16 thg 11, 2013

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 CHÚA NHẬT 33 TN C (Mt 9,23-26)
Deacon Tiền Lê, SVD
 Nhìn lại gương anh dũng của các thánh tử đạo Việt nam để sống chứng tá Tin mừng cách tốt hơn
Trong khoảng hơn một thế kỷ bị các nhà cầm quyền cấm cách, bắt bớ, sát hại; các tín hữu Công giáo Việt nam đã cùng nhau sống chứng tá Tin mừng một cách anh dũng. Các ngài là những hạt giống đã được gieo vào lòng đất và đã mục nát để hạt mầm đức tin của Giáo hội Việt nam không ngừng sinh hoa, kết trái.

Hôm nay cùng với Giáo hội Việt nam chung lời tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những mẫu gương sống đạo anh hùng. Quả thực các ngài đã sống lời mời gọi Đức Giêsu: là từ bỏ chính mình, vác thập giá và liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô (Xc. Lc 9,23-24), vì thế mà giờ này đây các ngài đang được sống và sống một cách viên mãn trong nước trời.
1.             Những hạt giống đức tin
Ngày 19.06.1988 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên phong 117 vị tử đạo Việt nam lên hàng hiển thánh. Khi lần giở lại những trang sử của Giáo hội Việt nam, người ta thấy thời gian cấm đạo gay gắt tương đương với con số 117 vị thánh tử đạo Việt nam. Tức là tính từ khi hai nhân chứng đầu tiên là thánh Phanxicô Tế và Mát thêu Đậu chết vì đạo là năm 1745 cho đến vị cuối cùng phải chết vì đạo, thánh Phêrô Đa là năm 1862 là 117 năm.

Trong số 117 vị thánh tử đạo gồm có các thành phần như sau: 08 Giám mục; 50 linh mục; 14 thầy giảng; 01 chủng sinh và 44 giáo dân. Và chân phước Anrê Phú yên. Tuy nhiên đây chỉ là con số khiêm tốn so với khoảng 130 đến 300.000 người Công giáo đã phải chết vì đạo trong hai thế kỷ 18 và 19. Việc cấm cách và bắt đạo trải qua các thời kỳ từ vua Lê – Chúa Trịnh, Tây Sơn và Triều Nguyễn (bao gồm Thiệu Trị, Tự Đức và Minh mạng).
Các ngài là những hạt mầm đức tin đã được Chúa gieo vào lòng đất Giáo hội Việt nam, trong một giai đoạn hết sức khó khăn và khắc nghiệt, nhưng chính nhờ đó mà Thiên Chúa đã làm cho Giáo hội Việt nam không ngừng được lớn mạnh và phát triển về đời sống đức tin.
2.            Nhìn lại những tấm gương anh dũng
Chúng ta không thể hình dung hết những cực hình mà các vị tử đạo Việt nam đã trải qua, với nhiều hình thức tra tấn dã man, rùng rợn: xử trảm, lăng trì, bá đao, thiêu sống, phanh thây, đánh đập, chết rũ tù, bỏ đói, v.v. Nói chung các nhà cầm quyền và những tay sai của họ đã nghĩ ra muôn vàn cách thức để làm khổ nhục, để giết hại các tín hữu cách man rợ và khủng khiếp.
Tuy nhiên, với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, các ngài đã trở thành những vị anh hùng của Giáo hội Việt nam. Chúng ta cùng nhau nhìn lại đức tin kiên cường của các ngài qua một vài vị thánh gần gủi với chúng ta nhất, để từ đó giúp chúng ta sống chứng tá Tin mừng ngày một tốt hơn.
Gương sống kiên định của thánh nữ Annê Lê Thị Thành (Bà thánh Đê). Thánh Annê Thành sinh năm 1781 tại Bái Đền – Thanh Hóa; chết rũ tù ngày 12 – 7 - 1841 tại Nam Định dưới thời vua Thiệu Trị. Được Đức Piô X phong chân phước vào năm 1909 và được phong thánh cùng 116 vị tử đạo Việt nam khác vào ngày 19 – 6 -1988.
Bà Annê Lê Thị Thành là người phụ nữ đạo hạnh, có gia đình, được 6 người con, 2 trai 4 gái. Ngài là người sống gương mẫu về mọi mặt, luôn chú tâm giáo dục con cái về đời sống đạo đức và thảo hiếu với các bậc sinh thành, tử tế với mọi người, sống bác ái yêu thương tha nhân. Bà yêu mến và quý trọng hết mọi người, nhất là các linh mục truyền giáo và các tu sỹ.
Bà bị bắt vì đã che dấu linh mục Thành, một nhà truyền giáo ở trong nhà mình. Là một người phụ nữ yếu ớt, lúc đầu bà sợ không thể chịu nổi những trận đòn mà lý hình tra tấn đánh đập. Để khuyên dụ bà bỏ đạo, họ đã dùng đủ mọi hình thức, nhưng không lay chuyển được con người kiên định đã quyết một lòng theo Chúa đến cùng.
Có lần sau khi đã dùng mọi cách thuyết phục bà bỏ đạo, không được họ đã đánh đập bà cách dã man, bắt rắn độc bỏ vào người và lôi bà qua thánh giá Chúa Giêsu, bà đã cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin vào Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ đã dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên thập giá Chúa. Xin Chúa hãy tha thứ cho con”.
Con gái bà kể lại, trong một lần tới nhà tù thăm, thấy mẹ thân mình bê bết máu, cô con gái đã khóc vì thương mẹ, bà liền khuyên con: “con hãy về chuyển lời của mẹ bảo đến với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh, xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng”. Cuối cùng, sau những trận đòn giả man của lý hình và bị bệnh kiết lỵ bà đã về nhà Chúa vào ngày 12-7-1841 trong sự thánh thiện tại nhà tù.
Mẫu gương trung thành của người mục tử: thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu. Ngài sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Định, Sài Gòn; bị xử trảm ngày 7.4.1861 tại Mỹ Tho dưới thời vua Tự Đức, được Đức Piô X phong chân phước năm 1909 và cùng với các vị tử đạo khác của Việt nam và Đức Gioan Phao lô II phong thánh năm 1988.
Ngài bị bắt đang khi thi hành công việc mục vụ giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu bị cầm tù. Là một linh mục quản xứ, ngài say mê tận tụy trong công việc coi sóc giáo xứ. Ngài đảm trách nhiều giáo xứ tại Mỹ Tho, ngài luôn tận tâm chăm sóc đoàn chiên. Khi bị bắt, lý hình đã đánh đập, tra tấn ngài cách dã man, bắt ngài quá khóa, bỏ đạo nhưng ngài đã thưa với quan rằng: “đạo đã thấm nhập vào trong xương tủy, tôi làm sao bỏ được.
Vả lại một người giáo hữu thường, một thầy giảng còn không có quyền bỏ đạo huống chi tôi là một đạo trưởng”. Ngài là gương sáng trong ngục tối. Biết không thể lay chuyển được ngài, ngày 7-4-1861 quân lính áp giải ra ngoài cổng thành và chém đầu ngài. Thi hài vị tử đạo được các tín hữu đem về an táng; sau đó hài cốt ngài được đưa về đặt dưới bàn thờ thánh đường chính tòa Mỹ Tho và năm 1960 lại được cải tảng về nhà thờ chính tòa Sài Gòn. 
3.            Thập giá và tử đạo thời nay
Ngày nay việc giữ đạo không còn bị cấm cách, các tín hữu không còn phải trốn chui, trốn lũi chỉ vì tin vào Chúa. Đời sống của người Công giáo có phần tự do hơn. Tuy nhiên, để sống chứng tá Tin mừng một cách đúng nghĩa ở thời đại này lại là một thách đố không nhỏ đối với bất kỳ người kitô hữu nào.
Chúng ta sống thế nào với lời mời gọi của Đức Giêsu “Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác thánh giá mình hằng ngày mà theo”. Và “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sồng mình vì tôi thì sẽ cứu được sự sống ấy”
Từ bỏ: có thể nói đây là thời đại mà tự do cá nhân lên ngôi. Người ta được quyền nhân danh sự tự do của con người để làm bất cứ thứ gì họ muốn. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn việc chu toàn bổn phận người kitô hữu và cũng có thể từ chối sống niềm tin với Chúa, bổn phận với gia đình, với xứ đạo để chạy theo những đam mê trần thế khác.
Thập giá thời nay: Lời mời gọi vác thập giá của Đức Giêsu vẫn còn đó. Thập giá của chúng ta là những bổn phận, sứ mạng trách nhiệm đã lãnh nhận trong gia đình, nơi giáo xứ và ngoài xã hội. Trong thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy, có những điều tưởng nhỏ nhặt, đơn giản, nhưng lại cần một sự can đảm, một nhân đức anh hùng mới có thể thực hiện được. Nên thánh là sống lời mời gọi trở nên phi thường trong những việc tầm thường.
Chúng ta phải chết đi mỗi ngày cho những ý riêng, những tính toán ích kỷ không phù hợp với luật yêu thương của Chúa. Như thế ta đang thực hành lời của Đức Giêsu là: “liều mất mạng sống mình, để cứu được sự sống ấy”. Đó cũng chính là chúng ta đang sống chứng nhân theo gương của các thánh tử đạo Việt nam vậy. Amen.
<


  

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét