4 thg 3, 2012

Khai mạc Tu nghị Tỉnh dòng


Lm. Paul Đậu Văn Pháp SVD.
Cung nghinh Lời Chúa trước Đại hội

Kính thưa anh em,
Chủ đề của Tổng Tu Nghị lần thứ 17 nầy của Dòng Ngôi Lời chúng ta là “Từ mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ - chia sẻ đời sống liên văn hóa và sứ vụ.
Hôm nay, anh em là những đại biểu cho các thành viên trong Tỉnh Dòng được mời về đây để cùng nhau suy tư thảo luận về chủ đề nầy như là một đóng góp cho Tổng Tu Nghị sắp được diễn ra tại Roma, khai mạc ngày 17/6/2012 và kết thúc ngày 15/7/2012.
Anh em thân mến, có hai vấn đề mà chúng ta cùng nhau tập trung suy tư và thảo luận ở đây là:
I. Chia sẻ đời sống liên văn hóa:
1. Từ một thời điểm:
Anh em thân mến! Cách đây đúng 14 năm, vào thời điểm nầy, tháng 3 năm 1998 và cùng tại căn phòng đầy những kỷ niệm lịch sử nầy đã diễn ra một biến cố vô cùng quan trọng là Dòng Thánh Giuse sau hơn 70 năm sinh tồn đã chính thức gia nhập Dòng Ngôi Lời. Nghi thức gia nhập đã diễn ra rất trọng thể, trước sự hiện diện của Đức Giám Mục giáo phận Nha Trang, với việc cử hành nghi thức giữa Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Ngôi Lời và Cha Bề trên Dòng Giuse, cũng như sự hiện diện khá đông đủ của anh em Dòng Giuse trong bầu khí xúc động với những tâm tình khá phức tạp và tế nhị. Và, dĩ nhiên đây là một vấn đề lớn mà ai cũng nghĩ là không thể tránh khỏi là vấn đề tranh chấp giữa hai lối sống, hai nền văn hóa của hai Dòng đã trở nên truyền thống của hai Hội Dòng Ngôi Lời và Giuse.
Đó cũng là thực tế trong cuộc sống mà anh em Tu sĩ Dòng Thánh Giuse đã trải nghiệm, kể từ đó đến nay trong hành trình hòa nhập vào Dòng Truyền giáo quốc tế Ngôi Lời. Hành trình đó, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có, nhất là những anh em cựu Giuse có lẽ không tránh được những kinh nghiệm đau thương. Điều mà chúng ta muốn nói là những cản trở cho sự hiệp thông. Phải tiếp tục khai thông dòng chảy.

2. Khai thông dòng chảy:
Điều không thuận tiện cho Tỉnh Dòng chúng ta là những cộng đoàn trong Tỉnh Dòng chưa thực sự là những cộng đoàn đa văn hóa. Chúng ta có ít kinh nghiệm về cuộc sống đa văn hóa, trừ một số anh em được gởi đi học nước ngoài. Dù vậy, các cộng đoàn của chúng ta cũng không phải là khép kín, đón nhận một số anh em được đào tạo từ nhiều nước có nhiều nền văn hóa khác nhau, từ Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu, ngay cả những nước trong vùng Á Châu nữa. Chúng ta đã sống chân thành với nhau, bày tỏ những khác biệt một cách quyết liệt, nhưng rồi cũng đã biết tôn trọng nhau để xây dựng một cộng đoàn hiệp thông, tuy chưa hoàn hảo nhưng có những dấu chỉ cho một tương lai tốt hơn, ít nhất là tích cực, chung lo cùng sứ vụ.
Thưa anh em. Không phải nhắc lại chuyện cũ để lên án nhau, nhưng là nói lên kinh nghiệm cho cuộc sống đối thoại ngôn sứ. Trong tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị 16 (bản dịch của Miền Dòng Ngôi Lời - Giuse) có viết “Việc đối thoại ngôn sứ tập trung vào người đối tác, những người mà chúng ta cùng chia sẻ cuộc hành trình, và cách thức mà chúng ta liên đới với họ” (Tài liệu trang 3).
Trong hành trình suốt 14 năm qua, điều mà không ai mà không nhận ra, đó là những cuộc tranh luận, tranh cãi nhiều khi khá gay gắt, có thể nói là phản chứng cho sự hiệp thông giữa anh em cựu Giuse và anh em Việt kiều Ngôi Lời, nhiều khi coi thường và xúc phạm đến nhau. Cũng may là không có gì đáng tiếc xảy ra. Hy vọng chúng ta không còn những tồn tại nầy nữa để dòng chảy được tiếp tục khai thông.
II. Chia sẻ sứ vụ:
1. Chung một sứ vụ:
Mở đầu Hiến Pháp của Dòng Ngôi Lời là một xác tín “Cuộc sống của Ngài là cuộc sống của chúng ta, sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta” (Hiến Pháp Dòng Ngôi Lời).
Đối thoại Ngôi Lời giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Ngôi Lời, là Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngôi Lời đã ngược dòng đời bằng cách đi sâu vào cuộc sống của hạng người đói khổ, thấp hèn, bị bỏ rơi, thiếu tình thương, bệnh tật, tội lỗi … tức là hạng người rốt cùng của xã hội để yêu thương và cứu độ họ. “Chúng ta là những cộng tác viên trong đối thoại cứu độ của Chúa với loài người.” (Tài liệu Tổng Tu Nghị 16 trang 47).
Trong tài liệu chuẩn bị Tổng Tu Nghị 16 nói rõ hơn “Chúng ta không sáng tạo ra sứ vụ cho riêng mình, mà chúng ta được Chúa Cha mời gọi, được Ngôi Lời sai đi và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn” (Tài liệu Tổng Tu Nghị 16 trang 4), cũng như nội dung của Tổng Tu Nghị 15, các đại biểu đã nhấn mạnh về việc đã khám phá ra những sự thay đổi của thế giới và nhân loại mà chúng ta cần phải thay đổi cách thế hiện hữu sao cho hiệu quả hơn. “Một lần nữa chúng tôi đặt mình và toàn thể Hội Dòng dưới sự hướng dẫn và điều khiển của Chúa Thánh Thần… chúng ta hiệp nhất với các thế hệ trong Hội Dòng và với tất cả các môn đệ Chúa Kitô trong việc đổi mới sự dấn thân của chúng ta để trở thành những chứng nhân tràn trề hy vọng về Nước Thiên Chúa” (Tài liệu Tổng Tu Nghị 15 trang 59).
Thưa anh em, phải xác nhận sứ vụ của chúng ta như Tổng Tu Nghị 16: “Sứ mạng truyền giáo trước hết là sứ mạng của Chúa (Missio Dei). Chúng ta được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và soi sáng bằng “Ngôi Lời” hướng về Thiên Chúa Cha – Đấng yêu thương chúng ta. Chúng ta là những cộng tác viên trong đối thoại cứu độ của Chúa với loài người.” (Tài liệu Tổng Tu Nghị 16 trang 47).
Thực hiện sứ vụ cũng có nghĩa là sống đối thoại ngôn sứ. “Chúng ta phải làm chứng cho Vương Quốc Thiên Chúa tình yêu, bắt nguồn từ việc đối thoại giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và từ đó phát xuất sứ vụ như là một cuộc đối thoại về tình yêu và lòng tha thứ đối với toàn thể nhân loại.” (Tài liệu Tổng Tu Nghị 16 trang 4). Tài liệu trong Tổng Tu Nghị 16 trong phần mở đầu đã nói rõ hơn về sứ vụ ngôn sứ là “Khái niệm “Đối Thoại Ngôn Sứ” được giới thiệu để giúp chúng ta đổi mới cách dấn thân theo Chúa trong sứ vụ truyền giáo” (Tài liệu phần mở đầu Tổng Tu Nghị 16 trang 1).
2.  Tìm một hướng đi cho chương trình hành động (plan of action):
Tổng Tu Nghị 15 đã có một tầm nhìn vĩ mô để phác thảo một chương trình hành động cho Dòng Ngôi Lời chúng ta cho thời đại hôm nay. Tổng Tu Nghị nhận định rằng xã hội đang có những bước thay đổi mạnh mẽ. Những xu hướng chính như toàn cầu hóa, đô thị hóa, di cư, di dân… đã ảnh hưởng không ít cho chương trình mục vụ của Giáo Hội.
Chính những xu hướng này đang đe dọa một số nền văn hóa bị mai một, và biết bao con người bị bỏ rơi, quên lãng.
Nhớ lại biến cố 1975, là thời kỳ hoàng kim của nền đạo đức của giới Công giáo Việt Nam. Nhiều tu sĩ, linh mục đã tình nguyện lên vùng kinh tế mới để phục vụ người nghèo. Nhưng đến thời kỳ mở cửa cuộc sống đô thị phồn vinh, người ta lại bỏ vùng xa, vùng cao, vùng sâu để về thành phố lập nghiệp, tìm cuộc sống dễ dãi hơn… các linh mục, tu sĩ cũng không tránh được sự cám dỗ… để lại một khoảng trống không thay thế được. Gần đây Đức Cha Buôn Mê Thuột đã mời chúng ta giúp coi sóc các Giáo xứ vắng mục tử. Chúng ta đẩy mạnh chương trình nầy, và dự kiến thành lập hạt Cao Nguyên (khả thi).
Tổng Tu Nghị 16 nhắc nhở chúng ta phải biết quan tâm đến những dân tộc ít người, nền văn hóa của họ, đặc biệt là chữ viết có thể bị mai một. Chúng ta sẽ lập lại chương trình dịch Kinh Thánh ra tiếng Chăm để phục vụ anh em ở vùng Ninh Thuận, qua đó dùng người Chăm để dạy tiếng Chăm cho người Chăm. Chương trình nầy được giáo quyền khích lệ và ủng hộ.

Lm. Paul Đậu Văn Pháp SVD.

Giám Tỉnh.


Để xem hình đầy đủ vui lòng nhấp chuột vào đây.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét