31 thg 3, 2013

“Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” đã thấy gì và tin gì? (Ga 20,8)

Có nhiều trình thuật về biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, nhưng trình thuật về “ngôi mộ trống” (Ga 20,1-9) là nổi bật và nền tảng hơn cả và thường được chọn đọc trong Thánh lễ sáng ngày Chúa nhật Phục Sinh. Trong trình thuật này, tác giả đã ghi lại niềm tin của “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”: “Ông đã thấy và đã tin” (20,8b). Người môn đệ này đã thấy gì và tin gì?
Tác giả lưu ý rằng “cả hai người cùng chạy, môn đệ kia nhanh hơn, chạy trước, và đã đến mộ trước tiên”. Nhiều nhà chú giải lý giải đơn thuần rằng do người môn đệ này trẻ hơn nên chạy nhanh hơn, chạy trước nên đến mộ trước cũng là điều hợp lý. Theo truyền thống thì người “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” chính là tông đồ Gioan, con ông Dê-bê-đê. Nếu vậy thì lý luận này xem như là hợp lý. Tuy nhiên,  ngày nay một số thần học gia đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy khó có thể tuyệt đối hóa người môn đệ này với tông đồ Gioan. Họ đưa ra nhiều dẫn chứng có thể đồng hóa với rất nhiều người khác nhau, thậm chí có những người còn xem đó chỉ là một nhân vật văn chương, có ý nghĩa biểu tượng. [xem thêm trong: Lê Minh Thông, Người Môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai? (Cà mau: Phương Đông, 2010)]. Như vậy, lý chứng “trẻ hơn, nên chạy nhanh hơn, nên đến trước và thấy trước” mà nhiều nhà chú giải gán cho “Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến” xem ra không vững chắc. Vậy, nên chăng ta giả thiết một hướng khác dựa trên bản văn Tin Mừng để có thể dễ chấp nhận hơn!

CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2013


Deacon Trần Niên, SVD
Nếu chứng kiến được cảnh tượng chiều thứ sáu tuần thánh trên đồi Gôn Gô Tha, ta không khỏi bàng hoàng trước cảnh Đức Giê-su đã từ giã cuộc đời.
Người thầy đã ra đi, bỏ lại đằng sau những tiếng than khóc và buồn phiền ai oán của những người thân, những tiếng khóc than của các chi em thành Jêrusalem.
Thầy đã ra đi, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng. Lúc này cảnh vật xung quanh trở nên u ám, bóng tối đã bao trùm địa cầu. Và lòng người trở nên tê tái u sầu.
Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu, cùng ăn, cùng uống cùng chuyện vãn và những bài học làm người. Còn đâu niềm an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại.
Còn đâu niềm hy vọng được ở bên hữu bên tả thầy khi chứng kiến sự bành trướng của quỷ thần đang hoành hành khắp chốn.

Niềm Vui Phục Sinh


Deacon Lâm Sơn Tòng, SVD
Biến cố Phục Sinh được cả bốn Tin mừng ghi lại vào lúc tảng sáng. Vào lúc sáng sớm của ngày đầu tuần, có nhiều người đến viếng mộ Chúa. Thế nhưng, cùng một cảnh tượng, cùng một sự kiện như nhau, nhưng mỗi người lại có thái độ niềm tin khác nhau. Các phụ nữ đạo đức thấy tảng đá lăn ra khỏi cửa mộ, nhưng vào trong thì không thấy xác thày minh đâu, điều này làm cho họ hoang mang lo lắng.
Phêrô và Gioan là hai môn đệ được tin đã vội vã chạy ra mộ. Phêrô vẫn tính cách hăng hái, bộc trực và mạnh dạn đi vào trong mộ. Ông cũng không thấy xác thày đâu, chỉ còn lại những tấm khăn liệm và những băng vải. Tất cả được cuộn và xếp lại cách ngăn nắp theo thứ tự. Phêrô còn hồ nghi và chưa tin, nhưng ông cũng rất băn khoăn về cảnh tượng đang diễn ra trước mắt.
Cùng một sự kiện, chứng kiến một cảnh tượng, nhưng Tông đồ Gioan nhạy cảm hơn. Gioan vốn được mệnh danh là người Tông Đồ Chúa yêu cách đặc biệt, ông cũng chính là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu. Vì thế, trước những sự kiện quan trọng như khi Chúa biến hình, lúc Chúa cầu nguyện trong vườn cây dầu… ông đều được Chúa gọi tới gần. Ông như là một người thân cận nhất trong các người thân của Chúa. Có thể nói, vị Tông đồ Gioan có một cảm thức đức tin nhạy bén hơn tất cả. Khi bước vào mộ, thấy những điều Phêrô  đã thấy, và ông đã tin thầy sống lại.

30 thg 3, 2013

Lễ Vọng Phục Sinh

Deacon Lâm Sơn Tòng,SVD

Biến cố phục sinh của Đức Giêsu mà đêm hôm nay, Giáo hội long trọng mừng kính là một mầu nhiệm trọng đại và căn bản nhất trong Năm phụng vụ. Sự kiện Đức Giê-su Phục Sinh đã được cả 4 Tin mừng ghi lại khá chi tiết. Điểm giống nhau ở cả 4 tác giả khi ghi lại biến cố Phục Sinh là: thời điểm vào buổi sáng, nhân chứng đầu tiên là một số phụ nữ, và ngôi mộ trống.
Từ tảng sáng, các phụ nữ ra thăm mộ Chúa, với mục đích là viếng và xức dầu thơm cho xác thầy lần cuối, trước khi thân xác phân hủy theo lẽ tự nhiên. Đây có thể nói là cử chỉ thể hiện lòng yêu mến, kính trọng và quyến luyến người thân đã khuất. Thế nhưng những gì đang diễn ra trước mắt, các bà không còn thấy xác của thầy mình đâu nữa! Điều này làm cho các bà bối rối, sửng sốt, chẳng biết là điều lành hay điều dữ, không biết là nên buồn hay nên vui nữa.

PHỤC SINH: ánh sáng của niềm tin

A Thọt SVD
 Thánh Phaolô trong 1Cr 15,14 đã nhấn mạnh: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời loan báo của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”.
Quả thật, nếu cuộc đời của Đức Kitô bị chấm hết bằng cái chết thì đó là một thất bại ê chề. Thất bại vì không cứu được nhân loại. Thất bại vì phải chết nhục nhã dưới bàn tay con người.
Chắc hẳn, sau khi đóng đinh Đức Giêsu lên thập giá, các trưởng tế và biệt phái đang tự hào nắm chắc phần thắng khi niêm phong cửa mồ với thân xác vô hồn của Ngài trong đó. Bao niềm mong đợi, tin tưởng và cậy trông của các môn đệ dường như cũng bị chôn sâu vào đáy huyệt.
Thế nhưng, vừa tản sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mácđala đã vội vã đi thăm mộ. Nỗi xót xa thương tiếc thúc đẩy bà tiến ra nơi hoang vắng nơi chốn tha ma, khóc than cho niềm hạnh phúc quá ngắn ngủi.

29 thg 3, 2013

Một lối nhìn lạc quan cho “Tam Chối” của Phê-rô

Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại ba lần chối thầy của vị tông đồ trưởng Phê-rô. Chỉ có Luca ghi lại trình thuật liên tục, còn ba tác giả kia chia ba lần “chối” của Phê-rô thành hai hoặc ba tiểu đoạn, trong suốt cuộc xét xử Đức Giê-su. Điều đó cho thấy đây là một chi tiết không thể thiếu được trong trình thuật về cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Đức Giê-su. Mọi người đều nhìn vào Phê-rô như một tên tội đồ, một kẻ phản bội trơ trẽn, để rồi gợi lên bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn tức tối, giận hờn, buồn bã, thương cảm và cả yêu mến. Không ai phủ nhận đây là một lỗi lầm nghiêm trọng không đáng có, không nên lặp lại. Đó là điều đã rõ. Tuy nhiên, cũng nên có một cái nhìn lạc quan cho “Tam Chối” của Phê-rô chứ! Trong bài suy tư này xin được bày tỏ một cái nhìn, một lối suy tích cực hơn cho lỗi lầm của Phê-rô.

Cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa đến sự khiêm nhường, tính giản dị, thậm chí có thể cả tinh thần làm việc nhóm

 “Vâng, tôi rất vui mừng với việc bầu chọn Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio làm Đức Tân Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo,” Tôi đã trả lời như thế khi một sinh viên đang học ở Trường Thần học Dòng Tên tại Berkeley, California, hỏi.
Tôi nghĩ rằng đây là một sự chọn lựa được linh hứng thật sự. Vì Đức Giáo hoàng Phanxicô, Bergoglio có khả năng đáp ứng được một số thách đố quan trọng mà hiện nay Giáo hội Công giáo đang phải đối diện.
Cá tính. Nhiều người đã nhận xét về sự khiêm nhường, tính giản dị và linh đạo của ngài. Sự thật là khi bạn gặp ngài, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được những đức tính này. Tôi chỉ gặp Đức Bergoglio hai lần, một lần tại Buenos Aires và lần kia ở Rôma, nhưng hai lần gặp đó đều rất đáng nhớ.
Vào tháng 5 năm 2001, tôi đến thăm các anh em truyền giáo Ngôi Lời ở Argentina. Một buổi sáng nọ ở Buenos Aires, một người anh em đã hào phóng dẫn tôi đi tham quan quanh thành phố. Khi chúng tôi đang ở tại nhà thờ chính tòa và cũng là nơi cư trú của Đức Tổng Giám Mục, người anh em của tôi nói: “Chúng ta hãy xem có Đức Hồng y ở đây không, nếu có, chúng ta hãy đi thăm ngài”.
Tôi phản đối vì chúng tôi đã không hẹn với ngài. Nhưng người anh em cho rằng chúng tôi cứ thử xem. Hôm đó Đức Hồng y có ở nhà và ngài chào đón chúng tôi như chúng tôi đã hẹn trước với ngài. Chuyến thăm trở nên dễ chịu, và tôi thật sự ấn tượng bởi sự giản dị và khiêm tốn của “vị Hoàng tử Giáo hội” này. Người ta có thể thấy ở nơi ngài một tình yêu đích thực dành cho con người, nhất là người nghèo và những người sống bên lề xã hội.

28 thg 3, 2013

Sự chiến thắng của Thập giá

SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH  (Ga 18, 1-19,42)
Deacon Micheal Tran SVD
Thánh giá chính là vinh quang của Chúa. Như người đã từng xác quyết: “Qua thập giá đến vinh quang”. Chính vì Tình yêu, Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại một vị cứu tinh, một Thiên Chúa làm người là Đức Giê-su.
Ngài là Tình yêu của Thiên Chúa, là ánh sáng, là sự tự do và là sự sống.
Dưới cái nhìn bình thường ở đời, sự khổ nạn, chịu đánh đòn và chết của Đức Giê-su là một thất bại lớn. vì đối với người Do Thái, Thánh giá là một tủi nhục đến tột cùng. Nhưng thật ra, cái chết của Đức Giê-su trên thập giá là những cuộc chiến thắng tuyệt vời.
Chiến thắng của tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa muốn đem tình yêu ấp ủ nhân loại. Nhưng ma quỷ đã gieo hận thù vào thế giới. Hận thù không ngừng tàn phá thế giới.

Nhìn lại ngày tịnh tâm mùa Chay

Peter HoangHanSVD
Tha thứ. Đây là một đề tài rất thiết thực cho bản thân tôi, để tôi sống với tha nhân, và đặc biệt là sống chung với những người anh em của mình trong đời sống cộng đoàn tu trì.
Quả thật, cảm giác được xa nhà trong ngày tĩnh tâm, ngày mà tôi thực sự dành hết tất cả thời gian để tôi gặp gỡ, trao đổi thân tình với Thiên Chúa trong chiều sâu của thinh lặng nội tâm, nó thật khác xa với khung cảnh thân quen của ngôi nhà Học viện.
Phải chăng nhờ khí trời, nhờ khung cảnh yên tĩnh mà tôi cảm thấy trong tôi có sự bình nội tâm thực sự. Một sự bình an mà ngày ngày tôi đã đánh mất nó trong bao bộn bề công việc học tập, công việc công đoàn...

27 thg 3, 2013

Người im lặng – Kẻ lên tiếng

 John Đinh Tuấn SVD
Trong mỗi người ai cũng có khả năng yêu thương. Sự yêu thương ẩn chứa trong mỗi con người, nhưng quan trọng là nhiều hay ít mà thôi. Có nhiều sắc thái và cung bậc của tình yêu; có người yêu thương là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu.
Có người tràn ngập sự yêu thương nhưng chỉ dành riêng cho một ai đó, hoặc cho chính mình. Thậm chí, có kẻ cất kín nó đi để mà sống tàn nhẫn, độc ác. Điều này làm nên vô vàn sắc thái, cung bậc của tình cảm, làm nên muôn màu muôn vẻ của tình người.
Câu chuyện xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Ga 12,1-11) cho chúng ta thấy hai hình ảnh đối nghịch nhau của sự yêu thương. Một người đã dành cho Đức Giê-su một tình yêu thắm thiết nhất mà tận đáy lòng muốn trao tặng; còn người kia thì ngược lại, anh đã yêu bằng đầu môi chót lưỡi, đàng sau chữ yêu của anh ẩn chứa một sự tham lam, ích kỷ mà chỉ ai tinh ý mới nhận ra.

23 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2013


Suy niệm Lời Chúa
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23.56)
Deacon Thiện SVD
 Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Có yêu thì bảo rằng yêu, không yêu thì nói một điều cho xong”. Sách Khải Huyền 3,15-16 nói rằng: “Phải chi ngươi lạnh thì lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa người ra”.
Hôm nay phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá họa lại cho chúng ta thấy hai hình ảnh hoàn toàn đối lập nhau trong cùng một chủ thể.
Như đầu lễ chung ta thấy, Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem ngồi trên lưng lừa với sự chào đón nồng nhiệt, cùng với những lời tung hô vạn tuế: “hoan hô con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.
Thật vinh quang và vinh dự biết bao! Đầu lễ chúng ta có thể nói, hôm nay là ngày Chúa Giêsu đăng quang, dân chúng hết lời ca tụng dành cho Ngài. Dân thành Giêrusalem đón tiếp Chúa Giêsu một cách trọng thể.
Thế nhưng trong thánh lễ chúng ta lại nghe tường thuật cuộc thương khó của chính Đấng vừa mới được tung hô vạn tuế. Sao lại có chuyện mâu thuẫn thế, sao con người lại thay lòng đổi dạ nhanh như thế!

CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2013


Suy niệm Lời Chúa
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23.56)
Deacon Bảo SVD
Hôm nay là Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh. Tuần thánh Giáo Hội cho chúng ta suy ngẫm sâu hơn về mầu nhiệm thập giá và phục sinh.
Hôm nay, chúng ta vừa nghe thánh sử Luca trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu và thứ sáu tuần này chúng ta nghe trình thuật của thánh sử Gioan.
Hai trình thuật đều thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu nhưng có lối trình bày riêng theo chủ ý của tác giả. Ở đây tôi xin được chiêm ngắm mầu nhiệm đau khổ của Chúa Giêsu.
Tôi không có ý định và cũng không dám lý giải tại sao có đau khổ, nhưng tôi mời gọi mọi người cùng tôi suy ngẫm sự đau khổ của Chúa Giêsu, mong là qua suy niệm sự đau khổ của Chúa Giêsu giúp ích gì đó cho đời sống của mỗi người chúng ta.

22 thg 3, 2013

Độc tính của sự hận thù


 DuyThạch SVD
Tương tác, va chạm, sứt mẻ, để lòng hận thù là những điều hết sức bình thường trong cuộc sống thường ngày của gia đình nhân loại với vô vàn cá tính khác biệt.
Có những nỗi giận hờn chóng qua, có những căm tức đôi ba ngày, vài tháng, và cũng có những mối thù cả đời người, thậm chí có những mối thù truyền kiếp. Trong những tiểu thuyết võ hiệp, việc nuôi thù và trả thù là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của cốt truyện. Mối thù có thể kéo dài hàng trăm năm theo phương thức cha truyền con nối.
Trong bối cảnh ấy, người quân tử đôi lúc chỉ được đánh giá dựa trên tiêu chí biết nhẫn nhục để trả thù, ví như tư tưởng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Trong các cuộc chiến tranh, lòng thù hận, nhìn nhận đối phương là “quân thù”, là những yếu tố luôn được khai thác nhằm kích thích ý chí chiến đấu của quân sĩ.

18 thg 3, 2013

Thánh Giuse: Người chồng, người cha và người con


Duy Thạch SVD
Xưa nay ai cũng biết thánh Giuse là một người thợ mộc. Tuy nhiên, ít ai biết được thánh Giuse còn có một biệt tài vẽ tranh độc nhất vô nhị.
Những bức tranh ngài vẽ dù chưa được mang trưng bày triển lãm trong các phòng tranh; chưa từng được bán đấu giá với giá kỷ lục nhưng chúng vẫn là những kiệt tác bất hủ cho những ai biết chiêm ngưỡng dòng tranh về tu đức.
Những kiệt tác nghệ thuật của thánh Giuse không màu sắc sặc sỡ, không có đường nét sắc sảo nên không làm người chiêm ngưỡng vui mắt nhưng nó lại làm cho trái tim con người lay động, cõi lòng con người say đắm.
Thánh Giuse đã vẽ những kiệt tác ấy không phải bằng những cây cọ mềm mại, trong những căn phòng yên tĩnh, trong không gian thuận tiện nhưng bằng những bước chân của đời mình, qua từng nẻo đường ngoằn nghèo ở dương thế.
Có rất nhiều bức tranh đẹp trong kho lưu trữ tranh ảnh của thánh Giuse. Tuy vậy, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin mạn phép giới thiệu một vài bức tranh của thánh Giuse theo chủ đề gia đình qua ba vai trò khác nhau: Người Chồng, Người Cha, Người Con.

Bức họa thứ nhất: Người chồng can đảm, chịu thương chịu khó
Giáo hội dành ngày 19.3 để mừng kính thánh Giuse với tước hiệu bạn trăm năm của Đức Maria. Thánh Kinh xác nhận thánh Giuse chính là chồng của Đức Maria (x. Mt 1,19; Lc 1,27; 2,5).

16 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY



Suy niệm Lời Chúa
( Ga 8, 1-11)
Deacon Bàng SVD
Đức Giê su trả lại sự công bằng cho con người
Hôm nay Chúa Nhật V Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa mời gọi mọi người Kitô hữu hãy kiểm điểm đời sống, kiểm điểm lương tâm cách chân thành.
 Dưới ánh sáng mầu nhiệm khổ nạn của Đức Kitô cũng như tâm tình linh thiêng của Mùa Chay, hẵn đã giúp chúng ta ý thức hơn về những gì mà chúng ta cần sửa đổi, và đâu là những điều chúng ta cần trả lại sự công bằng cho người khác.
Bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho thấy (Ga 8,1-11) Đức Giêsu đã vạch trần sự bất công mà con người thường đem đến cho nhau (nhóm Pharisêu). Thói quen xấu của con người là thích lên án người khác nhưng lại muốn che dấu tội của mình luôn tồn tại trong đời sống con người và được trải dài trong dòng lịch sử nhân loại.

11 thg 3, 2013

Tưởng được lại mất, tưởng mất lại được


Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay, năm C, cho người đọc nhiều cảm nhận nghịch lý khó hiểu và không kém phần lý thú về cuộc đời của một con người.
Có rất nhiều bài học tuyệt vời đáng để tâm trong dụ ngôn nổi tiếng này. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài suy tư này chỉ xin dừng lại ở một căn bệnh của người con thứ: Bệnh Tưởng.
Có rất nhiều chi tiết cho thấy cậu đang bị mắc một căn bệnh tưởng khá nặng. Chính triệu chứng của cơn bệnh này là căn nguyên của một chặng đường đau khổ, một kinh nghiệm xương máu trong cuộc đời cậu.

9 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT THỨ TƯ MÙA CHAY


Suy niệm Lời Chúa
( Lc 15, 1-3. 11-32)
Deacon Tân SVD
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi những người thu thuế và  những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng, những người biệt phái và luật sĩ lẫm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những người tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng”.
Qua đó Luca muốn cho thấy hai thái độ khác nhau: Người tội lỗi thì đến để nghe giảng dạy còn biệt phái và luật sĩ thì đến để công kích, bắt bẻ. Đồng thời Ngài cũng cho thấy sự khác nhau giữa lòng khoan dung đón tiếp người tội lỗi của Chúa Giêsu và thái độ khinh chê, loại trừ của biệt phái và luật sĩ.
Nếu chúng ta đọc từ đầu chương 15 1- 32, chúng ta thấyThánh sử Luca đã gom tất cả ba dụ ngôn vào chương 15 1-32: Con chiên lạc, đồng tiền bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Cả ba đều cho ta thấy một điều rất quan trọng: Không phải người tội lỗi tìm kiếm Thiên Chúa mà Thiên Chúa lại đi tìm người tội lỗi là chính chúng ta.
Đề tài mục tử và chiên là đề tài cổ điển của Cựu Ước, thường được dùng để nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Con chiên lạc tìm lại được là biểu tượng của ơn cứu độ: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải ăn năn” (15, 7).

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY


Suy niệm Lời Chúa
( Lc 15, 1-3. 11-32)
Deacon Kha SVD
Lòng nhân từ mới là khuôn mẫu
Người ta thường nói dụ ngôn này là một câu chuyện ngắn vĩ đại nhất thế giới. Trước đây, dụ ngôn này được đặt tên là dụ ngôn “Người con hoang đàng.” Cách gọi này không chính xác.
Trước hết vì sự “hoang đàng” của đứa con thứ không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn này, Ngài có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người Cha.
Do đó, người ta sửa lại là dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Bởi vì, hình ảnh của nhân vật chính là người cha.
Trước hết chúng ta thấy người con thứ đã đi “ở đợ” cho người dân trong vùng rất đói, đói khủng khiếp. Chúng ta để ý đến những chi tiết của câu văn này.
Đi ở cho một người “dân”, không phải cho một ông chủ, mà người dân ở đây lại là người dân ở trong một vùng “đói” mà đói “khủng khiếp”.

8 thg 3, 2013

Nhiều đôi giày đinh, những cái đầu và trái bóng



Sáng thứ 7, ngày 2/3/2013 tại sân vận động Phú Thọ đã diễn ra vòng chung kết trong khuôn khổ các đội bóng vô địch khu vực thuộc giải đấu danh tiếng hàng đầu thế giới – SVD Mở Rộng. Vào đến vòng đấu cuối cùng này là ba đại diện: CLB Đệ tử An Nhơn, CLB Triết Tiến Đạt và CLB Thần Mai Khôi.
Thật không thể tưởng tượng nổi sự hâm mộ cuồng nhiệt của các tín đồ môn thể thao vua này. Theo chúng tôi được biết, hầu hết các trang mạng, các tờ báo danh tiếng chuyên mục thể thao đã dành hơn ¾ diện tích mặt giấy để đưa tin tức về giải đấu này. Không chấp nhận thua kém, các kênh truyền hình liên tục cập nhật và lên sóng để tin tức đến với người hâm mộ một cách nhanh nhất và thực tế nhất.

7 thg 3, 2013

Để công trình Thiên Chúa được tỏ hiện

Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

Tin Mừng ghi lại nhiều lần Đức Giê-su làm cho người mù được sáng mắt, nhưng làm cho “người mù từ thuở mới sinh” được sáng mắt thì chỉ có một lần duy nhất và chỉ có Tin Mừng thứ tư ghi lại.
Đó là một tình trạng khốn cùng trong thời gian lâu dài và khó rõ căn nguyên.
Tình trạng mù từ thuở mới sinh là nền cho câu hỏi nan giải của các môn đệ: “ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? " (Ga 9,2). Danh ngữ “các môn đệ” (số nhiều) chứng tỏ đây là câu hỏi của một tập thể chứ không chỉ một vài cá nhân.
Câu hỏi của các môn đệ phát xuất từ lối suy nghĩ chung của người Do thái vẫn còn tồn tại cho đến thời Đức Giê-su: Mọi bệnh tật hay mọi nỗi bất hạnh đều là hậu quả của tội lỗi của chính đương sự hay của cha mẹ đương sự.
Quan niệm này được trình bày rất rõ trong câu chuyện của ông Job được ghi lại trong sách Job (G 4,7-8). Thật ra, ngày nay người ta cũng có thể thấy một số trường hợp bệnh tật là do chính những lỗi lầm con người gây nên.
Người ta cũng phát hiện nhiều căn bệnh bẩm sinh của các trẻ em do chính những sai lầm của cha mẹ của chúng gây nên hoặc do di truyền. Ki-tô giáo cũng thừa nhận nguồn gốc sự ác, sự xấu là từ tội lỗi của con người (1Cr 15,22).

4 thg 3, 2013

Tôi đang học như một đứa trẻ

Quốc Huy SVD
Các Cha và anh em trong Học viện Ngôi Lời Đức vừa có một chuyến du lịch mùa Đông trên núi Winterberg. Trong kỳ nghỉ này, chúng tôi cùng nhau đi trượt tuyết, trượt băng, bơi lội, tắm hơi… Với những anh em OTP như tôi thì đây là kỳ nghỉ Đông đầu tiên và cũng là một kỳ nghỉ thật thú vị và đáng nhớ.
Học viện Ngôi Lời Đức – Sankt Augustin
Điều thú vị là lần đầu tiên tôi được chơi những môn thể thao mới, khó và không kém phần nguy hiểm là trượt tuyết và trượt băng. Lần đầu tiên được chạy từ trên đỉnh núi xuống với tốc độ cao bằng đôi ván trượt, tôi cảm thấy thích thú vô cùng.
Nhưng để có cảm giác tuyệt vời này, tôi đã phải trải qua giai đoạn ban đầu cực kỳ khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là thời tiết khá lạnh (-10oC). Những sinh viên đến từ những quốc gia nằm trọn trong vùng nhiệt đới, nhiệt độ như thế quả là một trở ngại. Khó khăn tiếp đến là mức độ khó và nguy hiểm của môn này.

2 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY



Suy niệm Lời Chúa
( Lc 13, 1-9)
Deacon Long SVD
Trong cuộc sống hàng ngày, khi thấy những điều bất hạnh xảy đến cho người khác, nhất là những người mình không ưa thích, thì cho đó là “Trời phạt”, “Ác giả ác báo”. Chúng ta vẫn quan niệm rằng, tai nạn, bệnh tật đổ xuống trên ai đó là do tội của họ hoặc là hậu quả của tiên nhân để lại. Bởi vậy mới có câu, “Cha ăn nho xanh thì con ê răng”, hay “Cha ăn mặn thì con khát nước”.
Tìn Mừng hôm nay cho ta thấy những người cùng thời với Đức Giêsu cũng có suy nghĩ như thế, khi họ kể cho Đức Giêsu nghe câu chuyện có những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết chết khi đang dâng lễ trong đền thờ.
Khi kể câu chuyện này, người Do-thái có ý nói rằng, những người Galilê đó là những người tội lỗi, ăn ở thất đức nên mới bị mất mạng như vậy. Họ ám chỉ về thuyết “nhân quả” như chúng ta vẫn thường nghĩ: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Người Do-thái cho rằng, hình phạt giáng xuống trên người bất hạnh là quả báo dành cho những tội lỗi của họ, còn những ai thoát nạn thì tự cho mình là người công chính.