30 thg 10, 2012

Ảnh hưởng văn hóa trên lối nhìn của nhà truyền giáo tương lai



Phạm Duy Thạch, SVD

Sách Công Vụ Tông Đồ được mệnh danh là Tin Mừng Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần thúc đẩy, hướng dẫn và điều khiển mọi hoạt động truyền giáo của GH sơ khai.
Biến cố Ngũ Tuần đã cho thấy Chúa Thánh Thần khởi sự công cuộc rao truyền Tin Mừng như thế nào. Có người ví các tông đồ như “những con cờ” được Chúa Thánh Thần di chuyển trên bàn cờ Truyền Giáo thế giới.
Khi nói đến hình ảnh những con cờ người ta thường nghĩ đến nghĩa tiêu cực: một ai đó mất hết tự do và bị người khác lợi dụng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt quá lớn của Chúa Thánh Thần.
Phê-rô dường như thụ động trong lối suy nghĩ của mình. Đầu óc ông đông cứng với tư tưởng bài ngoại của Do thái giáo. Tuy nhiên, ông quên rằng từ khi ông được Thánh Thần biến đổi để trở thành một nhà truyền giáo thì ông không còn là tín hữu Do thái giáo đơn thuần nữa: Ông là một ki-tô hữu gốc Do-thái.
Là Ki-tô hữu ông không còn được phép bó buộc mình trong luật lệ Do Thái nhưng được mời gọi sống tinh thần của Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ thế gian chứ không chỉ là Đấng Mê-si-a của người Do thái.
Người đã từng ăn uống, sống chung, cứu chữa những người tội lỗi; đã từng rảo bước qua vùng Thập Tỉnh; đã từng đặt chân đến Sa-ma-ri và lưu lại tại đó. Người đã từng căn dặn các ông là Tin Mừng phải được loan báo cho muôn dân trên toàn thế giới (Mt 24,14; 28,19).
Để làm người Ki-tô hữu truyền giáo thiết nghĩ điều đầu tiên tôi phải làm là thay đổi tầm nhìn của mình. Để có một tầm nhìn đúng Phê-rô phải chọn lựa một thế đứng cho phù hợp.
Đứng ở chỗ nào để ông có thể thấy được các nước thế gian. Lâu nay, tầm nhìn của ông bị hạn hẹp trong khuôn khổ dân tộc Do Thái. Đối tượng được ông nhắm tới là những người Do Thái.
Phê-rô được mời gọi tìm về nguồn gốc đích thực của mình.
Ông là một con người (a man). Thuở ban sơ Thiên Chúa tạo dựng “con người”. Ý niệm “con người” giúp ông mở rộng tầm nhìn để thấy thế giới này là thế giới của những “con người”.
Thiên Chúa tạo dựng những con người bình đẳng. Ngài không có ý tạo nên các dân tộc, chủng tộc, màu da, quốc gia, ngôn ngữ. Mọi phân biệt chỉ do con người mà ra. Điều đáng tiếc là sự phân biệt không còn chỉ dừng lại ở mức độ tên gọi nhưng đã ăn sâu vào tâm thức của con người.
Con người vốn như nhau về phẩm giá nay bị nhìn nhận khác nhau vì sự phân biệt. Người ta tự quy định với nhau kẻ này đáng tôn trọng kẻ khác đáng nguyền rủa và đáng bị coi thường. Người ta quy định với nhau thế giới có những dân tộc mọi rợ và những dân tộc văn minh.
Phê-rô được mời gọi nhìn nhận nhân loại đúng như Thiên Chúa tạo dựng thưở ban đầu: nhân loại là một gia đình. Đức Giê-su đã nhấn mạnh điều đó trong lời rao giảng của mình: "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).
Đó là một tầm nhìn chân thật, thuần khiết mà không chỉ Phê-rô hay một nhà truyền giáo nhưng tất cả mọi người nhất thiết phải đạt đến.
Khi đã có tầm nhìn như thế thì dù ở đâu hay làm gì không là vấn đề nữa vì mọi nơi trên trái đất này là gia đình, là đất nước, là dân tộc mình. Mọi người trên thế giới này đều là người quen, là người thân của nhau. Không có ai là người xa lạ với tôi và tôi không là người xa lạ với ai.
Tuy nhiên, một tầm nhìn như thế luôn luôn gặp những rào cản rất lớn từ chính bản thân mình.
Tầm nhìn của con người phát triển cách tiệm tiến, mang đậm dấu ấn không gian hiện diện. Con người phải học mở ra với thế giới dần dần. Sinh ra trong nôi, lớn lên chút nữa thì bò ra ngoài ngõ, rồi bước ra khỏi cổng làng, rồi lên tỉnh, rồi đi ra khỏi tỉnh mới đến miền khác, vùng khác, rồi mới ra nước ngoài.
Nhiều người Việt nam trong cả cuộc đời họ chưa từng bước ra khỏi làng mình, chưa một lần lên tỉnh và dĩ nhiên nước ngoài thì càng không.
Sinh ra trong một nền văn hóa coi trọng tình làng nghĩa xóm, nơi mà “quê hương là chùm khế ngọt”, nơi mà bến đình, cây đa trở thành những trung tâm gặp gỡ hàn huyên của làng, nơi mà lũy tre, đồng lúa trở thành một phần xương thịt, nơi mà đi đâu ta “cũng nhớ quê nhà, nhớ canh rau muốn nhờ cà dầm tương”, con người rất nặng lòng với quê hương và thiếu đi sự nhạy cảm với thế giới bên ngoài.
Càng gắn bó với quê hương mình càng nặng những yếu tố tình làng nghĩa xóm, càng yêu thích cái cảm giác ấm êm khi ở trong lòng quê mẹ, con người ta càng cảm thấy xa lạ và không muốn gắn bó với những vùng đất khác.
Không hẳn là họ sợ hay ngại đến một vùng đất mới nhưng là sợ phải xa quê hương xóm làng, xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa người thân.
Có lẽ, so với các nhà truyền giáo Phương Tây thì các nhà truyền giáo Việt nam phải từ bỏ nhiều hơn, bởi vì người Phương Tây có thể thích thú với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, thích du lịch đó đây, nơi văn hóa cá nhân, tinh thần tự lập được đề cao và tôn trọng, còn người Việt Nam chỉ thích vui với xóm giềng, thích vun vén quê hương, thích thờ cúng ông bà tổ tiên.
Họ không quen với cảm giác phải rời bỏ quê hương của mình. Họ chỉ nghe nói đến những chuyến xa quê hương đau đớn, day dứt trong chiến tranh rồi chỉ mong hết chiến tranh để quay về đoàn tụ với gia đình.
Trong tác phẩm “Tiếng Hát Con Tàu” của nhà thơ Chế Lan Viên, người ta bỗng gặp được ý tưởng rất đẹp, rất lý tưởng: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; khi ta đi đất đã hóa tâm hồn; Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.
Tuy vậy, miền đất lạ của ông cũng chỉ là một phần đất trên quê hương đất nước ông chứ không phải một vùng xa xôi vượt ra khỏi biên giới. Hơn nữa, nghe những bài nhạc tiền chiến như “Xuân này con không về”, “Căn Nhà Ngoại Ô”, “Xuân Lá Khô”…, người ta rất dễ nhận ra tâm trạng rất thật của những chàng lính tiền chiến Việt Nam Công Hòa thời chiến tranh.
Tất cả họ đều mang một tâm trạng ảo não nhớ nhà, nhớ người yêu da diết. Họ mong mỏi một ngày trở về, mong mỏi được gặp lại người thân gia đình, được sum vầy, được sống bên gia đình bên bạn bè mình.
Văn minh lúa nước, văn hóa lũy tre, cây đa, bến đình đã thấm đẫm vào trong xương máu của từng con người Việt Nam. Ý tưởng rời bỏ quê hương xóm làng là ý tưởng quá xa lạ với họ.
Bước vào Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời họ được mời gọi phải thay đổi tầm nhìn, phải thay đổi lối suy, phải học lấy bài học của Phê-rô trong chương 10 sách Công Vụ, để rồi chấp nhận thế giới bên ngoài đúng như Thiên Chúa muốn.
Đó là một phần của quê hương mình, gia đình mình. Tuy nhiên, lời mời gọi ấy dẫu có tha thiết đến mấy cũng không thể giúp họ biến đổi thành một con người mới trừ khi phải chuẩn bị cho họ một hành trang để cảm nếm thật sự.
Ngày nay, các trường đại học của Âu Mỹ thường giúp sinh viên của mình cọ xát với thế giới bên ngoài, mở lòng ra với thế giới bằng những chuyến đi thực tế đến đất nước khác. Đó được xem như một phần bắt buộc của chương trình đào tạo đại học mà mọi sinh viên đều phải trải qua.
Còn những nhà truyền giáo tương lai của Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam, được trang bị những gì, được thao lược ra sao để chuẩn bị cho tiến trình thay đổi lối nhìn, lối suy mà ôm lấy thế giới như là quê hương của mình.
Liệu những sinh viên thần học, 99% đến từ những vùng quê nghèo, nặng tình làng nghĩa xóm, chưa quen với cảm giác xa nhà, coi đời tu như một phần của đạo hiếu đối với Cha Mẹ, có thể lột xác để trở thành một nhà truyền giáo thế giới chỉ qua những lời mời gọi thay đổi lối suy, lối nghĩ đơn thuần mà thôi.
Đối với tôi, chương trình Oversee Training Program (OTP) thật lý tưởng và thiết thực cho việc đào tạo mỗi một lính tiền chiến SVD. Tiếc thay, bản thân tôi chưa từng có kinh nghiệm đó và nhiều nhà truyền giáo tương lai cũng chưa từng có kinh nghiệm đó.
Thiết nghĩ, những chuyến ra đi “vượt biên” ngắn hạn trong chương trình đạo tạo sẽ giúp cho các nhà truyền giáo Việt Nam cải thiện rất đáng kể trong lối nhìn và chuẩn bị tốt cho cuộc chinh chiến của mình. Ít ra, chúng tôi cũng được nghe một số chia sẻ của một số nhà truyền giáo từ nước ngoài trở về. Điều đó là tích cực và rất đáng phát huy.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng nó chỉ là một hình thức giống như một người thích tắm biển những không đi ra biển được nên đưa nước biển về nhà tắm mà thôi. Nó chỉ có thể cho họ chút cảm giác về vị mặn của nước biển nhưng không thể có được cảm giác thế nào là biển cả, thế nào là sóng biển, và phải bơi thế nào.
Liệu tôi có thể sẵn sàng quên đi cảm giác thân thương của tình cảm gia đình của tình làng nghĩa xóm để bước theo tiếng gọi của Ngôi Lời? Liệu ơn gọi truyền giáo có trở nên nguồn sống của tôi hay không?
Hay chỉ là một sự chọn lựa mang tính “chẳng đặng đừng”, hay là một phần trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình, người thân? đó là những câu hỏi mà tôi phải suy hoài và nghĩ mãi trong thời gian ở trong học viện này.
Để thay đổi một quan niệm ăn vào xương máu Phê-rô đã được Thánh Thần hướng dẫn từ từ. Từ việc ông hiện diện trong nhà ông Si-mon thợ thuộc gia, một người chuyên làm việc với thú vật chết, được xem là ô uế, đến việc ông được nhìn thấy những thị kiến giúp ông biến đổi dần dần để ông có thể bước vào cuộc đối thoại với Cor-nê-li-ô, khởi đầu cho hành trình đến với dân ngoại của chính bản thân ông cũng như các Tông đồ và Giáo Hội sau này. ◊