ĐứcVinh SVD
Để tiếp đón khách quý, người ta thường treo băng chào
mừng trước cổng hay trước cửa nhà, thông thường với dòng chữ: "Chào mừng
quý khách". Trên các thiệp cưới, người Việt mình còn có thêm câu: "Sự
hiện diện của Ông/Bà là một vinh dự cho gia đình chúng tôi".
Được một người khách có tên có tuổi viếng
thăm hay cùng tham dự tiệc, là một điều làm cho chủ nhà "nở mặt nở
mày" và tăng thêm niềm vui. Mà có người khách nào lại không thích thú và
vui sướng khi được đón tiếp tử tế nồng nàn?
Ngược lại, bị người khác cố tình bỏ quên
hay từ chối, là một kinh nghiệm làm ta khó chịu hay đau đớn trong lòng. Không
được để ý đến là một việc gây ra nhiều nỗi buồn phiền; có thể làm mầm mống cho
những cay đắng uất hận và tạo nên mặc cảm lớn, vì bị khước từ luôn đụng chạm
(ít nhiều) đến danh dự và thể diện cá nhân.
Để bày tỏ thái độ khinh thường ai, chúng ta
tránh mặt không nhìn người đó. Ngoảnh mặt làm ngơ hay chỉ "nhìn bằng nửa
con mắt" diễn đạt rõ rệt sự từ chối, bất đồng và khinh bỉ. Những người yêu
nhau thì hành động ngược lại: họ tìm mọi cách để có thể gặp, để nhìn thấy nhau
- cho dù chỉ là một giây lát ngắn ngủi mà thôi.
Như thế, đối diện là một cách thức diễn đạt
tình cảm vô cùng quan trọng. Nhìn nhau như vậy là để tỏ bày sự đồng ý và chấp
nhận. Là cho nhau một khuôn mặt riêng biệt và độc nhất vô nhị. Do đó, không
được nhìn nhận chúng ta không thể có được sĩ diện.
Kẻ được trọng vọng và hâm mộ thì được mọi
người nhìn ngắm ca tụng. Những nhân vật có tên có tuổi thời nay, là những người
mà chúng ta nhìn thấy liên tục trên truyền hình, trên báo chí và quảng cáo. Vô
danh tiểu tốt là người chẳng được ai để ý đến; không bao giờ xuất hiện hay được
nhìn thấy nơi công cộng.
Dân Ít-ra-en tin chắc rằng: Thiên Chúa có
một khuôn mặt để nhìn nhận ra những khốn khổ của Dân Chúa. Bởi vậy mà họ kiếm
tìm Nhan Chúa trong những âu lo hoạn nạn, vì cho rằng mình gặp phải bất hạnh là
vì Chúa "ngoảnh mặt làm ngơ" (Thánh vịnh 13,2).
Được Thiên Chúa nhìn đến nghĩa là được cứu
độ; được bảo vệ chở che và có danh có giá. Lễ Giáng Sinh chúng ta mừng hằng năm
làm sống động lại chân lý đó, là: Thiên Chúa đoái nhìn con người trong Đức
Giê-su. Chúa nhìn chúng ta bằng ánh mắt của một đứa bé: đơn sơ chân thành và
đầy ưu ái; không so đo đòi hỏi, mà cởi mở chấp nhận hoàn toàn!
Tìm đến khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đấng Hài
Nhi trong máng cỏ, chúng ta nhắc cho chính mình và cho nhau niềm tin: Chúng ta
đều có danh có giá lắm!
Sĩ diện của chúng ta không là kết quả của
việc tự suy tự ngắm trong tấm kính thành công và giàu sang, hay trong bề ngoài
hào nhoáng và trong chức tước quyền hành. Nhân phẩm cũng không lệ thuộc vào một
giao kết hay luật lệ nào cả. Chúng ta có sĩ diện bởi vì được Thiên Chúa viếng
thăm và đoái nhìn đến!
Đây chính là nền tảng cho phẩm giá và danh
dự của mỗi một con người. Vì không có gì hay ai ngoài khác, mà chính Thiên Chúa
làm "kiểu mẫu" cho chúng ta: mỗi người đều được sáng tạo theo hình
ảnh của Chúa (Sáng thế 1,27). Nên Người phải là đường và là đích cho đời ta.
Quay nhìn Chúa, chúng ta sẽ giống Chúa. Tìm
kiếm sĩ diện ở một nơi nào khác sẽ làm cho hình ảnh đó bị lu mờ, và chúng ta
mất dần đi danh dự làm người. Bởi dù muốn dù không, khuôn mặt của ta luôn ghi
lại những dấu nét của mục đích mà ta theo đuổi. "Con tim Bạn gắn bó với
điều gì, thì điều đó là Chúa của Bạn" (Martin Luther).
Khi đưa chúng ta tìm lại khuôn mặt Thiên Chúa, nơi Đấng
Hài Nhi, Lễ Giáng Sinh đối diện chúng ta với Tình Yêu Vô Tận. Và vì
Thiên Chúa trở nên một con người, nên chúng ta mới có thể mến yêu. Còn định
nghĩa nào về con người tốt hơn, cao quý hơn là cách nói của Lễ Giáng Sinh:
"Tôi là một con người có sĩ diện, vì được Thiên Chúa đoái nhìn trong yêu
thương!"
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét