Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Hằng năm, Giáo Hội
toàn cầu long trọng cử hành nghi thức Phụng Vụ tưởng niệm việc Con Thiên Chúa,
Chúa Giêsu - Đấng cứu độ đến và ở cùng nhân loại. Chúng ta hãy cùng nhau tìm
lại trong ký ức của mình những kỷ niệm về sự việc trọng đại này và suy niệm về
tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa dành cho dân người. Vì sao con Thiên Chúa phải
xuống thế làm người? Ngài đến để làm gì? Chúng ta cùng nhìn lại lịch sự nhân
loại từ khởi nguyên để chúng ta có những ý niệm rõ ràng hơn về ngày Giáng Sinh
của Đấng Cứu Thế.
1. Hạnh phúc địa đàng
Khi muốn diễn tả hạnh phúc người ta thường
nhắc đến hai khái niệm: Thiên đàng và Địa đàng. Đó chính là hai cảnh giới mà
con người luôn mong đạt đến và tìm lại. Thiên đàng, cõi phúc thiên giới, chính
là nơi mà con người mong được bước vào trong ngày sau hết của đời mình; còn địa
đàng là cõi phúc hạ giới, vùng đất mà con người luôn muốn tìm lại từ khi Ông Bà
Nguyên Tổ bước ra khỏi đó.
Như vậy, lịch sử
nhân loại không phải gắn liền với những nỗi thống khổ triền miên ngay từ thuở
tạo thiên lập địa. Nhưng đã có lúc nhân loại tràn ngập hạnh phúc. Đó là hạnh
phúc địa đàng, hạnh phúc nguyên thủy mà Thiên Chúa trao ban cho con người và
muôn sinh vật ngay thời điểm tạo dựng. Chúng ta cùng nhau suy niệm về tình
trạng hạnh phúc này. Lần dở từng trang sách sáng thế chúng ta dễ dàng nhận ra
rằng sở dĩ địa đàng hạnh phúc vì nơi đây có những sự giao hòa tuyệt đối. Tất cả
đều được Thiên Chúa đóng dấu xác nhận là “hàng trần Thiên Chúa chất lượng cao”.
Đó là sự giao hòa giữa đất với trời:
Thuở ban sơ người kề bên tạo hoá
Đã dựng lên ngày lại dựng nên đêm
Đắp đổi cho nhau theo đúng lệnh truyền
Không sai chạy luật thiên nhiên vĩnh cữu
Thiên Chúa đầy
thông minh thiện trí đã tạo dựng nên thế giới xanh tươi này với tất cả sự hoàn
hảo của nó, mọi quy luật vần xoay thật không sai chạy tý nào, thế giới cứ thế
vần xoay và tiếp diễn một cách êm đềm.
Sự giao hòa giữa các sinh vật với nhau
Mỗi loài thảo mộc
hay động vật đều được Thiên Chúa tạo dựng với một đặc trưng riêng và chiếm ngự
ở một vùng lãnh thổ riêng phù hợp với loài đó và đặc biệt là trong tương quan
hòa nhã với các loài khác. Có loài thảo mộc, lại có cây cho trái. Có vầng sáng
lớn hơn làm chủ ban ngày, lại có vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm, lại có thêm
muôn vàn tinh tú để tô điểm cho vẻ đẹp của vũ trụ. Thiên Chúa cũng ban cho
chúng một quy luận sinh tồn, vận động và phát triển. Cuộc sống của các sinh vật
rất hòa thuận. Sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được
nuôi chung với nhau, … bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung
một chỗ… đó là những hình ảnh của một thời hoà bình mà tiên tri Isaia sau này
đã loan báo sẽ xảy ra vào thời Đấng Thiên Sai (x. Is 11, 6-7). Tuy vậy, cảnh
tượng ấy đã từng tồn tại trong vườn địa đàng bởi Thiên Chúa đã không đưa vào đó
bất cứ một sự dữ, hay sự ác nào. Tất cả đều tốt đẹp và hài hòa.
Sự giao hòa giữa con người với sinh vật
Con người sống
trong vườn địa đàng không có một khoảng cách hay một xung đột nào với các loài
sinh vật. Không có khái niệm thú dữ hay thú lành. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi
bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào hang rắn hổ mang (Is 11, 8).
Con người không gây hại cho các loài khác và cũng không phải nơm nớp lo sợ bị
thú rừng tấn công. Bởi Thiên Chúa đặt để con người làm chủ mọi loài thọ sinh
(St 1, 26-29). Và sinh vật cũng điềm nhiên chấp nhận con người là chủ của mình.
Và lẽ di nhiên, ông chủ “người” được đặt lên để coi sóc bảo dưỡng, và cũng có
thể hưởng dùng nhưng không phá hoại cũng như gây hại cho quy luật sinh thái.
Mối tương quan này chỉ được duy trì cách tốt đẹp khi nó vẫn được con người duy
trì đúng như quy luật Chúa đã đặt để trong thiên nhiên.
Sự giao hòa giữa con người với nhau
Con người nguyên thủy được tạo dựng cho
nhau và vì nhau. Họ thật sự không thể sống thiếu nhau được, và không thể ở một
mình được (St 2,18). Đó chính là tư tưởng mà thánh phao-lô đã lặp lại trong thư
gửi tín hữu Cô-rin-tô sau này: “Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng ; cũng vậy, chồng
không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1Cr 7,4). Quả
vậy, thuở xưa, Eva được tạo nên từ một phần thân thể của Adam và Adam cảm thấy
rất hạnh phúc khi nhìn thấy Eva và chung sống với Eva. Còn Eva thì nhận ra mình
là một phần của Adam và không thể rời xa Adam được. Đó là biểu tượng chung của
tình yêu, tình nhân loại. Cái duy nhất tồn tại trong quan hệ giữa đồng loại
trong vườn Eden đó là tình yêu - tình người. Con người hòa quyện, quấn quýt bên
nhau, rất mực yêu thương nhau và chính điều ấy làm nên hạnh phúc.
Còn một sự giao hòa là cội nguồn của mọi sự giao hòa
Đó là sự giao hòa
giữa Thiên Chúa - Đấng Hóa Công và các loài thụ tạo, đặc biệt là con người.
Sáng thế ký diễn tả Thiên Chúa tạo dựng nên con người từ tình yêu hiệp nhất của
Ba Ngôi để thông ban tình yêu và để con người đựơc hưởng hạnh phúc cùng với
mình (St 1, 26). Tình yêu của con người là một phần tình yêu của Thiên Chúa,
một loại thiên tình chứ không chỉ là thế tình. Không có thiên tình sẽ không có
thế tình. Thế tình chỉ đạt được viên mãn khi đặt nền tảng trên thiên tình mà
thôi. Thiên Chúa hiện diện với con người qua các hành động như đi dạo trong
vườn (St 3, 8), coi sóc hỏi han con người như một người Cha luôn kề cận bên đứa
con thơ bé bỏng để chăm sóc khi nó cần. Ngài cùng chơi đùa với con người, làm
cho nó được vui.
Trong vườn địa đàng
nơi đâu người ta cũng thấy một sự giao hòa không có bất cứ một mối bất hòa hay
chia rẽ nào. Tất cả những mối quan hệ đều được móc xích một cách chặt chẽ và
vận hành một cách trơn tru êm đềm. Tuy có nhiều lòai khác nhau nhưng tất cả thụ
tạo như hiệp nhất, quấn quít, hoà quyện lấy nhau, dưới sự làm chủ của con
người. Không một loài nào có thể tách rời ra một mình, không tương giao với
loài khác. Con người nắm tay nhau bước đi trong vườn địa đàng với một tâm hồn hân
hoan phấn khởi với tình yêu dạt dào và cảm nếm niềm hạnh phúc vô bờ.
Thiên Chúa thấy mọi
sự đều tốt đẹp (St 1, 25). Mỗi ngày tạo dựng đều được kết thúc như vậy. Điều đó
cho thấy thế giới khởi nguyên không tồn tại bất cứ một sự xấu xa nào hay đau
khổ nào. Ôi! vĩ đại thay công trình của Chúa, ngàn đời con xin mãi ca ngợi và
tán dương (Tv 136, 4).
2. Vì đâu nên nỗi đoạn
trường?
Và có một điểm đặc
biệt nhất mà Thiên Chúa ban cho con người đó là sự tự do, lý trí và ý chí. Lý
trí để phân biệt mọi điều đúng sai, phải quấy và tự do để chọn lựa và ý chí để
quyết định. Bằng cách ban cho con người tự do hoàn toàn, Thiên Chúa cho thấy
Ngài tạo nên con người không phải như một món đồ chơi vô cảm trong tay Ngài,
hoặc là một tên đầy tớ nằm trong sự khống chế tuyệt đối của Ngài. Con người với
đầy đủ tự do và lý trí thật sự là một ngôi vị chứ không phải là một đồ vật
trong tay người thợ. Con người chỉ thật sự là một sinh vật sống động và có nhân
vị khi họ có đầy đủ tự do và lý trí.
Rủi thay, chính cái
tự do đẹp đẽ, cao cả ấy cũng chính là mấu chốt của mọi vấn đề của nhân loại.
Giấc mơ muốn được mở mắt ra, muốn được tinh khôn như những vị thần (St 3, 6),
muốn biết lành biết dữ của con người đã bị ma quỷ lợi dụng. Và chuyện gì đến đã
đến. Vào một ngày đẹp trời, Thiên Chúa như thường lệ đi dạo trong vườn để gặp
gỡ và trò chuyện với những đứa con thân thương của mình. Nhưng lần nầy Thiên
Chúa đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy bóng dáng nô đùa ngày thường của con mình.
Thiên Chúa cất tiếng gọi thì hỡi ôi!: “Con
nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng nên con lẩn trốn”
(St 3, 10). Một câu trả lời vắn vỏi và đầy vẻ hoảng sợ của Adam đã nói lên tất
cả. Xen kẻ với tiếng cười hả hê của ma quỷ là một bầu không khí đen nghịt và ảm
đạm bao trùm lấy vườn địa đàng chiều hôm ấy. Một nỗi sợ hãi chụp lấy con người
làm cho nó không còn dám đối diện với người Cha của mình. Một mối tình bị tan
vỡ, hai trái tim tan nát, những dòng nước mắt vô tận, chạy dài. Adam chợt tỉnh
giấc mộng muốn được như Thiên Chúa và ngỡ ngàng nhận ra mình không còn là mình
nữa. Chính lúc họ muốn được mở mắt ra cũng là lúc họ chẳng còn thấy gì nữa, họ
đã đánh mất tất cả… nhân loại chìm vào bể khổ vô tận…
3. Những ngày tháng những năm dài triền miên
Tất cả các mối giao
hòa như những vùng đất trong cơn địa chấn, đã dần dần bị nứt nẻ và sụp đổ. Và
rồi, Con người cảm thấy có sự bất hòa ngay trong bản thân mình.
Đầu tiên đó là tình trạng sợ hãi. Họ sợ hãi bởi họ đã
nghe lời ma quỷ mà không giữ lời Thiên Chúa, cha của mình. Họ xấu hổ vì họ trần
truồng. Buồn cười thay, thân xác Thiên Chúa ban cho họ với đầy đủ vẻ đẹp tuyệt
mỹ như thế giờ họ thấy bất ổn và muốn che lại (St 3, 7). Sự xấu xa không nằm ở
thân xác. Thân xác vẫn đẹp như ngày Chúa tạo dựng nhưng giờ đây một sự xáo trộn
đã phủ kín tâm hồn họ. Sự xáo trộn đủ để thay đổi tất cả. Bản chất tự nhiên đã
bị thay đổi hoàn toàn. Họ thấy cần phải che dấu bản thân họ và trốn chạy Thiên
Chúa.
Không những thế, mối tương quan đồng loại cũng bắt đầu sứt
mẻ. “Người đàn bà mà Chúa đã cho ở với con đã cho con trái cây ấy, nên con
ăn” (x. St 3, 12). Té ra, người mà Chúa ban để bầu bạn và làm cho Adam được
hạnh phúc; Người mà Adam thuở ban đầu đã vỡ oà trong niềm thương yêu trìu mến
mà gọi là “thịt bởi thịt tôi và xương bởi xương tôi” (St 2, 23), nay lại là
“người đan bà Chúa cho ở với con…”, và là cớ vấp phạm cho tôi. Trong lời Adam
chất chứa một nỗi hờn giận nào đấy. Adam oán trách người phụ nữ và oán trách
chính Thiên Chúa vì đã ban cho ông người phụ nữ ấy. Adam không muốn nhận phần
lỗi về mình. Nỗi oán trách của ông ẩn chứa một sự thoái thác trách nhiệm. Con
người từ nay không còn can đảm để lãnh lấy trách nhiệm của những hành vi của
mình nữa.
Rồi đến lượt người
đàn bà oán trách con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và
thiên nhiên vốn xanh tươi hiền hòa, xinh đẹp, là bạn bè thân thiết của con
người nay bỗng trở nên “kẻ lừa dối con người” và là mối thù của nhân loại.
Thiên nhiên vốn hiền hoà tốt đẹp nay bỗng trở nên dữ dằn đáng sợ trong mắt của
Eva. Và dĩ nhiên, trong lời nói này của Eva cũng ẩn chứa một sự oán trách thiên
nhiên mà Chúa đã ban cho mình và sự thoái thác lãnh lấy một trách nhiệm.
Tuy nhiên, dù muốn
dù không con người cũng đã muốn sử dụng tự do và chắc chắn phải lãnh lấy trách
nhiệm cho tất cả những gì mình đã làm dựa trên tự do ấy.
Tất cả các mối giao
hòa đã bị bẻ gãy và con người phải đi tiếp bước đi mình đã chọn. Và từ nay trên
bước hành trình của họ không còn sự êm đềm như xưa nữa. Thiên Chúa báo trước
những nỗi gian truân mà con người sẽ gặp phải trong đoạn đường tiếp theo của
mình: “Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong
đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho
ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,
cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất,
và sẽ trở về với bụi đất.” ( St 3,17-19). Với Eva, Thiên Chúa cũng báo trước
nỗi nhọc nhằn mà bà phải gánh vác: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật
nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn
chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi" (St 3,16).
Ra khỏi vườn địa
đàng, con người chìm vào kiếp trầm luân. Trùng trùng điệp những nỗi thống khổ
bao trùm lấy con người.
Trước tiên, thiên
nhiên giờ đây đã trở nên khó chịu với con người. Ngày ngày, con người phải đối
diện và chống chọi với hàng loạt những thảm họa của thiên nhiên. Đó là những
trận bão táp, lũ lụt, động đất, sóng thần, núi lửa, hạn hán, đói kém… con người
phải vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn. Và càng mãi mê trong cuộc đấu tranh
sinh tồn thì con người càng không có thời gian để nghĩ đến căn tính nguyên thủy
của mình.
Chưa hết, con người
cũng phải chiến đấu với chính những bất ổn ngay trong bản thân mình. Tiếng khóc
chào đời của mỗi con người là báo hiệu cho một chuỗi những ngày bất ổn ấy. Đời
người gắn liền với một quy trình sinh, bệnh, lão, tử mà không ai có thể thoát
khỏi được. Con người phải đón nhận những cơn bệnh của riêng bản thân mình cho
đến những cơn bệnh thế kỷ cho toàn nhân loại. Từ những cơn bệnh về thể xác cho
đến những cơn bệnh về tinh thần, những xâu xé trong tâm hồn. Từ những cơn bệnh
y học có thể can thiệp được đến những cơn bệnh mà y học không thể nào can thiệp
được. Từ những cơn đau nhất thời cho đến những nỗi đau triền miên…
4. Huynh đệ tương tàn
Còn nữa, con người
vốn là bầu bạn, là thiên đàng của nhau nay lại trở nên địa ngục của nhau. Khởi
đi từ câu chuyện Cain giết chết chính người anh em ruột thịt của mình bởi lòng
ganh tỵ (St 4, 8). Đó là phát súng khai hỏa, báo hiệu cho hằng hà sa số những
xung đột giữa con người với nhau. Cho
đến nay, đã có vô số cách giết hại lẫn nhau được nhân loại phát minh ra, từ đơn
giản cho đến phức tạp: bằng tay, bằng gươm giáo, bằng súng óng, bằng chất độc,
bằng vũ khí hạt nhân… Lịch sử nhân loại ghi lại biết bao nhiêu cuộc chiến tranh
khốc liệt, đẫm máu và đầm đìa nước mắt. Con người tranh giành, ghen tỵ, chém
giết lẫn nhau không thương tiếc. Từ những xung đột của cá nhân cho đến những
cuộc chiến tranh giữa các dận tộc, quốc gia và châu lục. Từ chiến tranh sắc tộc
cho đến chiến tranh tôn giáo. Từ những hình thức giết người đơn lẻ cho đến
những cuộc chiến mang tính hủy diệt. Hai quả bom nguyên tử được ném xuống
HIROSHI và NAGAXAKI, Nhật Bản trong thế chiến thứ II (1939-1945), chất độc màu
da cam được rãi xuống miền trung Việt Nam trong những năm 1962-1971 đã hủy giệt
hàng triệu mạng người và làm cho bao nhiêu người phải sống dở - chết dở, làm
thiên nhiên hoang tàn đổ nát, không sinh vật nào có thể tồn tại được. Những
cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc trên thế giới hiện nay, cho thấy nhân
loại vẫn còn đó những ác tâm giết hại lẫn nhau. Họ giết nhau có trí tuệ, giết
nhau một cách khoa học, giết nhau một cách có tổ chức. Tiêu chuẩn của vũ khí
hạt nhân hiện đại là: không chỉ giết một số người nhưng có thể hủy diệt một dân
tộc, một quốc gia hay cả một châu lục; không chỉ giết chết con người nhưng hủy
hoại cả một vùng thiên nhiên và môi trường, trong một thời gian lâu dài.
Mới đây, trước thềm
năm mới và trong không khí nô nức chuẩn bị Mừng Sinh Nhật Đấng Cứu Thế, thế
giới bỗng bàng hoàng, kinh hãi trước một vụ thảm sát đẫm máu nhằm vào các học
sinh tiểu học, giáo viên, và người phục vụ tại Newtown, bang Connecticut, USA.
Vụ thảm sát đã cướp đi sinh mạng của 20 học sinh tiểu học và 6 người lớn, trước
đó sát thủ cũng đã giết chết mẹ mình (http://dantri.com.vn/the-gioi/vu-tham-sat-tai-truong-hoc-my-hung-thu-truoc-do-da-giet-chet-me-674179.htm).
Con người đang lãnh lấy hậu quả ngày càng nghiệm trọng của những quyết định sai
lầm của mình. Sự ác như một vị khách bất đắc dĩ cứ bám đuổi và hiện diện trong
bàn tiệc nhân loại làm cho cuộc sống của họ luôn luôn bất an và đau khổ triền
miên.
5. Đỉnh điểm của sự
tàn ác
Con người muốn lấy
mình làm trung tâm muốn giành về phía mình những mối lợi ngay ca khi nó không
thuộc về mình. Thiếu tình yêu Thiên Chúa, thiếu yêu thương đồng loại, thiếu hy
sinh, thiếu mối quan tâm, con người chỉ còn âm ĩ trong lòng mình những mối hiềm
khích, thù hằn, hằm hè muốn ăn sống nuốt tươi lẫn nhau. Nỗi đau kinh khủng và
triền miên nhất có lẽ là nỗi đau mà con người trút lên nhau.
Và tội ác kinh tởm
và đáng sợ nhất chính là nạn phá thai. Một người mẹ tự quyết định vận mạng của
một thai nhi không do mình tạo ra. Hùm dữ không ăn thịt con. Thế mà nhân loại
văn minh hiện đại lại gắn liền với tình trạng phá thai một cách công khai, bừa
bãi và gia tăng đều đặn theo cấp số cộng. Hành động phá thai đã hạ giá nhân
phẩm con người đến mức thấp nhất, xuống tầm mức của một loài thú dữ và có thể
thấp hơn nữa khi chính người cha, người mẹ, người ruột thịt nhẫn tâm giết chết
con của mình-điều mà hùm dữ hiếm khi làm. Và người bác sĩ vốn là “từ mẫu” nay
lại là “ác mẫu”; Vốn là thầy cứu người nay lại là kẻ thủ phạm giết người. Cũng
chính bàn tay ấy giúp cho một trẻ em được chào đời và chính bàn tay ấy giết
chết mầm sống chưa chào đời. Ôi! Đau đớn đến thế là cùng!!
Phải chăng đã đến lúc
chúng ta nên bớt đi những ích kỷ chỉ sống cho riêng mình, bỏ đi thù hằn, ghen
ghét muốn tấn công tha nhân. Phải chăng đây là lúc chúng ta nên thực thi lời di
chúc tha thiết của Thầy Giê-su: “Anh Em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu
thương anh em” (Ga 15, 12). Nhân loại vẫn có đó những tấm lòng nhân hậu, yêu
thương đồng loại sâu sắc. Tuy nhiên, thế vẫn còn chưa đủ để khỏa lấp cái ác
đang bao trùm nhân loại. Vì thế cần lắm, cần lắm những tấm lòng trắc ẩn đối với
nỗi đau của người khác, cần lắm những tấm lòng xây dựng hòa bình, ước mong bình
an cho thế giới.
6. Quà mừng sinh nhật
Đấng Cứu Thế
Một niềm hy vọng
Khi trần gian mịt mùng không lối thoát.
Kinh Thành Giê-ru-sa-lem nguy nga tráng lệ trong phút chốc bỗng sụp đổ tan tành
theo mây khói. Nhân loại bước đi trong bóng tối vô tận của đường hầm dương gian
thăm thẳm, heo hút. May thay, khi họ cảm thấy mình không còn gì nữa thì cũng là
lúc họ chợt nhớ lại mình vẫn còn một người Cha đầy quyền năng và đặc biệt là
rất mực yêu thương con cái. Như những con thuyền trên biển cả bị bão đánh tan
tành, họ nhận ra mình đã sai lầm khi đã chọn biển cả thế gian đầy nguy hiểm mà
rời xa Thiên Chúa bình an. Vậy là, họ mau mắn chắp tay nguyện cầu cùng Thiên
Chúa. Sinh trời đổ sương mai, xin mây mưa Đấng Cứu Tinh để cho dương gian đang
mịt mùng trong đêm đen bỗng bừng sáng một ánh sáng diệu huyền, để cõi lòng con
người đang nát tan, héo hắt được hàn gắn, để đất trời đang khô héo được no đầy
mưa nguồn ân sủng.
Mùa vọng những
tưởng là thời gian để nhân loại chờ mong Đấng Cứu Thế, lại là mùa Thiên Chúa
đợi trông con người. Vâng! Chính xác là như vậy, từ lúc Adam và Eva bước ra
khỏi vườn địa đàng, bỏ rơi Cha của mình, Thiên Chúa đã không ngừng dõi bước và
đợi chờ ngày nhân loại chợt tỉnh cơn mê mà quay lại nhìn nhận Ngài. Thế nhưng
hết năm này qua tháng nọ, nhân loại vẫn mê muội theo đường dương gian, và Thiên
Chúa vẫn miệt mài rong ruổi tìm kiếm. Thiên Chúa là Cha vẫn ở đó, ngay bên cạnh
con người và chỉ chờ con người quay đầu lại là ôm ngay vào lòng cho thỏa lòng
nhớ mong. Khi con người quay đầu lại, ăn năn hối cải và lại gọi Thiên Chúa là
Cha thì lúc ấy con người mới cảm nếm được thế nào gọi là Thiên Chúa đến với
mình, và hiểu được rằng Thiên Chúa chưa từng bỏ rơi họ. Và cảm nếm lại được đôi
chút về hạnh phục địa đàng mà họ đã đánh mất.
Một lời xin vâng
Xưa
một người đàn bà đã không vâng lời và dẫn theo đoàn con cái mình chìm vào kiếp
trầm luân. Thì nay Thiên Chúa cũng gọi mời một người phụ nữ để cộng tác vào
chương trình cứu nhân độ thế của Người. Cũng như xưa một cuộc đối thoại đã diễn
ra giữa Eva và Satan và khởi đầu cho một sự sụp đổ thì nay một cuộc đối thoại
giữa thiếu nữ Maria và sứ thần Thiên Chúa đã khởi sự cho tiến trình diệu kỳ:
Thiên Chúa phục hồi lại thế giới đã bị đánh mất bằng cách đưa chính Con yêu dấu
của mình vào cuộc. Thiên Chúa đã trải lòng mình ra đón nhận nhân loại tội lỗi
và mọi sự đã được họach định chu đáo. Chỉ còn chờ một cái gật đầu và một lời
“xin vâng” của thiếu nữ tinh tuyền Maria nữa thôi thì kế hoạch cứu độ sẽ được
bắt đầu.
Cuộc
đối thoại giữa Mẹ Maria và Sứ Thần Gabriel đã kết thúc rất đẹp bằng lời thưa
xin vâng trọn vẹn của Mẹ. Có thể nói, Mẹ đã lấy lại danh dự cho nhân loại trước
mặt Thiên Chúa và giúp nhân loại có thể bắt đầu lại, đi một con đường mới, con
đường đích thực dẫn đến Thiên Chúa, nguồn vui vĩnh cửu và viên mãn.
Một
tấm lòng rộng mở
Đêm
nay, và nhiều ngày đêm khác nữa, Hài Nhi Giê-su cũng đang ngỏ lời với nhân loại
một cách trực tiếp. Sau lời đáp xin vâng của mỗi một người thì ngay lập tức Hài
Nhi Giê-su ngự trị trong lòng họ. Cũng như xưa, từ lúc Mẹ nói lời xin vâng thì
trời đất rất đỗi vui mừng vì Hài Nhi Giê-su lập tức nhập thể trong lòng Mẹ, và
ngự giữa lòng nhân thế. Ngài đang đứng ngoài cửa lòng của mỗi người, đưa tay gõ
cửa và đợi chờ sự đáp trả. Những cõi lòng tan nát
vì những vết thương của tội lỗi, những cuộc đời dở dang vì sự bất tồn của con
người, hãy mở cửa lòng ra, hãy dâng cho cho Đấng Cứu Thế chính những cõi lòng
tan nát, những cuộc đời dở dang nhân ngày sinh nhật của Người. Những gia đình
vắng bóng tình yêu, những cộng đoàn thiếu vắng tình thương, tình người, tình nhân
loại, hy mở lòng ra với Đấng Thiên Sai, Người sẽ bù đắp tất cả những thiếu vắng
và nhân loại sẽ lại chìm đắm trong bình an hạnh phc.
Đấng
cứu thế không cần những vàng, hương, mộc dược, vì Ngài vốn giàu sang phú quý,
Ngài có tất cả, nhiều hơn tất cả những gì con người đang có. Ngài chỉ cần những
trái tim tan nát biết rộng mở đón nhận Ngài, để cho Ngài có thể an ủi, đỡ nâng,
ôm ấp, vỗ về họ vì Ngài yêu họ nhất trên đời. Ngài đến để cho đi chứ không phải
nhận lãnh, Ngài đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho muôn người chứ không
phải đón nhận sự phục vụ.
Mừng
sinh nhật Đấng Cứu Thế, cứ tưởng rằng ta phải mang qua đến tặng cho Người, thì
Người lại là món quà cho ta; tưởng là ta phải tặng quà hoá ra lại được nhận
quà. Món quà bình an mà Thiên Chúa đã trao và đang trao ban cho nhân loại vẫn
chưa có nhiều người đón nhận.
“ Hài Nhi Giê-su kính mến! Nhân dịp Sinh nhật
lần thứ 2012 của Người, con xin chúc cho Người được tất cả mọi người trên thế
gian này đón nhận như người thân. Bởi lẽ, họ có đón nhận Người thì Người mới có
cơ hội lãnh nhận bình an của Người, nếu không ơn bình an của Người sẽ bị ế
hoài!”
Giáng
Sinh 2012
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét