3 thg 2, 2013

Chữ “Xuân” trong Thánh Kinh



XUÂN QUÝ TỴ 2013
Jos.Phạm Duy Thạch SVD
Một cách ngẫu nhiên khi đọc Tân Ước người ta không tìm đâu ra được một chữ xuân. Ngược lại trong Cựu Ước người ta lại tìm thấy rất nhiều chữ xuân.
Tuy nhiên, không phải tất cả những chữ xuân trong sách Cựu Ước đều có một sắc thái ý nghĩa như nhau, chung quy lại có bốn lối diễn tả về chữ xuân như sau: (1) Mùa Xuân; (2) tuồi Thanh Xuân; (3) Hoa Xuân; (4) Mưa Xuân.
Trong thời khắc tiếc nuối thời gian năm cũ đang ngắn dần và niềm háo hức đón chào một năm mới đang đến, thiết tưởng cũng nên có một vài gẫm suy về ý nghĩa của chữ xuân trên nền tảng Lời Chúa.
Mùa Xuân
Các bản văn Cựu Ước nhắc đến danh từ khái niệm thời chỉ thời gian “Mùa xuân” đến năm lần và mỗi lần ấy gắn với những sự kiện khác nhau của dân Ít-ra-en. Đa số các bản văn cho thấy mùa xuân là thời gian thuận tiện để tiến hành một cuộc chiến.
Từ Mùa Xuân đầu tiên được nhắc đến trong sách ngôn sứ Samuel quyển thứ 2: “Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Đa-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem” (2Sm11,1).

Đây là một mệnh đề thời gian mở đầu cho một sự kiện không mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là rất đáng xấu hổ trong cuộc đời Thánh Vương Đa-vít, một câu chuyện mà hầu hết những ai từng đọc sách Cựu Ước không thể không nhớ đến nó.
Thánh vương Đa-vít đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong cuộc đời mình: “Giết người và cướp của". Đức Vua đã có lòng bất chính ăn nằm với vợ Urigia, một vị tướng anh dũng và đầy nghĩa khí.
Chẳng những thế, để “chùi mép” cho lần ăn vụng công khai của mình, Đức Vua đã không ngần ngại “giết người diệt khẩu” bằng cách lập mưu giết hại vị tướng trung thành của mình.
Đó là một lỗi lầm nghiêm trọng mà chính “tác giả” cũng thấy ghê tởm: “Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết!Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót" (2Sm 12,5-6).
Lẽ dĩ nhiên “hành động của vua Đa-vít không đẹp lòng ĐỨC CHÚA” và Đức Vua đã phải gánh chịu những hệ luỵ nghiêm trọng của lỗi lầm mà mình gây ra (2 Sm 12,11-12).
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tích cực dưới khía cạnh lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ thấy câu chuyện mùa xuân năm ấy không hẳn chỉ nhuốm màu u ám của lỗi lầm và sự ác.
Thực vậy, chính người thừa kế đầu tiên và vĩ đại nhất của thánh vương Đa-vít là vua Salomon, một vị vua mà sự tài giỏi chỉ đứng sau Đấng Mê-si-a mà thôi (Xc. Mt 12,42), lại được khởi đi từ lỗi lầm nghiêm trọng ấy.
Cả Salomon và vợ ông Urigia sau này đều được thánh Mát-thêu kể vào trong số những tổ phụ và tổ mẫu trong gia phả của chính Đức Giê-su (Xc. Mt 1,1-17).
Như vậy, có thể nói mùa xuân năm ấy tuy khởi sự cho một lỗi lầm của một lỗi lầm nghiêm trọng đáng quên của một thánh vương nhưng lại là một thời gian thuận tiện để Thiên Chúa tiếp tục thi ân giáng phúc, tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho nhân thế.
“Mùa xuân” thứ hai được nói hai lần trong sách các vua quyển thứ nhất: “Vị ngôn sứ đến gặp vua Ít-ra-en và thưa với vua : "Mời vua đi ! Xin vua can đảm lên ! Xin cân nhắc và xem xét điều ngài phải thực hiện, vì mùa xuân tới vua A-ram sẽ tấn công ngài." (1V 20,22); “Khi mùa xuân tới, vua Ben Ha-đát kiểm tra người A-ram và tiến lên A-phếch giao chiến với Ít-ra-en” (1V 20,26).
Hai từ “Mùa xuân” này được nhắc đến trong bối cảnh Vua A-kháp đang bị quân A-ram vây hãm. Quân A-ram cho rằng Đức Chúa của Ít-ra-en là thần núi nên nếu tấn công giữa đồng bằng thì chắc chắn sẽ thắng.
Tuy nhiên, họ đã nhầm vì  Đức Chúa đã chứng minh cho quân Aram thấy Ngài là Thiên Chúa của cả đồng bằng lẫn đồi núi. Ngài bảo vệ dân bất cứ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. (Xc. The Navarre Bible, Joshua – Kings, p.503).
Như vậy, mùa xuân này cũng là một mùa xuân đánh dấu việc Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho dân, Ngài bảo vệ và giải thoát hỏ khỏi tay quân A-ram.
“Mùa xuân” thứ ba được nói đến trong sách sử biên niên quyển thứ nhất: “Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, ông Giô-áp đưa lực lượng quân đội tàn phá đất đai của con cái Am-mon. Ông tiến quân vây hãm Ráp-ba, còn vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem. Ông Giô-áp tấn công và triệt hạ Ráp-ba” (1Sb 20,1).
Đây là khoảng thời gian ông Giô-áp tiến hành chiến dịch thứ hai đánh quân Amon và ông đã chiến thắng. Đây là một phần trong đoạn nói về các cuộc chiến chống A-mon và Philitin. Các cuộc chiến này được mô tả như một hồi nhấn mạnh đến phẩm chất phi thường của nhà vua.
Trong cuộc chinh phục thủ đô Amon, Ráp-ba, Đa-vít dường như lép vế hơn tướng Mo-áp về thao lược, nhưng lại nổi bật như là vị vua thành kính khi chống lại tà thần và phá vỡ tượng thần Min-com (2Sb 20,2).
Và trong cuộc chiến chống lại những gã khổng lồ thì không phải một Da-vít can đảm chiến thắng Go-li-át nhưng là một vị vua chững chạc thống trị những kẻ thù (2Sb 20,8). Thánh Augustine đã mô tả Đa-vít như là một vi vua biết tin tưởng vào Chúa của mình, khỏi đầu cuộc chiến và đánh bại tất cả các kẻ thù.
Với sự trợ giúp của Chúa, ông cai trị toàn đế quốc của mình (St Augustine, Enarrationes in Psalmo, 131,3). (Xc. The Navarre Bible, Chronicles – Maccabees, p.78). Vậy là, mùa xuân thứ ba gắn liền với cuộc chiến chinh phục người Amon va Philintine, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn đến nhân đức trung thành của vua Đa-vít.
Như vậy, cả ba “mùa xuân” trên đều liên quan đến những cuộc chiến và mang đậm dấu ấn của bàn tay Thiên Chúa can thiệp, trợ giúp con người, trong cuộc chiến chống lại ngoại bang cũng như cuộc chiến chống lại tà thần và tội lỗi.
“Mùa xuân” thứ tư là mùa xuân duy nhất được tìm thấy trong các tác phẩm văn chương khôn ngoan: “Ông ví như đoá hồng tươi nở giữa mùa xuân, như cây huệ mọc bên bờ nước, tựa chồi non Li-băng giữa mùa hè” (Hc 50,8). Đây là một trong những câu mô tả về Tư Tế Si-mon.
Thật ra, câu này trong nguyên ngữ tiếng Hy lạp bản LXX thì không có chữ mùa xuân mà chỉ diễn tả những ngày còn trẻ (en hêmêrais nêôn) và trong bản Tiếng Anh RSV (Revised Standard Version) cũng không có chữ “mùa xuân” mà cũng chỉ là những ngày của hoa trái đầu mùa (the days of the first fruits).
Đây là một trong mười một biểu tượng tốt đẹp được dùng để diển tả những phẩm tính của tư tế Si-mon, một tư tế thi hành chức vụ vào khoảng 219-196 BC.
Trong lời tán tụng dành cho ông, các nhân đức gắn liền với những nhân đức của những cá nhân trước ông: sữa chữa đền thờ (cc.1-2) mà Sa-lô-môn xây (47,3) và Zê-rúp-ba-ven, Giê-sua tái thiết (49,11-12); tiến hành chương trình tái thiết và củng cố thành thánh (cc.3-4) như vua Khít-ki-gia (48,17) và Nơ-khê-mia (49,13) đã làm trước đó; và trung thành với truyền thống A-ha-ron (45,6-16) và Đa-vít (47,8-11), ông chú tâm đến từng chi tiết nhỏ có thể làm cho phụng vụ nên lộng lẫy sốt sắng. (Xc. The Navarre Bible, Wisdom Books, p.546).
Những bản văn khác liên quan đến chữ “xuân”
Ngoài những bản văn diễn tả mùa xuân, Cựu Ước còn dùng nhiều cụm từ khác liên quan đến chữ xuân khác. Ví dụ như “hoa xuân” (Kn 2,7); “mưa xuân” (Hs 6,3; G 29,23; Cn 16,15). Mưa xuân được ví như hình ảnh của Đấng tạo hoá đến mang theo những điều kiện tốt đẹp cho đất đai: “Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai." Hoa xuân được gắn với những điều tốt đẹp mà con người không nên bỏ phí trong cuộc đời này: “Nào, ta say rượu quý,Ta ngất hương thơm, những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí.”
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bản văn diễn tả về tuổi trẻ, thời kỳ sung mãn đẹp đẽ nhất của con người mà các bản văn Tiếng Việt dịch là tuổi thanh xuân, thời kỳ thanh xuân hay tuổỉ xuân. Tuổi thanh xuân được gắn với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Đó có thể là tuổi dành cho việc cưới hỏi (Ml 2,14.15; Ge 1,8; Is 54,6); đó cũng có thể là tuổi tin tưởng cậy trông vào Chúa (Tv 71,5); đó cũng có thể là tuổi được Thiên Chúa dạy dỗ (Tv 71,17); tuổi thanh xuân cũng là tuổi nên tưởng nhớ đến Chúa (Gv 12,1); đó cũng có thể là tuổi lập giao ước (Ed 16,60); tuổi xuân cũng chính là thời gian nên được vui hưởng và làm cho tâm hồn được hạnh phúc (Gv 11,9).
Vậy đó, tuổi xuân là tuổi gắn liền với bao nhiêu điều tốt đẹp trong tương quan với Chúa, với chính mình và cho tha nhân nữa. Tuổi xuân đáng để vui hưởng và làm cho mình được hạnh phúc nhưng cũng gắn liền với những hậu quả mà  mình phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa sau này (Tv 11,9).
“Xuân” trong “Tết” Việt
Truyền thống Công giáo Việt nam dành ra 5 Thánh Lễ đặc biệt được gọi là Thánh Lễ theo truyền thống dân tộc để xin những ơn đặc biệt cho năm mới:
(1) Thánh Lễ Tất Niên; (2) Thánh Lễ Giao Thừa (Cầu Bình An Cho Năm Mới); (3) Mồng Một – Thánh Lễ Tân Niên (4) Mồng Hai – Kính  Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ (5) Mồng Ba – Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm.
Trong mỗi Thánh Lễ, Giáo hội tạ ơn và dâng lên Chúa những ý nguyện cầu khác nhau cho một năm mới đang bắt đầu.
Thánh Lễ tất niên là thời gian để các tín hữu “họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để họ được thư thái bình an trước thềm năm mới”(Lời Nguyện Nhập Lễ).
Họ dâng “lễ vật để cảm tạ và tôn vinh Danh Thánh vì mọi ơn lành Chúa đã thương ban” và cầu “xin cho lễ tế hôm nay trở nên nguồn sinh lực hằng nâng đỡ mọi người trong những ngày tháng tới” (Lời Nguyện Tiến Lễ) và “xin cho họ được đầy lòng tin yêu, để sang năm mới chúng con thêm phấn khởi sẵn sàng phục vụ Chúa và tất cả mọi người” (Lời Nguyện Hiệp Lễ).
Thánh Lễ Giao Thừa là thời khắc hướng tâm hồn lên Chúa như là “Ðấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật” và nguyện xin “Chúa rộng ban cho họ một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh” (Lời Nguyện Nhập Lễ).
Trong Thánh Lễ Tân Niên các tín hữu “họp nhau đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa” và “xin Chúa ban cho hết mọi người trong năm... này được bình an mạnh khoẻ, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào” (Lời Nguyện Nhập Lễ).
Thánh Lễ cầu cho Tổ tiên và Ông bà cha mẹ, họ “dâng lên Chúa lễ vật đầu xuân này” để “xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài” (Lời Nguyện Tiến Lễ).
Đồng thời họ cũng xin Chúa “giúp họ ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ, để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh” (Lời Nguyện Hiệp Lễ).
Cuối cùng trong ngày Mồng ba tết, họ nhớ lại bổn phận chăm sóc và gìn giữ vũ trụ mà Thiên Chúa đã trao cho mình và xin “cho được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của mình trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa” (Lời Nguyện Nhập Lễ).
Những ghi nhận về phụng vụ Thánh Lễ dành cho những ngày đầu năm mới cho thấy rất nhiều lời nguyện cầu, ao ước mà các tín hữu, cậy trông vào Chúa. Vâng! Quả thật con người rất cần sự đỡ nâng phù trì của Thiên Chúa nhưng Lời nguyện cầu dày đặc làm cho phụng vụ nhuốm màu vụ lợi chứ không còn là một sự nối kết tình thân gia đình nữa.
May thay, trong kho tàng thánh ca Việt nam người ta còn tìm thấy những âm sắc đẹp đẽ của lời “chúc mừng Ba Ngôi phúc ân tình khắp nơi” (Ngày Xuân Kính Chúa – Đỗ vị Hạ); “Mừng đón Chúa xuân sang, Mai vàng khoe năm cánh” (Xuân Tạ Ơn – Trần Trần Thế); hay những tình cảm yêu thương trìu mến của người con “Ngày đầu xuân, con dâng lên Thiên Chúa chí tôn, lời cảm mến chúc khen Cha chí lành. Cảm tạ Chúa, Chúa đã ban thêm một mùa xuân, mùa xuân sáng tươi hy vọng cho muôn người trên dương gian” (Xuân Hy Vọng – Nguyên Kha).
Đó có thể nói là nét đẹp rất riêng, mang âm hưởng văn hoá Việt mà không thể tìm thấy trong lễ nghi Tây Phương.
Tạm kết
Dường như “mùa xuân” được nói đến trong Thánh Kinh không mang đến âm hưởng vui tươi, hạnh phúc, sum vầy như không khí phụng vụ những ngày đầu xuân của Giáo hội Việt Nam. Bỡi lẽ “mùa xuân” trong Thánh Kinh thường gắn liền với các cuộc chiến.
Tuy nhiên, chính sự giải thoát, sự can thiệp của Thiên Chúa trong các cuộc chiến của dân Chúa cũng như dấu ấn chương trình cứu độ nơi câu chuyện lỗi lầm cua vua Đa-vít, đã cho thấy Thiên Chúa luôn là chủ tể quyền năng của vạn vật và quan trọng hơn là Thiên Chúa yêu thương dân Ngài.
Thiên Chúa là chủ của thời gian, là khởi nguyên và tận cùng, và dĩ nhiên Ngài cũng là chủ của mùa xuân. Mùa xuân có tươi đẹp, có mang lại cho cây cối xanh tươi nẩy lộc đâm chồi, có mang đến cho con người sự ấm no hạnh phúc hay không đều nhờ bởi ơn Chúa.
Phụng vụ “Tết” của Giáo hội Việt nam đã vui và cũng phù hợp với văn hoá Việt nam. Tuy nhiên, giá mà Thánh Lễ và Thánh Ca làm sao cho các tín hữu nối kết thật sự với Thiên Chúa như một người Cha trong một gia đình nhân loại.
Đối với các tín hữu, Thiên Chúa vẫn còn là một người chủ kho ân phúc và ngự trên trời cao đâu đó, và họ phải luôn ngước cổ, kêu cầu thì Ngài mới ban xuống muôn ơn cho. Ngài vẫn chưa được cảm nhận hiện diện gần gũi và phát tiền lì xì cho con như những người cha thường làm vào ngày đầu năm mới.
Ước gì xuân năm nay, mọi người, mọi nhà cảm nhận được hơi ấm xuân nồng của tình Cha đang luôn hiện diện bên họ. Ước gì biên cương của bầu khí thân thương ấm cúng sum vầy của từng gia đình được mở rộng ra cho toàn thể gia đình nhân loại.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét