10 thg 11, 2012

Vượt qua ranh giới


Đỗ Quang Quốc SVD
Mỗi một quốc gia đều có một biên giới cho riêng mình. Dù chỉ là một thực tại rất nhỏ, nhưng nó đủ thẩm quyền để nói lên lãnh thổ của một quốc gia, mà các quốc gia khác không có quyền xâm phạm khi chưa được phép. Nếu một quốc gia không biết vượt qua biên giới đó để đến làm bạn với những quốc gia khác, ắt hẳn quốc gia ấy sẽ không cho đi và cũng không được chấp nhận.
Cũng vậy, trong mỗi một con người đều có ranh giới của riêng mình. Ranh giới ấy nhiều khi là rào cản làm cho chúng ta bị cô lập, không được người khác đón nhận; làm cho chúng ta ngại ngùng, sợ hãi… nếu chúng ta không biết chủ động phá vỡ nó. Do đó, ranh giới trong tôi đã cản lối bước tôi đến với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
I. Đâu là rào cảnh trong tôi để
1. Đến với Chúa
Qua Bí tích Thánh Tẩy, tôi đã được tái sinh để trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Công nghiệp Tử nạn – Phục sinh của Đức Kitô. Bí tích Thánh Tẩy mời gọi tôi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Và nhờ Bí tích Thánh Tẩy và công nghiệp của Đức Kitô, Thiên Chúa ban cho tôi được ơn trở lại với tình trạng nguyên thủy mà Người đã dựng nên – tình trạng ân sủng. Thế nhưng, tình trạng ân sủng đó đã bị Ađam – Eva phá đổ bởi sự bất tuân và nhân loại qua muôn vàn thế hệ không thể tránh khỏi. Từ tình trạng ân sủng, nay tôi sống trong tội lỗi. Tội lỗi đã làm cho mối liên hệ giữa tôi và Thiên Chúa bị rạn nứt. Giờ đây, tôi không được “dạo chơi” với Chúa trong “vườn địa đàng của ân sủng dư tràn”. Tình bạn giữa Đấng Tạo hóa với thụ tạo đã bị phá hủy. Mối thân tình nay không còn nữa, thay vào đó là sự đau xót của đôi bên. Bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và tôi ngày càng rộng hơn, xa hơn và dày hơn bởi được xây dựng và vun đắp bằng sự bất chính và tội lỗi của tôi. Bức tường tội lỗi đó đã trở thành vật cản to lớn cho sự chiêm ngưỡng dung nhan hiền hòa, nhân hậu và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Xưa kia, Chúa và tôi là một; nay đã bị chia cắt. Xưa kia, Chúa nhìn tôi, tôi nhìn Chúa; nay Chúa vẫn nhìn tôi, nhưng tôi né tránh ánh nhìn nhân từ đó. Chúa vẫn đang nhìn tôi với “ánh mắt” chờ đợi, nhẫn nại, gọi mời; còn tôi thì né tránh vì sợ và ngại ngùng. Chúa chủ động đi bước trước để đến với tôi, thế nhưng tôi chủ động chạy xa khỏi Người.
Vâng, tội lỗi chính là rào cản và ranh giới to lớn nhất để tôi đến với Chúa. Vì thế, bức tường ngăn cách đó ngày càng dày hơn, bề thế hơn, rộng lớn hơn nếu tôi…?
2. Đến với tha nhân
Cuộc sống là chuỗi ngày được xây dựng nhờ mối tương quan giữa con người với nhau. Chuỗi ngày đó đặt nền tảng trên việc cho đi để rồi được nhận lại. Sống là sống với và sống cho. Tôi không thể là tôi nếu không sống trong mối tương quan liên bản vị đó. Tôi không thể là người, nếu không biết xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất. Tôi không thể là Kitô hữu, nếu không biết cầu nguyện và đắp xây mối hiệp nhất huynh đệ trong Chúa Kitô. Tôi không thể nào là chính tôi, nếu cứ sống “trong vỏ ốc” của đời mình. Những “vỏ ốc” của đời tôi: hẹp hòi, ích kỷ, đố kỵ, nghen tuông, hiềm khích, hận thù, chia rẻ, bè phái, kiêu căng…Chính những “vỏ ốc” này đã trở thành chướng ngại vật để tôi đến với người khác. Tôi vun đắp tất cả (tốt, xấu) cho riêng mình. Đại từ nhân xưng “tôi” có thể được định nghĩa bởi câu: “của mình thì giữ bo bo; của người thì bỏ cho bò nó ăn.” Tôi sống với phương châm “mặc kệ nó”, “sống chết mặc bây”. Thế mà tôi vẫn thấy bình an để cứ sống hoài, sống hoài trong vỏ ốc ích kỷ, hẹp hòi của mình.
Vậy, còn đâu nữa ý nghĩa của tình huynh đệ; còn đâu nữa ý nghĩa của sự bác ái, yêu thương, hiệp nhất, anh chị em; còn đâu nữa mối thân tình giữa các Kitô hữu trong Đức Kitô và trong Hội Thánh; còn đâu nữa ý nghĩa của từ “cộng đoàn tu sĩ”. Do đó, nếu tôi cứ mãi an nhàn, an phận với lối sống ấy, ắt hẳn tôi sẽ không là “con người đúng nghĩa”. Vậy tôi phải…?
3. Đến với chính mình
Khám phá bản thân mỗi ngày để biết rõ mình hơn, phải chăng là cách để phá bỏ rào cản trong tôi? Phải chăng sự kiêu hãnh, tự mãn với những gì đang có là bức tường ngăn cản tôi hiểu chính mình? Một con người đúng nghĩa, phải chăng phải biết chân nhận giá trị, tính cách, lối ứng xử, suy nghĩ, cảm xúc, xu hướng… của chính mình? Kiêu hãnh, ngộ nhận là áng mây đen che mờ, cản lối để tôi nhìn lại bản thân. Khi đã không biết nhìn, nghĩ, suy xét bản thân, có nghĩa là tôi không biết con người thật của mình. Do đó, tôi cứ tự hào với những gì mình đang có, đôi khi chúng chỉ là những ảo giác, ngộ nhận và trống rỗng. Cuộc sống tôi được tô vẻ với những ảo ảnh, phù vân… Con người thật của tôi được phủ nhiều lớp của sự gian dối, điêu ngoa. Vậy tôi phải làm gì để nhận ra chính mình?
II. Phương thế
1. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Người luôn kiên nhẫn đợi chờ và tạo nhiều cơ hội tốt để những tội nhân trở về với Chúa. Người luôn luôn thứ tha những ai biết sám hối trở về. Thiên Chúa ban sức mạnh và sự khôn ngoan của Thần Khí để thúc giục tội nhận trở về với Người, nhưng xưa kia Thần Khí đã thúc giục Phêrô vượt qua ranh giới của văn hóa, dân tộc để đến với gia đình Cô-nê-li-ô. Tình yêu Thiên Chúa đã ủ ấp tôi như mẹ hiền ủ ấp đứa con thơ. Người ôm trọn lấy tôi, ban cho tôi tình yêu, sức mạnh để can đảm quay về với vòng tay ấm áp, yêu thương, từ bi và nhân hậu. Người luôn âm thầm nói bên tai, trong lòng tôi những lời gọi mời; và hãy tin vào lòng thương xót của Người. Hãy cậy trông và hy vọng vì bởi chính Người là Thiên Chúa của niềm cậy trông và hy vọng.
2. Phải chăng quảng đại, tha thứ, bao dung, hiệp nhất huynh đệ… là phương thế để tôi vượt qua ranh giới để đến với tha nhân. Như Thiên Chúa đã vượt qua tầng trời để đến với con người. Thánh Phaolô đã suy tư: “Đức Giêsu Kitô bản thân vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân; xuất hiện dưới hình phạm nhân” (Pl 2,6-8a) Như thế, chính Thiên Chúa đã chủ động đi bước trước để đến với con người. Đấng Tạo hóa chủ động làm hòa với thụ tạo. Một hình ảnh diễn tả PASSING OVER quá đẹp, thật ý nghĩa! Một Phêrô biết vượt qua rào cản tôn giáo để đến với người ngoại giáo nhằm giúp họ nhận biết ơn cứu độ. Để làm được như thế, chính ông cũng đã chiến đấu nội tâm cách mãnh liệt vì khi đã làm, có nghĩa là phó bỏ (bẻ gãy) cả một quan điểm từ xa xưa. Nhưng nhờ sức mạnh nội tâm được Thần Khí thúc đẩy, ông đã can đảm vượt qua ranh giới đó để làm một công việc cao cả, chính là rao giảng tin mừng ơn cứu độ.
Cũng thế, để đến làm hòa với tha nhân và bẻ gãy rào cản hữu hình hay vô hình với tha nhân, tôi cần biết chủ động đi bước trước một cách can đảm và với tình yêu thương.
Hơn nữa, khiêm hạ và sám hối mỗi ngày là cách thức để đối thoại, ăn chung mâm – ngồi chung bàn, chân nhận tất cả giá trị thật của bản thân (ưu, khuyết, sở trường, sở đoản…). Khiêm hạ để biết tôi là ai? Tôi sống như thế nào? Cách ứng xử, lời nói, hành động… của tôi có phù hợp với tư cách, con người của tôi? Thái độ sống của tôi có phải là cầu nối giữa tôi với mọi người, giữa mọi người với nhau và với Chúa? Quả vậy, nếu biết nhìn nhận những giá trị đó mỗi ngày, ắt hản mọi rào cản, ranh giới sẽ bị phá đỗ;  trái lại, sự bình an, niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ thật dồi dào và phong phú.
Tóm lại, như Đức Kitô luôn “đi ra”: đi ra khỏi hội đường để đến với mọi người, để gặp gỡ dân chúng khắp vùng miền, rồi lại vào nơi hoang vắng cầu nguyện; rồi lại ra đi rao giảng… Có thể nói rằng: không điều gì có thể dập tắt khao khát đem tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến mọi người nơi Đức Kitô. Hay vượt qua là tập luyện con tim, lối suy nghĩ và sự lựa chọn để vượt những nhịp điệu nhàm chán không hồn, hay giải thoát những thói quen trong công việc hằng ngày; để tập trung vào thế giời nội tâm và tìm lại những động lực đích thực cho cuộc sống và sứ vụ. Quả thật, sứ vụ của người tu sĩ truyền giáo “không chỉ là thế giới nhỏ bé của chúng ta, giáo xứ chúng ta, nhóm chúng ta, cộng đoàn chúng ta hay quê hương chúng ta; nhưng là Giáo Hội, là thế giới của một thừa tác vụ phổ quát…” để đưa chúng ta đến gặp gỡ muôn vàn bộ mặt, muôn vàn dân nước, văn hóa, tôn giáo… Vì thế, hãy “trở nên như Đức Kitô mục tử, Người giữa muôn người.” (Enrico Masseroni, Thầy đã làm gường cho anh em (Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ chuyển ngữ), NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 26.).