21 thg 3, 2012

Lời thề, một bảo chứng cho sự thật?

Jos. Duy Thạch svd


Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,37). Dịch sát nghĩa là: “Nhưng lời của bạn là ‘có, có’, ‘không, không’ và quá mức những điều này là từ ác thần.”
Tin Mừng Mat-thêu dùng bốn lần tính từ, được dùng như danh từ và có mạo từ đi kèm, (“ponhrou”, tạm dịch là ‘sự dữ, ác thần’). Bản văn nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “ác quỷ” có lẽ là hơi cường điệu hóa chăng?

Trong khi đó cũng từ đó ở Mt 6, 13 là “sự dữ”, hay “sự xấu, cái xấu” (Mt 8,35), và “Ác thần” (Mt 13,38). Cũng nên lưu ý rằng, khi nói về “Quỷ”, Mát-thêu lại dùng một từ khác hoàn toàn (dia,boloj, Mt 4, 1.5.8; 8,31; 9,33.34). Như vậy, có thể Mát-thêu chỉ muốn nói đến sự dữ, sự xấu chứ không hẳn nói “ác quỷ”.
Đây là câu văn nằm trong bối cảnh Đức Giê-su khuyên các môn đệ không được thề thốt. Khi người ta muốn thuyết phục người khác về tính xác thực của lời của mình nói thì người ta thường thề. Và lời thề xem ra mạnh mẽ và xác quyết nhưng lại biểu lộ sự yếu nhược, yếu vía của người thề. Vì sợ người khác không tin, sợ lời mình không đủ thuyết phục nên mới thề.
Trong sách Cựu Ước, sấm ngôn của Đức Chúa đã từng nói đến việc thề thốt: “Nếu ngươi kêu: "ĐỨC CHÚA hằng sống"mà thề cách trung thực, ngay thẳng và công chính, thì chư dân cũng sẽ lấy danh Người mà cầu phúc cho nhau; và nơi Người, chư dân cũng sẽ hãnh diện” (Gr 4,2). Như vậy, trong Cựu Ước qua lời ngôn sứ Giê-ri-mi-a, dân Ít-ra-en được khuyên là hãy thề nhân danh Đức Chúa.
Tuy vậy, vào thời Đức Giê-su, người ta đã lạm dụng lời thề vào những chuyện không đáng. Và đã thề thì sẽ có nguy cơ bội thề. Và như đã nói trên khi nại vào lời thề là chấp nhận bóng dáng của sự dối trá, của nghi ngờ lẫn nhau. Cộng đoàn của Đấng là Sự Thật không thể sống trong tình trạng như thế.
Chính Đức Giê-su khẳng định: "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,37).
Thật lạ lùng: Một vị vua sinh ra không để cai trị những chỉ để làm chứng cho sự thật.
Thật vậy, làm chứng cho sự thật chính là làm chứng cho chính Người vì Người chính là Sự Thật: “Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Đức Giê-su cũng đã tuyên xưng Lời của Cha là sự thật và nguyện cầu Cha thánh hiến các môn đệ và những người tin bằng sự thật ấy: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga17,17).
Như vậy, chọn lựa sống theo sự thật, trung thành với sự thật  không chỉ là thi hành một nhân đức nhưng là con đường dẫn đến sự sống, con đường đến với Cha. Phải qua Đức Giê-su - SỰ THẬT - thì mới đến được với Cha. Mmuốn sống theo sự thật thì phải được Cha thánh hiến bằng sự thật ấy.
Và chỉ có sự thật mới làm cho con người được tự do như Đức Giê-su đã khẳng định với những người Do Thái đã tin Người: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8,32).
Chọn lựa theo Chúa là chọn lựa làm cho lời của mình lúc nào cũng “có, có”, “không, không” chứ không phải là “có, không” lẫn lộn. Lời thề chỉ cần thiết đối với một môi trường, nơi những con người có nguy cơ bị sự giả dối xâm lấn. Ngược lại, nơi những con người luôn luôn có sự thật nơi mình thì lời thề sẽ không tồn tại.
Chọn lựa sự thật là chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa, tức là mong muốn tiếp tục làm người - là họa ảnh của Thiên Chúa. Chọn lựa dối trá là chọn lựa đứng về phía sự dữ đồng nghĩa với việc đánh mất căn tính của mình để chuyển quốc tịch qua vương quốc ma quỷ.
Có nhiều khi trong cuộc đời tôi chọn lựa sự “dối trá” để tồn tại. Những khi ấy, tôi chọn phản bội lại chính mình, thậm chí đánh mất chính mình mà tôi không biết. Tôi quên cân nhắc chọn lựa giữa “chính tôi” và “sự tồn tại”.
“Sự tồn tại” là vô nghĩa nếu tôi không “sống”. Con người “tồn tại” mà không sống thì “tồn tại” làm gì? Thật đau đớn! Nhiều lúc con người chọn lối “tồn tại” bên người khác mà không “sống”; lại có nhiều khi hiện diện bên người khác mà không “gặp gỡ”.
Có người bông đùa rằng: “Tôi sẽ sống cho đến khi tôi chết”. Vâng! Con người phải như thế, phải luôn luôn sống cho đến khi chết chứ không phải chết trước khi phải chết. Nhiều người như thế: chết khi đang sống và tôi cũng thế.
Lâu nay tôi nghĩ, yêu thương là không làm người khác bị tổn thương, bình an là không có xung đột. Tôi đã lầm!
Yêu thương không phải là không dám gây tổn thương, bình an không phải là không sóng gió. Yêu thương là dám gây tổn thương và dám chấp nhận tổn thương để thăng hoa và giúp người khác thăng hoa trên đôi cánh sự thật.
Im lặng để đổi lấy một cảm giác bình an giả tạo và mặc cho sự dối trá hoành hành, tàn phá là chọn lựa sai lầm thậm chí là tội ác. Tôi đang tàn phá chính mình và giúp người khác sống trong ảo tưởng.
Đó là một sự êm đềm giả tạo, có nguy cơ phá hủy con người. Sợ người khác bị tổn thương không dám nói sự thật chỉ là một thứ tình cảm rẻ tiền. Trái lại dám nói sự thật, với một ý hướng ngay lành lại là một tình yêu cao đẹp.
Đức Giê-su đã từng làm cho Phê-rô, người môn đệ thân tín, phải bẽ mặt trước các môn đệ khác khi Người mắng ông là “Xa-tan” (Mt 16,23; Mc 8,33). Chắc ông cũng “quê” với các môn đệ khác lắm vì ông là thủ lãnh mà, chắc tim ông cũng tê tái khi Thầy chửi mình vì tình cảm giữa ông và Thầy tốt quá mà. Tuy nhiên, sự ê mặt sự tê tái của con tim ấy sánh sao được với bài học sự thật mà ông lãnh nhận qua đó.
Có người nói với tôi trong với tâm trạng khó chịu: “Tôi thấy anh ít khi khen người khác lắm”. Tôi đáp lại: “nhưng hễ Tôi khen là khen thật”.
Không ai dám tự hào rằng mình luôn luôn nói thật. Nhưng lối sống “đắc nhân tâm” là tôi không thích tý nào và không bao giờ muốn sử dụng nó. Nhưng khi Tôi thật sự hài lòng về điều gì thì Tôi sẽ tìm dịp khen cho được, còn nếu không thì ngay cả đồng tình với lời khen của người khác tôi cũng không muốn.
“Sự thật là gì?” quả là một câu hỏi hóc búa khó có thể trả lời bằng một câu trong một lúc nhưng cả cuộc đời. Và khi trả lời được câu hỏi ấy cũng chính là lúc tôi được giải thoát được thăng hoa và được ơn cứu độ.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét