29 thg 2, 2012

Suy niệm quanh chủ đề tịnh tâm tháng Hai 2012

“Đừng nói trái sự thật, và phải biết xấu hổ vì sự thiếu học của con”

LTS: Bài viết sau đây là một mosaic, được ghép lại từ những chia sẻ sau ngày tĩnh tâm với đề tài lấy từ sách Huấn ca (4, 25). Như thế đây là một tác phẩm chung của nhiều anh em trong Học Viện Ngôi Lời.
Nhận diện một thực tế
“Giữa cuộc sống đang quay cuồng đảo lộn bao giá trị đạo đức, luân lý, con người tìm mọi thủ thuật để “lẻn lách” mong tìm cho mình một chỗ đứng để tồn tại. Điều này xem ra hơn bao giờ hết cũng đang len lỏi vào các cộng đoàn nhà tu, chiếm ngự trong suy nghĩ và cách ứng xử của những tu sĩ - trong đó có tôi.
Nhìn lại thời gian qua, dưới ánh sáng của câu Lời Chúa trong sách Huấn ca hôm nay, tôi thấy hơn một lần mình cũng đã không vượt qua cám dỗ để phải nói trái sự thật với người có trách nhiệm hay với anh em.
Lúc ứng xử như thế, tôi biện minh với cách lập luận rằng: “có những sự thật không cần phải nói hết” và tôi đã đánh tráo cách khác câu chuyện hay lý do của mình để được “trót lọt”. Điều nguy hại qua cách ứng xử đó mà hôm nay tôi nhận thấy: đây là nguy cơ có thể khiến tôi biến những điều bất thường thành ra bình thường.

Điều mà tôi được nhắc nhớ đó là đừng đánh mất cảm thức về những điều bất thường. Bởi nếu đánh mất ý thức về tội lỗi thì đó chính là tội lỗi lớn nhất. Đồng thời, để trưởng thành trong đời sống và ơn gọi, tôi cần cam đảm để nhìn nhận sự thật và dám chịu trách nhiệm về những việc làm của mình” (pnq).
Suy xét đời mình lại trong ngày tịnh tâm, tôi nhận thấy “có những câu chuyện Tôi không muốn, nhưng tôi vẫn xen vào để bênh cho những điều tốt; có những chứng cớ đưa ra nhưng tôi chưa thật sự là nhân chứng, đối với lòng tôi đó là điều nói trái với sự thật.
Có những điều tôi cũng làm ngơ vì sợ mang phiền hà vào thân. Và còn những điều chỉ biết nghe người ta và im lặng về những lề thói của những người mục tử, về những việc làm của nhiều người. Tuy tôi không bàn cãi nhưng như thế là đồng ý, trái với sự thật.” (nvt).
“Tôi vẫn tự hỏi mình có làm đúng sự thật trong bản thân mình hay không? Có thực sự xấu hổ khi không làm đúng sự thật chăng? Có thể nói được rằng đôi lúc trong cuộc sống tôi đã làm không đúng sự thật, nhiều khi con làm nhiều điều giả dối nữa là khác.
Tôi phải tự đặt mình lại phải tự xấu hổ trước tiên khi không làm đúng sự thật, để mỗi ngày sống trong đời mình và nhất là trong đời tu của mình bớt đi sự giả dối không thật trong lối sống của mình.” (lxh).
“Cuộc sống tôi giữa xã hội hôm nay vẫn đong đưa giữa hai mặc cảm: tự tôn và tự ti. Tôi luôn phải sống giả tạo, che đậy con người thật của mình. Tương quan với người khác, tôi luôn muốn tỏ ra mình là người hồn an, xác mạnh, nhưng thật ra, tôi đang sống giả khỏe, giả mạnh, giả lanh lẹ, giả khôn ngoan.  
Tôi luôn lánh mặt, không dám đối diện trước Thiên Chúa. Tôi che giấu mọi sự mà tôi nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ không quan tâm hay không biết tới nội tâm sâu thẳm trong tôi” (jlt).
“Trong một thời gian dài trò chuyện với Chúa và xét mình lại sau hai tháng qua, tôi thấy mình lắm điều phải xấu hổ. ]…] Tôi xấu hổ vì tôi là một người tri thức mà lại quá hèn nhát.
Sau khi ngồi xét mình lại, tôi thấy tôi hèn nhát bởi những điều nhỏ nhoi, tầm thường mà tôi đã không làm được. Những tội tôi đã thú nhận với Chúa nhiều lần mà tôi chưa chừa bỏ được. Nhiều điều tôi hứa để thực hiện cũng chưa hoàn thành.
Tại sao thế? Có phải vì tôi thiếu học không?
Không, vì tôi thiếu can đảm, và quá hèn nhát. Đã có nhiều lần tôi tự bào chữa cho mình là: con người mà, nên ai cũng đôi lần yếu đuối, hoặc dịp này chưa thực hiện được thì dịp sau, đi tu cả đời mà. Thế là ngày tháng cứ trôi qua, mà mọi lời hứa và ý định vẫn còn nằm đó.
Có thể sự hèn nhát đã lắm lúc làm cho tôi ít nhạy bén với cuộc sống, làm cho tôi vô cảm trước những hoàn cảnh đáng lẽ cần tôi phải vào cuộc. Mỗi khi xét mình lại, tôi thấy xấu hổ với chính tôi, xấu hổ với anh em và xấu hổ với Chúa.
Kế đến, tôi xấu hổ với sự tự cao tự đại của bản thân tôi. Khi nhìn lại đời sống, nhiều lúc thấy tôi vô duyên quá. Vô duyên vì mình chẳng được là bao nhiêu, nhưng cứ nghĩ mình là nhất, là người hiểu biết nhiều, là cái rốn của vũ trụ nên muốn mọi người phải như mình và làm theo mình.
Chính tôi xấu hổ khi nhìn lại những lần mình đã sống như thế, vì tôi quyên mất một điều lớn là mọi sự tôi có đó là do Chúa ban, chứ không phải tôi tự xây dựng nên.
Cuối cùng, tôi xấu hổ vì đôi khi tôi dám nói trái sự thật. Đã không ít lần tôi nói trái sự thật với chính mình và nói trái sự thật với anh em. Một sự sợ hãi hay một lối sống qua ngày đã cám dỗ tôi, nhiều lúc nó đã hướng dẫn tôi tránh những con đường sự thật để bước vào những con đường bất chính.
Khi nhìn lại bản thân, ngồi đối diện với Chúa trong đêm thanh vắng, tôi nhận ra được sự thờ ơ và hờ hững cách tệ bạc của tôi đối với Chúa. Với những niềm vui hiện tại, nhiều khi tôi dám để con đường chân lý của Chúa bị xúc phạm.
Bởi thế, thời gian suy xét lại đã nung đốt tâm can và ý thức của tôi để tôi ngày càng trở thành một ngôn sứ và chứng nhân can trường của Chúa” (pvb).
“Điều làm tôi bâng khuâng trong lời từ sách Huấn Ca: ‘Đừng nói trái với sự thật…’ Tôi không nói trái với sự thật nhưng mà tôi đã hành động đúng sự thật chưa với cách suy của tôi?
Nhưng dù có sống hòa nhập [vào nhịp sống gia đình trong các ngày Tết] đến mức nào thì tôi có đánh mất bản chất là một ông thầy tu hay không? Tôi không nói trái sự thật nhưng tôi có hành động đúng là người đi tu hay nói đúng hơn là một người đang bước chân theo Chúa.
Điều đó mới là vấn đề mà tôi cần nhìn nhận lại trong cách sống của mình, không phải chỉ có dịp tết mà tôi luôn ý thức được mình trong mọi lúc mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh sống nào.” (hta).
“Sự thật và dám nói sự thật…”
“Đây là đề tài nóng bỏng trong bất cứ thời đại nào. Suy tư về vấn đề này làm tôi nhớ lại thời Cựu Ước các tiên tri đã dám nói sự thật và họ đã phải trả giá đắt – phải chết vì những lời nói thật của họ.
Trong thời đại ngày nay, vấn đề này cũng không phải không xẩy ra, nhưng còn đầy dẫy, thậm chí cả trong Giáo Hội. Ai dám nói thật về những cái lỗi của mình? Ai dám chỉ ra những sai lỗi của những có chức quyền trên mình? Đó là khó khăn!
Người ta vẫn thường hay nói: “Tiên tri sẽ phải chết ngoài thành”. Đó là thành ngữ dành cho những người dám nói thật, nói thẳng, dám sống thật với chính mình.
Viết đến đây làm cho tôi nhớ lại Giáo Sư Nguyễn Trọng Viễn, OP. nói về vấn đề này: Những người không dám sống thật thì giống như bèo trong sông, nước nổi thì bèo nổi, nước xuống thì bèo xuống. Đó là những người sống vật vờ, sống nhờ, sống dựa vào người khác.
Khi con người ở trong thế yếu thì khó để người ta dám nói thật. Chẳng hạn như ai dám nói về cái sai của giám đốc, vì sợ giảm bậc lương hoặc thậm chí còn bị đuổi việc. Ai dám nói những cái xấu của cha xứ, vì nếu cha nghe được cha sẽ nói ra giữa nhà thờ thì mang tiếng cả dòng họ. Ai dám nói những cái sai của những người có quyền thế ở trên mình?
Theo tôi, chúng ta cần biết sự thật, cần phải nói thật, nhưng không phải các sự thật đều nên nói ra, đặc biệt là trong thế của mình đang ở dưới người khác. Để đón nhận cái sai của mình không phải ai cũng can đảm để mở lòng với nó.
Dẫu biết đó là sai nhưng không nhiều người làm lớn mà muốn người dưới góp ý cho mình, điều này càng rõ trong văn hóa Việt Nam. Để góp ý cho người cùng trang lứa hay người dưới của mình cũng là cả một nghệ thuật, huống hồ là nói ra những điều không hay của người trên của mình!” (nvh).
“Luật của Thiên Chúa đưa đến và dẫn cho chúng ta sống có nhân bản hơn và trung thực hơn. Nói đến “trung thực”, nghĩa là nói đến “sự thật” câu Kinh Thánh “Đừng nói trái sự thật, và phải biết xấu hổ vì sự thiếu học của con” (Hc. 4,25). 
Sách Cựu Ước nói lên cho tôi biết không phải bàn đến ‘có học’ hay ‘không có học’ mà là: Tôi có biết kính sợ Thiên Chúa không?
Từ ngàn xưa dân Ít-ra-en sẽ mãi mãi là nô lệ vì họ không biết cậy dựa vào nhau trong sự học hỏi cũng như trong cuộc sống. Họ đã gieo thù hận như chết chóc và đen tối trong sự chia rẽ từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Trong cuộc sống của tôi đặc biệt là sống trong đời sống tu trì, nếu tôi không biết tin tưởng vào Chúa và sống không hòa thuận với anh em chắc chắn tôi sẽ trở thành người không có khả năng lắng nghe. Không biết nghe giáo huấn của Chúa và những điều góp ý của anh em.
Hậu quả thì tôi sẽ mất ơn nghĩa, mất đi sự khôn ngoan. Từ đó tôi trở thành người thủ đoạn, để che dấu của sự thiếu học hay nói cách khác là thiếu đi bản chất của sự thật thà. Điều mà Chúa mong muốn tôi phải là người “Đừng nói trái sự thật” và “Đừng từ chối trách nhiệm”. (ntl)
Nói hay không nói sự thật …
“Sự thật” là gì? Có hai khía cạnh về “sự thật”, một ngoại tại và một nội tại. Cả hai khía cạnh này, đều có những tính cách riêng, nhưng có một cái chung, đó là tính cách của chủ thể nói lên “sự thật”.
Người đời thường nói: “…sự thật mất lòng”. Thật chí lý, Nếu nói một sự thật về người khác, thì cũng có thể làm cho họ bị “tổn thương”. Sự “tổn thương” này do đâu? Có phải do người nói “sự thật” không?
Tôi thiết nghĩ là không. Sự “tổn thương” này là do họ không dám đón nhận “sự thật”, họ thiếu lòng khiêm tốn, để nhận ra chính mình. Chính vì họ thiếu sự khiêm tốn để đón nhận “sự thật”, cho nên người nói sự thật bị thiệt.
Cũng như Đức Giêsu dám nói sự thật thì Ngài phải chết. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho con người không dám nói sự thật về người khác. Như vậy, vị sợ bị thiệt vào thân hay là sợ ‘sự thật mất lòng’ mà ta không dám nói lên sự thật?
Một điểm khác, để người ta không dám nói ‘sự thật’. Đó là nói thật về chính mình.
Có lẽ đây cũng là một vấn đề cần phải suy nghĩ. Vì thiếu can đảm, vì sợ người khác biết sự thật về mình thì không tốt, cho nên, con người thường tìm mọi cách để nói tránh đi hoặc nói tốt về chính mình” (ptđp).
“Thế giới và xã hội là môi trường để tôi thích nghi, tồn tại. Những hình ảnh tốt đẹp và xấu xa chi phối đến cuộc sống của tôi.
Sự gian dối là một thực tại đầy dẫy trong môi trường tôi sống, nó len lõi đến đời tu của tôi nếu tôi không tỉnh táo để nhận ra nó. Nó rất khéo che đậy bản chất đen tối của nó, nó hiện diện dưới nhiều hình thức bề ngoài trông có vẻ thánh thiện, cao đẹp.
Nào là tôi đi tu để giúp ích cho đời, nghe qua có vẻ như có tinh thần dâng hiến nhưng ai biết được lòng tôi có mưu đồ gì? Đầu môi chót lưỡi của tôi là thế nhưng trong bụng tôi ai biết tôi đi tu để hưởng thụ, có người hầu kẻ hạ hay tìm một lợi ích cá nhân nào đó, ai mà biết được.
Cũng có thể do tôi sợ, tôi sợ đời, tôi sợ người, tôi sợ thất bại, tôi đã thất bại thảm hại và tôi muốn một thành công nào đó nên tôi trốn chạy vào một nhà dòng để ẩn núp, để khoát lên tấm thân đen tối một chiếc áo tối đen.
Sự gian dối lâu ngày cũng sẽ lộ ra, tôi sẽ nói trái với sự thật để che đậy những tội lỗi của mình hoặc cũng có thể nể nang, bị mua chuộc mà tôi sẽ không nói đúng sự thật. Bởi vì sự thật thì mất lòng nên tôi úp úp mở mở cho qua chuyện.
Chuyện này chồng chéo lên chuyện khác và lâu ngày sẽ tạo thành một thói quen, thói quen sẽ làm cho lương tâm chai lì và không còn bị cắn rứt, áy náy, dằn vặt... cuối cùng không làm cho mình biết xấu hổ” (tst).
“Bản tính của tôi là không thích những gì trái sự thật cũng như không thích nói trái sự thật và dễ nổi khùng trước những lời “chót lưỡi đầu môi”, những lời nói giã tạo, những lối sống theo chủ nghĩa “đọt tre trong gió”. Chính vì lẽ đó nên tôi cũng rất ít nói khi đụng chuyện và coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Tôi chỉ quyết định nói sau khi đã suy nghĩ kỹ càng và vào lúc cho phép. Cốt để giữ cái “hòa” và tránh những xung đột chưa tới lúc cần thiết […] Tôi thiết nghĩ trước khi nói đúng sự thật thì phải biết đúng sự thật và phải cộng thêm nhân đức dũng cảm nữa” (tqt).
Trong xã hội ngày hôm nay, kinh tế càng phát triển thì cuộc sống của con người càng đầy đủ tiện nghi. Muốn tiện nghi thì phải có tiền chính vì thế đồng tiền rất có giá trị. Vì tiền con người sẵn sàng lừa dối nhau, càng ít nói đúng sự thật với nhau.
Mặc dù tôi là một tu sĩ nhưng tôi cũng không thoát ra khỏi điều đó, cũng sẵn sàng nói dối nhau, nói không đúng sự thật vì lợi ích của riêng mình. Có lẽ, nói không đúng sự thật được xem như là một nét rất đặc thù của người Việt Nam.
Sống chung một nhà nhiều khi anh em nói dối nhau, nói dối với bề trên. Chúng ta sẵn sàng bịa đặt, vu khống, đặt điều cho người khác mặc dù người đó không có. Chúng ta sẵn sàng nói không đúng sự thật để được lòng người trên. Nhiều khi tôi sẵn sàng nói dối để đạt được mục đích của mình cho dù điều đó không cần thiết” (ndp).
 “Ai dại ai khôn?” hay thẳng thắn thật thà (chỉ) sinh thua thiệt?
“Có lẽ cuộc sống của tôi cũng có lúc khôn, lúc dại. Có khi tôi sống ‘khôn’, không phải theo nghĩa Thánh Kinh: ‘Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan’ nhưng tôi sống theo kiểu ‘khôn vặt’, nghĩa là sống lắt léo để đặt được mục đích gì đó.
Tôi nhận thấy trong cộng đoàn không thiếu những người sống kiểu khôn vặt này. Họ kết thân với người có trách nhiệm để rồi được hưởng những đặc ân nào đó. Họ dùng sự khôn khéo để che đậy những yếu kém, kể cả lỗi lầm của họ.
Họ dùng mọi thủ đoạn để được ‘thăng quan tiến chức’, để được đánh giá tốt. Họ chỉ làm việc khi có mặt người có trách nhiệm, còn công việc chung thì họ không đụng một ngón tay vào […].
Đức Giêsu dạy phải ‘khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu’. Biết rằng khi mình bóp méo sự thật khi nói về một ai đó, hay nói sai sự thật về một vấn đề nào đó thì đáng lên án và cần loại trừ ra khỏi đời sống của một người tu trì, bởi lẽ một người theo Chúa, làm chứng cho sự thật, thì không được có những hành động gây hại cho người khác.” (nnl)
Một lối đi … 
“Chủ trương của tôi cũng không thích nói trái với sự thật, thế nhưng sống trong một chế độ, trong một xã hội, hai chữ ‘công bằng’ dường như bị ẩn khuất đâu đó để nhường chỗ cho sự ‘gian dối’ phát triển. Nói trái nhiều hơn là nói thật, nói thẳng, vì nói thật, nói thẳng thì thường dẫn tới mất lòng.
Vì tư tưởng đó mà ít nhiều tôi cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ giáo dục đó. Cũng nhiều lần tôi sống trong tâm trạng bằng mặt chứ không bằng lòng, để tìm an phận cho mình. Dầu biết rằng điều đó là không tốt, thế nhưng cũng đành chấp nhận.” (nvt)
Dùng “câu Lời Chúa chủ đề của ngày tĩnh tâm soi dọi vào những ngày sống và cuộc đời, Tôi thấy mình nhiều lúc không biết vô tình hay hữu ý hoặc theo phản xa tự nhiên mà nhiều lần trong đời sống tôi đã nói dối, lừa gạt. Thường là những lời nói dối dùng để lừa người khác trong khi chơi đùa, trong những lúc đó tôi cũng thấy vui và có gì đó hay ho nữa là khác.
Nhưng khi con ngồi suy nghĩ lại thì quả thật không như Tôi nghĩ. Vì khi Tôi nói dối hoặc lừa gạt người khác để lấy làm vui cho mình và cho những người xung quanh, thì tôi đã làm cho những người anh em hoặc bạn bè của mình sẽ tức giận, nóng nảy gây nên những điều không hay, mặt khác vô hình chung tôi đã hạ thấp nhân phẩm họ trước mặt mọi người.
Như vậy việc làm của tôi sẽ không hay chút nào mà còn gây dịp tội cho người khác nữa. Do đó, tôi nghĩ cần ý thức hơn trong lời ăn tiếng nói, cử chỉ và hành động của mình, đặc biệt là những lúc tôi vui đùa quá trớn” (phh).
“Nhận thấy được con người thật của mình là điều quan trọng, cho dù còn có rất nhiều thiếu xót và lầm lỡ. Nó không làm cho tôi thất vọng, nhưng lại là động lực để tôi quyết tâm hơn, bởi tôi muốn trưởng thành hơn.
Nhận ra điều đó để biết Chúa đã ban cho tôi quá nhiều hồng ân, tôi cần đến với Chúa nhiều hơn nữa và sống tốt hơn mỗi ngày.” (nvt)
Các lời nguyện
“Lạy Chúa, ngày tĩnh tâm trôi qua lặng lẽ nhưng con đã nhận ra được con phải làm gì, sống như thế nào để đúng bản chất là một người theo Chúa. Xin Chúa ban cho con sức mạnh, sự hiểu biết, lòng kiên trì để thi hành những ý muốn của Chúa” (hta).
“Lạy chúa, xin ban cho con tâm hồn ngay thẳng, biết dùng lý trí và ý chí để chế ngự điều trái với sự thật. Luôn biết can đảm, nói thật, nhìn thẳng mà không dối với lòng mình, không sợ bị thiệt cho bản thân khi phải nói sự thật.
Xin ban cho con tâm hồn thật đơn sơ, hiền lành, luôn biết lắng nghe và rộng mở với mọi người” (anvt).
“Lạy Chúa qua lần tĩnh tâm này là một dịp cho con nhìn lại bản thân con. Con xin cảm tạ Chúa đã cho con cơ hội để con nhìn về qua khứ giúp con sống tốt hơn trong đời sống của con. Xin cho con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa để con thấu hiều những điều Chúa dạy con hầu giúp con hiểu thấu chính bản thân con từng ngày” (jtqc).
“Lạy Chúa xin cho con dám nói sự thật để bảo vệ chân lý; xin cho con sống thật với con người của con; xin cho con luôn biết lắng nghe và học hỏi. Xin Chúa hướng dẫn và ở với con luôn mãi” (txc).
“Xin Chúa cho con biết khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Và trên hết, xin cho con biết kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan của con.
Xin cho con biết khôn ngoan để sống; khôn ngoan để đặt Chúa lên trên hết trong mọi hành động và suy nghĩ của con; khôn ngoan để ứng xử; khôn ngoan để biết cần phải làm gì cho xứng với ơn gọi của con, cho xứng với một người tu sĩ Ngôi Lời; khôn ngoan để nhìn nhận rằng, chỉ có Chúa là chân lý vĩnh cửu, là chổ tựa nương cho cuộc đời con.
Mọi sự khôn ngoan ở đời, dù sớm hay muộn, cũng không thể đảm bảo cho con một cuộc sống bình an. Chỉ có Chúa mới là điểm tựa, là cùng đích của cuộc đời con.
Xin cho con can đảm nhìn thẳng vào sự thật, sống và bảo vệ sự thật, và không được phép dối lòng con trong tương quan với Chúa, với các vị có trách nhiệm và với anh em. Amen” (nnl).
“Xin Chúa thêm dầu và thêm nhựa sống cho con.” (pvb).
“Lạy Chúa xin luôn đồng hành với con trong mọi nơi mọi lúc. Xin giúp con biết sống quảng đại và không ngừng trau dồi những gì cần thiết, để khi Chúa cần đến con, con sẵn sang xin đáp lại nhu cầu cho những ai cần đến Chúa” (mtn).
“Lạy Chúa xin hướng dẫn con đi theo đường lối của Ngài” (ntl).
“Lạy Chúa con là kẻ tội lỗi, con thích hướng chiều theo điều xấu nên không tìm được sự bình an trong tâm hồn. Bởi thế con cảm thấy đời tu trở nên nặng nề. Xin Chúa cho con biết con phải là gì” (tth).
«Xin Chúa ban nhiều ơn lành xuống trên Học viện Ngôi Lời – Sài Gòn , và ban xuống trên con nhiều ơn lành để con vượt qua những cám dỗ của cuộc sống trần thế này, để hy vọng con có thể dấn thân một cách trọn vẹn con người của con cho Chúa hơn» (nvt).
«Lạy Đức Kitô là đường và sự thật, xin dạy con biết sống sự thật. Xin giúp con tìm kiếm sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa để lời nói và việc làm của con luôn đẹp ý Chúa và mưu ích cho mọi người. Xin giúp con nhận ra những tác hại của sự gian dối và dốt nát để con không làm nô lệ cho chúng nữa.» (jtđt).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét