11 thg 1, 2014

Xác nhận

Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa
Deacon Tiền Lê, SVD
Việc Chúa Giêsu đến xin Gioan chịu phép rửa là một hành động xác nhận Ngài là người công chính, phát xuất từ Chúa Cha. Qua biến cố phép rửa này Đức Giêsu xác nhận tất cả mọi việc Gioan làm xuất phát từ sứ mạng Gioan là sứ giả của Thiên Chúa. Hành động đó cũng nói lên việc Gioan muốn xác quyết rằng Đức Giêsu là Đấng phải đến để cứu độ nhân loại. Đặc biệt qua biến cố phép rửa có tiếng từ trời mạc khải về Đức Giêsu chính là con Thiên Chúa: “Có tiếng từ trời phán rằng: đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Cũng như bí tích Rửa tội xác nhận chúng ta là công dân nước trời.

1.  Tin nhận Thiên Chúa ba ngôi từ việc nghe giảng về ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Vào khoảng năm 40 của thế kỷ XX có một người theo đạo Tin lành, chị là Maria Weaver, là một nữ tín đồ thuộc giáo phái Baptist của Tin lành, chỉ tin nhận một mình Đức Giêsu là Chúa. Lần kia vào dịp lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chị được một chị bạn Công giáo mời đi tham dự thánh lễ của người Công giáo. 
Hôm đó là lễ Chúa Giêsu chịu phép r ửa và trong thánh lễ đó, vị linh mục giảng về việc cả Ba Ngôi Thiên Chúa được mặc khải trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Thế là chị tỏ ra hậm hực, vì điều này trái ngược với niềm tin của giáo phái của chị. Chỉ một mình Đức Giêsu là Chúa mà thôi. Sau đó vì tức giận, chị về nhà tìm sách vở, tài liệu để tìm hiểu xem ai đúng ai sai. 

Cuối cùng chị đã ngộ ra chân lý là có một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều mà chị đã được nghe vị linh mục nói đến trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là hợp lý. Và chị quyết định xin gia nhập vào đạo Công giáo. Từ đó chị sống niềm tin một cách mạnh mẽ.
2.  Những điều được xác nhận
Quả thế, Tin mừng hôm nay không chỉ xác nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa mà còn mở ra cho chúng ta những vấn đề khác liên quan đến vai trò của Gioan Tẩy giả và sứ mạng của Đức Giêsu.
-         Phép rửa của Gioan chứng tỏ ông là sứ giả được sai đến: việc Đức Giêsu đến xin Gioan chịu phép rửa tại sông Gióc đan làm cho Gioan bối rối: “Chính tôi mới cần được ngài làm phép rửa, thế mà ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Sau khi được Đức Giêsu giải thích Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu. Việc Chúa Giêsu đến với Gioan nhằm xác nhận phép rửa và những gì Gioan làm là thuộc về Thiên Chúa. Ngài là sứ giả được sai đến để chuẩn bị cho chương trình cứu độ nhân loại của con Thiên Chúa làm người. Phép rửa của Gioan còn nói lên điểm móc khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu trong chương trình cứu độ của Ngài.
-        Phép rửa Đức Giêsu chịu từ Gioan chứng thực ngài là đấng công chính: “Bây giờ cứ như thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15). Có thể chúng ta thắc mắc phép rửa của Gioan chỉ là để bày tỏ lòng sám hối chứ không có công hiệu tha tội và làm cho người ta nên công chính? Chỉ có phép rửa của Đức Giêsu mới mang lại ơn tha tội và thực sự làm cho người ta nên công chính. Ở đây chúng ta cần hiểu bối cảnh của điều mà Đức Giêsu muốn xác nhận sự công chính của Ngài thông qua biến cố phép rửa Ngài muốn nhìn nhận rằng công việc của Gioan thực thi là do Thiên Chúa, điều đó như là sự chuẩn bị cuối cùng trước khi bước vào thời đại của Đấng Mêsia của Ngài. Chính nhờ phép rửa này mà dòng nước được thánh hóa, bởi vì Đức Giêsu là Đấng thánh của Thiên Chúa.
-        Ngài là Đấng kiện toàn lề luật (luật cũ) bằng việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha và qua đó Ngài mới có thể thiết lập nên một nền công chính mới của thời đại Tân ước. Chính điều này đã được Thiên Chúa xác nhận: “lúc ấy (khi người vừa chịu phép rửa xong, vừa lên khỏi mặt nước) các tầng trời mở ra; Người thấy Thần khí Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đến trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17). Đây chính là một mặc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha hiện hữu trong lời phán ra từ trời. Chúa Con là người lãnh nhận phép rửa từ sông Gióc đan bước lên và Chúa Thánh Thần xuất hiện trong hình dạng chim bồ câu. Đây cũng chính là những yếu tố căn bản của phép rửa của người Kitô hữu sau này. Phép rửa của Giáo hội Công giáo luôn đặt nền tảng và quy hướng về Ba ngôi Thiên Chúa.
Bài học:
Qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhở hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Bí tích Rửa tội không chỉ đã xóa bỏ tội lỗi của chúng ta, mà còn làm cho chúng ta được trở lại làm con con Thiên Chúa. Nhờ ân huệ của bí tích Thanh tẩy Thiên Chúa đã khôi phục địa vị công dân nước trời cho mỗi một người chúng ta, để chúng ta cùng được thông phần hạnh phúc vĩnh cửu với Người.
Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa, nghĩa là Đấng thánh thiện vẹn toàn nhưng Ngài đã đã gia nhập vào hàng ngũ tội nhân đến để xin Gioan chịu phép rửa. Điều đó làm gương cho chúng ta về sự khiêm nhường và tuân giữ lề luật của Chúa. Dầu chúng ta là ai, thì cũng chỉ là những con người yếu đuối lỗi lầm luôn cần thái độ thống hối để được ban ơn tha thứ.
Phép rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận, không chỉ xác nhận chúng ta là người công giáo, mà còn mời gọi chúng ta luôn sống và làm chứng cho Tin mừng cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu ngày lễ kỷ niệm biến cố Chúa chịu phép rửa nhắc nhớ mỗi người chúng con ý thức về ơn gọi Kitô hữu của mình là sống làm con Chúa. Xin Thánh Thần Chúa đã đến với chúng con trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội luôn thúc đẩy chúng con hăng hái làm chứng cho Chúa bằng chính gương sáng và đời sống đạo của chúng con trong môi trường gia đình, giáo xứ, nơi học tập và làm việc của chúng con. Nhờ vậy chúng con sẽ chu toàn ơn gọi và sứ mạng trở thành nhân chứng của Thiên Chúa mà chúng con đã hứa ngày lãnh nhận bí tích Thanh tẩy. Amen. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét