2 thg 3, 2012

Đàng Thánh Giá

mùa Chay 2012
Phê-rô
Kẻ hèn nhát: “Không, không tôi không biết đến người ấy!”

Tin Mừng

Các lãnh binh Đền Thờ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. Họ đốt lữa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ.
Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: " Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!"
Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị!" Một lát sau có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!"
Nhưng ông Phê-rô đáp lại: "Này anh, không phải đâu!"
Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê."
Nhưng ông Phê-rô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì!"
Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần."
Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
(Lu-ca 22, 54-62)

Suy niệm
Dạ và không là những chữ đầu tiên mà chúng ta học nói;
là một trong những chữ đầu tiên chúng ta biết khi học một ngoại ngữ.
Yes and no, Ja und nein, qui et non.

Nói dạ, nói có
nghĩa là tôi đồng ý với những điều bạn nói, bạn nghĩ
và cũng nghĩa là tôi đồng ý Bạn - chấp nhận bạn.

Được chấp nhận.

Đó là nỗi khao khát sâu xa nhất của mỗi một con người chúng ta.

Nói không là từ chối,

là khước từ,

là chia cách, phá hủy, tiêu diệt.

Đôi khi chúng ta nói không một cách nhẹ dạ và dễ dàng,    

không suy nghĩ tới nơi tới chốn.
Bởi vì có liên quan gì đến tôi đâu mà lo!
Nói cho qua chuyện. Thế thôi!
Nói không,
vì có thành kiến,
vì chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Từ dư luận.
Vì mọi người đều nói không
thì tại sao tôi lại không nói?
Nói không,
vì những kinh nghiệm đau thương trong đời dạy như vậy.

Không nghe, không thấy, không biết.

Ngu dại gì mà nói thật!
Nói không vì hèn nhát.
Nhưng nói như vậy có hại đến ai đâu?
Quan trọng hơn là tôi được thoát nạn.
Không liên lụy gì cả.
Nói không vì sợ.
Sợ cho mình và cho người khác.
“Điều đó tôi không thể làm được!”
Hay không làm nổi.
Phê-rô nói không.
Không quen Chúa Giê-su,
không biết đến Thiên Chúa,
Đấng mà ông đã cảm nghiệm được nơi con người Giê-su.
Và qua đó, ông đã nói không với chính mình.
Không với niềm tin và niềm hy vọng.
Ông nói không vì những lý do
mà tôi và bạn vẫn vì thế mà vẫn nói không.
Phê-rô có nghĩa là đá.
Đơn sơ, bình thường, nhút nhát,
dễ nóng, cố chấp, thiếu tin tưởng.
Đó là Phê-rô.
Và dù vậy ông đã đón nhận từ Chúa Giê-su
quyền thay mặt Chúa
để xây dựng Giáo Hội của Người.
Đấng cao cả, mạnh mẽ, toàn thiện
tin tưởng vào sự nhỏ bé, yếu hèn, đầy lổi lầm, không toàn vẹn.
Từ xưa cho đến hôm nay vẫn thế!
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa tốt lành,
chúng con thường ưa nói không thay vì nói nói dạ, nói xin vâng.
Chúng con sợ hãi, thiếu tin tưởng.
Chúng con e ngại khi nói dạ:
dạ với cuộc sống hiện tại,
dạ với người chung quanh - như chúng con gặp họ,
dạ với chúng con - như chúng con giờ này.
Xin để cho gà gáy lên trong lòng chúng con,
để chúng con hiểu được như Phê-rô,
rằng những cái "không" của chúng con mang lại sự chết và hủy diệt;
và rằng những cái không của chúng con
đã được phá hủy
bởi các cái dạ không điều kiện của Chúa với chúng con,
với cuộc sống.
Amen.
đứcvinhsvd ghi lại

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét