30 thg 10, 2013

Chỉ che dấu sự yếu đuối của thân xác…

Deacon Thắng SVD

Bước chân vào nhà dòng lúc 19 tuổi, lúc ấy tôi bắt đầu năm thứ hai đại học, trãi qua 3 năm đệ tử, một năm thỉnh sinh, kết thúc năm thỉnh sinh, tôi bước sang năm tập, và thật hãnh diện, hạnh phúc khi được khoát trên mình chiếc áo dòng. Một bước ngoặc mới trong cuộc đời của tôi.
Trãi qua những thử thách, những chuyển biến, tôi đã phần nào xác tín và quyết định cho ơn gọi của mình. Mặc dù phía trước chặng đường tu học còn rất dài, và rất nhiều thử thách.
Đức Giêsu hỏi các môn đệ “còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” Và câu trả lời của thánh Phêrô “thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Và tôi tự hỏi có ý nghĩa gì khi tôi mang trên mình chiếc áo dòng? Là người tu sĩ tiến bước theo Chúa Kitô. Tôi được người ta gọi là “thầy” khi khoát trên mình chiếc áo dòng. Chuyện gì khi tôi ra ngoài không mặc áo dòng mà người ta vẫn biết tôi là tu sĩ?

Lịch sử chiếc áo dòng là chiếc áo lao động. Còn chiếc áo Cà Xa trong nhà Phật, thật ra là những miếng vải rách của người chết được khâu vá lại. Bản chất đời tu vì thế chính là sự khó nghèo, khiêm tốn, từ bỏ và lột xác để gặp gỡ Đấng yêu thương là Đức Kitô.
Sau nhiều năm mang danh là “tu sĩ” của dòng Ngôi Lời. Điều quan trọng nhất cho tôi lúc này chính là sự canh tân những thói hư tật xấu, những ương bướng chai lì của tôi mỗi ngày để giao hòa lại với Thiên Chúa và anh em.
Con chim ưng (nó có thể sống đến 70 tuổi nhưng để sống được như vậy nó phải trãi qua những lần lột xác thật đau đớn). Giữa vòng đời của nó trãi qua nhiều lần tự lột bỏ vỏ móng và cánh một cách đau đớn và đầy dũng cảm, để nó có thể mặc lấy bộ cánh mới và thân xác mới. Tôi cũng được mời gọi loại bỏ đi những gánh nặng của quá khứ, những thói quen xấu, những tập quán xấu làm cho con người tôi ra chai lì, bảo thủ và cứng nhắc qua mỗi lần tĩnh tâm.
Hơn nữa, khi khoát trên mình chiếc áo dòng vào mỗi lúc đi ra giáo xứ, giáo dân hay mỗi lần giới thiệu mình là tu sĩ hay thầy tu đối với tôi cũng là mỗi lần tôi lột xác. Bởi vì tôi luôn đặt ra cho mình câu hỏi “liệu tôi có sống xứng đáng với phẩm phục tu sĩ mà tôi đang khoát trên mình, liệu tôi có sống xứng đáng khi người ta gọi tôi là thầy, liệu tôi có giữ trung thành ba lời khấn?”
Tuy nhiên vì là kho tàng được chứa trong bình sành dễ vỡ (2Cr 4,7). Một bên là sự kỳ vọng của mọi người đối với những ai chọn bậc sống thánh hiến và một bên là tính xác thịt yếu đuối, hai thái cực đối ngược nhau như ánh sáng và bóng tối.
Có nhiều tu sĩ nên thánh; nhưng cũng có nhiều tu sĩ sa ngã vào những tội lỗi luân lý tính dục, thậm chí phạm tội mà pháp luật phải truy cứu. Vì vậy đối với những ai bền đỗ đến cùng thì quả thật đó là hồng ân của Thiên Chúa thương ban cho người ấy.
Sống giữa thế giới thế tục hóa, để sống 3 lời khuyên Phúc Âm, tôi phải vác thập gía của mình theo Chúa hàng ngày, và cầu nguyện thật nhiều như Chúa Giêsu đã dạy “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Căn tính đời tu là khấn giữ ba lời khấn và cầu nguyện chứ không phải là chiếc áo dòng.
Trên thực tế, có nhiều hội dòng không có tu phục. Thế nên, ngạn ngữ tây phương có câu “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”. Ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến không ít những tu sĩ, linh mục gỉa trong bộ trang phục áo dòng, lễ phục để đánh lừa và lợi dụng lòng kính trọng người khác hòng chuộc lợi cho bản thân.
Nhưng sau khi khấn trọn và lãnh chức thánh, tôi đôi khi có khuynh hướng nhác mặc áo dòng. Trong trường hợp này, mặc áo dòng diễn tả sự vâng phục và khiêm nhường khi khoát trên mình chiếc áo dòng. Nếu chầu Thánh Thể mà không bận áo dòng thì có gì đó thiếu chuẩn bị để gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.
Cuối cùng chiếc áo dòng có làm nên đời tu hay không? Thiết nghĩ đời tu hệ tại ở ý hướng và phẩm chất bên trong của người tu sĩ: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục trong khiêm nhường và phục vụ; cùng với một đời sống cầu nguyện liên lỷ hầu lãnh nhận những ân sủng từ Thiên Chúa mà vượt thắng những yếu đuối xác thịt của mình.
Chiếc áo dòng chỉ che dấu sự yếu đuối của thân xác; còn chính ân sủng Thiên Chúa mới giúp tôi kiên vững và bền đỗ trong đời tu. Tôi còn phải cậy dựa, hy vọng vào ân sủng của Chúa nhiều lắm! Ân sủng Ngài có sức mạnh vạn năng mà tôi không thể ngờ đến “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét