13 thg 9, 2013

Ý NGHĨA ĐỜI TU SĨ TRUYỀN GIÁO

Thầy Quốc, SVD
Khi nhắc đến vùng đất Quảng Bình, có lẽ mỗi người đều nghĩ đến dòng Sông Gianh yên bình bao bọc cả một vùng đất bao la, hay là Động Phong Nha, hoặc là Động Thiên Đường. Thật thiếu xót nếu tôi không nhắc đến con người của vùng đất quanh năm đối diện với những thiên tai, lũ lụt. Nhưng trước khi nói về con người, tôi nói về giáo xứ mà tôi đã thực tập hè.

Cồn Nâm là một trong 4 giáo xứ Mẹ của vùng đất Quảng Bình. Thời gian hình thành có thể trên 300 năm vì theo sử sách ghi lại, Cha Thánh Điểm đã từng mục vụ ở giáo xứ Nội Hà (tên cũ của xứ Cồn Nâm) khoảng 30 năm. Giáo xứ Cồn Nâm tọa lạc trên một vùng Cồn bãi ở giữa sông với diện tích rộng khoảng 3km2, với khoảng hơn 2000 giáo dân thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Giáo xứ gồm có 6 giáo họ (Cồn Nâm, Tân Định, Hà Bồng tọa lạc trên cồn; Thái Hòa, Thông Thống, Đồng Đưng ờ bên kia bờ sông). Cha xứ còn kiêm nhiệm Giáo xứ Giáp Tam tọa lạc trên vùng cồn. Hình ảnh Nhà thờ xứ tọa lạc trên vùng cồn như thế, được ví như con thuyền lớn ở giữa lòng biển mênh mông, luôn phải đối diện với những “con sóng” lớn nhỏ. Vì thế, giáo xứ đã chịu một cơn lũ lịch sử vào năm 2010.

Vì địa hình và giao thông khó khăn như thế, nên mới thấy được sự khó khăn trong công việc mục vụ của Cha quản xứ Phêrô Nguyễn Văn Phú. Đi qua các giáo họ bên kia sông, ngài phải đi đò. Mùa khô có lẽ không gì đáng ngại. Mùa mưa bão e rằng khó tránh khỏi những nguy hiểm. Nhưng với con tim của người mục tử, ngài không để con chiên thiếu thốn nguồn sức sống thần linh. Mỗi chiều Chúa nhật, cha quản xứ và tôi xuôi đò đến với những con chiên bên kia sông để cha ngồi tòa giải tội, dâng thánh lễ và gặp gỡ mọi người. Vì thế, mỗi lần đi tập hát, dạy giáo lý viên, sinh hoạt giới trẻ hoặc là những công việc khác tôi lại được xuôi đò theo dòng sông Gianh để đến với các giáo họ.

Có lẽ vì phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, nên con người ở đây đã tự tạo cho mình tính chất kiên cường, chịu thương chịu khó, nhiệt tình, dễ thương và rất thật thà, chất phát. Hơn nữa, vì vẫn còn ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo trải qua bao đời, nên con người ở đây dành cho những người vị vọng một sự kính trọng đặc biệt. Giáo dân ở đây yêu quí, kính trọng những người sống đời tận hiến. Trong tất cả những đặc tính đáng trân trọng ấy, tôi yêu thích nhất là tính thật thà của họ, bởi lẻ cha xứ đã nói với tôi: “thầy yên tâm! ở đây không có chuyện trộm cắp xe máy, tiền bạc… đâu thầy ah!” Và quả thật như thế, vì xe máy họ không bao giờ đưa vào trong nhà, hay không bao giờ đóng cửa vào ban đêm…

Hơn nữa, khi làm việc với giáo dân ở đây tôi mới nhận thấy được nhiều điều. Trước tiên, họ có một lối sống đạo rất đơn sơ với lối giáo lý kinh bổn. Kiến thức giáo lý của giáo dân ở đây rất giới hạn. Cũng dễ hiểu thôi vì họ đã trải qua một thời gian dài thiếu chủ chăn. Vì thế, khi chia sẻ giáo lý với họ, tôi nhận ra một sự khao khát học hỏi để nhận biết Chúa, tin và yêu Chúa nhiều hơn. Hình ảnh trên đây có thể nói lên điều đó. Xét về thánh nhạc, các ca đoàn ở đây cần phải học hỏi nhiều hơn. Tôi nhớ ngày đầu tiên cha xứ dẫn qua giáo họ Đồng Đưng giới thiệu với ca viên và bảo tôi tập hát. Một ca viên đã nói rất chân tình: “Thầy ơi! Chúng con khao khát có người giúp chúng con lắm!” Câu nói chân tình này đã đem đến cho tôi một nguồn động lực lớn để cố gắng giúp họ, dù nhiều lúc cũng mệt mỏi vì nhiều việc. Qua đó, tôi cảm nhận được rằng, còn nhiều người khao khát học hỏi mà không có người giúp đỡ. Vì thế có thể nói rằng Giáo hội đang rất cần nhiều người sống đời phục vụ cho Tin Mừng.

Tiếp đến, khi đến với các em thiếu nhi tôi cảm nhận được niềm vui và sức sống của tuổi trẻ. Niềm vui và sức sống được lan tỏa trên khuôn mặt của các em. Các em vui hết mình, chơi hết sức và cười sảng khoái. Hình ảnh vui tươi của các em gợi lên trong tôi về tương lai của Giáo hội. Giáo hội tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Qua các em, tôi học được bài học cho chính mình. Tôi phải luôn cố gắng để bản thân có được sự nhiệt tình, sức sống của tuổi trẻ, sự năng động để thích hợp với những hoàn cảnh và công việc của mình trong tương lai.
Còn nhiều cảm nhận ý nghĩa khác nữa, nếu viết tôi có thể viết thành một tập sách nhỏ. Nhưng xin được phép giữ lại cho riêng tôi như là một kỷ niệm vui buồn và là hành trang bỏ túi cho đời tu sĩ truyền giáo.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét