23 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2013


Suy niệm Lời Chúa
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23.56)
Deacon Bảo SVD
Hôm nay là Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh. Tuần thánh Giáo Hội cho chúng ta suy ngẫm sâu hơn về mầu nhiệm thập giá và phục sinh.
Hôm nay, chúng ta vừa nghe thánh sử Luca trình thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu và thứ sáu tuần này chúng ta nghe trình thuật của thánh sử Gioan.
Hai trình thuật đều thuật lại cuộc thương khó của Chúa Giêsu nhưng có lối trình bày riêng theo chủ ý của tác giả. Ở đây tôi xin được chiêm ngắm mầu nhiệm đau khổ của Chúa Giêsu.
Tôi không có ý định và cũng không dám lý giải tại sao có đau khổ, nhưng tôi mời gọi mọi người cùng tôi suy ngẫm sự đau khổ của Chúa Giêsu, mong là qua suy niệm sự đau khổ của Chúa Giêsu giúp ích gì đó cho đời sống của mỗi người chúng ta.

Khi nói đến đau khổ, nhiều tôn giáo tìm cách lý giải nó. Chẳng hạn trong Phật giáo, Đức Phật cho rằng: “Con người còn khổ là vì họ còn chấp thân này là thật. Thân này là của Ta. Vì sự chấp ngã mê lầm này mà con người phải chịu cái khổ lớn nhất trong vòng sinh tử luân hồi.
Vô minh là cội nguồn của Tham, Sân, Si để dẫn dắt con người tạo ra nghiệp mà phải tái sanh, lãnh chịu quả khổ. Do đó Trung Đạo là con đường tu luyện thực nghiệm tâm linh để phá bỏ sự hôn mê, vứt bỏ được vô minh và kiến tạo trí tuệ, để trừ các ác pháp thì sẽ không còn khổ.”[1]
Tác giả sách Sáng Thế cũng cố gắng lý giải sự đau khổ của con người. Tác giả cho rằng, vì con người phạm tội nên mới chịu khổ cực. Chúng ta nghe sách sáng thế viết:
Sau khi con người đã ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm không được ăn. Khi Chúa bắt gặp và phán xét Ngài nói với người đàn bà: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (St 3,16).
Và Ngài phán với người đàn ông: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: 'Ngươi đừng ăn nó', nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,17-19).
Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng có quan điểm cho rằng tội lỗi đã làm cho người mang tội phải khổ. Điều này được diễn tả trong Tin Mừng Gioan “Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: ‘Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”  (Ga 9,1-2).
Nhưng Đức Giêsu không cùng quan điểm đó, Ngài trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9,3)
Vâng, nếu quan điểm, tội đã làm cho con người khổ, thì chúng ta sẽ không lý giải được việc đau khổ Đức Giêsu chịu. Thật vậy, thư thứ nhất Phêrô viết về Đức Giêsu như sau: “Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình.”(1Pr 2,22-23)
Chúng ta cũng không thể lý giải được tại sao những em bé mới sinh ra đã bị đau khổ vì tật nguyền, chúng ta cũng không lý giải được các em bé mới sinh ra đã phải chịu người khác giết, chẳng hạn như những em bé ở Giêrusalem bị Hêrôđê giết.
Vâng, khi đứng trước đâu khổ, chúng ta không thể lý giải được tại sao. Đó là một huyền nhiệm. Đau khổ có giá trị của nó. Vậy giá trị đau khổ nằm ở đâu? Trước khi thử trả lời giá trị đau khổ, tôi xin kể với ông bà anh chị em một câu chuyện:
Có một người mẹ trẻ, đẹp và đảm đang. Chị có một đứa con gái cũng xinh đẹp như chị. Nhưng chị gặp bất hạnh là chồng chị vì một lý do nào đó đã bỏ chị. Trước nỗi bất hạnh lớn lao đó, chị dồn hết tình yêu cho con. Chị nỗ lực hết sức vừa làm việc, vừa nuôi con.
Giờ đây, đứa con là niềm hạnh phúc duy nhất của chị. Và cũng nhờ đứa con mà chị có thể vượt qua được đau khổ khi chồng bỏ. Hằng ngày chị dậy sớm, chuẩn bị ăn sáng cho chị và con, chị chở con đi học, chị đi làm. Chiều đến chị đón con về, về nhà chị lo buổi tối cho con, và dạy con học.
Cuộc sống của mẹ con chị trôi đi ngày nay qua ngày khác.
Một hôm, chị chở con chị đi học, một tai nạn đã xảy ra và con chị qua đời. Chị không chịu được nỗi đau khổ cùng cực như vậy, chị mới chạy đến tượng Đức Mẹ, Tượng Thánh Giuse, Tượng thánh Antôn để kêu cầu, để hỏi “Tại sao bất hạnh quá lớn lại xảy ra với chị, tại sao chị lại phải chịu hết đau khổ này đến đau khổ khác?”
Nhưng không có câu trả lời.
Chị chạy đến Thánh giá, cũng đặt câu hỏi đó. Khi chị nhìn lên thân thể chịu đóng đinh của Chúa Giêsu chị mới tự hỏi. Tại sao Chúa lại chịu đóng đinh thế? Vậy Chúa cũng bất hạnh như mình.
Chị cảm thấy an ủi phần nào khi nghĩ đến cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá. Những gì chị được học ở lớp giáo lý về Chúa Giêsu nay hiện lại trong tâm trí chị. Chị biết Chúa đâu có tội gì, tại sao chịu đóng đinh thế.
Chị biết Chúa cũng lo lắng trước đau khổ, Chúa Giêsu cũng chạy đến với Chúa Cha để xin khỏi uống chén đắng này, Chúa Giêsu cũng đã phải đổ mồ hôi máu vì nghĩ đến cái chết tức tưởi trên thập giá mà Ngài sắp phải chịu. Nhờ những điều đó đã làm chị vơi đi đau khổ.
Và sau đây là một câu chuyện khác, một em bé gầy ở vùng quê nghèo, hằng ngày em lên rừng chặt củi mang về. Một người giàu có ở thành phố, đi du lịch trông thấy em vác bó củi lớn hơn và nặng hơn cả người em.
Em đang vác củi lên một con dốc. Người khách du lịch chạnh lòng thương, đến giúp em vác bó củi. Sau khi lên con dốc, người đó hỏi: Em vác như vậy có mệt lắm không? Em lấy tay quẹt mồ hôi, tươi cười trả lời, dạ mệt chứ, nhưng làm sao mệt bằng Chúa Giêsu đã vác thập giá lên đồi sọ được?
Vâng, đau khổ có giá trị của nó. Chúa Giêsu đã đau khổ cùng cực như vậy, để những ai chịu đau khổ cùng cực nhận thấy họ cũng được Chúa Giêsu cảm thông. Chúa Giêsu không dạy chúng ta khước từ đau khổ, Ngài nói “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).
Nhưng chúng ta cũng không dừng lại ở đau khổ. Chúng ta biết, Chúa Giêsu đã qua đau khổ để đến vinh quang. Ngài đã chịu chết để được phục sinh. Và chúng ta tin, nếu chúng ta thông phần đau khổ với Người chúng ta cũng được phục sinh với Người.
Bài đọc 2 chúng ta vừa nghe thánh Phaolô diễn tả toàn bộ mầu nhiệm đau khổ và phục sinh của Chúa Giêsu. Tôi xin được đọc lại để chúng ta thưởng thức lại một lần nữa những lời thơ tuyệt vời này:
Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". (Pl 2,6-11)
Lạy Chúa Giêsu xin cho con biết nhìn lên Chúa khi con gặp những đau khổ trong cuộc đời. Xin cho con biết thông phần đau khổ của con với đau khổ của Ngài. Amen.


[1] Huệ Dân, Khổ đế, http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bon-chan-ly/6156-Kho-de.html, truy cập lúc 5g11p ngày 23-03-2013.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét