ĐỌC SÁCH TIN MỪNG
Ki-tô hữu đọc Sách Thánh
A.GIỚI THIỆU VẮN TẮT
- Đ.Giê-su là Con Thiên Chúa đã làm người, để nói cho chúng ta biết ý định yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.
- Ai tin nhận Đ.Giê-su thì được sống muôn đời.
2 Dàn Bài Tóm Lược: Sách Gio-an có 21 chương, gồm có:
. Lời Tựa (1,1-18).
- Thời giảng dạy của Đ.Giê-su (1–12).
- Thời khổ-nạn-phục-sinh (13–21).
B. DÀN BÀI và SƠ ĐỒ
- Với Dàn Bài Tóm Lược trên, chúng ta vẽ một Sơ đồ để thấy rõ hơn.
Gio-an không nói về thời thơ bé của Đ.Giê-su, nhưng với Lời Tựa, Gio-an cho biết Ngôi Hai Thiên Chúa là Ngôi Lời Hằng Hữu, nay đến chia sẻ thân phận con người với chúng ta.
Dàn Bài
Ÿ Lời Tựa: Ngôi Lời Thiên Chúa làm người,
để loài người được làm Con Thiên Chúa (1,1-18).
I. THỜI GIẢNG DẠY: Thời của các dấu lạ (1,19–12,50).
Ÿ Gặp gỡ Đ.Giê-su và nhận ra dấu lạ.
- Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng với 4 môn đệ đầu tiên (1,35-51): “Đến mà xem”.
- Dấu lạ thứ nhất: Nước hóa thành rượu ngon (2,1-12).
- Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng với một bậc thầy Do-thái (3,1-21): Cần “tái sinh bởi ơn trên”.
- Dấu lạ về Bánh hằng sống (6,1-66): “Ta là bánh trường sinh”
- Dấu lạ La-da-rô sống lại (11,1-54): “Ta là sự sống lại và là sự sống”.
II.THỜI KHỔ-NẠN-PHỤC-SINH: “Giờ” của Đ.Giê-su (13,1–21,25).
Ÿ Giờ biệt ly: Những lời tâm huyết (13,1–17,26).
- Một bài học mãi mãi cần ôn (13,1-20).
- Một lệnh truyền để ghi lòng tạc dạ (15,5-15).
- Một dấu chứng để người đời có thể tin (17,1-26)
- Chiều ngày sống lại: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”.
(20,19-31)
C.DIỄN GIẢI GỢI Ý
- Mục Diễn Giải này giúp đọc một số đoạn của Gio-an. Phần chữ đứng là tóm ý từ bản văn sách Tin Mừng. Phần chữ nghiêng thì diễn giải và gợi ý suy nghĩ hay ứng dụng.
Quan trọng là đọc chính thánh Gio-an để cảm nhận Lời Chúa qua Sách Thánh, qua phụng vụ, qua cuộc sống.
— Lời Tựa (1,1-18).
Lời Tựa cho ta biết về Ngôi Lời Hằng Hữu.
Ngôi Lời đã làm người để chúng ta được quyền làm con Thiên Chúa (1,12tt).
Câu 1-2 : Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa, Ngôi Lời là Thiên Chúa.
3-5: Nhờ Ngôi Lời mà loài người và muôn vật được tạo thành, Ngôi Lời là Sự Sống và là Ánh Sáng chiếu soi mọi người.
9-11: Ngôi Lời đã đến thế gian và đến với dân của Ngài mà họ không tin nhận Ngài.
12-13: Những ai tin nhận Ngài thì được quyền là Con Thiên Chúa.
14&18: Ngôi Lời đã nhập thể làm người, để bày tỏ cho chúng ta được biết Thiên Chúa.
Với Lời Tựa này, chúng ta như lùi lại thật xa và vươn lên thật cao, để ngắm nhìn Ngôi Lời hằng hữu nay mang thân phận người phàm, để chúng ta được làm con Thiên Chúa.
Việc kỳ diệu này, Hội Thánh chúng ta tuyên xưng hằng ngày qua kinh truyền tin để cảm tạ Thiên Chúa:
“Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”,
“Và ở cùng chúng tôi”.
I. THỜI GIẢNG DẠY: Thời của các dấu lạ (Ga 1,19–12,50).
Sách Gio-an kể lại 7 phép lạ gọi là “dấu lạ” Đ.Giê-su làm để khơi dậy lòng tin. Một câu hỏi thường phảng phất trong đầu dân chúng: “Giê-su, ông là ai?”
— Gặp gỡ Đ.Giê-su và nhận ra dấu lạ (1,19–4,54).
Ÿ Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng 4 môn đệ đầu tiên: “Đến mà xem” (Ga 1,35-51).
- Hai người đến gặp Đ.Giê-su hôm ấy vốn là môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả. Họ đang mong tìm Đấng Cứu Thế, và được ông Gio-an chỉ cho biết Đ.Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”([1]).
- Họ đã gặp Ngài và được mời “Đến mà xem”. Họ ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Rồi lần lượt, ông An-rê mách cho Si-mon, ông Phi-líp-phê mách cho Na-tha-na-en([2]); mỗi người có dịp nghe Đ.Giê-su nói hoặc thưa thốt với Ngài.
Họ tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a.
- “Đi theo” được nhắc tới 4 lần trong đoạn này (1,37.38.40.43). Đi theo ở đây có nghĩa là làm môn đệ.
Chúng ta đều là môn đệ Đ.Giê-su, được mời gọi sống thân cận với Ngài và trở nên con Thiên Chúa.
Nhưng trong cuộc sống thực tế hôm nay, “làm môn đệ Đ.Giê-su Ki-tô” có nghĩa gì đối với tôi, đối với bạn.
Ÿ Dấu lạ thứ nhất: Nước hóa thành rượu ngon (Ga 2,1-12).
- Trong Sách Thánh, các đề tài: “rượu, tiệc cưới, cô dâu, chú rể” thường liên quan đến niềm vui của ơn cứu độ hoặc của thời có Đấng Mê-si-a.
Đoạn này gồm vài nét có tính cách tượng trưng cần để ý.
- Đoạn văn nói đến tiệc cưới mà không cho biết gì về cô dâu chú rể, họ hàng cũng không; chú rể chỉ được nhắc thoáng qua, nhân việc hết rượu. Trái lại Đ.Giê-su, một khách mời, lại trở thành nhân vật chính.
Rượu cạn kiệt. Ông quản tiệc hụt hẩng, chủ nhà bó tay! Niềm vui tiệc cưới bị đứt gánh giữa đường!
- Đ.Ma-ri-a tự nguyện đóng vai người quản tiệc, sắp xếp công việc cho người nhà và yêu cầu Đ.Giê-su (như là tân lang chủ nhà) đứng ra giải quyết tình cảnh rối rắm.
Ở đây, lời nói và cung cách của Đ.Giê-su đối với Đ.Ma-ri-a không nằm trong khung cảnh mẹ con thường tình, mà là ở một tầng cao hơn, theo tầm nhìn của Thiên Chúa. Và Đ.Ma-ri-a đã ứng xử với lòng tin tưởng: “Ngài bảo gì các anh cứ việc làm theo”(2,5).
- Tình cảnh “hết rượu” trong tiệc cưới, có thể gợi nghĩ tới giai đoạn cuối của thời Cựu Ước. Tình cảnh sau, với 6 chum, khoảng 600 lít rượu ngon đầy tràn, là thời của Đấng Mê-si-a, của Giao Ước Mới.
Đây là dấu lạ đầu tiên. Các Tông Đồ đã nhận ra và tin.
Chúng ta cũng cần tỉnh thức để nhận ra những dấu chỉ của Chúa trong thời đại này và trong cuộc sống thường ngày chung quanh ta.
Ÿ Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng với một bậc thầy Do-thái (Ga 3,1-21).
Có thể chia đoạn này làm 2 phần:
. Phần đầu là cuộc đối thoại giữa Đ.Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô về Nước Thiên Chúa và ơn tái sinh (3,1-10).
. Phần sau là diễn từ về đức tin và sự sống muôn đời (3,11-21).
- Ông Ni-cô-đê-mô, một bậc thầy trong đạo Do-thái, đến gặp Đ.Giê-su vào ban đêm.
Ông Ni-cô-đê-mô nhìn nhận Đ.Giê-su là bậc thầy được Thiên Chúa sai đến, nhưng ông không hiểu được điều Đ.Giê-su ám chỉ: Muốn đón nhận Nước Chúa, cần “tái sinh bởi ơn trên”; nhờ “nước và Thần Khí”([3]).
- Rồi nhân chuyện rắn đồng treo trên cao để cứu sống nhiều người (Ds 21,4-9), Đ.Giê-su ám chỉ việc Ngài sẽ chết trên thập tự giá để thực hiện chương trình cứu độ.
- Câu chuyện rắn đồng lại dẫn đến một lời xác quyết quan trọng, về ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. câu này như gồm tóm sách Tin Mừng Gio-an, cũng như cả bộ Sách Thánh:
“Thiên Chúa yêu thế gian ([4])đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Đây là Tin trọng đại đáng mừng nhất cho chúng ta và mọi người.
Ÿ Dấu lạ về Bánh Hằng Sống (Ga 6,1-71): “Ta là bánh trường sinh”.
Chương này khó hiểu, nhất là những chỗ liên quan đến Thánh Thể. Hai phần chính là:
- Đ.Giê-su hoá bánh ra nhiều trên núi (6,1-15).
- Diễn từ về Bánh Hằng sống, tại Ca-pha-na-um (6,22-71).
- Dấu lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6,1-15).
- Dân chúng tuôn đến nghe Đ.Giê-su giảng dạy, nguyên số đàn ông đã là khoảng 5.000 người, mà với 5 cái bánh và 2 con cá Đ.Giê-su phân phát cho họ ăn no nê. Các mảnh thừa còn lại tới 12 thúng!
- Trước dấu lạ trên, dân chúng nghĩ đến vị mà Thiên Chúa hứa, Đấng Mê-si-a thuộc dòng vua Đa-vít, để xua đuổi quân La-mã xâm lược. Họ mơ ước vinh quang và chiến thắng. Nhưng Đ.Giê-su lánh mặt.
“Đ.Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát”.
Câu này gợi lại cái cung cách Đ.Giê-su đã làm trong bữa Tiệc ly mà các cộng đoàn Ki-tô hữu xưa cũng như chúng ta hôm nay thường lặp lại trong nghi thức của tiệc Thánh Thể.
- Diễn từ về Bánh Hằng sống (Ga 6,22-71).
Từ bánh để nuôi dân chúng, Đ.Giê-su dẫn đến Bánh Hằng Sống là Lời Thiên Chúa và cuối cùng thì chính Thịt và Máu Đ.Giê-su là lương thực để sống muôn đời.
- Đông đảo dân chúng lại tìm đến với Đ.Giê-su, nhưng Ngài nói:
“Hãy ra công làm việc,
không phải vì lương thực chóng hư nát
nhưng vì lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26tt).
- Đáp lại câu hỏi của họ Đ.Giê-su nói:
“Việc Thiên Chúa muốn là
các ông tin vào Đấng Thiên Chúa đã sai đến” (Ga 6,29).
- Họ đòi dấu lạ để tin và nhắc tới man-na xưa kia trong sa mạc mà họ gọi là bánh bởi trời([1]). Nhưng Đ.Giê-su cho biết Ngài chính là Bánh Trường sinh từ trời xuống để trần gian được sống.
Đám đông thắc mắc về lời: “Tôi là bánh từ trời xuống”.
Nhưng Đ.Giê-su càng nói mạnh hơn và rõ hơn về bí tích Thánh Thể mà Đ.Giê-su đã thiết lập trong bữa tiệc ly và trối lại cho chúng ta.
“Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống;
Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi
cũng như tôi ở trong người ấy” (Ga 6,55tt).
- Nhiều môn đệ rút lui bởi không chấp nhận được những lời lẽ ấy, nhưng Nhóm Mười Hai vẫn gắn bó với Đ.Giê-su, vì:
“Lời Thầy là Thần Khí ban sự sống” (Ga 6,63).
“Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống muôn đời” (Ga 6,68).
Ÿ Dấu lạ La-da-rô sống lại (11,1-54): “Ta là sự sống lại và là sự sống”.
Việc La-da-rô sống lại là dấu lạ báo trước việc Đ.Giê-su chết và sống lại vì muôn người.
- Một gia đình ở Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem, gồm có chị Mát-ta, chị Ma-ri-a và anh La-da-rô, rất thân với Đ.Giê-su. La-da-rô lâm bệnh nặng, Ngài nói:
“[…] Đây là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa:
qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. (Ga 11,4).
- Khi Đ.Giê-su đến nơi, La-da-rô được án táng đã 4 ngày.
Đ.Giê-su nói với cô Mát-ta: “Em chị sẽ sống lại!”.
Cô thưa: “Con biết em con sẽ sống lại,
khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”.
Ngài đáp:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25tt).
- Đ.Giê-su ngước mắt lên trời cầu nguyện, cảm tạ Chúa Cha, rồi
Ngài kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn!
- Giới chức quyền Do-thái sợ dân chúng ùa theo Đ.Giê-su và chính quyền đế quốc Rô-ma sẽ đàn áp. Thượng tế Cai-pha nghĩ đến việc Đ.Giê-su phải chết để cho dân nước được yên ổn. Nhưng tác giả Tin Mừng còn nghiệm ra tầm nhìn xa thẳm của Thiên Chúa:
“[…] Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,
và không chỉ thay cho dân mà thôi,
nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa
đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51).
Đây là tầm nhìn của Thiên Chúa cho nhân loại, trong đó có chúng ta hôm nay.
II. THỜI KHỔ-NẠN-PHỤC-SINH: (Ga 13–21) “Giờ” của Đ.Giê-su.
Thời khổ-nạn-phục-sinh trong Gio-an gồm có:
- Giờ biệt ly (13–17).
- Giờ của thập tự giá và của vinh quang (18–21).
— Giờ biệt ly: Những lời tâm huyết (Ga 13–17).
Đ.Giê-su tự hạ làm thân tôi tớ để phục vụ các môn đệ. Tiếp theo là những lời tâm huyết.
Ÿ Một bài học mãi mãi cần ôn: “Rửa chân cho nhau” (Ga 13,1-20).
- Dịp lễ Vượt Qua năm ấy, Đ.Giê-su biết “giờ”([2]) của Ngài đã đến, giờ cần vượt qua thế gian mà về cùng Chúa Cha.
- Yêu thương các kẻ thuộc về Ngài còn ở thế gian, Ngài “yêu thương họ đến cùng”([3]). Đ.Giê-su đã quỳ xuống rửa chân cho mỗi một và tất cả các môn đệ, kể cả Giu-đa, kẻ sắp phản nộp Ngài.
Ông Phê-rô bức xúc thưa: “Thầy mà rửa chân cho con sao?”
Đ.Giê-su đáp: “Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu,
Nhưng sau này anh sẽ hiểu”.
Ngài còn nói: “[…] Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.
“Yêu thương đến cùng” và khiêm nhường phục vụ: đó là bài học mãi mãi cần ôn.
Ÿ Một lời trối để làm gia bảo([4]): “Hãy yêu thương nhau”
(Ga 13,21-38).
- Đ.Giê-su xao xuyến trong lòng và cho biết: “một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.
Một tiết lộ kinh khủng! Các môn đệ bỡ ngỡ bàng hoàng.
Người môn đệ Đ.Giê-su thương mến liền tìm hiểu là ai.
Đ.Giê-su cho biết Ngài chấm một miếng bánh và trao cho ai thì chính là người ấy.
- Giu-đa nhận miếng bánh thân tình của Đ.Giê-su. Ăn xong miếng bánh, Giu-đa bước ra khỏi phòng, vẫn giữ ý định phản nộp Thầy.
Đ.Giê-su đã tỏ lòng quý trọng đối với Giu-đa (quỳ xuống rửa chân), đã đối xử thân tình (trao miếng bánh), nhưng Giu-đa vẫn rắp tâm phản bội. Gio-an diễn ý là: Xa-tan đã nhập vào lòng Giu-đa, và khi ông bước ra khỏi phòng là đi vào bóng tối.
- Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh (13,31), giờ của thập tự giá cũng là của vinh quang. Đ.Giê-su sắp được nâng lên khỏi mặt đất, vượt qua thế gian mà về cùng Chúa Cha.
- Phần ông Phê-rô thì bức xúc mà thưa cùng Đ.Giê-su:
“Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?
Con sẵn lòng chết vì Thầy!” (Ga 13,37).
Đ.Giê-su đáp:
“Chết vì Thầy ư? Thầy nói thật: (đêm nay) trước khi gà kịp gáy, thì anh đã chối bỏ Thầy ba lần!” (Ga 13,38).
Lại một tiết lộ kinh khủng!
Và giữa hai tiết lộ kinh khủng ấy (một môn đệ sắp phản nộp, một môn đệ sắp chối bỏ) là một lời tâm huyết:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới
là anh em hãy yêu thương nhau;
anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em.
Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở
điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34tt).
Đ.Giê-su để lại lời dặn dò này làm dấu riêng của người môn đệ.
Đây vừa là một điều răn vừa như là một lời trối để làm gia bảo!
Ÿ Một lệnh truyền để ghi lòng tạc dạ (Ga 15,1-27).
- Chúa Cha là người trồng nho. Thầy là cây nho, anh em là cành. Hãy ở lại trong Thầy, như cành nho tháp liền với cây nho, cùng chung một nhựa sống. Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.
“Ở lại” diễn cái ý “gắn kết thiết thân”: Chúa Cha trong Đ.Giê-su, Đ.Giê-su trong người môn đệ và ngược lại. Giữ điều răn Chúa là “ở lại” trong tình thương của Người, đoạn này có 10 lần “ở lại”.
Trong tình yêu thì phải có ít nhất là 2 người (hay 2 thành phần), nhưng không còn sự cách biệt. Hai mà một. Một mà hai.
“Điều răn của Thầy là:
Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em”([5]) (Ga 15,12).
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử để anh em ra đi mà sinh hoa trái vững bền.
- Rồi khi Đấng Bảo Trợ là Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ làm chứng về Thầy. Và anh em cũng sẽ làm chứng([6]), vì anh em đã ở với Thầy ngay từ đầu.
Ÿ Một dấu chứng để người đời tin (Ga 17,1-26).
Đây là một lời nguyện long trọng thường gọi là lời nguyện hiến tế.
- Đ.Giê-su thưa thốt với Chúa Cha về “giờ” của Ngài, giờ của thập giá khổ nhục mà cũng là giờ vinh quang, để đem lại sự sống đời đời cho “những ai tin nhận Cha là Thiên Chúa duy nhất, chân thật, và Giê-su Ki-tô mà Cha sai đến” (17,3).
- Sau đó Đ.Giê-su cầu nguyện cách riêng cho các môn đệ “để họ nên một” và để được phái đi.
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ.
Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian,
thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,17tt).
- Đ.Giê-su còn cầu nguyện cho tất cả những ai tin nhận Ngài qua lời chứng của các môn đệ, để “tất cả nên một”. Ngài nói đến điều này liên tiếp 4 lần (Ga 17,11.21-23).
“Con ở trong họ và Cha ở trong con,
để họ được hoàn toàn nên một;
như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,23).
Chúng ta có thể có quan điểm khác nhau. Khác nhau nhưng tôn trọng và bác ái đối với nhau. Hợp nhất trong đa dạng.
Lời nguyện long trọng này của Đấng Cứu Thế vẫn luôn là lời nhắc nhở khẩn thiết cho mọi kẻ tin Ngài, phải tìm sự an hòa với nhau. Đó là dấu chứng của người môn đệ Chúa, để người đời có thể tin.
Ÿ Chiều ngày sống lai: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”
(Ga 20,19-31).
- Tối hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ ở trong nhà, cửa đóng kín vì sợ. Bỗng Đ.Giê-su xuất hiện giữa các ông, cho xem tay và cạnh sườn. Rồi Ngài nói:
“Bình an([7]) cho anh em!
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
Người thổi hơi([8]) và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha;
anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Chúa Thánh Thần ở với họ. Họ được liên kết chặt chẽ với Người đến nỗi khi họ hành động là Chúa Thánh Thần hành động qua họ.
- Tám ngày sau, các môn đệ tề tựu đông đảo có cả ông Tô-ma, các cửa đóng kín, Đ.Giê-su hiện đến với họ. Lần trước ông Tô-ma vắng mặt và nhất quyết không tin lời kể lại việc Đ.Giê-su hiện đến, nếu ông không rờ tận tay, thấy tận mắt.
Đ.Giê-su mời gọi ông Tô-ma đến kiểm nghiệm các vết thương của Người như ông từng đòi hỏi.
Ông Tô-ma thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”.
Đây là tiếng lòng và là lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất trong các sách Tin mừng.
Đ.Giê-su nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Đ.Giê-su từng cầu nguyện cho những ai tin qua lời chứng của các môn đệ (Ga 17,20): không thấy mà tin. Chúng ta quả là có phúc vì đã tin.
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người để ai tin thì được sống (Ga 3,16). “Tin để được sống”, đó là lý do khiến các môn đệ của Đ.Ki-tô đã dám sống dám chết vì Tin Mừng và trối lại cho chúng ta sách Tin Mừng.
* * *
Trang nằm lòng.
Ÿ Chủ Đích: Sách Gio-an muốn loan báo và làm chứng rằng:
. Đ.Giê-su Na-da-rét là Con Thiên Chúa đã làm người, để bày tỏ ý định yêu thương cứu độ của Thiên chúa.
. Ai tin nhận Đ.Giê-su thì sẽ đạt đến sự sống muôn đời.
(3,16; 20,31 v.v…)
Ÿ Chủ Đề: Tin để được sống muôn đời.
Ÿ Dàn Bài Tóm Lược
Gio-an có 21 chương, gồm có:
. Lời Tựa (1,1-18).
. Thời giảng dạy của Đ.Giê-su (1,19–12,50).
. Thời khổ-nạn-phục-sinh (13,1–21,25).
Ÿ Mấy Đoạn Để Nghiền Ngẫm
- Lời Tựa (1,1-18): Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa.
- 1,35-51 : Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng với 4 môn đệ đầu tiên.
- 3,1-21 : Gặp gỡ Đ.Giê-su cùng với một bậc thầy Do-thái.
- 6,22-71 : “Ta là Bánh ban sự Sống”.
- 15,1-17 : Một lệnh truyền để ghi lòng tạc dạ.
- 20,19-31 : “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”.
Ÿ Câu Nằm Lòng
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
THÁNH KINH
TRONG ĐỜI SỐNG DÂN CHÚA
Trích ý Công Đồng Va-ti-căn II, Hiến Chế “Lời Chúa”, Chương VI
. Số 21: - Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh cũng như luôn tôn kính Thánh Thể Chúa.
- Kết hợp với Thánh Truyền, Thánh Kinh được Hội Thánh nhận là luật trên hết để hướng dẫn đức tin.
. Số 22: - Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho mọi Ki-tô hữu.
. Số 24: - Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta.
Cần học hỏi Thánh Kinh như là linh hồn của khoa thần học. (Xem thêm Sắc lệnh đào tạo linh mục, số 16).
- Thừa tác vụ Lời Chúa như việc rao giảng mục vụ, việc dạy giáo lý và mọi huấn giáo khác đều phải được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh.
. Số 25: - Linh mục và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa như phó tế, giảng viên giáo lý cần phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ việc chăm đọc và học hỏi Lời Chúa; như thế để không trở thành kẻ huênh hoang rao giảng ngoài môi miệng, mà trong lòng lại không lắng nghe Lời Chúa.
- Công Đồng cũng tha thiết mời gọi Ki-tô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy chuyên cần đọc Thánh Kinh để học biết khoa siêu việt của Chúa Ki-tô; vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô.
- Cầu nguyện là chúng ta nói với Chúa, đọc Thánh Kinh là chúng ta lắng nghe Người.
[1] Khi nói “man-na bởi trời” truyền thống Kinh Thánh còn ám chỉ “lời từ miệng Thiên Chúa”, nhờ đó con người được sống (Đnl 8,3; Kn 16,20-28).
[5] “Yêu thương” được nói đến cả chục lần chỉ trong chín câu (15,9-17).
Đ.Giê-su nhắc lại điều đã nói ở 13,34tt như là dấu riêng của người môn đệ.
[6] “Làm chứng”: Người môn đệ đã được tuyển chọn, được cắt cử ra đi mà vẫn “ở lại” trong Đ.Giê-su (nghĩa là vẫn sống gắn kết với Ngài) để sinh nhiều hoa trái, vững bền, và sẽ là chứng nhân cho Đ.Giê-su vì đã sống thân cận với Ngài, cảm hiểu Ngài.
[7] “Bình an” (Sha-lôm) là lời chào chúc thường ngày của người Do-thái, nhưng ở đây còn là lời trao bình an hữu hiệu cho các môn đệ.
[1] “Chiên”: Tên gọi này gợi nhớ “Chiên lễ Vượt Qua”, chết vì dân (Xh 12,1-14) và “Con Chiên” trong Is 53,7 nói về người tôi trung mang tội thay cho đồng loại.
[2] Đ.Giê-su ám chỉ gì khi nói với ông Na-tha-na-en: “lúc anh ở dưới cây vả” (1,48). Có ý kiến nói các Kinh sư thường ngồi nghiền ngẫm Sách Thánh dưới cây vả (lá vả rất to nên có nhiều bóng mát). Phải chăng ông Na-tha-na-en đã hiểu như thế….
- “…Trời rộng mở và các thiên thần lên xuống trên Con Người” (1,51), câu này gợi lại chuyện ông Gia-cóp nằm mơ thấy một chiếc thang nối đất với trời (St 28). Đ.Giê-su là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, Ngài nối đất với trời.
[4] Trong Gio-an, “thế gian” có nhiều nghĩa. Ở đây (Ga 3,16) “thế gian” chỉ toàn bộ vũ trụ vốn là công trình của Thiên Chúa, trong đó con người chiếm vị trí trổi vượt.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét