27 thg 3, 2013

Người im lặng – Kẻ lên tiếng

 John Đinh Tuấn SVD
Trong mỗi người ai cũng có khả năng yêu thương. Sự yêu thương ẩn chứa trong mỗi con người, nhưng quan trọng là nhiều hay ít mà thôi. Có nhiều sắc thái và cung bậc của tình yêu; có người yêu thương là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu.
Có người tràn ngập sự yêu thương nhưng chỉ dành riêng cho một ai đó, hoặc cho chính mình. Thậm chí, có kẻ cất kín nó đi để mà sống tàn nhẫn, độc ác. Điều này làm nên vô vàn sắc thái, cung bậc của tình cảm, làm nên muôn màu muôn vẻ của tình người.
Câu chuyện xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a (Ga 12,1-11) cho chúng ta thấy hai hình ảnh đối nghịch nhau của sự yêu thương. Một người đã dành cho Đức Giê-su một tình yêu thắm thiết nhất mà tận đáy lòng muốn trao tặng; còn người kia thì ngược lại, anh đã yêu bằng đầu môi chót lưỡi, đàng sau chữ yêu của anh ẩn chứa một sự tham lam, ích kỷ mà chỉ ai tinh ý mới nhận ra.

Trong bữa ăn tối tại nhà anh Ladarô, “cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân cho Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm”. Theo các nhà chú giải, một cân theo cách tính của người Rô-ma là 327,5 gram, và trị giá của số dầu thơm cam tùng này là ba trăm quan tiền, tương đương với ba trăm ngày công.
Điều này cho thấy giá trị vật chất của cân dầu thơm này rất lớn. Khung cảnh của một bữa tiệc có đông người đang chung vui lại xuất hiện một hành động làm cho mọi người hết sức ngỡ ngàng.
Nghĩa cử khiêm nhường và lòng yêu mến mà Maria dành cho Đức Giê-su vượt qua mọi nghi kỵ và tính toán vật chất. Cô yêu mến Thầy mình hết tình hết nghĩa. Tình yêu này không những không làm cô nên mù quáng, mà còn khiến cô cảm nhận và chiêm ngưỡng nhân cách huyền nhiệm của Đức Giê-su hơn.
Không phải tất cả các Tông đồ và những người ở đó hiểu được cử chỉ của cô, bởi vì các ông hãy còn nhiều điều phải học về cách yêu mến Chúa. Ngược lại với Maria, Giu-đa Iscariot thì lại đội lốt một tình yêu dành cho người nghèo để phản đối hành động của Maria. Ông nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”
Một lý do xem ra có vẻ rất hợp tình hợp lý, nhưng, như Thánh Gioan diễn giải: “Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Giu-đa đang mang trong mình những mưu mô và hành động xấu, thế nhưng anh lại phát biểu những lời có vẻ hết sức đạo đức và đầy tình người.
Điều này làm tôi suy nghĩ, nhiều khi trong cuộc sống, khi thấy ai làm một việc gì tốt, thay vì phải khen ngợi và noi theo, tôi lại tìm ra những cái cớ khác để làm cho nó nên xấu theo ý mình. Nhiều khi tôi không dám đối diện với những khiếm khuyết, yếu đuối của mình, mà chỉ chăm chú soi mói và chê bai người khác.
Đó là một thái độ ghen tương mà bản thân tôi dễ gặp phải trong cuộc sống.
Tôi vẫn tâm đắc câu trả lời phỏng vấn của một huấn luyện viên người Đức khi ông còn dẫn dắt đội bóng Việt Nam. Phóng viên hỏi: Theo ông, đâu là điểm yếu nhất của đội tuyển VN mà ông cần phải khắc phục? Ông trả lời: Tôi không đến đây để tìm điểm yếu của họ, mà là tìm ra những điểm mạnh của họ và giúp họ phát huy điều đó.
Cái khuyết điểm lớn nhất của tôi cũng như của nhiều người khi nhìn vào người khác, đó là soi mói những điểm yếu của họ, mà quên rằng, nơi họ còn có quá nhiều điều tốt lành mà ta cần phải tôn trọng và học hỏi.
Bước vào Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng một tình yêu cao cả vượt lên trên mọi tình yêu của con người. Đó chính là tình yêu mà Đức Ki-tô đã dành cho nhân loại. Đức Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh để cứu chuộc nhận loại.
Ngài đã chấp nhận chết thay cho dân mặc dù Ngài không có tội gì đáng phải chết, đó là một nghĩa cử yêu thương cao cả nhất mà Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã dành cho con người. Là Thiên Chúa, Ngài có thể ngồi một chỗ để cứu con người bằng quyền năng và sức mạnh của Ngài.
Nhưng không, giá trị cao quý nhất là ở chỗ, như thánh Phao-lô trong thư Philipphe: Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ. Người đã hạ mình, vâng lời cho đến chết, mà chết trên thập giá” (Pl 2,6-8).
Từ địa vị Thiên Chúa, Người đã chọn làm một con người; giữa loài người, Người đã sống thân nô lệ; trong kiếp nô lệ, Người đã đón nhận cái chết thập giá hổ nhục. Đó là một tình yêu cao cả và vượt lên trên mọi thứ tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã chấp nhận mang thân phận phàm nhân và chết nhục nhã trên thập tự vì yêu chúng con, xin giúp con cũng biết trao ban tình yêu cho người khác mà không cần so đo tính toán. Xin cho con biết quảng đại và yêu thương trong cách nhìn nhận và xét đoán anh em mình. Xin đừng để sự ích kỷ và tính ghen tương ngự trị trong cách sống và lối suy nghĩ của con. Amen.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét