29 thg 3, 2013

Cuộc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa đến sự khiêm nhường, tính giản dị, thậm chí có thể cả tinh thần làm việc nhóm

 “Vâng, tôi rất vui mừng với việc bầu chọn Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio làm Đức Tân Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo,” Tôi đã trả lời như thế khi một sinh viên đang học ở Trường Thần học Dòng Tên tại Berkeley, California, hỏi.
Tôi nghĩ rằng đây là một sự chọn lựa được linh hứng thật sự. Vì Đức Giáo hoàng Phanxicô, Bergoglio có khả năng đáp ứng được một số thách đố quan trọng mà hiện nay Giáo hội Công giáo đang phải đối diện.
Cá tính. Nhiều người đã nhận xét về sự khiêm nhường, tính giản dị và linh đạo của ngài. Sự thật là khi bạn gặp ngài, bạn có thể dễ dàng cảm nhận được những đức tính này. Tôi chỉ gặp Đức Bergoglio hai lần, một lần tại Buenos Aires và lần kia ở Rôma, nhưng hai lần gặp đó đều rất đáng nhớ.
Vào tháng 5 năm 2001, tôi đến thăm các anh em truyền giáo Ngôi Lời ở Argentina. Một buổi sáng nọ ở Buenos Aires, một người anh em đã hào phóng dẫn tôi đi tham quan quanh thành phố. Khi chúng tôi đang ở tại nhà thờ chính tòa và cũng là nơi cư trú của Đức Tổng Giám Mục, người anh em của tôi nói: “Chúng ta hãy xem có Đức Hồng y ở đây không, nếu có, chúng ta hãy đi thăm ngài”.
Tôi phản đối vì chúng tôi đã không hẹn với ngài. Nhưng người anh em cho rằng chúng tôi cứ thử xem. Hôm đó Đức Hồng y có ở nhà và ngài chào đón chúng tôi như chúng tôi đã hẹn trước với ngài. Chuyến thăm trở nên dễ chịu, và tôi thật sự ấn tượng bởi sự giản dị và khiêm tốn của “vị Hoàng tử Giáo hội” này. Người ta có thể thấy ở nơi ngài một tình yêu đích thực dành cho con người, nhất là người nghèo và những người sống bên lề xã hội.
Do đó, ta không ngạc nhiên với danh hiệu Phanxicô được ngài lựa chọn cho triều giáo hoàng của ngài. Ngài sẽ là một mục tử tốt của Giáo hội, một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo.
Xuất thân. Ngài là Đức Giáo Hoàng đầu tiên không phải người châu Âu thời hiện đại, và là Giáo Hoàng Mỹ Châu Latin đầu tiên. Việc bầu chọn Đức Bergoglio mang lại một khuôn mặt mới cho Giáo hội Công giáo, không còn là Giáo hội châu Âu nhưng thực sự là một Giáo hội hoàn vũ.
Nó cũng phản ánh cái gọi là “sự thay đổi nhân khẩu” của Giáo hội Công giáo, chuyển từ “bắc bán cầu” đến “nam bán cầu” (nghĩa là, Mỹ La Tinh, Châu Phi, Châu Á), nơi khoảng hai phần ba trong số 1,2 tỷ người Công giáo đang sinh sống. Trong thực tế, gần 50% người Công giáo đang sống ở Mỹ Latinh. Vì thế, thật hợp lý khi người đứng đầu của Giáo hội Công giáo xuất thân từ cùng một lục địa.
Nói về “nam bán cầu” cũng là nói về sứ vụ truyền giáo và tân phúc âm hóa; nói thế không chỉ vì nơi đây từng là “vùng truyền giáo” truyền thống mà còn vì ngày càng nhiều nhà truyền giáo xuất thân từ các giáo hội trẻ này. Thật vậy, thách đố quan trọng đầu tiên của Giáo hội Công giáo là chiều kích “đối ngoại”, nghĩa là sứ vụ truyền giáo và phúc âm hóa, hay mang Tin Mừng cho các dân tộc. Như các nhà thần học từng nói: giáo hội tồn tại nhờ truyền giáo như lửa tồn tại nhờ đốt.
 Nếu giáo hội ngày hôm nay có gì sai, có lẽ là vì giáo hội không thực hiện (hoặc thực hiện không đủ hoặc không tốt) những gì giáo hội phải làm. Không có lửa vì không ai đốt. Giáo hội đánh mất mình vì giáo hội không truyền giáo và phúc âm hóa.
Gốc gác tu sĩ. Đức Bergoglio không chỉ là Giáo hoàng Mỹ Châu Latin đầu tiên, mà còn là Giáo hoàng dòng Tên đầu tiên, và là Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu trong lịch sử cận đại. Do đó, có thể Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thấy sự cần thiết phải cải cách không những Giáo Triều, nhưng còn cả triều đại giáo hoàng theo phong cách quản trị dân chủ và mang tính tập thể của các dòng tu.
Ví dụ, cũng như bề trên tổng quyền của các dòng tu có một hội đồng cố vấn để quản trị với ngài, chẳng lẽ Đức Giáo hoàng không thể có một hội đồng (ví dụ, 6, hoặc 8 hoặc 10) để chia sẻ nhiệm vụ lãnh đạo với ngài? Trong một thế giới càng phức tạp - đa văn hóa, đa nguyên, hậu hiện đại, toàn cầu và công nghệ - một người không còn có thể quản trị một mình.
Lãnh đạo theo nhóm, hay đồng lãnh đạo đang ngày càng trở nên cần thiết. Có vẻ như trực giác của Công đồng Vaticanô II về sự phối hợp tập thể giờ cần được thực hiện cách nghiêm túc.
Thật vậy, một thách đố quan trọng thứ hai của giáo hội Công giáo hôm nay là chiều kích “đối nội”, đó là thách đố về quản trị và do đó là thách đố về việc cải cách Giáo Triều và triều giáo hoàng. Thật vậy, thách đố “đối ngoại” của việc truyền giáo sẽ không tiến bộ nếu thách đố “đối nội” về quản trị không được thực hiện. Giáo hội cần sắp xếp lại nội bộ nhà mình nếu giáo hội muốn thực hiện cách hiệu quả sứ vụ mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Tân Giáo hoàng của chúng ta dường như có sẵn chiến lược để lãnh đạo Giáo hội Công giáo nhằm đáp ứng lại những thách đố này. Với ân sủng của Thiên Chúa và ánh sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta mong chờ nhìn thấy Giáo hội Công giáo được xây dựng lại dưới thời Đức Phanxicô.
[Antonio Pernia, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, hiện đang nghỉ phép ở Trường Thần học dòng Tên  tại Đại học Santa Clara.]
Ban Truyền Thông HVNL chuyển ngữ
Cha Nguyễn Hữu Duy đính chính

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét