DuyThạch SVD
Tương tác, va chạm,
sứt mẻ, để lòng hận thù là những điều hết sức bình thường trong cuộc sống thường
ngày của gia đình nhân loại với vô vàn cá tính khác biệt.
Có những nỗi giận hờn
chóng qua, có những căm tức đôi ba ngày, vài tháng, và cũng có những mối thù cả
đời người, thậm chí có những mối thù truyền kiếp. Trong những tiểu thuyết võ hiệp,
việc nuôi thù và trả thù là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của cốt truyện. Mối thù
có thể kéo dài hàng trăm năm theo phương thức cha truyền con nối.
Trong bối cảnh ấy,
người quân tử đôi lúc chỉ được đánh giá dựa trên tiêu chí biết nhẫn nhục để trả
thù, ví như tư tưởng “quân tử trả thù mười
năm chưa muộn”. Trong các cuộc chiến tranh, lòng thù hận, nhìn nhận đối
phương là “quân thù”, là những yếu tố luôn được khai thác nhằm kích thích ý chí
chiến đấu của quân sĩ.
Và tàn tích chiến
tranh vẫn còn tồn tại mãi trong văn hoá của những quốc gia từng ảnh hưởng bởi
nhiều cuộc chiến. Hơn 35 nước Việt Nam hoàn toàn “giải phóng”, người ta vẫn còn
nghe những khẩu hiệu kiểu như chúng ta phải chiến đấu để chống lại “giặc đói”,
“giặc dốt”.
Dường như bầu khí
chiến đấu vẫn không buông tha dân quân Việt, bởi nhìn đâu họ cũng thấy là giặc.
Lẽ dĩ nhiên, ít ai tôn vinh sự thù hận, ít ai nhìn nhận thù hận là điều tốt đẹp.
Vậy nhưng, người ta
vẫn không tránh khỏi được những nỗi căm hờn, thù hận trong cuộc đời mình. Đó là
một thực tế ít ai tránh khỏi. Vấn đề là nó kéo dài bao lâu? Và nó có tác hại thế
nào cho cuộc sống con người? và làm thế nào để vượt qua nó?
Trong bài suy tư
này tôi chỉ muốn nói đến những độc tính mà nỗi thù hận có ảnh hưởng trên con
người. Từ đó khơi dậy ý thức “giải độc” cho chính bản thân cũng như những ai
đang nuôi lòng thù hận. Có ít nhất 5 độc tính của một sự hận thù.
Tàn nhẫn với bản thân
Khi nuôi lòng thù hận
với một ái đó là làm tổn thương chính bản thân mình.
Tôi luôn cảm thấy
khó chịu, mất tự nhiên khi gặp người ấy. Thậm chí khi không thấy người ấy mà chỉ
cần nghĩ đến hoặc nghe ai nhắc đến đối phương, tôi cũng cảm thấy khó chịu trong
lòng. Nỗi thù hận sẽ gây nên những bất ổn ngay trong chính con người mình.
Những bất ổn về tâm
lý sẽ dẫn đến những bất ổn về sinh lý. Nó làm cho một người có thể ăn không
ngon ngủ không yên. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến những cơn bệnh khác.
Không ai có thể cảm thấy bình an khi lòng mình căm ghét một ai đó.
Nỗi hận càng sâu,
thì tác hại càng nặng. Mối thù càng lâu thì tác hại càng dài. Nó gặm nhắm sức
khoẻ tinh thần và thể lý của người nuôi thù hận khiến cho anh ngày càng kiệt quệ,
thiếu sức sống trong mọi hoạt động thường ngày.
Trong truyện “Tam
Quốc Diễn Nghĩa”, nhân vật Châu Du đã nuôi lòng thù hận, căm ghét đối với Gia
Cát Lượng. Nỗi thù hận ấy cứ âm ĩ mãi trong lòng, khiến ông ăn không ngon ngủ
không yên, và tìm đủ mọi cách làm sao giết được Gia Cát Lượng.
Chính nỗi thù hận ấy
đã gặm nhắm đời ông, khiến ông thổ huyết nhiều lần dẫn đến tử vong. Khi giận
người khác, thù người khác tôi vô tình chuốc lấy khổ đau cho bản thân mình.
Đánh
mất cái nhìn khách quan về người khác
Nuôi hận thù với một
ai đó là tạo cho mình nguy cơ có ái nhìn hẹp hòi về người đó. Khi tôi không ưa,
không thích một người nào đó, tôi dễ có khuynh hướng thiếu khách quan khi đánh
giá họ.
Cụ thể, tôi thường
giảm giá trị của một việc tốt người đó làm. Dẫu rằng những người khác nhìn nhận
việc đó là tốt thì tôi thường tìm cho mình một lý do để làm giảm giá, nếu không
muốn nói là phủ nhận hoàn toàn giá trị của nó.
Đức Ki-tô đã từng
lâm vào tình trạng này. Khi Người trừ quỷ, những kẻ căm ghét Người đã cho rằng
Người dựa thế quỷ vương để trừ quỷ, thậm chí họ còn cho rằng Người bị quỷ ám
(Mt 9,34;12,24; Mc 3,22; Lc 11,15). Những việc tốt đẹp của Người trước mắt dân
chúng bỗng trở thành thấp hèn, vô nghĩa trong mắt các kinh sư và những người
Pha-ri-sêu.
Sự căm ghét, hận
thù đã làm cho họ thiếu khách quan khi đánh giá công việc của đối phương. Không
những hạ giá công việc của Đức Giê-su, các sư và những người pha-ri-sêu còn hạ
thấp chính Người, xem Người như là quỷ.
Ngoài ra, sự căm
thù còn giúp tăng thêm sự xấu xa của một hành vi tiêu cực. Một lỗi lầm nhẹ
nhàng sơ sài của đối phương rất có thể trở nên một lỗi lầm hết sức nặng nề,
không thể tha thứ. Một ánh mắt tiêu cực chiếu thẳng vào mọi cử chỉ, lời nói,
hành động của đối phương khiến tính khách quan trong lối nhìn dường như biến mất.
Hay nói khác đi khi
tôi thù hận ai đó tôi luôn đeo một “cặp mắt kính đen ngòm” để quan sát người ấy.
Nói cho cùng đó là một hình thức của sự đối xử bất công vì tôi đã để cảm xúc
thù hận của mình chi phối khi đánh giá đối phương. Điều đó là không công bằng đối
với họ.
Một
sự loại trừ
Một độc tính khác của
sự thù hận là sự loại trừ kẻ khác. Có hai hình thức loại trừ.
Hình thức thứ nhất:
Thường khi tôi thù ghét ai tôi không muốn chung đường với kẻ đó. Tôi làm mọi
cách có thể để tránh gặp mặt đối phương. Thái độ này vô tình giới hạn không
gian sống của chính bản thân mình.
Tôi không muốn tham
gia bất cứ một công việc, phong trào nào do đối phương khởi xướng. Khi phải bắt
buộc tham gia vào thì tôi trở nên thụ động đến tiêu cực. Nói chung tôi tự loại
mình ra khỏi không gian của người ấy. Người ta thường gọi thái độ này là “không
đội trời chung”.
Hình thức thứ hai:
Tôi làm đủ mọi cách để đẩy đối phương ra càng xa càng tốt. Tôi muốn mở rộng
không gian hoạt động của mình bằng cách rút ngắn không gian của đối phương. Tôi
không muốn đối phương xuất hiện trong không gian sống của mình.
Tôi loại trừ đối
phương ra khỏi nhóm mình. Hoặc nếu trong điều kiện bắt buộc phải cùng làm việc
với đối phương thì tôi coi như không có đối phương trong nhóm và không nhìn nhận
sự đóng góp của họ.
Hình thức này có thể
lên đến đỉnh điểm khi tôi muốn tranh chấp có một không hai với đối phương.
Nghĩa là tôi muốn đối phương phải chết để tôi được sống. Đó là hình thức mà
Cain đã đối xử với Aben em của mình. Cain đã thù ghét em mình đến độ phải loại
trừ Aben vĩnh viễn.
Ở một tầm mức rộng
hơn, sự loại trừ còn được áp dụng cho cả những người thân cận của đối phương.
Những ai có quan hệ thân thuộc gần gũi với đối phương cũng trở thành đối tượng
bị loại trừ.
Người xưa có câu: “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông
ti họ hàng”. Đó là tình trạng mà Đức Giê-su đã cho các môn đệ biết: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng
nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,8).
Ghét Đức Giê-su thì
đương nhiên ghét các môn đệ vì các môn đệ là thân cận của Đức Giê-su. Và lẽ dĩ
nhiên “Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy”
(Ga 15,23).
Tự loại
mình ra khỏi gia đình Thiên Chúa
Lên một cấp độ cao
hơn, sự thù ghét sẽ làm cho con người ta tự loại mình ra khỏi gia đình thiên
Chúa. Bởi lẽ trong gia đình của Thiên Chúa không có chỗ cho sự hận thù.
Gia đình Thiên Chúa
là nơi mà mọi sự thù hận đều được hoá giải bằng ơn tha thứ; Nơi mà tình yêu
thương lan toả trong mọi mối tương quan. Người anh cả trong “dụ ngôn người cha nhân hậu” (Lc
15,11-32) đã chọn đứng ngoài ngôi nhà, không muốn vào nhà vì lòng anh còn nặng
trĩu những nỗi giận hờn với em mình và với cả cha mình.
Chọn lựa thù hận là
một chọn lựa không nhìn nhận Thiên Chúa là cha và không nhìn nhận đối phương là
anh em. Như vậy, không phải Thiên Chúa muốn loại kẻ có lòng thù hận ra ngoài
cho bằng kẻ ấy không muốn tha thứ, không muốn hoà giải, không muốn bước vào gia
đình Thiên Chúa.
Đánh
mất ơn cứu độ
Và lẽ dĩ nhiên, khi
chọn lựa đứng ngoài gia đình Thiên Chúa thì tự tước đi quyền thừa hưởng gia tài
Thiên Chúa ban cho. Tức là sự sống đời đời. Đức Giê-su đã từng dạy các môn đệ
xin “tha tội cho chúng con, như chúng con
cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).
Sự tha thứ luôn
luôn phải tồn tại hai chiều. Tha thứ cho người khác thì mới được lãnh nhận sự
tha thứ của Thiên Chúa. Không tha thứ thì sẽ không được thứ tha. Chúa Giê-su đã
nhấn mạnh điều đó khi nói: “Thật vậy, nếu
anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh
em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng
sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).
Như
vậy, nuôi lòng thù hận sẽ đánh mất quyền lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất ơn cứu độ vì “Ôi Lạy
Chúa! nếu như Ngài chấp tội, nào có
ai đứng vững được chăng ?” (Tv 130,3).
Tạm
kết
Một chút hồi tâm để dò tìm ra những độc
tính đang chảy trong dòng máu của những người nuôi lòng hận thù. Việc nhận ra
những độc tính giúp tôi ý thức những tác hại, những ảnh hưởng của lòng thù hận
trên cuộc đời mình để rồi từ đó kiên quyết “giải độc”, loại trừ nó ra khỏi cuộc
đời tôi càng sớm càng tốt.
Câu hỏi của Đức Giê-su đặt ra cho nhóm kinh
sư và những người pha-ri-sêu trong câu chuyện “người đàn bà ngoại tình” (Ga
8,2-11): "Ai trong các ông sạch tội,
thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" quả là một lời tự vấn lương tâm hết
sức cần thiết cho tất cả mọi người mọi thời.
Khi đối diện với chính lương tâm mình, với chính
tội lỗi mình, người ta bỗng cảm thấy xấu hổ, không còn dám lên án ai nữa. Khi đối
diện với tình yêu và lòng thương xót của Chúa, người ta bỗng cảm thấy mình lẽ
ra là kẻ đáng bị kết án nhưng đã được thứ tha.
Vậy, lý nào mình lại không tha thứ cho người
anh em minh?
Tĩnh
tâm Mùa Chay 2013.
◊
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét