9 thg 3, 2013

CHÚA NHẬT THỨ TƯ MÙA CHAY


Suy niệm Lời Chúa
( Lc 15, 1-3. 11-32)
Deacon Tân SVD
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, khi những người thu thuế và  những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng, những người biệt phái và luật sĩ lẫm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những người tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng”.
Qua đó Luca muốn cho thấy hai thái độ khác nhau: Người tội lỗi thì đến để nghe giảng dạy còn biệt phái và luật sĩ thì đến để công kích, bắt bẻ. Đồng thời Ngài cũng cho thấy sự khác nhau giữa lòng khoan dung đón tiếp người tội lỗi của Chúa Giêsu và thái độ khinh chê, loại trừ của biệt phái và luật sĩ.
Nếu chúng ta đọc từ đầu chương 15 1- 32, chúng ta thấyThánh sử Luca đã gom tất cả ba dụ ngôn vào chương 15 1-32: Con chiên lạc, đồng tiền bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Cả ba đều cho ta thấy một điều rất quan trọng: Không phải người tội lỗi tìm kiếm Thiên Chúa mà Thiên Chúa lại đi tìm người tội lỗi là chính chúng ta.
Đề tài mục tử và chiên là đề tài cổ điển của Cựu Ước, thường được dùng để nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng của Người. Con chiên lạc tìm lại được là biểu tượng của ơn cứu độ: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải ăn năn” (15, 7).

Qua cái nhìn và thái độ đi tìm kiếm người tội lỗi, Chúa Giêsu muốn nói chúng ta rằng: ta cần phải xét lại cái nhìn và thái độ chúng ta đối với những người yếu đuối lỗi lầm. Thay vì lên án, loại trừ như biệt phái và luật sĩ đã làm, thì trái lại, chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu, nhìn họ với cặp mắt yêu thương nhân hậu và tìm đến với họ.
Con người dù là tội lỗi đến đâu đi nữa thì vẫn rất quan trọng đối với Thiên Chúa, bởi vì trên trời, nghĩa là cả thiên đàng đều vui mừng khi người ấy hối cải ăn năn. Con người có một chỗ đứng quan trọng trong trái tim của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đến để cho họ ăn năn hối cải không những bằng những lời giảng dạy mà  còn bằng lòng khoan dung và yêu thương. Cho nên, niềm vui Đức Giêsu không chỉ dừng lại nơi những con người sống công chính mà Ngài còn vui cho các tội nhân “chỗi dậy trở về cùng Cha” (15,18 : Đáp ca) .
Dụ ngôn Người Cha nhân hậu  là dụ ngôn của riêng Luca. Dụ ngôn có ý diễn tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa, nên tựa đề đứa con hoang đàng không thích hợp lắm. Khi nói về dụ ngôn này Đức Giêsu muốn diễn tả lòng khoan dung của Thiên Chúa: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã khỏa lấp mọi tội lỗi chúng ta vì lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa hằng chờ đợi chúng ta trở về.
Luca biểu lộ lòng hân hoan của Thiên Chúa khi thấy người ta hối cải. Hơn nữa Người còn muốn mọi người chia sẻ niềm vui to lớn của Người. Nhưng loài người thường khó thi hành điều này. Họ thường là người con cả trong dụ ngôn, hơn thế nữa, biệt phái và luật sĩ đã khó chịu khi thấy thu thuế và tội lỗi đến nghe lời Ðức Giêsu.
Người Do Thái sau này sẽ bực tức khi nghe nói Phaolô quyết tâm đi giảng đạo cho lương dân. Chúng ta ngày nay không muốn cho kẻ mình không ưa thích được những sự lành. Chúng ta luôn có đầu óc kỳ thị và tính toán so đo, ngay trong phạm vi tôn giáo.
Chúng ta giữ đạo để được ban riêng cho những ơn mà mình nghĩ Thiên Chúa đừng ban cho kẻ "khác". Chúng ta hãy nghe lời Thiên Chúa nói qua miệng lưỡi người Cha trong dụ ngôn.
Chúng ta thấy Luca kể cách dồn trong  dụ ngôn liên tiếp nhau là để nhấn mạnh cho chúng ta thấy được lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đó cũng là một lời mời gọi người tội lỗi là chúng ta, mau ăn năn hối cải.
Người cha nhân hậu chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu.” Cử chỉ yêu thương đó làm cho đứa con phải nghẹn lời. Nó bắt đầu nói những lời thống hối mà nó định nói, nhưng không đợi cho đứa con nói hết, ông liền ra lệnh: mau mang áo đẹp nhất  ra đây mặc cho cậu (nghĩa là ông tỏ ra ưu đãi như khách quý), xỏ nhẫn (nghĩa là ông ban cho quyền hành), xỏ dép (nghĩa là ông ban cho quyền tự do của người làm con) và hãy bắt con bê đã vỗ béo làm thịt ăn mừng”…
Lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã khỏa lấp mọi tội lỗi chúng ta vì lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa hằng chờ đợi chúng ta trở về.
Phản ứng tức giận của người anh  là dịp để cho người cha cắt nghĩa lý do tại sao ông đã hành động như thế, và như thúc dục người anh phải có thái độ khoan dung. Công chính vì “ không hề trái lệnh cha một điều nào” chưa đủ, công chính vì giữ đúng luật hay các dưới răn chưa đủ.
Điều Thiên Chúa muốn là sự công chính phải thể hiện qua tình yêu cho tha nhân; và trong trường hợp này, tình yêu đó là lòng khoan dung nhân hậu với anh chị em tội lỗi. Tưởng cũng nên nhắc lại, Chúa Giêsu đã căn dặn những ai muốn dấn thân theo Ngài: “Điều răn mới của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau.”
Khoan dung và tha thứ là cử chỉ cao đẹp nhất của tình yêu.
Để tiếp tục tiến vào việc cử hành Thánh Thể, xin cho mỗi người chúng ta luôn trở về với Thiên Chúa tình yêu. Thánh sử đã chứng minh: không có vị thánh nào không có một quá khứ lỗi lầm; cũng như không có một tội nhân nào không có một tương lai trở nên thánh trong Tình Yêu và Lòng Khoan Dung của Thiên Chúa Tình Yêu. Amen

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét