22 thg 3, 2014

CUỘC GẶP GỠ VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU BÊN BỜ GIẾNG GIA-CÓP (P1)



Deacon Duy Thạch,SVD

Dẫn nhập

Ga 4,4-43 tường thuật lại những cuộc đối thoại của Đức Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri và nhiều người Sa-ma-ri trên chính vùng đất của họ. Đây là câu chuyện chỉ có trong Tin Mừng thứ tư. Nếu như trong Tin Mừng Mát-thêu Đức Giê-su căn dặn các môn đệ là “tốt hơn nên đến với chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,5-6) thì trong Tin Mừng thứ tư Đức Giê-su lại đích thân đến vùng Sa-ma-ri, bỏ qua mọi cấm kỵ để trò chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri.

Trong đoạn văn có ít nhất hai cuộc đối thoại. Trong đó, có một cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri về ba đề tài  khác nhau: về “nước sự sống”, về “những đời chồng” và “về nơi thờ phượng” và một cuộc đối thoại với các môn đệ về “lương thực đích thực” và “phận vụ của các môn đệ”. Điều đó có nghĩa là trong đoạn văn này, Đức Giê-su dùng đa phần thời gian cho cuộc nói chuyện với Người phụ nữ Sa-ma-ri. Người không những trò chuyện với những Người Sa-ma-ri mà còn lưu lại vùng đất của họ đến hai ngày trước khi trở về Ga-li-lê. Đề tài của cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và Người phụ nữ không giống nhau. Có sự biến chuyển đề tài liên tục: từ chủ đề “nước hằng sống”, đến “những đời chồng” và rồi đến “nơi thờ phượng đích thực”. Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và các môn đệ lại biến chuyển từ chủ đề “lương thực” cho đến “đồng lúa chín vàng” và “mùa gặt”.

Vậy, tại sao Đức Giê-su lại phải đến miền Sa-ma-ri? Người cần gì khi  phải vượt lên những điều cấm kỵ để nói chuyện lâu giờ với một người phụ nữ Sa-ma-ri? Đâu là ý nghĩa sâu xa của cuộc đối thoại với nhiều đề tài khác nhau ấy? Cuộc đối thoại của Người với các môn đệ có ý nghĩa gì? Và qua những cuộc đối thoại này tác giả muốn nói gì với các độc giả thế kỷ thứ nhất và các độc giả qua mọi thời đại? Đó là những vấn nạn được đặt ra mà bài nghiên cứu sau đây sẽ giúp trả lời phần nào những vấn nạn ấy.
I.         THẦY PHẢI ĐẾN SA-MA-RI
1.         Tại sao Đức Giê-su phải đến Sa-mari
Trong câu 4, người thuật chuyện diễn tả rằng: “Nhưng Người phải băng qua Samari”. Trong tiếng Hy-lạp động từ “dei” (impersonal verb) ở thì vị hoàn, diễn tả một hành động cần thiết theo bổn phận phải làm. Chính vì thế mà tác giả E. Brown đã giải thích rằng: đây không phải là một sự cần thiết về mặt địa lý bởi vì dẫu rằng con đường chính để đi từ Giu-đê lên Ga-li-lê là băng qua Sa-ma-ri. Nếu Đức Giê-su đang ở thung lũng Gio-đan (3,22) thì Người có thể đi qua rãnh núi Beth-shan để lên Ga-li-lê một cách dễ dàng mà không cần đi qua Sa-ma-ri.[i] Lối giải thích này xem ra phù hợp khi kết hợp với liên từ “nhưng” (dei) ở trong câu.[ii] Mạch văn không có gì trái ngược với câu trước để dùng liên từ nhưng ở đây. Tuy nhiên, có lẽ người thuật chuyện muốn diễn tả sự cần thiết về mặt thần học của việc Đức Giê-su đi qua Sa-ma-ri với ngụ ý rằng: Người sẽ đi Ga-li-lê nhưng trước khi đi Ga-li-lê Người buộc mình phải băng qua Sa-ma-ri. Người đi qua đó không phải vì không có con đường nào khác, cũng không phải đường này dễ đi hơn các đường khác nhưng Ngài có một nhiệm vụ lớn lao, cần thiết, nhất quyết phải thi hành tại vùng này. Đó có thể được xem như một sự cố tình có chủ ý của Đức Giê-su chứ không đơn thuần chỉ là một đoạn đường trong một lộ trình về Ga-li-lê. Tác giả F.J. Moloney cũng cho rằng động lực làm cho Đức Giê-su chọn lộ trình đi qua Sa-ma-ri là một sự thúc ép để Người thực hiện câu chuyện của mình. Đó là một sự cần thiết mang tính thần linh. Người phải đến với thế giới bên ngoài dân Ít-ra-en.[iii] Khi chú giải câu văn này tác giả William Barlay chỉ đơn giản cho rằng sở dĩ Đức Giê-su phải băng qua Sa-ma-ri để đi đến Ga-li-lê vì đó là con đường ngắn nhất.[iv] Luận cứ này xem ra không phù hợp lắm vì những gì xảy ra sau đó cho phép chúng ta hiểu ý định “băng qua Sa-ma-ri” của Đức Giê-su có một ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Hơn nữa, cũng nên chú ý rằng trong Tin Mừng thứ tư động từ dei (phải) được sử dụng trên dưới 10 lần (3,7.14.30; 4,4.20.24; 9,4; 10,16; 12,34; và 20, 9). Riêng trong chương 4 động từ này xuất hiện 3 lần và điều đặc biệt là động từ này thường diễn tả ý muốn hay kế hoạch của Thiên Chúa.
Như vậy, qua những phân tích trên có thể kết luận là việc Đức Giê-su phải băng qua Sa-ma-ri phải được hiểu theo chiều hướng thần học của bản văn: Đức Giê-su thấy cần thiết phải băng qua vùng Sa-ma-ri vì Ngài cũng có sứ vụ phải thi hành tại nơi này. Đó có thể được xem như một kế hoạch một niềm ước mong và một bổn phận được trù bị trước chứ không phải là việc tình cờ hay là một lộ trình chỉ mang nghĩa địa lý mà thôi.
2.         Ý nghĩa các địa danh: Sa-ma-ri, Sy-kha, và giếng Gia-cóp
Trong đoạn Tin Mừng này danh từ địa danh Sa-ma-ri được nhắc đến 2 lần. Sa-ma-ri vốn là vùng đất thuộc vương quốc phía Bắc, Ít-ra-en, sụp đổ năm 721. Mối quan hệ giữa người Sa-ma-ri và người Do thái vốn không tốt. Người Do thái xem người Sa-ma-ri là dân ngoại lai và ngoại đạo. Sau thời kỳ lưu đày, người Do Thái xây lại đền th Giê-ru-sa-lem nhưng nhất quyết không đón nhận đóng góp của người Sa-ma-ri. Mối tương quan giữa người Do thái và Sa-ma-ri ngày càng xấu đi cho đến khoảng thế kỷ thứ IV khi người Sa-ma-ri xây đền thờ trên núi Garizim và cuối thế kỷ II đền thờ này bị Gio-an Hycarnus, lãnh đạo của Giu-đa phá hủy, thì chia rẽ diễn ra hoàn toàn.[v] Như vậy, trên bình diện thực tế lịch sử, người Do thái và người Sa-ma-ri vốn có một mối hiềm khích rất lớn. Người Do thái không muốn qua lại vùng Sa-ma-ri. Trong Tin Mừng thứ tư có một chỗ người Do thái gọi Đức Giê-su là người Sa-ma-ri: “Chẳng đúng sao khi chúng tôi nói rằng Ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ m?” (8,48). Đây quả là một lời nhục mạ khinh bỉ nhắm vào Đức Gi-su.[vi] Như thế, trên bình diện thần học vùng Sa-ma-ri quả là một vùng rất cần sự thăm viếng của Đức Gi-su.
Giáo phụ Giê-rô-ni-mô đồng hóa Sy-kha với Sy-khem bởi vì không có một dấu tích nào trong vùng Sa-ma-ri có tên là Sy-kha. Sau này, tác giả E.Brown cũng đồng ý với quan điểm ấy và lý giải như sau: sở dĩ viết là Sy-kha có lẽ là do một sự sai sót về cách phát âm dưới sự ảnh hưởng của âm “ar” trong chữ Samaria. Hơn nữa, nếu Sy-kha trùng với Sy-khem thì mọi thứ đều trùng khớp bởi vì giếng Gia-cóp cách Sy-khem chỉ khoảng 100m (250 ft.).[vii] Sy-kha là địa danh quan trọng vì nó nằm gần với thửa đất mà tổ phụ Gia-cóp đã cho con mình là Giu-se. Điều này được nói đến trong sách Sáng thế: “Còn cha, cha cho con thêm một phần hơn các anh em con, là thành Si-khem cha đã dùng gươm và cung của cha mà chiếm được từ tay người E-mô-ri"(St 48,22). Chính vì thế mà sau này con cái Ít-ra-en chôn xác tổ phụ Giu-se nơi đây: “Hài cốt ông Giu-se mà con cái Ít-ra-en đã đem lên từ Ai-cập, thì được chôn cất ở Si-khem” (Gs 24,32).
Như vậy, những chi tiết liên quan đến địa danh Sy-kha cho thấy địa danh này thật là ý nghĩa. Địa danh này gắn liền với hai tổ phụ của dân Ít-ra-en nhưng nay lại nằm trong vùng Sa-ma-ri, một vùng đất mà dân Ít-ra-en không muốn lui tới nữa. Điều này cũng ngụ ý một sự chia cắt trong cõi lòng con người rất cần được hàn gắn. Hơn nữa, địa danh cụ thể trong trình thuật này cho thấy trình thuật này không phải là một chuyện giả tưởng. Tác giả đặt câu chuyện trong một địa danh cụ thể mà ông biết rất rõ địa hình, địa vật.

Sau khi đã giới thiệu về những địa danh của vùng sẽ diễn ra câu chuyện, tác giả đã dẫn người đọc vào một địa điểm cụ thể hơn: bên bờ giếng Gia-cóp. Chính nơi đây mới là không gian chính diễn ra phần lớn câu chuyện. Cựu Ước không đề cập đến giếng Gia-cóp nhưng chỉ nói đến khoảng thời gian tổ phụ Gia-cóp và gia đình sinh sống ơ Si-khem (St 33, 18 – 34, 31). Tuy nhiên, việc ấy không quan trọng cho bằng đặc tính thần học quan trọng của giếng nước. Thực vậy Kinh Thánh nhiều lần ghi lại nhiều trình thuật về các tổ phụ gắn liền với bờ giếng (St 24,11; 29,2; Xh 2,15). Trong đTin Möng thứ tư từ giếng (phgh.) được nhắc đến 5 lần và đều nằm trong đoạn văn này (4, 6a.6b.11.12a.12b). Nước (u[dwr) được nhắc đến 34 lần trong Tin Mừng thứ tư và riêng trong đoạn văn này tác giả dùng đến 7 lần (4,7.9.13.14a.14b.14c.15). Nước trong Tin Mừng Thứ Tư, và cách riêng trong đoạn văn này, không đơn thuần chỉ là thức uống giúp đáp ứng những nhu cầu của con người về phần xác nhưng còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn nữa.
II.       NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI NGÔN SỨ
Khởi đầu từ một cảm xúc bình thường của một khách bộ hành, “vất vả vì đi đường nên ngồi xuống bờ giếng”(4,6), Đức Giê-su đã ngõ lời “nói với” người phụ nữ:  cho tôi uống với”(4,7). Động từ “nói” được sử dụng 25 lần trong đoạn văn này. Điều này cho thấy một môi trường đối thoại cởi mở được diễn ra giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri. Điều đặc biệt ở đây là chính Đức Giê-su là người mở lời trước. Điều này xem ra phù hợp với ý nghĩa câu 4,4: “Người phải băng qua Sa-ma-ri”. Người phải gặp người Sa-ma-ri và phải mở lời đối thoại với họ.[viii] Cuộc đối thoại của Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri xoay quanh ba chủ đề: (1) Về nước hằng sống; (2) về những đời chồng; (3) về sự thờ phượng đích thực. Phần sau sẽ phân tích từng chủ đề của cuộc đối thoại để tìm ra ý nghĩa của cuộc đối thoại.
a.         Cơn khát vào “giờ thứ sáu”
Câu chuyện diễn ra trong thời điểm “khoảng giờ thứ sáu” (4,6). Đây là thời gian rất đặc biệt trong Tin Mừng thứ tư. Thuật ngữ “khoảng giờ thứ sáu” chỉ xuất hiện đúng hai lần trong Tin Mừng thứ tư (4,6; 19,14). Giờ thứ sáu là mười hai giờ trưa. Về phía Đức Giê-su: Đây là khoảng thời gian mà Phi-la-tô quyết định việc đóng đinh Đức Giê-su vào Thập Giá và trên thập giá Người đã kêu lên rằng: “Tôi khát” (19,28). Về phía người phụ nữ: đây là khoảng thời gian rất bất thường cho công việc kín nước vì người ta thường làm công việc này vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Cuộc đối thoại được Đức Giê-su mở đầu:Cho tôi uống với. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su cũng bày tỏ sự khác ở một nơi khác: “ta khát” (diyw/) (19,28). Tuy nhiên, động từ “khát” không chỉ có nghĩa đen mà còn mang nghĩa biểu tượng. Việc Đức Giê-su yêu cầu: Cho tôi uống với” hẳn phải có một ý nghĩa sâu xa khác. Đức Giê-su yêu cầu như vậy không đơn thuần để làm dịu cơn khát thể lý nhưng vì tình yêu thúc ép Người mang ơn cứu độ cho muôn người, để rồi khi chịu treo trên thập giá Người lại nói: “Ta khát” (19,28).[ix]
b.         Người Do thái lại xin người Samari nước uống
Người phụ nữ Sa-ma-ri đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì hai lý do mà chính Chị cũng nhận thức rõ: “một người Do Thái” xin “một phụ nữ Sa-ma-ri” (4,9). Trong câu nói của người phụ nữ vừa ẩn chứa sự ngạc nhiên, vừa mang một chút châm biếm nào đó. Đây là lần duy nhất trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su được gọi là người Do Thái. Danh từ người Do thái  được áp dụng cho Đức Giê-su và người Do Thái ở 4,22 có thể là cùng một nghĩa: đó là một người gốc dân tộc Do Thái, khác với người gốc Sa-ma-ri. Nên biết rằng trong Tin Mừng thứ tư còn nhắc đến cụm từ “những người Do Thái” (7,1-7) với một ý nghĩa khác. Đó là những kẻ thù ghét và chống đối Đức Giê-su, tìm giết Người và  bắt bớ cộng đoàn người tin vào thế kỷ thứ I.[x]
c.         Nước sự sống là gì?
Câu chuyện đột ngột chuyển hướng hết sức lạ lùng khi Đức Giê-su không trả lời câu hỏi của người phụ nữ nhưng bất ngờ nhắc đến “ân huệ của Thiên Chúa”, “ai là người nói” và “nước sự sống”.  Đây có thể được xem như là câu văn nền tảng, đặt vấn đề cho toàn bộ đoạn văn 4,4-42. Đức Giê-su từ một người “xin được uống” bỗng nhiên trở thành người có thể ban “nước sự sống”. Trong câu trích dẫn lời của Đức Giê-su (4,10) động từ “biết” ở mệnh đề điều kiện chia ở thể chủ động, lối trình bày, thì quá khứ hoàn thành và động từ “xin” ở mệnh đề chính chia ở thể chủ động, lối trình bày thì aorist. Điều này chứng tỏ rằng người phụ nữ Sa-ma-ri không đã không biết ân huệ của Thiên Chúa và đã không xin nên chưa được ban “nước sự sống”. Cụm từ “nước sự sống” trong mạch văn có thể hiểu là “ân huệ của Thiên Chúa”. Cụm từ này chỉ xuất hiện ba lần trong Tân Ước và chỉ chỉ trong Tin Mừng thứ tư (4,10.11; 7,38). Tác giả đồng hóa “nước sự sống” trong 7,38 với Thần Khí: “điều đó Người nói về Thần Khí” (7,39). Như thế, “nước sự sống” mà Đức Giê-su muốn nói ở đây có thể là Thần Khí. Các học giả đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Tuy nhiên, “nước sự sống” ám chỉ đến Thần Khí được nhiều tác giả đồng thuận nhất.
d.         Người phụ nữ hiểu lầm
Câu hỏi tiếp theo của người phụ nữ Sa-ma-ri cho thấy chị đã không hiểu hay là đã hiểu lầm ý của Đức Giê-su: “Thưa Ong, Ong không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy, Ong có nước sự sống từ đâu?”. Hiểu lầm là một trong những kỹ thuật hành văn khá độc đáo của tác giả Tin Mừng thứ tư. Trước đó trong cuộc đối thoại về việc tái sinh (3,1-21), Ni-cô-đê-mô cũng đã từng hiểu lầm ý Đức Giê-su. Đức Giê-su nói “nếu không được sinh ra một lần nữa” thì Ni-cô-đê-mô lại hỏi: “làm sao một kẻ lại được sinh ra khi đã già? Chẳng lẽ có thể trở vào lòng mẹ mình lần thứ hai để được sinh ra sao?”. Đây là kiểu hành văn dị nghĩa, gây hiểu lầm, thắc mắc. Qua đó làm lộ ra tư cách mạc khải của Đức Giê-su.[xi] Nhân vật trong câu chuyện hiểu lầm, hiểu sai để cho chính độc giả hiểu đúng và nhận ra chân lý.
e.         Từ người Do thái xa lạ trở nên “quý Ông” (quý Ngài)
Cụm từ “thưa Ngài” hay “thưa Ong” được Người phụ nữ sử dụng cho thấy sự tiến triển trong cách nhìn của Chị đối với Đức Giê-su. Chị đã tỏ ra tôn trọng Người hơn và đây là bước đầu tiên cho việc nhìn nhận tính cách Mê-si-a của Người sau này.[xii] Trước đó, Chị gọi Đức Giê-su là “Người Do thái” có vẻ xa lạ, một chút kỳ thị và mỉa mai. Chị không những tỏ ra tôn trọng Đức Giê-su mà bắt đầu quan tâm đến “nước sự sống” mà Người đề cập dẫu rằng Chị vẫn chưa hiểu rõ về “nước sự sống” ấy, bằng chứng là Chị đề cập đến việc giếng sâu mà Đức Giê-su lại không có gàu. Có một điều khá đặc biệt ở đây là giờ đây mối  quan tâm của người phụ nữ không dừng lại ở “nước sự sống” nhưng là chủ thể ban nước sự sống: la “người đã nói với Chị: ‘cho tôi uống với’”. Có điều Chị vẫn chưa biết “người đang nói với chị” là ai.
f.          Khác biệt của nước sự sống và nước giếng Gia-cóp
Cụm từ “Tôi sẽ ban” xuất hiện hai lần (4,14a.14b) trong đó một lần được dùng với đại từ tôi có tác dụng nhấn mạnh. Chủ thể ban “nước sự sống” chính là Đức Giê-su và đặc trưng của “nước sự sống” là: ai uống “đời đời sẽ không khát” và trong người ấy sẽ có “mạch nước vọt lên sự sống đời đời”. Cụm từ “nơi người ấy một mạch nước” nhằm phân biệt với giếng Gia-cóp, tức nguồn mạch chỉ thỏa mãn sự cơn khát tạm thời và phải khơi thông mỗi ngày. Ngược lại “nước sự sống” sẽ tồn hữu bên trong người tin và trở thành một giếng nước. “Mạch nước vọt lên” là lối diễn đạt vừa gợi hứng vừa tươi mới. Đức Giê-su hứa ban một giếng nước chảy tràn, vọt lên và phun trào bên trong người tin.[xiii] Mạch nước này khác với giếng mà người phụ nữ nói đến ở 4,11.12. Cụm từ “sự sống đời đời” xuất hiện ít nhất 11 lần trong Tin Mừng thứ tư (3,36;4,14;5,24.39;6,47.68;10,28; 12,25.50; 17,2.3). Đây không chỉ là lời hứa về sự sống sau khi chết nhưng là cuộc sống tròn đầy bắt nguồn ngay từ bây giờ.[xiv] Người phụ nữ lúc này đã dần dần bị Đức Giê-su thuyết phục. Tình thế đã đảo ngược, lúc này không phải Đức Giê-su xin “cho tôi uống với” nhưng là Người phụ nữ “xin cho tôi thứ nước ấy”. Tuy nhiên, Chị vẫn chưa thực sự hiểu “nước sự sống” là gì và “Đức Giê-su là ai. Cần phải có thêm những trao đổi và chính Đức Giê-su đã đổi đề tài.    

a.         “Tôi không có chồng”

“Chị hãy đi gọi chồng Chị, rồi trở lại đây”(4,16). Trước câu mệnh lệnh của Đức Giê-su, Chị đã đáp trả một cách thẳng thắn, không tránh né: “Tôi không có chồng” (4,17a) và Đức Giê-su cũng đã xác nhận lời ấy là đúng đến hai lần: “Chị nói: ‘tôi không có chồng là phải’” (4,17b) và “điều này Chị đã nói đúng” (4,18). Đức Giê-su lý giải cho tính chân thật trong câu trả lời của Chị bằng lý chứng là “Chị có năm đời chồng, và người mà chị có hiện nay không phải là chồng của chị” (4,18). Con số năm có thể là một số biểu trưng cho năm vị thần của người Sa-ma-ri hoặc bộ Ngũ Thư của họ.[xv] Câu chuyện về các đời chồng là cả một ký ức về quá khứ bất ổn của Người phụ nữ. Chính Chị biết rõ điều ấy và giờ đây chính Đức Giê-su cũng biết rõ điều ấy. Việc nhìn nhận quá khứ khó khăn của Chị là cơ may để Chị nhận ra Đức Giê-su là ai, khởi đầu cho một cuộc hoán cải thật sự. J. Moloney cho rằng không cần thiết phải hiểu “năm đời chồng” theo nghĩa biểu tượng. Tiêu điểm là năng lực biết những bí mật cuộc sống riêng tư của người phụ nữ. Việc Người nói sẽ ban “nước sự sống” nằm ngoài hiểu biết của Chị nhưng khi một người nói cho Chị về những bí mật của cuộc đời Chị hẳn buộc Chị phải chú ý (There is no need to read the five husbands simbolically. The focus is on Jesus’s power to know the secrets of her intimate life… His claim to give living water was beyond her grasp, but a person who tells her about the secrets of her life commmand her attention).[xvi] Và thật sự Chị đã chú ý đến con người Đức Giê-su.

b.         Từ quý ông đến “một ngôn sứ”

“Thưa ông, tôi thấy rằng chính ông là một ngôn sứ”. Trong Tin Mừng thứ tư danh xưng “ngôn sứ” được dành cho Đức Giê-su đến 6 lần (4,19.44; 6,14; 7,40.52; 9,17). Giờ đây, Chị ta đã tập trung vào con người Đức Giê-su- “người nói với Chị: ‘cho tôi uống với’” - chứ không đơn thuần chỉ là nước nữa. Người Sa-ma-ri không chấp nhận các Sách ngôn sứ. Vì thế, “ngôn sứ” mà Chị ta muốn nói ở đây hẳn là “ngôn sứ” như Ong Môi-sê, được nói đến trong Đnl 18,15-18, một vị ngôn sứ được mong đợi sẽ giải quyết những vấn nạn về luật lệ kiểu như vấn nạn cụ thể ở 4,20.[xvii] Cuộc đối thoại về những đời chồng (những bí mật đời tư) của Người phụ nữ đã giúp Chị ta thừa nhận Đức Giê-su từ “một người Do thái” đến một “ngôn sứ”.
Từ ngữ “thờ phượng” xuất hiện 10 lần trong đoạn văn này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của chủ đề “thờ phượng” trong đoạn Tin Mừng này. Chủ ngữ của câu chất vấn không còn ở số ít nữa nhưng c.21 đã được chuyển sang số nhiều. Đây có thể là vấn đề tranh luận giữa người Sa-ma-ri và người Do thái về nơi thờ phượng. Có hai truyền thống thờ phượng khác nhau. Người Sa-ma-ri thờ “trên núi này” với hai lý chứng: (1) Ap-ra-ham và Gia-cóp dựng bàn thờ ở Shi-khem; (2) Ong Giô-suê đã dựng bản thờ trên núi Garizim. Trong Ngũ Kinh của người Sa-ma-ri người ta tìm thấy lời Ong Giô-suê căn dặn trong sách Tl 27,4 phải lập đền thờ trên núi Garizim, núi thánh, nơi họ tin là Ap-ra-ham sát tế I-sa-ác.[xviii] Trong khi đó, người Do thái thì tin rằng phải thờ phượng ở Giê-ru-sa-lem, nơi độc nhất Thiên Chúa chọn làm nơi danh Ngài ngự. Quy định này nhằm tránh việc dân chúng hiểu lầm rằng có nhiều đền thờ là có nhiều Thiên Chúa.[xix]
Đức Giê-su gọi người phụ nữ là “bà” (gunai): “Này Bà, hãy tin tôi”. Đây là lối xưng hô rất trịnh trọng được dùng 6 lần trong Tin Mừng thứ tư (2,4; 4,21; 8,10; 19,26; 2013.15). Trong đó, có đến hai lần Đức Giê-su dùng danh xưng này để thưa cùng Đức Ma-ri-a, thân mẫu Người. Đức Giê-su cũng rất trân trọng Người phụ nữ này. Mệnh lệnh “hãy tin tôi” cũng là mệnh lệnh khá đặc biệt. Đây cũng chính là lệnh truyền mà Đức Giê-su truyền cho các môn đệ trong diễn từ biệt ly: “Anh em hãy tin thầy” (14,11).[xx] Có thể Người phụ nữ cũng cùng tâm trạng với các môn đệ. Họ cùng đang ở trong tình trạng khủng hoảng về niềm tin nên Đức Giê-su mới phải trấn an như thế. Trong hoàn cảnh này, người phụ nữ thật sự hoang mang vì Chị đang thờ “Đấng mà Chị không biết”. Đức Giê-su đã không chỉ trả lời câu hỏi của Người phụ nữ nhưng còn lợi dụng hoàn cảnh để khẳng định giá trị của lời dạy của các ngôn sứ và quá đó tái xác nhận chân lý mạc khải. Người Sa-ma-ri không hiểu rõ về kế hoạch của Thiên Chúa vì họ không chấp nhận những mạc khải nằm ngoài Ngũ Thư. Người Do thái hiểu kế hoạch của Thiên Chúa hơn vì họ chấp nhận toàn bộ các sách Cựu Ước. Tuy nhiên, cả Người Do thái lẫn người Sa-ma-ri đều cần phải cởi mở đón nhận chân lý mạc khải bởi Đức Giê-su.[xxi] Rõ ràng là đối với Đức Giê-su không phải Giê-ru-sa-lem cũng không phải “núi này” là “nơi thờ phượng đích thực”. Vấn đề không phải là nơi chốn nhưng là thể thức thờ phượng, là cõi lòng, là tâm tư con người dành cho Thiên Chúa – Cha của họ.
Cụm từ “giờ đến” được nói đến hai lần trong đoạn này (cc.21.23). Cả hai lần đều dùng ở thì hiện tại, lối trình bày, thể trung bình diễn tả một thực tế tồn tại luôn luôn. “Giờ đến” trong 4,23, nhấn mạnh “là bây giờ” đối chiếu với 4,21 cho thấy Tác giả Tin mừng thứ tư cũng có chút căng thẳng như Tin Mừng Nhất Lãm khi nói về nước Thiên Chúa: tức là cái gì sẽ đến trong tương lai nhưng lại ở ngay trong tầm tay rồi. Vào giờ Người được tôn vinh Đức Giê-su sẽ làm cho việc thờ phượng trong Thần Khí được nên trọn bằng việc ban Thần Khí. Chữ “giờ” ở đây không đích xác chỉ về giờ Tử nạn và Phục Sinh cho bằng chỉ về hoàn cảnh cánh chung xuất phát từ Giờ tôn vinh ấy.[xxii]
Khi “giờ đến” thì phương thức thờ phượng sẽ được xác định: “người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật” (4,23). Người phụ nữ chỉ hỏi Đức Giê-su về “nơi thờ phượng” nhưng Đức Giê-su lại xác định chủ thể của việc thờ phượng: “người thờ phượng đích thực” và đối thể của việc thờ phượng: “Cha” và phương thức của việc thờ phượng: “trong tinh thần và sự thật”. Như vậy, Đức Giê-su đã giúp Chị hiểu ra vấn đề không phải là “nơi thờ phượng” cho bằng thờ phượng ai và với tinh thần nào. Với sự hiện diện của con người Đức Giê-su, không gian thờ phượng được mở rộng ra khăp mọi nơi.  Từ “tinh thần”  xuất hiện 24 lần trong Tin Mừng thứ tư với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong 4,23.24b chỉ nên dịch là “thần khí” (viết thường) nghĩa là “linh thiêng”, “tâm linh”. Trong khi đó từ “Thần Khí” (viết hoa) trong câu “Thiên Chúa là Thần Khí” (4,24a) được hiểu là Thần Khí Thiên Chúa.[xxiii] Vì “Thiên Chúa là Thần Khí” nên “những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (4,24). Câu “Thiên Chúa là Thần Khí” không phải là một định nghĩa về Thiên Chúa cho bằng là một lối diễn tả về cách thức Thiên Chúa đối đãi con người. Thiên Chúa là Thần Khí đối với con người vì Ngài ban Thần Khí (14,16) tái sinh con người. Trong các bản văn trường phái Gio-an người ta thường thấy lối diễn tả quen thuộc như vậy: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8) và “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Ga 1,5).[xxiv] Vì Thiên Chúa là Thần Khí, nên phải được thờ phượng trong thần khí và sự thật. Cụm từ “phải thờ phượng” (dei/ proskunei/n) cho thấy tầm quan trọng của tinh thần thờ phượng này. Chỉ có thờ phượng “trong thần khí và sự thật” thì mới xứng hợp.[xxv]
c.         Sự thật là gì?
“Sự thật là gì?” (18,38) đây là câu hỏi của Phi-la-tô và cũng là một đề tài rất lớn trong Tin Mừng thứ tư. Quả vậy, trong Tin Mừng thứ tư, danh ngữ sự thật được dùng đến 26 lần[xxvi]. Trong đó, có một lần Đức Giê-su khẳng định với các môn đệ chính Người là “sự thật”: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (14,6). Hơn nữa trong 17,7, Đức Giê-su lại nói: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” Rồi trong 8,32, Người lại khẳng định: “các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông". Có rất nhiều dấu hiệu để cho thấy rằng “sự thật” ở đây chính là Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể. Ngoài ra, khi Người còn ví mình là “Cung Thánh” khi Người nói với những người Do thái: “Các ông cứ phá huỷ Cung Thánh này; và trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại nó" (2,19). Và sau đó, tác giả Tin Mừng cho biết: “Nhưng Người, Người nói vê Cung Thánh là thân thể của Người.” (2,21). Từ những dẫn chứng này cùng với việc Đức Giê-su khẳng định Thiên Chúa là Thần Khí (4,24) cho phép chúng ta hiểu muốn “thờ phượng Cha trong thần khí và sự thật” thì cần phải tin vào Đức Giê-su và thờ phượng theo cách thức của Người.
d.         Mạc khải tư cách Đấng Mê-si-a
Như vậy, thật hợp lý khi cuộc đối thoại thứ hai giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri kết thúc với một hình ảnh rất đẹp: Đức Giê-su mạc khải tư cách Mê-si-a của Người cho Chị. Câu trả lời “chính là Tôi” (4,25)(nghĩa là chính Tôi là Đấng Mê-si-a) của Đức Giê-su chính là mạc khải cho vấn nạn Đức Giê-su đặt ra ở (4,10b): “Ai là người nói với Chị: ‘cho tôi uống với’”. Có một điều khá lạ lùng là Đức Giê-su từ khước danh hiệu ngôn sứ và Mê-si-a do người Do thái tung hô (6,14-15), nhưng lại công khai bày tỏ cho Người phụ nữ Sa-ma-ri. Có thể điều này phát xuất từ hai quan niệm khác nhau về Đấng Mê-si-a. Người Do thái coi Đấng Mê-si-a như là một người xuất thân từ hoàng tộc Đa-vít và sẽ dùng quyền năng mà giải phóng họ khỏi áp bức, nô lệ. Còn đối với người Sa-ma-ri chỉ mong đợi một Ta’heb – thường có ý nghĩa là thầy dạy về Lề Luật hơn là một ông vua quyền uy.[xxvii]
Hình ảnh “Người phụ nữ để lại vò nước của mình” (4,28) đã cho cho thấy người phụ nữ đã có những dấu hiệu biến chuyển tích cực. “Vò nước” không được nhắc đến trước đó nhưng lại được đưa vào lúc này với một gợi ý rằng người phụ nữ đã không còn khát nước nữa, không còn cần thứ nước vật chất ấy nữa vì hoặc Chị đã có “nước sự sống” trong mình hoặc bình nước không còn giá trị với “nước sự sống”.[xxviii] Có thể Chị đã nhận ra Đức Giê-su phần nào, nhưng chính độc giả sẽ  kết thúc xác định Đức Giê-su là ai cùng với dân Sa-ma-ri trong thành đã tin vào Đức Giê-su (4,39)


[i] R.E.Brown, The Gospel according to John I-XII, (Anchor Bible Series, Vol. 29), (New York: Doubleday, 1970), p.169.

[ii] Bản dịch của nhĩm CGKPV l: “Do đó, Người phải băng qua miền Sa-ma-ri”. Ở đây liên từ (dei) trong tiếng Hy-lạp được dịch là “do đó” xem ra không hợp lắm vì theo mạch văn trước đó không đưa ra một lý do no để rút ra hậu quả như thế. Trong khi đó bản dịch mới của Tác giả Lê Minh Thông là: “Nhưng Người phải băng qua Sa-ma-ri”. Bản dịch này xem ra hợp lý hơn khi cho thấy sự kết hợp hài hịa giữa lin từ “nhưng” và trợ từ “phải” làm nên một lý do thần học về sự cần thiết việc Đức Giê-su phải đi qua Sa-ma-ri.
[iii] Xc. Francis J. Moloney, The Gospel of John, The Ligurtical Press, 1998, p.116.
[iv] W. Barclay, bn Vit ng Tin Mng theo thánh Gioan, nguyên tác: The Gospel of John (Hà ni:Tôn Giáo, 2008), tr. 110.
[v] Xc. Alain Marchadour, Bản Việt ngữ Tin Mừng Gioan (L’Evangile de Jean, Centurion ,1992), tr. 110-111.
[vi] Xc. Francis J. Moloney, sđd., p.286.
[vii] Xc. R.E.Brown, sđd., p.169.
[viii] Xc. Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng Yoan, tập II: Tái sinh bởi Thần Khí (Hà Nội: Tôn Giáo, 2000), tr.267.
[ix]Jesus make this request not just to slake his physical thirst but because his love made him thirst for the salvation of all men” (The Navarra Bibble: Gospel & Acts, Revised Standard Version with a Commentary by members of the Facculty of Theology of the University of Navarre, Scepter Publishers, 2002, p.573).
[x] Xc. Lê Minh Thông, Yêu và Ghét trong Tin Mừng Gio-an, phần I (TpHCM: THVĐM,2009), tr. 138-146.
[xi] Xc. Lê Minh Thông, Bản văn Gio-an, Tin Mừng và Ba Thư Hy lạp – Việt, phần chú thích, tr.63.
[xii] Xc. F.J. Moloney, sđd., p.122.
[xiii] Xc. The complete Biblical Library, Springfield, Missori, U.S.A, 1998 [bản Việt Ngữ  Chân Ngôn, chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và Đại Lễ- Năm A (TpHCM:TT HVĐM, 2011), tr. 111-112].
                  [xiv] Xc. F.J. Moloney, sđd., p.123.
[xv] Xc. F.J. Moloney, sđd., tr.131.
[xvi] Xc. F.J. Moloney, sđd., p.127.
[xvii] Xc. R.E.Brown, sđd., p.171
[xviii] Xc. Hoàng Minh Tuấn, sđd., tr.305.
[xix] Ibid., tr.306.
[xx] Xc. The Complete Biblical Library, p.114.
[xxi] Xc. The Navarra Bibble: Gospel & Acts, sđd., p.575.
[xxii] Xc. Hoàng Minh Tuấn, sđđ., tr.317 – 318.
[xxiii] Xc. Lê Minh Thông, Đấng Pa-rác-lê trong Tin Mừng thứ tư (Hà nội: Tôn Giáo, 2010), tr.142-43.
[xxiv] Xc. R.E.Brown, sđd., p.172.
[xxv] Xc. F.J. Moloney, sđd., p.133.
[xxvi] 1,14.17; 3,21; 4,23.24;5,33;8,16.32a.32b.40.44a.44b.45.46;14,6.17;15,26;16,13a.13b;17,17a.a7b; 18,37a.37b.38; 19,35.
[xxvii] Xc. Hoàng Minh Tuấn, sđđ., tr.342.
[xxviii] R.E.Brown, sđd., p.173.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét