1 thg 12, 2013

Kẻ trộm sẽ đến…

Deacon Nào, SVD
 Một năm phụng vụ mới lại vừa khai mở, một chu kỳ mới của sứ điệp Tin Mừng đầy an ủi và hy vọng lại được triển khai, ấy thế mà tiếng kêu gọi của Hội Thánh trong những ngày đầu năm này, qua phần Lời Chúa, lại hình như muốn gióng lên tiếng báo động để cảnh tỉnh:
Phải canh thức và sẵn sàng. “Cho nên anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Từ lâu tôi đã thực sự tò mò muốn giải mã cái sứ điệp rất ‘chéo cẳng ngỗng’ này. Nếu coi đó là lời cảnh báo đe loi của một ngày thế tận ‘dies irae dies illa’ đầy khủng khiếp kinh hoàng thì thật dễ hiểu và hiển nhiên…, nhưng như thế thì làm sao có thể gọi được là lời kêu mời chuẩn bị đón nhận Tin Mừng của cậy trông và hy vọng?
Đặt lời cảnh báo này trong bối cảnh của việc khai mở một Tin Vui thì rõ ràng là một nghịch lý, một lạc đề. Ngay cả các chi tiết của hình ảnh được chính Đức Giê-su đưa ra: “Anh em hãy biết điều này; nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó vách khoét nhà mình đâu” cũng cần phải được giải mã nữa.

Vì lý do gì mà Đức Giê-su lại chọn một hình ảnh quá tiêu cực đến như thế để kêu mời mọi người sẵn sàng đón nhận sự kiện cứu độ quá trọng đại và tích cực như vậy? Vì lý do gì mà Người đã tự so sánh mình với kẻ trộm, so sánh sự việc cứu độ vinh quang với hành vi lén lút đào ngạch khoét vách để ăn trộm?
Tôi thiết tưởng có thể ‘mất để được’ chính là điều Đức Giê-su muốn nhấn, khi sử dụng hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước: trận Đại Hồng Thủy. Trong biến cố này người Do Thái có một hình ảnh rất rõ nét về một xã hội phồn vinh thịnh đạt “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ, lấy chồng…” mà ai cũng muốn duy trì cho lâu cho dài… “mãi cho đến ngày ông Nô-e vào tầu”.
Rồi nạn hồng thủy ập tới như một mất mát ‘cuốn phăng đi hết thảy’… Mất trong trường hợp này là một hình phạt hay mất để được? Con người cần phải rũ bỏ để được nhẹ nhõm trở về với Đức Chúa! Người duy nhất tỉnh chức để chuẩn bị cho cuộc mất mát vĩ đại đã cứu được sinh mạng mình là ông Nô-e vào tầu…
Những ai đượcđược đem đi’ đều chấp nhận mối bất hạnh mất tất cả, còn ai bịbị bỏ lại’ đều là những người ‘may mắn’ chẳng mất mát gì hết. “Bấy giờ hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, người kia bị bỏ lại…
Ta đã từng nghe có những cuộc tranh luận ai là người ‘bị’ và ai là người ‘được’. Thế thì sẵn sàng và tỉnh thức đây không phải là để khư khư giữ lại tất cả, mà là để sẵn sàng mất đi tất cả. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”.
Tự nhiên thì ai cũng muốn giữ của, vì ai cũng có khuynh hướng cho mình là chủ nhà cả. Điều thật sự không may là nếu sống trong thái độ chủ nhân ông đó thì dầu Đấng Cứu Độ có đến cũng sẽ bị người ta liệt vào hạng kẻ trộm đến khoét vách nhà mình.
Điển hình những người thuộc nhóm Biệt Phái, Sa-đốc, và Hê-rốt với đầy đủ quyền hành và của cải, chủ nhân của xã hội thời đó, đâu có muốn mất đi những thứ họ đang có; họ muốn giữ lại tất cả, muốn duy trì…; và vì thế họ muốn tiêu diệt tên Giê-su như tiêu diệt một tên gian phi trộm cướp.
Chỉ có một số người liều mình mất tất cả, những người nghèo khó của Gia-vê (anawim) mới sẵn sàng. “Thưa thầy, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo thầy!” Phê-rô đại diện các môn đệ đã tuyên bố như thế. Và Đức Giê-su kết luận: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy săn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
“Hãy sẵn sàng” là sứ điệp gởi tới mọi tín hữu, để khi Đức Giê-su đến làm mất tất cả, mất trắng tay, Ki-tô hữu sẽ không như dân ngoại coi đó là đại họa; ngược lại, họ sẽ coi đó mới chính là hồng ân giải thoát.
Ai cũng biết rằng hình ảnh ngày tận thế xa lắc xa lơ kia chẳng qua chỉ là tiêu biểu cho một điều rất cụ thể mà mỗi người, không trừ một ai đều phải trải qua, đó là giờ chết, lúc mà mọi người đều phải ra đi trắng tay.
Tỉnh thức và sẵn sàng là để cái giờ phút phải bỏ lại tất cả đó không tới bất chợt, có nghĩa là vào chính lúc người ta vẫn cứ khư khư như mấy ông chủ chỉ lo canh giữ cho bằng được của cải mình đang sở hữu. Đức Giê-su khich lệ các mộn đệ Người hãy như Nô-e, hay như người đầy tớ trung tín (Mt 24, 45-51), mau mắn mở cửa đón lấy Con Người duy nhất có thể mang lại cho mình ơn cứu rỗi.
Mỗi mất mát hàng ngày của người tín hữu (không lãnh vực này thì cũng lãnh vực khác) luôn là dịp mời gọi họ tỉnh thức và sẵn sàng, biết chấp nhận để rộng mở đón lấy hồng ân cứu độ. Chỉ như thế trọn cuộc sống Ki-tô hữu mới là một mùa vọng liên tục, một cuộc tỉnh thức trường kỳ.
Điều này không chỉ hàm chứa một nội dung luân lý tu đức đầy cảnh giác, mà chính là cốt lõi sâu xa nhất của Tin Mừng: biết chấp nhận mọi đổ vỡ, mất mát, kể cả các sa ngã phạm tội, để không ngừng đón lấy lòng thương xót cứu độ được Thiên Chúa tặng ban cho trong Đức Ki-tô Giê-su.
Trong tư cách Ki-tô hữu, ngay cả một linh mục như tôi, tôi sẽ chuẩn bị thế nào cho giờ đón nhận ơn cứu độ, trong sợ hãi vì còn muốn thu giữ, nhất là trong những điều tôi cho là tốt lành nhất của mình kể cả trong lãnh vực tinh thần và thiêng liêng, hay là trong hy vọng vì sẵn sàng mất mát từ bỏ tất cả?
Hãy nhớ rằng cả tôi nữa cũng sẽ phải giáp mặt “Kẻ Trộm sẽ đến” lấy đi tất cả đấy, vậy thì niềm hy vọng đích thực của tôi phải được đặt ở đâu, ở các giá trị tôi sở đắc hay nơi lòng thương xót từ nhân của Thiên Chúa?

Lạy Thiên Chúa chí công, con không xin Chúa cứu con khỏi phải chết bất ngờ, nhưng hãy giúp con luôn biết luôn tỉnh thức đón nhận lòng thương xót cứu độ của Chúa trong mọi tình huống cuộc đời, nhất là khi sự mất mát vĩ đại nhất trong đời xảy đến, nghĩa là trong giờ phút lâm chung.
Xin cho con chính lúc đó biết mau mắn đón lấy Thiên Chúa từ nhân như gia nghiệp duy nhất dành cho mình. Xin cho con biết giáp mặt giờ chết trong thái độ sẵn sàng mất đi tất cả, cả điều tốt lẫn điều xấu, để chỉ chiếm hữu một mình Chúa từ ái làm phần phúc đời đời của con. A-men.

<

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét