cửa, giăng thêm đèn màu, mua sắm quà cáp, chuẩn bị cho những cuộc liên hoan say sưa, cuồng loạn, có khi... tội lỗi.
Chúng ta cứ mãi lo lắng bao sự đời mà quên đi rằng Thiên Chúa sẽ đến vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết để phán xét cuộc đời mỗi người chúng ta như Lời Chúa trong mùa này cảnh báo, nói về tận thế, nói về tai ương, nói về việc trời long đất lỡ, nói về trăng sao rơi rụng.
Nói về chiến tranh, đói kém khắp nơi và nhất là Chúa đến trong ngày quang lâm xét xử trần gian này. Có thể khi nghe như thế sẽ làm cho lòng chúng ta cảm thấy chùn lại.
Những lời chúng ta nghe hôm này không phải là lời đe dọa con người nhưng là lời nhắc bảo, một cảnh báo cần thiết cho con người chúng ta trong ý nghĩa của mùa vọng đó là việc trông chờ Chúa đến trong ngày quang lâm.

Có lẻ chúng ta trở về với bối cảnh của các tín hữu thế kỷ thứ nhất chúng ta mới hiểu được.
Chúng ta vẫn thường hay hát, từ trần gian con ngước trông lên, họ luôn tha thiết mong Chúa đến như đất hoang khô cằn đợi mưa nguồn, vì các tín hữu thời đó bị bách hại nặng nề bởi đế quốc La mã, họ khổ quá nhiều, và Chúa đến như là một ơn giải thoát.
Chúa đến là Chúa khôi phục lại công lý, đem lại bình an, làm cho nước trời viên mãn và họ được hưởng hạnh phúc với Chúa nên họ tha thiết mong chờ. Không phải như chúng ta bây giờ.
Chúng ta yên ổn quá rồi nên thấy Chúa đến chúng ta thường khiếp sợ. Vì nếu như có ai nói hay báo tin cho biết rằng năm tới sẽ là ngày tận thế, thì chúng ta sẽ lo lắng, sợ hãi và bất an.
Theo lẻ thường, con người rất sợ trước những điều Chúa cảnh báo và nhất là sợ đối diện với cái chết. Vì vậy, Hội thánh kêu gọi chúng ta sống hết những thực tại trần gian này với một cuộc đời đầy ý nghĩa, một ý nghĩa của tôn giáo, của niềm tin.
Đối với những người không tin, chết là tận cùng của cuộc sống, chết là hết, chết phá tan sự nghiệp công danh và mọi lạc thú trên đời. Kiếp sống của con người vì thế chỉ là một kiếp bọt bèo, lo hưởng thụ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau.”
Họ không chuẩn bị hay mong đợi gì sau cuộc sống! Nhưng đối với chúng ta, những người Kitô hữu thì khác, chết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Trong giây phút vĩnh biệt cuộc đời trần thế để về thế giới bên kia, mỗi người chúng ta phải trình diện trước nhan Chúa.
Cuộc gặp gỡ quyết định số phận đời đời của mỗi người chúng ta. Nhưng khổ nỗi mấy ai trong chúng ta quan tâm, mấy ai đặt cho đúng tầm quan trọng và tính cách vô cùng khẩn thiết của giây phút lìa đời ấy! Chúng ta như người mê ngủ, từ sớm tinh sương tới chiều tàn, chúng ta bận tâm lo ăn, lo mặc, lo công danh, lạc thú..
Cuối tuần chúng ta dành thì giờ đi dạo, mua sắm… Nhiều khi chúng ta nại  vào những bận tâm vật chất ấy, chúng ta lơ là việc thiêng liêng, bỏ rơi cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, bỏ dâng lễ ngày Chúa Nhật, không chịu các Bí tích.
Nhìn chung, một cuộc đời hoàn toàn vật chất, sống như là không bao giờ phải chết, sống một cuộc đời không có Thiên Chúa.
Một cuộc sống như thế sẽ có ngày giống như thời ông Noe: họ cũng mãi mê ăn uống, dựng vợ gã chồng cho tới ngày ông Noe vào tàu; họ không hay biết gì hết cho tới khi cơn hồng thủy đến cuốn đi hết tất cả. Và hai người đang làm việc, một người được đem đi, một người bị bỏ lại (Mt 24, 37-44).
Vì thế, Lời Chúa như là lời cảnh tĩnh cho mỗi người: “Anh em hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa của anh em sẽ đến.” Giờ Chúa đến như kẻ trộm, bất thình lình tựa cơn đại hồng thủy chụp xuống trên chúng ta: một tai nạn xe hơi, một cơn gió thoảng qua, hoặc một cơn đau tim,...
Cái chết đến với mỗi người chúng ta dưới muôn hình vạn trạng. Ở bất cứ chức vụ quan trọng nào, ở bất cứ nơi nào. Mỗi người sẽ phải chết một lần, không ai chết thay cho chúng ta được. Nên chúng ta hãy sống xứng đáng như con cái của ánh sáng như lời của thánh Phaolô:
“Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng.
Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt” (Rom 13, 111tt.).
Sống một cuộc sống như thế, chúng ta có quyền hướng đến và tin tưởng về sự bình an và hy vọng ngôn sứ Isaia vẽ ra viễn ảnh nước Thiên Chúa sẽ đến, lúc đó toàn là ánh sáng của bình an và niềm vui.
Gierusalem hay nước Thiên Chúa là nơi mà người ta khấp khởi, háo hức tiến tới: “Dân dân lũ lượt đưa nhau đến, nước nước dập dìu kéo nhau đi. nào ta cùng lên núi Chúa”. Một cuộc sống tràn đầy bình an và hi vọng.
Nói đến đây, con nhớ đến lời chia sẻ của một Cha giáo, Cha đã chia sẻ rằng: “Vào ngày 20/11, ngày nhà giáo việt nam, ngoài những lời chúc mừng, cha nhận một món quà rất đặc biệt của một cô bé 10 tuổi, mở ra trong đó là một tờ giấy học trò được xé ra. Với một bức tranh tự họa bằng bút chì. Cô bé viết:
Cha ơi! Con đấy, Cha nhìn, cha có vui không? Câu hỏi của cô bé. Cha nhìn cha có vui không, con đấy? Lúc đó cha thấy rất vui, vui nhưng muốn rơi nước mắt. Vì đây là một bức tranh tự họa của một bệnh nhi bị ưng thư đang trong bệnh viện ung bướu mà cha đã rửa tội cách đó hơn 10 tháng.
Hoàn cảnh đó là chúa sắp đến rồi, chắc chắn là Chúa sẽ rước đi rồi, là tận thế, là thế mạt, là cánh chung, không còn hy vọng nữa rồi. Một cô bé 10 tuổi, mới rửa tội lại trong một hoàn cảnh bi đát, hoàn toàn tuyệt vọng như thế nhưng ngồi đó vẽ một bức tranh đơn sơ để chúc mừng trong ngày nhà giáo và hỏi cha có vui k?
Cha rất vui bởi vì một con cái Chúa còn non nớt, yếu đuối, trong một hoàn cảnh như thế lại diễn tả được niềm vui, bình an và hy vọng. Hình ảnh của cô bé có phải là một trong chúng ta hay không? có những lúc chúng ta cần phải như thế.
Đêm sắp tàn, ngày sắp đến ... phần rỗi chúng ta gần đến." (Rm 13:11-12). Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một mùa phụng vụ để thay đổi đời mình tốt đẹp và sống gần Chúa hơn. Xin cho mỗi người chúng ta biết nhạy cảm hơn để không đánh mất đi cơ hội sống đời đời trong ngày Chúa quang lâm.
<


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét