Chúa nhật V Mùa chay A
Deacon Tiền Lê, SVD
Một không khí ảm đạm,
tang thương bao trùm lên gia đình của Mattha và Maria sau khi tảng đá cửa mộ được
phủ lấp và thân xác Ladarô đã nặng mùi. Đó là một mất mát lớn cho gia đình hai
chị em Mattha và maria, đồng thời cũng là nỗi đau của những người thân cận,
hàng xóm của họ. Đức Giêsu cũng xót thương và cám cảnh trước sự ra đi của người
bạn, Đức Giê-su đã rơi lệ. Đứng trước những bệnh tật, đau khổ của con người Ngài
đã ra tay cứu chữa. Còn giờ đây khi phải đối diện với cái chết như một quy luật
của đời người, Ngài đã làm gì? Phải chăng Ngài vẫn bất lực, vẫn phải bó tay như
bao người thầy thuốc, bao vị lang y khác hay sao? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu
xem Ngài làm gì trước cái chết của con người? Qua việc phục hồi sự sống cho ông
Ladarô mạc khải cho chúng ta ý nghĩa gì về việc kẻ chết sống lại sau này?
1.
Ngài là Đấng khai mở
niềm hy vọng
“Lạy Thầy nếu có Thầy ở đây thì em con đã
không chết”.
Mattha tiếc nuối về một cơ hội, nếu lúc đó có Thầy hiện diện thì chắc chắn điều
bất hạnh đã không xẩy ra với gia đình cô. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã rồi. Mattha
bàng bạc một niềm tin, một kinh nghiệm quá khứ. Giả như hôm đó có Thầy thì mọi
chuyện đâu đến nỗi! Nhưng giờ thì em chị đã ra đi và đã an nghỉ trong một nấm mồ,
như một định mệnh tất yếu của đời người. “Sinh ký, tử quy”. Một khi cánh cửa của
nấm mồ mở ra thì người ta phải bước vào thế giới của sự chết chóc. Tất cả sẽ bị
chôn vùi trong ngôi mộ, kể cả niềm hy vọng. Mattha không tỏ ra thất vọng hoàn
toàn, với một niềm tin bàng bạc và yếu ớt như ngọn đèn trước gió, bởi gia đình
chị vừa trải qua một thử thách quá lớn.
Sở dĩ
Mattha xác tín rằng ngay cả bây giờ: “Bất
kể điều gì Thầy xin cùng Chúa Cha, Ngài cũng sẽ ban cho Thầy”. Đây là kinh
nghiệm quá khứ về Đức Giêsu mà chị biết. Bởi, giữa Chúa Cha và Ngài có một mối
liên hệ đặc biệt. Chị vẫn tin vào uy quyền của Ngài, nhưng niềm tin đó, chị
không dám quả quyết một điều gì vượt ra ngoài quy luật của định mệnh con người.
Bởi thực tế em chị đã chết, đã an táng và đã nặng mùi rồi làm sao chị có thể
nghĩ đến điều gì khác thường ngoài quy luật bất di bất dịch của đời người. Hơn nữa
làm sao chị có thể tưởng tượng tới điều lạ lùng chưa có một tiền lệ nào trong lịch
sử đời người. Em chị sẽ sống lại. Chị vẫn tin rằng em chị sẽ sống lại vào ngày
tận thế, “khi kẻ chết sống lại, thì em
con sẽ sống lại”. Đối với chị một niềm tin như thế là quá đủ. Nhưng ở đây Đức
Giêsu đã làm một điều vượt ra ngoài những gì chị và mọi người đang nghĩ tới.
Ngài đã dùng uy quyền
của Đức Chúa, sau khi cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa, Ngài đã làm cho kể đã
chết rồi, dầu đã nặng mùi rồi vẫn sống lại được. Ngài đến nơi đã chôn cất thi
hài của Ladarô và lớn tiếng gọi: “Ladarô
hãy ra đây”. Thật lạ lùng người chết đã trỗi dậy và bước ra, chân tay còn
quấn vải liệm. Tất cả những người chứng kiến đều phải kinh ngạc và sửng sốt. Đây
là sự phục sinh thật sự cho một kẻ đã chết thật vì đã nặng mùi và không còn ai
có thể nghĩ tới một cái chết giả vờ. Cái chết này được khẳng định bởi mọi người
đã tham gia vào việc chôn cất thi hài của kẻ đã chết, chứ không thể nói là một
cái chết lâm sàng. Như thế, việc làm cho một thân đã xác chết được sống lại là
một phép lạ, mà chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thế thực hiện được. Điều
này khai mở ra chân lý, Đức Giêsu là chủ sự sống. Chỉ có Ngài mới có đủ uy quyền
để phá tan cửa mộ của sự chết và giải phóng con người khỏi ách nộ lệ của tội lỗi
và sự chết. Khi cửa mộ được mở rộng, cũng chính là lúc niềm hy vọng của kẻ chết
được khai mở. Con người sẽ không còn bị giam hãm trong bóng tối của sự chết,
nhưng sẽ được bước vào cõi sống bất diệt, chỉ với một điều kiện là phải tin vào
Ngài. Vì một khi đã xác tín vào Ngài thì “dầu
đã chết cũng sẽ được sống lại và kẻ nào sống mà tin vào ngài thì sẽ không bao
giờ chết”. Hiệu quả của niềm tin ấy là anh Ladarô đã sống lại. Như vậy
chính Ngài đã mở ra một niềm hy vọng lớn lao khi mà hầu như tất cả mọi người
đang chìm ngập trong sự thất vọng, trong bóng bóng tối của sự chết chóc.
2.
Việc Đức Giêsu làm
cho anh Ladarô được phục sinh giúp xác tín điều gì?
Con
người sinh ra không phải để chết. Chết không phải là điểm tận cùng của đời người.
Đằng sau cái chết, con người vẫn hy vọng vào sự sống trường cửu do Thiên Chúa ban
tặng nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Con
người sinh ra không phải để tàn lụi, để chôn vùi trong những nấm mồ của đau khổ
và thất vọng. Nhưng là để hy vọng và triển nở nhờ vào uy quyền của Đấng Phục
Sinh. Ngài là Đấng duy nhất có thể phá tan sự tù túng, đóng kín của những nấm mồ
tội lỗi, bóng tối, sự ích kỷ, nhỏ nhen, đê tiện, hèn mạt, gian tham, bất công,
hận thù, ghen ghét. Đó là những nấm mồ mà nhiều khi tự sức chúng ta không thể
lăn được tảng đang đè nặng lên nó. Một khi cuộc đời chúng ta bị chôn vùi bởi sức
nặng của nó thì chúng ta phải nhờ vào sức mạnh từ bàn tay của Đức Giêsu mới có
thế giải phóng chúng ta.
Có những
lúc chúng ta phải đối diện với những hoàn cảnh hết sức éo le, đau khổ dồn dập,
rủi ro triền miên. Con cái bệnh tật, làm ăn thất bại, vợ chồng nghi kỵ nhau. Cuộc
sống ảm đạm, mây mù bởi nhiều giông tố cuộc đời. Chúng ta chạy hết chỗ này tới
chỗ kia để xin ơn này ơn kia, nhờ cha này cha nọ, đến đền thờ này, nguyện đường
kia, hễ nghe nói ở đâu Đức Mẹ và Thánh Giuse hay một vị nào đó ban ơn là chúng
ta chạy tới, không tiếc thời gian, công sức, nhưng tất cả không vẫn hoàn không.
Chúa và Mẹ vẫn dửng dưng, vẫn im hơi lặng tiếng. Những lúc như thế chúng ta có
dám vẫn một lòng trung kiên với Chúa không? Chúng ta có đủ can đảm để nói với
chính mình và những người thân trong gia đình rằng Chúa vẫn có đó và đang đồng
hành với chúng ta trong đau khổ, thất bại và đang ở với ta trong mọi cảnh huống
của cuộc đời không?
Cũng
như Ladarô đã được chỗi dậy và giải thoát khỏi sự giam cầm của nấm mồ và sự chết.
Chúng ta cũng đang bị tội lỗi đè nặng và bị trói buộc vào những đam mê trong những
nấm mồ kiên cố của thế gian, chúng ta hãy xác tín vào Đức Giêsu như Mattha để
được Ngài đến và giải thoát và đem lại niềm hy vọng cho cuộc đời của chúng ta.
Những
ngày cuối cùng của mùa chay chúng ta hãy can đảm ra khỏi nấm mồ của tội lỗi, của
những thói hư, tật xấu bằng việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải, sửa đổi lầm lỗi, để
Thiên Chúa đến đem lại cho chúng ta niềm hy vọng và sự giải thoát đích thực.
Amen.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét