Suy niệm Lời Chúa
(Lc 4, 21-30)
Deacon Tân SVD
Trong cuộc sống
hàng ngày, nhiều lúc chúng ta trở nên đối tượng bình phẩm của đám
đông. Đặc biệt nếu chúng ta càng nổi tiếng, là người của công chúng
thì chúng ta càng được bình phẩm nhiều hơn.
Cùng một hành động nhưng có nhiều lời khen chê rất khác nhau.
Không ai có thể cùng lúc làm hài lòng hết tất cả mọi người. Do đó,
ca dao Viẹt Nam có câu: “Ở
sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”.
Trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của CG, Ngài cũng không
tránh khỏi những lời bình phẩm, chê bai, chỉ trích và chống đối của
người đời. Chính cuộc sống và việc làm của Đức Giêsu cũng là đối
tượng cho sự bình phẩm của những người đồng hương với Ngài
Bài Tin Mừng
hôm nay cho biết, sau thời gian rao giảng tại thành Ca-phác-na-um, Đức Giêsu trở về rao giảng trong hội đường
của chính quê hương Ngài tại Nadarét.
Dân chúng đã
nghe biết những phép lạ Đức Giêsu đã làm tại Ca-phác-na-um cùng với những dấu lạ minh
chứng nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai xuống trần
gian để cứu chuộc nhân loại.
Nhưng những
người đồng hương với Đức Giêsu không tin nhận
Ngài là Đấng Cứu Thế, vì họ biết rõ nguồn gốc gia đình của Đức Giêsu nên họ đã nói với nhau: "Ông
này không phải là con ông Giu-se đó sao ?"
Sự thân quen và thành kiến thường làm cho con người ra mù quáng,
không còn nhận ra được những điều hay, điều tốt nơi con người và cuộc
sống của những người thân quen.
Dân thành Nadarét là những người đồng hương với Chúa Giêsu, vì ích kỷ,
thành kiến, kỳ thị, trọng giàu khinh nghèo, nên mặc dầu họ đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và
chứng kiến những phép lạ Chúa
Giêsu đã làm.
Nhưng họ lại
khinh dễ, xem thường không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và tìm cách
giết Ngài.
Thật ra, họ chỉ biết rõ nguồn gốc nhân tính của Chúa Giêsu mà không biết rõ nguồn gốc thiên tính của Ngài. Họ chỉ nghĩ
đến tư lợi mà khinh thường ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Họ đã chạy theo những cái lợi trước mắt, mà không nghĩ đến cuộc
sống vĩnh cửu đời sau. Họ đòi hỏi Chúa Giêsu phải thực hiện những phép lạ, để họ tin, nhưng
Ngài không đáp ứng đòi hỏi của họ.
Vì Ngài chỉ thực hiện phép lạ vì lòng trắc ẩn đối với những
người thật sự cần Ngài, chứ không phải vì sự thách thức hay hiếu
kỳ của con người.
Do đó, Chúa Giêsu đã nhắc lại
câu chuyện xảy ra thời ngôn sứ Elia và Elisê, để giúp những người đồng
hương hiểu rằng: ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ ban cho những người biết tin tưởng
và đón nhận Ngài.
Thời ngôn sứ Elia, thiếu gì bà goá trong nước Israel bị đói kém, nhưng ông
chỉ được sai đến để cứu đói cho bà goá tại Xarépta là một người
ngoại giáo thuộc xứ Xi-đon.
Cũng thế, vào thời ngôn sứ Elisê, trong Israel thiếu gì những người bị
phong cùi, "nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có một người
dân ngoại là ông Na-a-man người xứ Xy-ri- a thôi."
Hai chứng tích trên cho thấy rằng: ngôn sứ Elia và Elisê là các ngôn
sứ Israel, được sai đến vì dân Israel, nhưng bị dân Israel khinh thường và
khước từ- không chấp nhận lời các ngài rao giảng. Trong khi dân ngoại
lại có thiện cảm và đón nhận các ngài, nên họ hưởng được những ân
huệ của Thiên Chúa.
Vâng, những lời tố cáo đanh thép về lòng dạ cứng cỏi của Đức
Giê-su đã làm những người đồng hương hết sức bất bình và căm phẫn,
đến nỗi họ muốn giết chết Ngài.
Với óc thành kiến và lòng cứng tin đã làm cho những người đồng hương
với Chúa Giêsu trở nên bực
tức và mù quáng, dẫn đến họ hành động một cách điên rồ như thế. Họ cảm
thấy khó chịu, vì không thể tin Thần Khí Chúa lại ngự xuống trên ĐG,
con của bác thợ mộc Giuse.
Họ nghi ngờ và không thể chấp nhận một con người nghèo khổ làng
Nadarét lại là tiên tri, là Đấng Cứu Thế. Họ càng căm phẫn, khi con
người đó không chịu thực hiện những phép lạ mà họ yêu cầu.
Do đó, họ muốn loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của họ, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không
một tiên tri nào được đón tiếp nơi quê hương mình”. Thế mới ứng
nghiệm lời ông Siméon đã tiên báo: “Trẻ này là dấu hiệu bị người
đời chống báng”.
Đó là sứ mạng nhập thể và nhập thế mà Chúa Giêsu thi hành thánh ý Chúa Cha, để
mang ơn cứu độ cho con người. Nhưng tiếc thay: nhiều người lại từ chối
Ngài- từ chối ơn cứu độ của Chúa!
Có một văn sĩ đã ví một số người công giáo giống như những viên
sỏi ngày tháng ngâm mình trong dòng nước. Bên ngoài nhẵn nhụi trơn
tru, nhưng nếu đập vỡ ra thì bên trong vẫn khô rang không thấm một chút
nước.
Nhiều người vẫn an tâm với phép rửa mình đã chịu, vẫn bằng lòng
với kinh hạt mình đọc, với các bí tích lãnh nhận, vui vẻ nghe những
lời rao giảng, nhưng không nổ lực dấn thân làm theo những điều Chúa
dạy, không cố gắng sửa đổi đời sống, từ bỏ tội lỗi, từ bỏ lối
sống ươn lười của mình để nên tốt, nên thánh.
Như thế có khác gì viên sỏi khô cứng kia, có khác gì những người
đồng hương của Đức Giê-su.
Người ta thường nói rằng: “Gần
chùa gọi bụt bằng anh”. Sự quen thuộc lắm lúc là rào cản làm
cho người ta đâm ra khinh thường khả năng và những giả trị tốt đẹp mà
Thiên Chúa đặt để nơi những người đồng hương của mình.
Vậy, mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Tôi đang tôn thờ Thiên Chúa nào đây? Tôi có
đòi hỏi Ngài phải làm những phép lạ để thoả mãn những nhu cầu ích
kỷ của tôi không?
Tôi có chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu
Thế đã ban cho tôi ơn thánh hoá và sự sống đời đời, cũng như mời
gọi tôi sống theo giáo huấn của Ngài hay không?
Xin Chúa giải
thoát chúng ta khỏi những thành kiến và tính ích kỹ, hẹp hòi không
phù hợp với đức bác ái, để chúng ta có thể nhận ra được khuôn mặt
đích thực của Chúa qua những người anh chị em chúng ta gặp gỡ hàng
ngày và các biến cố xảy ra trong cuộc sống, để tin nhận Ngài là
Đấng Cứu Thế hầu đón nhận được ơn cứu rỗi Ngài hứa ban cho những ai
tin nhận Ngài.
Xin
cho chúng ta luôn sống trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên
xưng qua kinh Tin Kính.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét