26 thg 1, 2013

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

Suy niệm Lời Chúa
(1 Cor 12,12-30; Lc1,1-4. 4,14-21)
Deacon Bảo SVD
Chúng ta vừa trải qua tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Vậy hiệp nhất là thế nào? Phải chăng hiệp nhất là anh mặc áo đỏ, tôi cung mặc áo đỏ, anh đội mũ đen, tôi cũng đội mũ đen? Tại sao phải hiệp nhất?
Thế nào là hiệp nhất
Việc tôi mặc giống anh chỉ mang tính đồng phục. Đồng phục có một khía cạnh nào đó thể hiện tính hiệp nhất, nhưng đồng phục chỉ mang tính bề ngoài. Nó không nhất thiết chỉ khía cạnh bên trong. Có thể “bằng mặc” chứ chưa nhất thiết “bằng lòng”.
Hiệp nhất là mang tính bên trong, sự đồng nhất từ bên trong. Đó là sự phối hợp ăn ý với nhau.
Chẳng hạn một đội bóng đá, người thì chơi ở vị trí thủ thành, người thì hậu vệ, người thì tiền vệ, người là tiền đạo, người chơi cánh trái, người chơi cánh phải nhưng tất cả là một đội và mỗi người làm tốt phận vụ của mình, khi đó đội bóng tốt, chơi hay.
Một ví dụ khác, Chiếc đồng hồ có nhiều phần được nốivới nhau. Với đồng hồ cơ, nó có nhiều bánh răng ăn khớp với nhau, có bánh răng chạy nhanh, có bánh răng chạy chậm, nhưng tất cả phải ăn khớp với nhau và chạy đúng tốc độ đã quy định cho nó.
Khi đó đồng hồ mới chạy đúng giờ. Nếu bánh răng to nói sao anh chạy nhanh mà bắt tôi chạy chậm. Và nó cũng chạy nhanh như bạn nó. Hoặc giả như bánh răng chạy nhanh nói với bánh răng chạy chậm, sao anh làm việc nhơn nhơ thế, và nó cũng chạy chậm.
Lúc này, đồng hồ chỉ là “cục gạch”, e rằng nó cũng chẳng bằng cục gạch, vì người ta dùng gạch để xây nhà nhưng chẳng ai lấy đồng hồ để xây nhà. Đồng hồ lúc này không phải là đồng hồ nữa, nó chỉ mang tên là đồng hồ nhưng bản chất nó không còn là đồng hồ nữa.
Phải làm gì với nó đây!
Thánh Phaolô đã dạy cho chúng ta, hiệp nhất là thế nào. “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể.” (1Cr 12,12).
Mỗi người đã chịu phép rửa trong Đức Kitô đều thuộc về thân thể Đức Kitô, vì vậy nếu mỗi chi thể mà chống đối với chi thể khác, hoặc đòi cho được vị trí, chức năng của chi thể khác thì thân thể sẽ suy yếu và có thể “tử vong”.
Tại sao phải hiệp nhất
Căn bệnh ngày nay người ta gặp nhiều là bệnh ung thư. Khi một người được bác sĩ cho biết là bị ung thư, đa phần họ có tâm lý, họ đã “lãnh án tử hình và không biết khi nào thì đem ra xử”. Vậy ung thư là gì mà người ta sợ thế?
Trong quá trình phân chia tế bào trong sinh vật đa bào. Bình thường sự sinh và chết của các tế bào được điều hòa để bảo toàn cơ quan mô. Nhưng có tế bào nào đó, do một nguyên nhân nào đó mà nó sinh sản vượt mức tạo thành khối u ác tính gọi là ung thư.
Các khối u ung thư xâm lấn các cơ quan khác, làm cho sinh vật phải chết nếu không được chữa trị kịp thời.[1]
Chỉ một tế bào trong một cơ thể cả tỉ tế bào mà quan trọng như thế. Mỗi người cũng là một phần tử trong thân thể Đức Kitô.
Nếu phần tử nào đó bị hư thì phải được phát hiện cứu chữa kịp thời, nếu không nó sẽ làm cho cơ thể suy yếu và có thể phải chết.
Vậy mỗi người chúng ta không ai là không quan trọng. Bộ phận nào trong thân thể cũng quan trọng. Không có bộ phận nào sống mà không cần đến bộ phận khác.
Vậy tất cả các bộ phận trong thân thể hiệp nhất với nhau làm thành một thân thể thì mỗi người cũng cần hiệp nhất để tạo nên một Giáo Hội cường tráng. Khi đó mỗi người cũng sẽ được cường tráng nhờ thân thể khỏe mạnh.
Tóm lại: Hợp nhất cần thiết trong mỗi sinh vật sống và cần thiết hơn cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã đến thế gian để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Ngài đã chết đễ chúng ta được hợp nhất trong Thiên Chúa.
Thánh sử Luca đã tường tận khảo cứu cuộc đời Đức Giêsu và đã viết sách Tin Mừng để công bố điều này cho Theophilo đáng kính, cũng có nghĩa là ngài viết cho hết mọi người.



[1] x. http://vi.wikipedia.org/wiki/Ung_th%C6%B0

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét