30 thg 11, 2013

Luôn Sẵn Sàng

CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG A
Deacon Tiền Lê, SVD
Ngày 9 tháng 11 năm 2013 vừa qua siêu bão Haiyan (hải yến) đã đổ bộ vào Philippine với sức tàn phá kinh hoàng nhất trong lịch sử nước này. Cả thế giới phải bàng hoàng trước hậu quả nặng nề do bão Haiyan gây ra. Có tới 6.200 người chết và hơn 1.600 người mất tích, có khoảng hơn 11 triệu người bị ảnh hưởng hậu quả của bão, có đến hàng ngàn ngôi nhà bị tàn phá, hàng chục thành phố bị phá hủy, như Tp. Tecloban gần như bình địa tan hoang.

Sau khi siêu bão Haiyan đi qua, để lại một cảnh tượng hết sức tang thương, dư luận quốc tế cho rằng: nguyên do sâu xa là do chính phủ và người dân Philippine không sẵn sàng để đối phó với một cơn bão với sức tàn phá kinh khủng như vậy, nên đã dẫn tới hậu quả nặng nề. Tổng mức thiệt hại vật chất do siêu bão Haiyan gây ra cho người Philippine lên đến gần 15 tỉ USD.
1.         Tất cả đều bất ngờ
Qua sự kiện trên chúng ta liên tưởng tới biến cố được nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Khi mà mọi thứ đang diễn ra theo nhịp sống bình thường: “Thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (mt 24,38), thì biến cố hồng thủy ập đến. Tất cả đều bị hủy diệt, chỉ trừ một mình Nôê và gia đình ông. Phải chăng vì họ cũng như những người Philippine, mất cảnh giác, không sẵn sàng nên dẫn đến hệ lụy là tất cả đều bị hủy diệt.

Biến cố Hồng thủy gợi lên vài suy nghĩ về những điều bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Thiên Chúa sẽ đến bất ngờ, như khi hồng thủy ập tới; hai người đang làm ruộng thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà đang xay chung một cối bột, một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại và bất ngờ đến độ như tên kẻ trộm tới nhà ông chủ kia (Xc Mt 24,40-43). Trong bối cảnh như thế thì điều bất chợt đã đến với họ, họ không kịp trở tay. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một kẻ cơ hội, chỉ rình rập chờ khi con người lơ đãng để ra tay trừng phạt, đánh lén. Như thế thì làm sao cắt nghĩa được một Thiên Chúa tình yêu và luôn tôn trọng tự do của con người? Điều bất ngờ là khi chúng ta quên lãng, hay đang bận bịu với những lo toan của cuộc đời thì Thiên Chúa vẫn có đó, đang hiện diện giữa chúng ta.   
2.         Phải sẵn sàng đúng cách
Chúng ta không chờ đợi sự tái ngộ của một Đức Giêsu lịch sử, vì đó chỉ là sự chuẩn bị cho việc kỷ niệm một biến cố đã qua, ngày ấy cách đây hơn hai mươi thế kỷ Con Thiên Chúa đã giáng thế làm người. Nhưng, chúng ta đang trông chờ vị cứu tinh ấy sẽ đến trong tâm hồn, cuộc đời của mỗi chúng ta thông qua việc kỷ niệm biến cố ấy. Hơn thế nữa, xuyên qua sự kiện lịch sử của ngày Giáng sinh năm xưa, để chúng ta hướng về ngày mà chính Người Con Một ấy sẽ lại đến trong vinh quang của Ngài.
 Ngài sẽ đến trong tinh thần và chân lý. Vì thế, việc chuẩn bị tâm hồn và canh tân cuộc sống là cần thiết đối với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không xuất hiện như một vị thượng khách, hay một nguyên thủ quốc gia để chúng ta phải chuẩn bị cờ lộng, trống kèn. Cũng vậy, sự lộng lẫy, uy nghiệm, hoành tráng bề ngoài của ngày Chúa đến, thực sự không đem lại ý nghĩa gì khi cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta không được biến đổi và canh tân. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị bằng cách nào? 
Thánh Phaolô trong thư gửi gửi giáo đoàn Rôma mà chúng ta vừa nghe đã nói về sự sẵn sàng: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày. Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Hãy mặc lấy Chúa Kitô và đừng chiều theo tính xác thịt” (Rm 13,12-14).
Giả sử bây giờ Chúa mời gọi chúng ta về với Ngài, thì chúng ta sẽ làm gì? Có người bảo con sẽ đi xưng tội, điều đó tốt; người khác nói: con sẽ đi vào nhà thờ đọc kinh, xem lễ sốt sắng, điều đó rất phải, kẻ khác nữa lại nói: con sẽ làm phúc bố thí, để thực hành lời Chúa dạy, điều đó có lý lắm, còn con sẽ quỳ gối ăn năn tội để chuẩn bị dọn mình về với Chúa, v.v. Tất cả đều rất tốt, bởi đó là những điều rất phù hợp với bổn phận của một kitô hữu. Nhưng, như thế là ta chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng, vì đến lúc này ta mới chuẩn bị.
Chuyện về thánh Đaminh Saviô. Một hôm cha Gioan Boscô thấy cậu Đaminh đang chơi giữa sân với các bạn liền gọi lại và hỏi: “Nếu khoảng 15 phút nữa Chúa gọi con thì sao? Đaminh trả lời: con vẫn tiếp tục chơi”. Trong khi các bạn, người thì bảo con vào nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện, xưng tội, dọn mình, v.v. Sở dĩ Đaminh Xaviô trả lời được như thế là bởi ngài luôn ở trong tư thế sẵn sàng một cách đúng nghĩa. Đó là bài học quý giá về việc thực hành lời mời gọi của Chúa hôm nay cho mỗi người chúng ta: hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì việc Chúa đến sẽ rất bất ngờ.
·                 Ý thức lại sự sẵn sàng
-                  Chúng ta thường bị cám dỗ, giờ đang khỏe mạnh nên chưa có vấn đề gì. Hơn nữa còn nhiều việc phải lo, cơm áo, gạo tiền, xe cộ, nhà cửa, sự nghiệp, công danh, tình yêu, v.v. Đó là những điều thiết yếu của cuộc sống chúng ta phải tính toán và nỗ lực. Nhưng là người kitô hữu chúng ta còn được mời gọi để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Ngài sẽ đến bất ngờ nên chúng ta phải luôn sẵn sàng để được cứu thoát.
-                  Hình ảnh con tàu năm xưa đã cứu vớt gia đình ông Nôê khỏi kiếp nạn hồng thủy thế nào thì ngày nay Thiên Chúa cũng đang tha thiết mời gọi chúng ta bước vào trong con thuyền của Giáo hội qua việc siêng năng lãnh nhận các bí tích và ân sủng của Ngài để đạt tới ơn cứu độ như vậy.
-                  Mùa vọng khởi đầu cho chuỗi ngày trông chờ ơn cứu độ đến với mỗi người chúng ta. Khi nào sự xuất hiện bất chợt của Chúa không còn là nỗi sợ hãi thì lúc đó chúng ta đang ở trong tình trạng ân nghĩa của Ngài. Nếu quả thực ngay trong giờ phút này chúng ta còn lo lắng run sợ về ngày chúa đến, thì chúng ta đang thất bại trong việc chuẩn bị và còn thiếu tinh thần sẵn sàng. §



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét