19 thg 4, 2014

Dấu chứng Phục Sinh



Chúa nhật Phục Sinh A
Deacon Tiền Lê,SVD
Hôm nay Giáo hội long trọng mừng biến cố Đức Giêsu Phục Sinh từ cõi chết. Giả như biến cố này xảy ra trong thời đại hôm nay thì sẽ là một cơn địa chấn, thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, khi một sự kiện lạ thường xảy ra thì mục đích của phần đông những người quan tâm chỉ vì sự hiếu kỳ mà thôi. Còn chúng ta, những người Công giáo đến với sự kiện Đức Kitô phục sinh chỉ vì lòng yêu mến, tin tưởng và niềm hy vọng vào sự tái hồi của cuộc sống viên mãn của chính chúng ta, nhờ tiền lệ phục sinh của Con Thiên Chúa làm người. Tuy nhiên với một sự kiện xẩy ra cách đây hơn 20 thế kỷ, có thể niềm tin ấy trong ta có đôi lúc nhạt nhòa vì tính thực hư của nó. Vậy đâu là cơ sở để chúng ta xác tín lại niềm tin vào Đấng Phục Sinh?

1.  Những dấu chứng để loại suy về Đấng đã chết
Tin Mừng hôm nay cung cấp cho chúng ta vài nhân chứng và vật chứng về việc Đức Giêsu đã sống lại.
-        Lời loan tin không rõ thực hư: sau khi ra một từ sáng sớm để viếng mộ vị đại ân sư đã giúp mình thoát cảnh đời bùn nhơ, Maria Mác đa la đã hối hả chạy về gặp các môn đệ để báo tin: xác Thầy không còn trong mộ? Người ta đã đem Thầy đi đâu? Tuy là người đã yêu mến Thầy rất nhiều, nhưng trực giác của tình yêu nơi Maria Mác đa la không đủ để bà nhận ra kết quả của điều khác thường của ngôi mộ trống.
-        Kẻ được mệnh danh là người đầu tiên tin vào sự phục sinh của Đức Kitô: khác với Maria Mác đa la, môn đệ Gioan là người kề cận Thầy nhất khi còn sống, cũng là người đã dành tình yêu cho Thầy nhiều nhất, đã chạy ra mộ cùng với Phêrô. Mặc dầu tới mộ trước nhưng ông đã không vào trong mộ. Ông đã nhường bước để cho Phêrô vào. Phải chăng đó là điều phải được ưu tiên cho vị tông đồ trưởng? Tuy nhiên, diễm phúc của kẻ đầu tiên tin vào sự sống lại của Đức Giêsu lại chính là người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến. Sau khi vào trong mộ và chứng kiến những dấu hiệu từ ngôi mộ trống ông đã tin. Thực ra niềm tin của ông đến qua nhiều dữ kiện: ngôi mộ trống và lời Kinh thánh đã nói về Ngài mà ông biết: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”.
2.  Những cứ liệu để xác tín về Đức Giêsu phục sinh
-        Tin vào sự Phục Sinh là một chuyện nghiêm túc và hệ trọng. Truyền thống đức tin của Giáo hội dựa trên những bằng chứng xác đáng từ Kinh thánh Cựu ước và Tân ước:
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty
Không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16,10).
Hay ngôn sứ Hô sê cũng đã nói:
Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống”
Ngày thứ ba sẽ cho chúng ta trỗi dậy,
Và chúng ta sẽ được sống trước nhan người” (Hs 6,2).
-        Tin vào chính lời Người đã báo trước khi còn sống: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục và kinh sư loại bỏ, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22).

-        Những lần hiện ra là bằng chứng xác đáng về việc Người đã sống lại: trong bốn ngày sau phục sinh đã nhiều lần Người hiện ra với một số phụ nữ và các môn đệ tiếp xúc, dạy dỗ họ thêm nhiều điều. Ngài hiện ra với bà Maria Mác đa la (xc. Ga 20,14-15). Ngài hiện ra với các môn đệ khi các ông đang đóng kín cửa vì sợ người Do thái. Người đã hiện ra và cho các ông xem tay và cạnh sườn (Ga 20 19-29), những dấu tích về Đấng đã bị đâm thâu, bị giết chết. Người hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (Xc. Lc 24,13- 35).
-        Biến cố thăng thiên hữu hình cũng là bằng chứng của sự sống lại: “Nói xong, Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây che khuất, khiến các ông không còn thấy người nữa. khi các ông đang đứng đăm đăm nhìn lên trời thì có tiếng nói: hỡi những người Galilê sao còn đứng nhìn lên trời? đấng vừa lìa các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy người lên trời”  (Cv 1,9.11).
 Đó là tất cả bằng chứng xác quyết về việc Đức Giêsu đã phục sinh từ cõi chết.
3.  Niềm tin vào Đấng Phục Sinh có ý nghĩa gì?
Chúng ta đón nhận đức tin về mầu nhiệm Phục Sinh qua con đường giáo dục đức tin của Giáo hội. Truyền thống Kitô giáo cho chúng ta kiến thức, và Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta về mầu niệm Đức Kitô Phục Sinh. Tất cả những điều đó là đáng tin cậy và đòi buộc chúng ta phải tin. Tuy nhiên, ý nghĩa của niềm xác tín này đem lại cho chúng ta điều gì?
-        Được sống và sống một cuộc đời viên mãn, hạnh phúc đó là khát vọng bản năng thiên phú của con người. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về điều này. Thử hỏi với cuộc sống tạm bợ, đời này với bao đau khổ, gánh nặng thương đau nhưng có lẽ chưa một ai muốn dứt bỏ nó. Như thế khát mong có được sự sống viên mãn đời đời thuộc về ơn gọi làm người của chính con người khi được Thiên Chúa sáng tạo.
-        Con người từ bao đời nay vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp để kéo dài sự sống, ước nguyện được sống trường sinh không loại trừ một ai. Tất cả người đều có quyền bình đẳng thể hiện ước muốn ngàn đời của lịch sử nhân loại này. Tuy nhiên, chưa một ai có thể giải được bài toàn hóc búa về sự trường sinh, ngoại trừ Đức Giêsu Đấng là tác giả sự sống.
-        Đối với người Kitô hữu chúng ta, đây chính là cùng đích của việc giữ đạo, việc tin theo Đấng đã chết vì tội lỗi loài người. Chính Ngài sẽ ban vinh quang và niềm hạnh phúc viên mãn cho chúng ta từ sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Như vậy niềm hy vọng của chúng ta không viễn vong, nhưng là có bằng chứng bởi như thánh Phao lô nói: “Đức Giêsu là hoa trái đầu mùa của những kẻ từ cõi chết sống lại”.
-        Quả thật, nếu Đức Kitô không sống lại thì không những mọi lời rao giảng, phép lạ Ngài làm và tất cả những gì được nói về Ngài đều vô giá trị. Cũng thế nói như thánh Phaolô: “Nếu không có sự phục sinh thì tất cả niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu chỉ là rác rưởi, là hảo huyền mà thôi”.
·       Lạy Đấng Phục Sinh, xin giúp lòng tin yếu đuối của mỗi người chúng con, để trong niềm hy vọng vào Ngài chúng con sẽ là nhưng người được hưởng nhờ hoa trái từ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Amen.    

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét