Deacon Anthony Thanh Thịnh, SVD
Chúa
nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa nhật vui. Vui nên ta thấy hôm nay cha chủ tế
với lễ phục màu hồng thay vì màu tím. Không phải vì các Chúa nhật khác không
vui, nhưng vì Phụng vụ hôm nay đặc biệt vận dụng nhiều lý do nhằm gợi lên trong
tâm hồn chúng ta niềm vui của ngày Con Thiên Chúa sắp giáng trần.
Chúa
nhật tuần trước, Tin mừng nói tới việc Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy ăn
năn sám hối, thay đổi đời sống để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến. Gioan Tẩy Giả
mô tả ngày Đấng Cứu Thế đến sẽ là một ngày hết sức trọng đại. Vì thế, mỗi người
phải lo chuẩn bị sẵn sàng, từ hình thức đến nội dung, từ thể xác đến tinh thần,
sẵn sàng để đón mừng Chúa đến. Càng gần đến ngày mà chúng ta mong chờ thì niềm
vui càng rõ nét hơn.
Thử
nhìn lại những dịp lễ lớn trong giáo xứ, chúng ta sẽ thấy mình đã làm gì? đã tổ
chức lễ như thế nào? Nhất là những dịp lễ có Đức Cha về thăm thì chắc là long
trọng và hoành tráng lắm. Là Đức Cha, là một con người phàm đến, thế mà chúng
ta lo lắng, chuẩn bị hết sức là chu đáo để đón tiếp, mong sao ngài vui lòng, huống
hồ là Chúa đến. Chúa đến thì còn quan trọng hơn biết là chừng nào. Thế chúng ta
có chuẩn bị chu đáo để đón tiếp Chúa đến hay không? Có lẽ mỗi người hãy tự vấn
chính mình về cách mà chúng ta chuẩn bị đón Chúa đến.
Tin
mừng tuần này chúng ta vừa nghe, Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Đức Giê Su:
“Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác? Vì
sao Gioan Tẩy Giả lại nghi ngờ vậy? Gioan Tẩy Giả là người loan báo về Đấng
Messia sẽ đến, loan báo về việc Chúa sắp đến, thế mà khi Chúa đến ông cũng
không nhận ra. Tại sao vậy? Gioan Tẩy Giả và cả dân Do Thái, họ đang chờ đợi một
Thiên Chúa quyền uy lộng lẫy đến, một Thiên Chúa oai vệ tầm cỡ chớ không phải là
một người bình thường. Chúa đến lạ quá, Chúa đến khác với những suy nghĩ của
con người nên họ không nhận ra Ngài.
Chúng
ta thấy hình thức bên ngoài cũng cần lắm, cần nên giáo xứ chúng ta mới làm hang
đá, treo đèn, chuẩn bị chương trình này nọ cho lễ Giáng Sinh, mất giờ và tốn tiền
lắm, nhưng chúng ta vẫn cứ làm vì nó là cần thiết. Nó cần thiết nhưng không phải là điều quan trọng
nhất. Quan trọng nhất để chuẩn bị cho Chúa đến, đó là tâm hồn của mỗi người
chúng ta, đó là nội tâm của chúng ta. Tức là phải biến đổi đời sống, phải đổi đời,
để tâm hồn của mình thành máng cỏ ấm áp cho Chúa nằm.
Chúng
ta đừng ảo tưởng rằng Chúa sẽ đến trong một biến cố kinh thiên động địa, trong
những thành công rực rỡ hay quyền lực. Ngài không đến như vậy đâu, nhưng Ngài đến
rất âm thầm, bé nhỏ. Ngài đến qua ánh mắt cảm thông, qua nụ cười khích lệ, và
cái bắt tay thân ái. Nơi nào có yêu thương, nơi nào có tha thứ, thì nơi đó đang
vẽ nên dung mạo của Chúa Cứu Thế đang đến.
Dấu
chỉ mà Đức Giê Su cho người ta biết về Ngài, đó là qua các việc Ngài làm. Cứ về
thuật lại cho ông Gioan Tẩy Giả biết những gì mà các anh đã chứng kiến: Kẻ mù
được xem thấy, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, và kẻ nghèo
được nghe Tin mừng cứu độ.
Ai
trong chúng ta cũng đều muốn cho mình được hạnh phúc, không chỉ hạnh phúc đời
này mà còn hạnh phúc muôn đời. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, hạnh phúc không thể
tự nhiên mà có được, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp cùng với nổ lực của bản thân mỗi
ngày nữa. Ai chơi cây kiểng thì sẽ thấy được công sức mình bỏ ra. Để có một cây
kiểng đẹp, phải tốn nhiều công sức lắm, phải cắt tỉa mỗi ngày. Con người cũng
thế thôi, để trở nên tốt, trở nên con cái của Thiên Chúa, và được mọi người
thương mến, chúng ta cũng phải chấp nhận cắt tỉa đi những thói hư tật xấu mà nó
đã thấm vào trong máu thịt của mình. Có thể sẽ rất khó chịu, thậm chí là đau đớn
nữa, nhưng không còn cách nào khác, nếu chúng ta muốn trở nên tốt.
Ước
gì Lời Chúa hôm nay khơi gợi trong chúng ta tinh thần hân hoan đón chờ Chúa đến.
Hân hoan trong tin yêu và phó thác, trong tỉnh thức và sẵn sàng, để chúng ta
làm chứng cho Chúa trong chính môi trường sống của mỗi người chúng ta. Amen.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét