16 thg 3, 2012

Trở nên người hoàn thiện

Chia sẻ Tin mừng Mt 5,43-48
petnguyentai@


“Anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta cũng đã hơn một lần sống với một ai đó, nhưng thử nhìn lại có ai là người hoàn hảo không? Cổ nhân có lẽ không sai khi cho rằng “nhân vô thập toàn”. Ai trong chúng ta cũng có lỗi ít nhiều trong bổn phận, trong trách nhiệm và ngay cả trong ơn gọi làm người.
Trước mặt Thiên Chúa, ai dám tự hào cho mình là người hoàn hảo? Vậy có quá chăng khi Đức Giêsu mời gọi tôi và anh em là những người yếu đuối, tội lỗi và bất toàn: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Nếu Thiên Chúa không là Đấng hoàn thiện thì chúng ta chẳng biết dựa vào tiêu chuẩn nào, để đánh giá mình và đánh giá người khác là kẻ tốt xấu.
Về xuất xứ, ta thấy, cụm từ “hoàn thiện” không xuất hiện rõ ràng trong Cựu ước, nhưng đây có thể là một cụm từ được vay mượn cách trừu tượng trong sách Lêvi. Điều này được đề cập khi nói tới sự “thánh thiện” của Đức Chúa trong Lêvi 19, 1-2: Đức Chúa phán với ông Môisê rằng: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh””.
Ngoài ra, sách Lêvi 20, 26 còn nhấn mạnh: “Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta”. Vậy ý nghĩa của cụm từ “thánh thiện” ở đây nhằm diễn tả tình thương trong sự “toàn tâm, toàn ý và trọn vẹn” không suy suyển của Thiên Chúa đối với dân của Ngài.
Sự “thánh thiện” được hiểu theo nghĩa “không có tội” không phải là ý nghĩa chủ yếu được nhấn mạnh ở đây, cho bằng mối tương quan đi vào chiều sâu củaThiên Chúa với con người.
Hình ảnh Người Cha trên trời, là Đấng hoàn hảo, tốt lành, toàn năng và toàn thiện... Dĩ nhiên, Ngài không thể vướng mắc tội lỗi. Nhưng không phải vì thế mà Ngài được trưng dẫn như là một mẫu mực, đúng hơn là Ngài “tốt lành và yêu thương vô biên” “vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”.
Như vậy, “anh em hãy trở nên hoàn thiện” không nên hiểu là “không được có tội lỗi gì”, nhưng phải hiểu là, “hãy triển nở hết sức, hãy trở nên hoàn hảo, trưởng thành để đạt tới mức độ toàn vẹn trong đức ái”. Ý tưởng này rất phù hợp với ý tưởng của thánh sử Luca diễn tả trong Tin Mừng 6,36 “Các ngươi hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng xót thương”.
Đối với chúng ta là những người bắt chước sự trọn hảo của Thiên Chúa, hoàn thiện có nghĩa là sống đời sống của Đức Kitô. Là luôn khát khao tiến tới mục đích phía trước như thánh Phalô đề cập trong thư Philipphê 3,13-15:
“Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô. Vậy tất cả chúng ta là những người hoàn thiện”.
Với tôi, lời Chúa hôm nay khuyên nhủ rằng: Nếu muốn giống như Cha trên trời là Đấng trọn lành, tôi cần phải yêu thương hết mọi người, yêu thương cần thể hiện bằng mọi hành động tốt vì tha nhân, tránh việc trả thù, không nghĩ đến chuyện “ăn miếng trả miếng”, mở tâm hồn để hiểu và để tha thứ, tạo ra mọi sáng kiến để nuôi dưỡng tình anh em, không nghĩ xiên nghĩ xẹo, không thành kiến và vứt bỏ những gì theo thói quen cảm tính.
Là con cái Thiên Chúa, tôi cũng phải nên giống Người Cha trên trời.
Lạy Chúa, nhiều lần con chưa thực hiện Lời Chúa một cách thiết thực, con chưa yêu thương hết mọi anh em. Nhưng xin cho trái tim con đủ lớn để tha thứ cho những ai ghen ghét con và, qua đó tâm hồn con cũng được chữa lành. Amen.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét