22 thg 3, 2014

CUỘC GẶP GỠ VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU BÊN BỜ GIẾNG GIA-CÓP (P2)

Deacon Duy Thạch, SVD


Câu chuyện tiếp theo với khúc chuyển: các môn đệ trở về. Trình tự câu chuyện là: Môn đệ đi - người phụ nữ đến; môn đệ về – người phụ nữ đi. Dường như họ không tiếp xúc với nhau. Lý do là gì? Tác giả đã cho thấy rõ trong 4,27: “Các Ong ngạc nhiên vì Người nói chuyện với một phụ nữ”. Cả hai động từ “ngạc nhiên” và “nói chuyện” đều ở thì chưa hoàn thành, diễn tả một cảm xúc rất mạnh và lâu dài chứ không phải tạm thời và họ nhận ra Đức Giê-su “nói chuyện” với người phụ nữ một khoảng thời gian dài trước đó chứ không phải chỉ là vài câu chào hỏi.[i] Tuy nhiên, các môn đệ không ai lên tiếng hỏi: “Thầy cần gì?” hay “Thầy nói gì với Chị ấy?”(4,27).

Trong khi đó, Người phụ nữ vào thành và “nói với” mọi người về Đức Giê-su. Niềm vui, sự ngạc nhiên đã làm cho Người phụ nữ không muốn dấu diếm nhưng muốn chia sẻ với tất cả mọi người trong thành. Lúc này, mọi suy nghĩ của Chị đều tập trung vào Đức Giê-su. Chị quên đi điều gì đã mang chị đến giếng nước, bỏ lại vò nước và vào thành nói với mọi người về khám phá của mình.[ii] Chị mời gọi mọi người “đến và xem một người đã nói với” chị về “tất cả những gì” chị “đã làm”. Đây chính là mẫu thức mà tác giả đã dùng để diễn tả sứ vụ của các môn đệ trước đó: Ong Si-môn đã dẫn An-rê đến gặp Đức Giê-su và Phi-líp-phê thì dẫn Ong Na-tha-na-en đến với Đức Giê-su (Xc. Ga 1,40-49).[iii] Cuối cùng, điều mà Chị cảm phục nhất về Đức Giê-su mà Chị muốn giới thiệu cho mọi người là: việc Đức Giê-su chạm đến cõi lòng Chị, biết quá khứ đau thương của Chị, Người biết tất cả về Chị và giúp Chị nhìn nhận chính mình. Câu thắc mắc của người phụ nữ: “Ong ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” cho thấy Chị chưa thật sự xác tín về tư cách Mê-si-a của Đức Giê-su nhưng Chị thật sự có một niềm hy vọng và cần sự xác nhận của cộng đoàn.[iv]
“Họ đi ra khỏi thành và đến với Người”(4,30). Động từ “đi ra khỏi” chia ở thì aorist (VExh/lqon), diễn tả một sự xuất phát dứt khoát ra khỏi nơi ở của họ và nhanh nhảu đáp lại lời mời gọi của Người phụ nữ. Trong khi đó động từ “đến” lại ở thì vị hoàn (imperfect), diễn tả một sự kéo dài trong tiến trình đến với Đức Giê-su. Dù đoạn văn kết thúc, sự di chuyển của họ về phía Đức Giê-su vẫn chưa kết thúc.[v]

-    Vấn nạn của các môn đệ

 “Các môn đệ xin với Người rằng: ‘Thưa Ráp-bi, mời Thầy ăn”. Động từ “xin” dùng ở thì quá khứ bất định kết hợp với động từ nói ở lối động tính từ, diễn tả một sự nài nỉ nhiều lần. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho thấy chính Người có lương thực để ăn và chắc chắn không phải là thức ăn do các môn đệ mua và các môn đệ cũng không biết lương thực mà Đức Giê-su muốn nói là gì. Cũng giống như “người phụ nữ” các môn đệ cũng hiểu lầm ý nghĩa chữ “lương thực” mà Đức Giê-su muốn nói: “Phải chăng ai đó đã mang đến cho Người ăn rồi sao?”. Không phải chỉ có Người phụ nữ hiểu lầm nhưng chính các môn đệ cũng lúng túng hiểu sai. Các môn đệ vẫn còn thắc mắc về thức ăn vật chất mà ai đó mang đến cho Đức Giê-su. Người phụ nữ đã rời giếng nhưng vấn nạn của Chị vẫn còn lại đâu đây nơi các môn đệ. Đây lại là kiểu hành văn gây hiểu lầm: người trong cuộc hiểu lầm để độc giả có cơ may hiểu rõ. Độc giả có thể vẫn chưa hết mầu nhiệm trong lời nói của Đức Giê-su nhưng lại “ở trong” chương trình của Đức Giê-su hơn là các môn đệ.[vi]

   Lương thực đích thực của Đức Giê-su

 Đứng trước sự hiểu lầm bối rối của các môn đệ Đức Giê-su đã nói rõ lương thực mà Người muốn nói đến là gì (4,34). Tuy vậy, khái niệm “ý muốn của Đấng đã sai Thầy” và “công việc của Người” vẫn là một thách đố đối với các môn đệ. Thành ngữ “ý muốn của Đấng đã sai Thầy” còn được Đức Giê-su sử dụng hai lần khác nữa: (1) Đức Giê-su nói với những Người Do thái: “Tôi không tìm kiếm ý của Tôi nhưng là ý của Đấng đã sai Tôi” (5,30); (2) và nói cùng đám đông dân chúng: “vì Tôi từ trời mà xuống không để thực hiện ý của Tôi nhưng thực hiện ý muốn của Đấng đã sai Tôi” (6,38). Như vậy, “ý của Đấng đã sai Thầy” là một điều rất quan trọng liên quan đến cả sứ mạng nhập thể của Đức Giê-su. Đó là mục đích mà Người muốn đạt được khi đến trần gian. Và như lương thực cần thiết cho sự sống con người thế nào thì “ý của Đấng đã sai Thầy” cũng cần thiết cho Đức Giê-su như vậy và hơn thế nữa.
Nhưng ý của Đấng đã sai Người là gì? Điều này được Đức Giê-su nói rõ ràng trong 6,39: “đây là ý muốn của Đấng đã sai Tôi: tất cả những ai Người ban cho Tôi, Tôi sẽ không để hư mất một ai, nhưng Tôi sẽ làm cho người ấy sống lại [trong] ngày sau hết”. Y muốn cứu độ toàn thể mọi người đã trở thành lương thực của Đức Giê-su và Người cũng mời gọi các môn đệ tham gia vào sứ mạng này. Không phải chỉ dân Do thái nhưng là “tất cả” mọi người, không phải chỉ sống ở đời này nhưng “sống lại trong ngày sau hết”.
Đức Giê-su lại sử dụng một hình ảnh tượng trưng mới: “đồng lúa” và “mùa gặt”. Hình ảnh đồng lúa chín vàng là hình ảnh quen thuộc trong Tân Ước để chỉ về không gian của họat động truyền giáo. Những bông lúa chín tượng trưng cho những con người đang sẵn sàng đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh mà Thánh sử Mát-thêu đã dùng trong Tin Mừng thứ nhất: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9,37-38). Vụ mùa căn bản nói đến những người trong thành trước đó đã ra khỏi thành và đến với Người.[vii] Như vậy, Đức Giê-su đã chuyển từ đề tài “lương thực” sang một đề tài nói về sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Người cho những người Sa-ma-ri. Người cũng dẫn giải các môn đệ hiểu sứ vụ ấy và sai họ đi. Động từ “sai đi” có chủ từ là chính Đức Giê-su và thuộc từ là anh em được sử dụng lần đầu tiên trong Tin Mừng thứ tư, nhưng lại ở thì aorist, diễn tả một hành động đã diễn ra. Hành động sai đã được diễn ra rồi chứ không phải tại thời điểm Đức Giê-su đang nói. Bài tường thuật này dường như kể lại sứ vụ của chính cộng đoàn người tin vào thế kỷ thứ nhất. Các thành viên của cộng đoàn kể lại rằng việc đón nhận người ngoài Do thái là do sáng kiến của Đức Giê-su. Các môn đệ làm công việc thu hoạch vụ mùa mà Đức Giê-su đã vất vả gieo trồng qua cuộc đối thoại của Người với người phụ nữ.
Cuộc đối thoại của Đức Giê-su và các môn đệ khởi sự bằng chủ đề “lương thực”. Tuy nhiên, trong cả câu chuyện vấn đề ăn uống vật chất lại chuyển hướng sang lương thực khác: việc thi hành ý muốn và hoàn tất công trình của “Đấng đã sai” Đức Giê-su. Phận vụ ấy Đức Giê-su đã lãnh nhận từ Cha và bây giờ chính Người cũng “sai” các môn đệ ra đi thu hoạch vụ mùa mà họ không vất vả gieo trồng. Cộng đoàn Gio-an đối diện với vấn đề đối thoại với Người Sa-ma-ri và việc đón nhận họ vào cộng đoàn. Đó là công việc không do sáng kiến của họ nhưng là của Đức Giê-su và Người đã khởi sự trước.
III.        HIỆU QUẢ CỦA LỜI RAO GIẢNG
Câu chuyện khởi đầu bằng việc xin “cho tôi uống với”, nhưng ở giai đoạn kết lại là một chủ đề khác biệt. Đó là tin. Khởi đầu là tiến trình tìm kiếm của một Người phụ nữ đơn lẻ. Chị đã được Đức Giê-su dẫn đi một hành trình dài để nhận ra được chính con người mình, chính nhu cầu thực sự của mình, một niềm khao khát thờ phượng. Để rồi sau đó Chị nhìn nhận Đức Giê-su là một vị ngôn sứ, hơn thế nữa là một Đấng Mê-si-a. Câu nghi vấn của Chị: “Ong ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” có thể hiểu là một lời tuyên xưng. Trong thâm tâm của Chị người mà đã nói cho Chị tất cả những gì Chị đã làm là Đấng Mê-si-a chứ không còn ai khác. Bản văn không nói rõ người phụ nữ đã tin vào Đức Giê-su nhưng câu hỏi mà Chị đặt ra cho nhưng người Sa-ma-ri biểu lộ một thái độ tích cực về Đức Giê-su. Đó cũng là lời mời gọi tất cả những người khác trong làng cùng tìm hiểu về Đức Giê-su để tin vào Người. Chính vì nghe câu nói đó mà nhiều người Sa-ma-ri đã “ra khỏi thành và đến với” Đức Giê-su.

Động từ “tin vào” được sử dụng bốn lần trong đoạn văn này. Một lần dùng ở mệnh lệnh cách, số ít (4,21) và ba lần còn lại (4,39.41.42) đều dùng ở lối trình bày, số nhiều. Ơ lần đầu tiên, có thể coi là đức tin của người phụ nữ đơn lẻ. Trước lời mời gọi: “hãy tin tôi” của Đức Giê-su, tuy Chị không trực tiếp tuyên xưng niềm tin qua nhưng Chị đã bày tỏ bằng hành động: “để vò nước của mình lại” và “vào thành nói với mọi người” (4,28). Còn ba lần còn lại là một niềm xác tín mang tính cộng đoàn. Nhiều người từ thành Sa-ma-ri đã tin vào Đức Giê-su. Đây là hiện tượng chỉ thấy trong Tin Mừng thứ tư. Không có một tác giả Nhất Lãm nào cho thấy những Người Sa-ma-ri tin vào Đức Giê-su, ngay cả Lu-ca là tác giả rất có thiện cảm với người Sa-ma-ri. Và tác giả nói rõ căn nguyên của niềm tin ấy chính là lời chứng của Người phụ nữ. dựa trên bản văn, động từ “tin vào” chia ở lối trình bày, thì aorist diễn tả một hành động đã xảy ra và không có một ám chỉ gì khác. Như thế khó có thể nói niềm tin của họ là khiếm khuyết, nửa vời. Họ đã tin thực sự  nhờ vào lời chứng của Người phụ nữ.
Động từ “ở lại” được sử dụng hai lần trong đoạn này và cả hai lần đều nằm trong câu 4,40. Cả hai lần đều sử dụng ở thể chủ động và thì aorist nhưng khác nhau về lối và ngôi. Ơ lần thứ hai, động từ “ở lại” được dùng ở lối trình bày ngôi thứ ba số ít (Đức Giê-su), trong khi đó lần thứ nhất thì ở lối vô định, không ngôi. Như vậy, ở lần thứ hai, động từ “ở lại” được dùng với chủ từ rõ ràng có ý nghĩa hơn trong câu này. Dựa trên mạch văn, động từ này có hai ý nghĩa: vừa nghĩa đen, vừa nghĩa thần học.
Nghĩa đen diễn tả về không gian (Sa-ma-ri) và thời gian Đức Giê-su ở lại (hai ngày). Tuy nhiên, kết quả của việc “ở lại” ấy lại cho thấy một ý nghĩa thần học sâu xa hơn nhiều: “nhiều người hơn nữa đã tin nhờ lời của Người”. Quả vậy, sự ở lại của Đức Giê-su là cơ hội tốt để cho những người Sa-ma-ri nghe lời Người (4,41) và nhờ lời ấy mà họ đã tin. Như thế, kết quả của việc Đức Giê-su “ở lại” là “nhiều người hơn” đã tin. Trong viễn tượng này, việc Đức Giê-su ở lại trở thành một biểu tượng: là không gian và thời gian, nơi và lúc Người bày tỏ Người là ai. Sự ở lại đích thực phải dẫn đến việc “nghe” lời Đức Giê-su; “biết” Đức Giê-su là ai và cuối cùng “tin” vào Người.[viii]
Tác giả cho biết có nhiều người tin hơn và chính họ lên tiếng xác nhận niềm tin của mình. Họ “nghe lời” Đức Giê-su cách trực tiếp. Họ biết Đức Giê-su thật là “Đấng cứu độ thế gian” và họ tin vào Người. Cụm từ “không phải vì lời của Chị” cho thấy niềm tin của dân làng Sa-ma-ri có hai giai đoạn: họ Tin vì lời chứng của người phụ nữ và tin nhờ “nghe lời” Đức Giê-su và hiểu Đức Giê-su là ai.
Danh xưng “Đấng cứu độ thế gian” xuất hiện 2 lần trong toàn bộ Tân Ước (4,42; 1Ga 4,14). Và từ Hy-lạp “ho sôter” (đấng cứu độ) cũng không phổ biến lắm. Cả người Do thái lẫn người Hy-lạp cũng mong một “Đấng cứu độ”, dẫu rằng họ diễn tả bằng nhiều cách thức khác nhau. Danh xưng “Đấng cứu độ trần gian” mà những người Sa-ma-ri dùng để nói về Đức Giê-su là một danh xưng mang đậm nét thần học Gio-an.  Trước đó, Đức Giê-su đã cho biết vai trò của Người: “Thiên Chúa không sai Con đến thế gian để lên án thế gian, nhưng để nhờ Người, thế gian được cứu” (3,17). Đây là lời tuyên xưng của cộng đoàn những người tin cuối thế kỷ thứ nhất được đặt trên môi miệng những người Sa-ma-ri. Đức Giê-su, Đấng Mê-si-a không chỉ là Đấng cứu độ cho người Do thái hay Người Sa-ma-ri nhưng cho toàn thế giới. Những ngươi “thờ phượng Cha đích thực sẽ thờ phượng Người trong thần khí và sự thật” (4,23), sẽ thiết lập nên một cộng đoàn những người tin mang tính thế giới chứ không còn giới hạn trong dân tộc nào.[ix]

IV.         NHỮNG Ý NGHĨA THẦN HỌC
Đoạn Tin mừng Ga 4,4-42, tường thuật lại hành trình đến với dân ngoại của Đức Giê-su. Qua nghiên cứu bản văn, chúng ta có thể rút ra những ý nghĩa về mặt thần học như sau:
Thứ nhất, ý định đi đến vùng Sa-ma-ri là một ý định có chủ ý rất rõ ràng của Đức Giê-su. Việc người “phải” đi qua Sa-ma-ri diễn tả một nghĩa vụ, một bổn phận xuất phát từ tình yêu và niềm khao khát thi hành ý muốn của Chúa Cha trên phần lãnh thổ ngoài Do thái.
Thứ hai, việc truyền giáo của Đức Giê-su theo trình tự số lượng: cá nhân rồi đến cộng đoàn. Khởi đầu Người mở lời và trò chuyện với một người phụ nữ Sa-ma-ri, nhưng sau đó kết quả lại là “nhiều người đã tin” và “nhiều người hơn nữa đã tin” vào Người. Về người mang sứ mạng truyền giáo cũng vậy. Trước hết là một mình Đức Giê-su khởi xướng và mở đường sau đó Người “sai” các môn đệ đi và “gặt những điều anh em không vất vả làm ra”. Sự tiến triển này cho thấy mức độ quan trọng của chủ thể lãnh nhận “ý Cha” và trao ban lại cho các môn đệ. Y hướng cho mọi người được ơn cứu độ là ý hướng của Cha, được Đức Giê-su lãnh nhận và thi hành rồi sau đó Người mời gọi các môn đệ cộng tác. Việc làm cho người khác được biết Chúa, tin vào Chúa để được ơn cứu độ là một việc quan trọng bậc nhất và khẩn thiết giống như long thực cần thiết cho cuộc sống con người thế nào thì việc truyền giáo cũng cần thiết cho người môn đệ Đức Giê-su như vậy.

Thứ ba, tiến trình giúp một người được lãnh nhận đức tin là một tiến trình tiệm tiến từ thực tại trần thế đến thực tại trên trời. Bằng kỷ thuật hành văn “gây hiểu lầm”. Tiến trình lãnh nhận đức tin của Người phụ nữ Sa-ma-ri dựa trên câu nói “chìa khóa” của Đức Giê-su: “Nếu chị nhận biết ân huệ của Thiên Chúa và ai là người nói với Chị: ‘cho tôi uống với’, hẳn chị đã xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước sự sống” (4,10). Có 4 ý tưởng trọng tâm mà Người phụ nữ phải khám phá trong phần tiếp theo của cuộc trò chuyện: (1) Ân huệ Thiên Chúa; (2) Người nói với chi; (3) Nước sự sống và (4) xin nước sự sống. Trong đó, ý tưởng trọng tâm chính là: khám phá ra Đức Giê-su là ai là quan trọng nhất. Quả thế, cuộc đối thoại thứ nhất về “nước sự sống” bắt nguồn từ thực tại nước uống bình thường nhưng lại kết thúc bằng việc Người phụ nữ cảm thấy cần “nước sự sống” và tin rằng Đức Giê-su có thể ban nước ấy, nên chị đã cất lời xin. Xin nước“nước sự sống” đồng nghĩa với việc Chị đã bắt đầu quan tâm đến nhưng chưa thực sự nhận ra ân huệ Thiên Chúa và Đấng đang nói với chị. Cuộc đối thoại thứ hai cũng bắt nguồn từ vấn đề trần thế: những đời chồng nhưng rồi lại kết thúc bằng việc Người phụ nữ thừa nhận “chính Ông là một ngôn sứ”. Và cuộc đối thoại thoại thoại thứ ba cũng khởi đầu bằng vấn đề “nơi phải thờ phượng” cụ thể và cuối cùng lại kết thúc bằng việc Đức Giê-su mạc khải Người là Đấng Mê-si-a. Và Người phụ nữ đặt nghi vấn Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Vấn đề “nơi thờ phượng” lại được Đức Giê-su giải quyết bằng cách xác định rõ: chủ thể của việc thờ phượng – “những người thờ phượng đích thực”; đối thể của việc thờ phượng -  thờ phượng Cha; và cách thức thờ phượng: “trong thần khí và sự thật"
Thứ tư, cách thức Rao Giảng Tin Mừng của Đức Giê-su là: đến – gặp gỡ – mạc khải – ở lại. Động từ “nói với” là động từ được dùng nhiều nhất trong đoạn văn này (25 lần). Và cũng chính nhờ “lời nói” mà dẫn đến niềm tin. Người phụ nữ tin nhờ lời Đức Giê-su rao giảng. Những người Sa-ma-ri tin nhờ vào lời chứng của người phụ nữ và nhiều người hơn nữa tin nhờ nghe lời của Đức Giê-su. Động từ “ở lại” chỉ xuất hiện hai lần nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Chính nhờ ở lại mà những người Sa-ma-ri có cơ hội “nghe” lời Đức Giê-su, “biết” Người là ai và “tin Người là Đấng cứu độ thế gian”.
Thứ năm, việc gặp gỡ Đức Giê-su có thể mang lại cho một người ơn giải thoát và trở thành chứng nhân của Tin Mừng. Sau khi nhận ra Đức Giê-su là ai, Người phụ nữ bỏ lại vò nước, vào thành và mời gọi mọi người “hãy đến và xem” và chính nhờ lời chứng của Chị mà họ đã “ra khỏi thành và đến với Người”.
Cuối cùng, Đoạn Tin Mừng Ga 2,4-42 quả thật là một bức tranh sinh động về sứ mạng “thực hiện ý muốn của Đấng đã sai Thầy” của Đức Giê-su. Từ một không gian nhỏ bé bên bờ giếng Gia-cóp phát triển thành một không gian rộng lớn: thành Sa-ma-ri. Thời gian cũng được mở rộng: từ một thời điểm: “giờ thứ sáu” đến “hai ngày”. Từ một câu nói “cho tôi uống với” đến ở lại trong thành hai ngày. Và nhất kết quả của mùa gặt: từ một người tin dẫn đến nhiều người tin và sau đó nhiều người tin hơn nữa. Và họ tiến tới niềm tin trọn vẹn: tin vào ơn cứu độ phổ quát – tin rằng “Người là Đấng cứu độ thế gian”. Trong đoạn văn này Đức Giê-su  dùng hai lần đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” (4,22: Chúng tôi, chúng tôi thờ phượng điều chúng tôi biết). Điều này chứng tỏ rằng Đức Giê-su đang nói thay cộng đoàn. Đức Giê-su đồng hóa mình với các môn đệ, với cộng đoàn người tin. Khi cộng đoàn rao giảng là chính Đức Ki-tô rao giảng.


SÁCH THAM KHẢO

Barley, W., bản Việt ngữ Tin Mừng theo thánh Gioan (nguyên tác: The Gospel of John), Hà nội, Tôn Giáo, 2008.

Brown, R.E., The Gospel according to John I-XII (Anchor Bible Series, Vol. 29), New York, Doubleday, 1970.

Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Yoan, tập II: Tái sinh bởi Thần Khí, Hà Nội, Tôn Giáo, 2000.

Lê Minh Thông, Bản Văn Gio-an: Tin Mừng và ba Thư Hy lạp – Việt, Hà nội, Tôn Giáo, 2011.

_____________, Tình Yêu và Tình Bạn, TpHCM, TTHVĐM, 2009.

_____________, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần I, TpHCM, THVĐM, 2009.

_____________, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư, Hà nội, Tôn giáo, 2010.

Marchadour, Alain, Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan (L’Evangile de Jean, Centurion),1992.

Moloney, Francis J., The Gospel of John (in Sacra Pagina, Daniel J. Harrington, Editor), Collegeville, The Ligurtical Press, 1998.

The complete Biblical Library, Springfield, Missori, U.S.A, 1998 [bản Việt Ngữ  Chân Ngôn, chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và Đại Lễ- Năm A, TpHCM, TT HVĐM, 2011.

The Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by members of the Facculty of Theology of the University of Navarre, Scepter Publishers, 2002.

Brown Raymond E.,  The New Jerome Biblical Commentary,  New Jersey, Prentice Hall, 1990.




[i] Xc.F.J.Moleney, sđd., p.130.
[ii] Xc. The Navarra Bible, p.577.
[iii] Xc. The New Jerome Biblical Commentary, Edited by Raymond E.  Brown (New Jersey: Prentice Hall, 1990), p. 957.
[iv] Xc. R.E.Brown, sđd., p.173.
[v] Xc.F.J. Moloney, sđd., p.135.
[vi] Ibid., p.142.
[vii] Xc. R.E.Brown, sđd., p.174.
[viii] Xc. Lê Minh Thông, Tình Yêu và Tình Bạn (TpHCM: TTHVĐM, 2009), tr. 66-67.
[ix] Xc. Francis J. Moloney, sđd.,  p.147.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét