23 thg 10, 2011

LECTIO DIVINA

LECTIO DIVINA
ỨNG DỤNG VÀO VIỆC NGUYỆN NGẮM
                                        ---oOo---

TỈNH DÒNG NGÔI LỜI - GIUSE
Vp. Tông Đồ Thánh Kinh
A Lectio divina được hiểu là một cách đọc Sách-Thánh-Lời-Chúa với tâm tình cầu nguyện.
Các đan sĩ, từ xưa, vốn suốt ngày và suốt đời chuyên tâm lo ba việc này: 1/. Đọc Sách Thánh và cầu nguyện. 2/. Lao động chân tay. 3/. Cử hành phụng vụ hết sức trang trọng. Nhờ việc chuyên cần nghiền ngẫm Sách Thánh hàng ngày mà các dòng chiêm niệm có được sức sống dồi dào và ổn định qua các thời đại cho đến nay.
Vào thế kỷ XII, một vị đan sĩ, Guigô II, đã mô tả Lectio divina qua hình ảnh một chiếc thang bốn bậc từ đất vươn lên tới trời. Bốn bậc thang đó là:
     1. Đọc (lectio)          2. Suy (meditatio)
     3. Nguyện (oratio)   4. Ngắm (contemplatio).
Từ thế kỷ XIII, nhiều dòng tu như Phan-xi-cô, Đa-minh, Cát-minh v.v… đã ứng dụng rộng rãi phương pháp này. Họ đã gặp được nguồn hứng khởi cho đời tu cũng như cho các việc mục vụ. Nhưng thế kỷ XVI, với cuộc Cải Cách Tin Lành và cuộc chống Cải Cách, đã đem lại cho Hội Thánh nhiều xáo trộn và bất an.

Quá lo ngại về những nguy hiểm do sự thiếu hiểu biết và những lạm dụng đối với Sách Thánh, giáo quyền thời ấy đã quá đà trong việc ngăn ngừa, dẫn đến việc cấm cản tín hữu đọc Sách Thánh. Lectio divina vì đó bị quên lảng. Rồi bởi những điều không may khác mà dần dà Dân Chúa xa rời Sách Thánh và hậu quả nặng nề vẫn còn cho đến bây giờ.
Nhưng Hội Thánh ngày nay, cách riêng từ công đồng Va-ti-căn II (1962-1965), không ngừng nhắc nhở Dân Chúa đến với Sách Thánh, khuyến khích ứng dụng Lectio divina để nguyện ngắm hoặc suy niệm Lời Chúa.
- Công đồng Va-ti-căn II tha thiết mời gọi Ki-tô hữu, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh, vì “không biết Sách Thánh là không biết Chúa Ki-tô”. Cầu nguyện là thưa thốt với Chúa và đọc Sách Thánh là lắng nghe Người (Hiến Chế về Mạc Khải, số 25).
- Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2008, với chủ đề “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”, đã dọn đường cho Tông thư năm 2010 của đức Bê-nê-đi-tô XVI về Lời Chúa. Ngài nói: Lectio divina là lối đọc “có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa cho tín hữu, và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô, Lời hằng sống của Thiên chúa” (Verbum Domini số 87).
- Với chủ đề “Sống Lời Chúa”, thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2005 nói: “Lời Chúa là lời cứu độ, là nguồn sống cho Hội Thánh”. Phải mở rộng lối vào Kinh Thánh cho các Ki-tô hữu ­ Tăng cường vai trò ưu tiên của Kinh Thánh Canh tân đời sống trong ánh sáng của Lời Chúa Để Lời Chúa đi vào cuộc sống Sống Lời Chúa theo gương Mẹ Maria.
 
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2011 còn nói rõ hơn: “Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và mục tử cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương pháp lectio divina” (Thư chung 2011, số 11).

B Dưới đây là phần gợi ý ứng dụng Lectio divina gồm có việc đọcsuynguyệnngắm([1]).
Chuẩn bị
- Chọn một đoạn Sách Thánh, có thể là đoạn mình yêu thích, hoặc bài Tin Mừng trong ngày, hay ngày hôm sau hoặc của chủ nhật. Rất tốt, nếu chọn một cuốn trong bộ Sách Thánh để đọc liên tục ngày lại ngày. Các Thánh Vịnh cũng rất thích hợp với phương pháp này([2]).
- Tập trung tư tưởng, qui hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện. Xin Chúa Thánh Thần dẫn dắt và đốt nóng tâm hồn ta. Xin Đức Mẹ và các thánh bổn mạng đồng hành.
1. Đọc
- Đọc trước hết là để thấy đoạn Sách Thánh này có ý nghĩa gì, muốn nói gì.
Đọc chậm rãi, đọc thành tiếng, miễn là không làm phiền ai, làm sao để mình nghe được tiếng mình thì sẽ dễ cầm trí hơn.
Đọc qua một lần thường chưa kịp cảm nhận về đoạn Sách Thánh, nên thư thả đọc đi đọc lại để nhìn chung, ta thấy được đoạn văn tự nó muốn nói gì.
- Sau đó mới để ý xem có những từ, những câu hoặc hình ảnh gợi cảm hơn đối với ta. Hãy nhẩm đi nhẩm lại những từ hoặc câu ấy để Sách-Thánh-Lời-Chúa thấm dần vào tâm não ta, đồng thời lắng nghe lời ta thì thầm như tiếng lòng mình đang hòa nhập vào Lời Chúa trong Sách Thánh.
2. Suy
- Ở nấc thang thứ hai này, ta hãy tự hỏi: Đoạn văn này có ý nghĩa gì cho riêng tôi, qua đoạn văn này Lời Chúa có thể muốn nói gì với tôi không.
- Sau những phút đọc thì thầm vừa qua, ta thấy gợi lên những tâm tình đối với Chúa, đối với dân Chúa và đồng bào đồng loại, hoặc có chút ánh sáng khiến ta thấy rõ hơn về bản thân, về cuộc sống quanh mình, về điều gì đó cần tránh hay cần làm v.v…
Các tình ý trên giúp ta dọn lòng để thưa thốt với Chúa và cảm nhận ý của Ngài.
3. Nguyện
 
- Sau khi đọc và nghiền ngẫm Sách-Thánh-Lời-Chúa, bây giờ ta đáp lời Ngài, với lòng yêu mến và khiêm hạ. Đây là phút giây gặp gỡ thân mật với Chúa, có thể là riêng tư mà cũng có thể là cùng với nhiều anh chị em đang hiện diện trong lòng ta, với bao nỗi niềm của tình người, của cuộc sống Dân Chúa.

  - Cầu nguyện không chỉ là khấn xin mà là thờ lạy, cảm tạ, vui mừng chúc tụng hay hối lỗi ăn năn v.v… Cầu nguyện còn là lắng nghe Chúa với tấm lòng thành và thiện chí đổi mới, mong được Thiên Chúa dạy dỗ bảo ban.
4. Ngắm
- Đây là lúc để cảm nhận nỗi lòng của Chúa và nhìn ngắm Ngài. Nhờ ơn Chúa ta sẽ tập nhìn mọi người mọi việc qua ánh mắt của Ngài.
“Nhờ ánh sáng của Ngài,
chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10).
Cần đổi mới cái nhìn, đổi mới con tim để đổi mới cuộc sống.
Thân phận yếu hèn của con người nhiều lúc chẳng có gì, chẳng còn gì để nói. Ngồi lại dưới chân Chúa, cảm nhận sự hiện diện lặng lẽ, nhiệm mầu của Ngài đã là hạnh phúc. Hạnh phúc lắm rồi!
- Lặng yên ngắm nhìn Thiên Chúa với những ước mơ của Ngài, mà nhờ ơn Ngài, đó cũng có thể là ước mơ của chúng ta.
(Ước mơ vốn dẫn đến hành động. Vì thế nguyện ngắm không phải là mơ mộng mà là dẫn bước trên con đường dẫn đến hành động).
Kết
- Xin ơn Chúa Thánh Thần và chọn một câu Sách Thánh hoặc một tâm tình để “nằm lòng” với quyết tâm.
- Còn lại chỉ là chút lòng TẠ ƠN mọn hèn.
Có thể thì thầm kinh Lạy Cha, hay kinh Vinh Danh v.v…

 
Ba mươi phút đã trôi qua lúc nào không hay.



[1]  Chia ra bốn việc tuần tự như thế cho dễ hiểu và dễ thực hành, nhất là thời gian đầu. Nhưng khi đã quen thì không nhất thiết như vậy. Hơn nữa, chúng ta tin vào ơn hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

[2]  Thực hành Lectio divina với Thánh Vịnh (TV) là kinh nghiệm tuyệt vời của bao lớp tu sĩ xưa nay. Đơn giản thì cứ tuần tự đọc TV này tới TV kia trong bộ Cựu Ước hoặc theo các giờ kinh phụng vụ.

    Nhưng TV được thành hình trong thời Cựu Ước nên còn nhiều điều chưa đạt đến tầm mức của đạo lý Tin Mừng thời Tân Ước. Không cần đọc nguyên cả TV, nên dừng lại ở vài câu, nhẩm đi nhẩm lại để “thấm”. Đây là một ít TV tiện dùng (đánh số theo bản Do-thái, thường đi trước bản phụng vụ một đơn vị): - TV để khơi dậy niềm khát vọng Thiên Chúa: 42; 63; 84. - TV để ca tụng, tạ ơn: 67; 98; 100; 103; 145; 149. - TV để sám hối: 6; 25; 51; 142. - TV để suy gẫm về thân phận con người: 39; 90; 103; 139 v.v… - TV để “nằm lòng” giữa những buồn vui đắp đổi: 16; 23; 27; 85; 86; 89; 90; 92; 130; 143. - TV để nghiệm thấy Thiên Chúa “yêu thương và thành tín”: 25; 27; 36; 40; 86; 92; 100; 103.   

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét