27 thg 3, 2012

một điều gì đó đã bắt đầu …

NIỀM HY VỌNG CHO NHÀ TRUYỀN GIÁO TƯƠNG LAI
Jos.XuânThu.svd

Suy về “Người tu sĩ trong đời sống truyền giáo thế giới” trong một ngày tịnh tâm Tôi đặt cho mình những câu hỏi: “Tôi sẽ làm gì?”; “Sẽ đi đâu?”; “Đi trong thời gian bao lâu?”; “Tôi có bỏ dở chừng không?” … Bởi vì chẳng bao xa nữa, đó là những gì mà tôi phải đối diện, phải trả lời bằng hành động.
Tôi chưa một lần bước chân ra khỏi đất nước mà đã từng gắn bó với mình hơn 30 năm trời. Nhưng rồi đây tôi phải dứt bỏ những gì là thân thiết nhất của mình để làm sứ vụ truyền giáo. Là ơn gọi tôi đang đeo đuổi. Nhưng những gì tôi nghe các các nhà truyền giáo người Việt từ các nước về kể lại chưa có gì hấp dẫn tôi, mà ngược lại tôi có ấn tượng hầu như ai cũng chán nản.
Vì thế, khi nói đến truyền giáo thì trong tôi vẫn còn nhiều lo âu và sợ hãi. Thật sự mà nói là như thế …  
Chưa một cha nào từ nước ngoài về kể lại cuộc sống và sứ vụ của mình một cách say sưa, tích cực. Cũng không ai viết thư về nói về miền đất mình đến là “tràn đầy sữa và mật” như miền đất hứa. Và chẳng một người nào viết lên được niềm hạnh phúc của mình như các chiến sỹ ngày xưa: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm …”
Những thao thức và lo lắng đó còn nặng nề hơn nữa khi nghe nói về những thách đố về ngôn ngữ, thức ăn, khí hậu, văn hóa, nghi lễ, tập tục, thói quen, mà mỗi nhà truyền giáo đều phải đối diện và vượt qua.
Tuy nhiên, một điều gì đó vui vui và lạc quan đã bắt đầu le lói trong tôi khi cha giảng phòng nói về kinh nghiệm truyền giáo của ngài ở nhiều nước trên thế giới.
Ngài không phải dụ dỗ hay lừa phỉnh, nhưng là cảm nghiệm của một con người truyền giáo thực thụ - như là ơn Chúa. Thật thế, ngài khuyên tôi ra đi truyền giáo thì đừng bao giờ đặt ra mục tiêu mình sẽ làm gì để được thành công, được danh tiếng. Vì đặt mục tiêu cho mình là thanh danh của bản thân cho nên sẽ vỡ mộng.
Bởi vì sẽ có những lúc mình chỉ cử hành thánh lễ một mình, thay vì con chiên đến với mình thì mình phải đi tìm con chiên. Có khi mình làm việc 10 năm mà chỉ có 2 hay 3 người trở lại đạo Công Giáo. Điều quan trong nhất trong đời sống truyền giáo là phải nhớ rằng công việc mục vụ là công việc của Chúa, không phải công việc của con người. Thiên Chúa cần con người cộng tác vào đó bao nhiêu, về tình yêu, sự dấn thân và lòng mến.
Khi chúng ta nhìn vấn đề như thế thì sẽ nhẹ nhàng cho chúng ta, vì Thiên Chúa luôn trợ giúp ân sủng của Ngài cho những ai thi hành sứ vụ của Ngài. Đó là một niềm xác tín trong đức tin Kitô giáo. Những gì ngài chia sẻ làm cho tôi cảm thấy nhẹ lòng.
Từ đó, làm cho tôi cũng cảm nghiệm được rằng khi chúng ta yêu mến đời sống truyền giáo thì cho dầu gặp khó khăn thử thách thì vẫn không bỏ cuộc. Ngài cũng cho tôi một kinh  nghiệm rất quí báu trong đời sống truyền giáo, đó là: những người bỏ cuộc là những người chưa có tình yêu thực sự đối với sứ vụ của mình. Thiếu tình yêu thì thiếu nhiệt huyết, cũng giống nhưng thiếu lửa thì không thể sưởi ấm trong mùa đông giá rét.
Tuy nhiên, những lời người nói vẫn không có giá trị cho bằng đời sống thực tế của con người ngài. Người ta vẫn thương nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”.
Thật vậy, chính ngài là một con người của truyền giáo, đã đi đến nhiều nước. Đang thành công rực rỡ nhưng ngài cũng phải bỏ dở chừng để đi theo một bài sai mới thoe ý Về Trên. Và tôi thấy nơi ngài luôn toát ra một vẻ thanh thản và hạnh phúc của một đời sống tu trì.
Lời ngài kêu gọi hãy ra đi, ra đi và ra đi, và đừng lo thất bại, đã thêm nghị lực cho tôi. Đã thêm sự tin tưởng cho tôi để tôi xác tín rằng thất bại hay thành công không phải là vấn đề, mà vấn đề là tôi có dám ra đi không? Tôi có để cho Thiên Chúa làm việc với tôi, với chúng ta không?
Đó thực sự là tấm gương cho tương lai của tôi trong sứ vụ truyền giáo.