7 thg 12, 2013

SÁM HỐI ĐỂ ĐỔI ĐỜI

Deacon Thanh Thịnh, SVD
Nhìn lại trong cuộc đời của mỗi người, ít nhiều chúng ta cũng thấy có những dòng nước mắt. Nước mắt của cảnh chết chóc và chia ly; nước mắt của niềm hạnh phúc trong ngày đoàn tụ bao năm xa cách. Tất cả những giọt nước mắt ấy chợt đến rồi cũng chợt đi, theo dĩ vãng của thời gian. Chỉ có giọt nước mắt của lòng sám hối chân thành mới làm cho con người ta biến đổi. Bởi vì, lòng sám hối chân thành sẽ khép lại quá khứ, để mở ra tương lai. Lòng sám hối chân thành sẽ rửa sạch tội lỗi, để lộ ra ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy, sám hối chân thành là điều mà con muốn chia sẻ với cộng đoàn trong Thánh lễ Chúa nhật II Mùa Vọng hôm nay.

Trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, Gioan Tẩy Giả đã khơi lên dòng nước mắt của lòng sám hối, khi ngài kêu gọi: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Có thể nói được rằng, sám hối là việc làm hết sức cần thiết để chúng ta được biến đổi. Chính vì thế mà Giáo hội luôn bắt đầu các mùa Phụng vụ trong năm bằng nghi thức sám hối.   Thử nhìn lại ta thấy, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh bắt đầu như thế nào? Bắt đầu bằng việc Giáo hội cho chúng ta nghe một loạt các bài đọc Lời Chúa nói về Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa. Ông Gioan Tẩy Giả nói gì? “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Thung lũng hãy lấp cho đầy, núi đồi hãy bạt cho phẳng, đường quanh co hãy uốn cho ngay. Thế đấy thưa ông bà anh chị em. Bắt đầu Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh là lời của Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy sám hối vì Nước Trời sắp đến rồi.
Bắt đầu Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, có một nghi thức sám hối cực kỳ long trọng. Đó là nghi thức gì? Xin thưa, đó là nghi thức xức tro. Thứ tư Lễ Tro là bắt đầu Mùa Chay. Linh mục lập lại lời của Chúa Giêsu, khi ngài xức tro trên đầu chúng ta và nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).

Bắt đầu Mùa Thường Niên bằng Chúa nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Trong Chúa nhật đó chúng ta sẽ nghe bài Tin mừng nói về việc Chúa Giêsu để cho Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa ở sông Giođan. Mặc dù Đức Giêsu là Chúa, Chúa thì làm sao có tội, nhưng bởi vì Ngài chấp nhận mang thân phận con người như chúng ta, cho nên Ngài để cho Gioan Tẩy Giả làm phép Thanh Tẩy, làm Phép Rửa sám hối ở sông Giođan để nêu gương cho chúng ta về lòng sám hối.
Và rất gần gũi với chúng ta là Thánh lễ. Bắt đầu Thánh lễ là nghi thức gì? Có ai để ý lúc nãy bắt đầu Thánh lễ chúng ta có nghi thức gì không? Bắt đầu Thánh lễ là nghi thức sám hối. “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng: lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót”. Nói cách khác, tâm tình sám hối là tâm tình căn bản nhất của tất cả mọi tâm tình Phụng vụ.
Trong Phụng vụ chúng ta có những tâm tình gì? Chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn, xin ơn, và sám hối. Nhưng sám hối là tâm tình quang trọng nhất, căn bản nhất. Chúng ta có sám hối, thì lời chúc tụng, ngợi khen của chúng ta mới có ý nghĩa. Chúng ta có sám hối, thì lời tạ ơn của chúng ta mới có giá trị. Và chúng ta có sám hối, thì lời xin ơn của chúng ta mới được Chúa nhậm lời. Chính vì thế mà tâm tình sám hối là tâm tình căn bản nhất của tất cả mọi tâm tình Phụng vụ.
Vậy, sám hối là thế nào? Có thể nói, lòng sám hối đích thực đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một thái độ dứt khoát, không chần chừ, không do dự. Vì “cái rìu đã đặt sẵn dưới gốc cây, nếu không sinh trái sẽ bị chặt đi”. Chúng ta không thể đánh lừa Thiên Chúa bằng cách bày tỏ lòng ăn năn sám hối cho qua chuyện, hay vì áp lực nào đó mà chúng ta tỏ vẻ sám hối chứ không có thực tâm, để rồi vẫn chứng nào tật ấy, không có gì thay đổi, thì đó không phải là sám hối thật sự.
Thế thì ta phải sám hối thế nào đây? Chúng ta phải nhìn nhận những sai trái mà mình đã gây ra, đã làm ảnh hưởng, làm thiệt hại đến gia đình của mình, đến những người xung quanh. Nhận ra những sai lỗi đó để rồi chúng ta sửa đổi. Yếu tố can đảm, dám nhận mình có lỗi để sửa sai là một trong những yếu tố quyết định để thăng tiến bản thân. Nếu không dám nhận lỗi và không đủ can đảm để sửa lỗi, thì khó mà chúng ta tiến bộ được. Đời sống gia đình, đời tu hay bất cứ bậc sống nào đi nữa cũng cần phải sám hối mỗi ngày. Vì sao? Bởi vì tất cả chúng ta là những người trần mắt thịt mà, đâu ai là thánh sống đâu, thế nên ít nhiều chúng ta đều là những tội nhân trước mặt Chúa, đôi khi làm mích lòng người này người nọ, và thậm chí là có lỗi với chính bản thân nữa. Chính vì thế mà chúng ta cần phải đấm ngực sám hối mỗi ngày.
Chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống của mình trước nhan Chúa, để xem còn những điều gì ngăn cản, không cho Chúa đến trong cuộc đời của mình? Mùa Vọng là cơ hội thuận tiện, là mùa của lòng ăn năn sám hối, thay đổi cuộc sống để trở nên tốt hơn, và hân hoan đón Chúa đến với chúng ta trong ngày đại lễ Giáng Sinh sắp đến. Amen.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét