22 thg 10, 2014

Lạy Cha, xin làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển

Suy niệm Tin Mừng Lc 11,1-4
Binh sắc, SVD

Kinh lạy Cha là lời kinh quen thuộc nhất của chúng ta. Đối với tôi, lạy cha là kinh đầu tiên được mẹ mớm cho khi bập bẹ. Kinh này quen thuộc đến độ có khi nhàm chán và tôi đã đọc một cách máy móc. Ấy thế nhưng, đây lại là lời kinh tuyệt hảo nhất, quan trọng nhất, ý nghĩa nhất và là chuẩn mực cho mọi lời cầu nguyện. Trong phạm vi bài chia sẻ này, tôi xin được đề cập hai ý: thứ nhất là “lạy Cha” và thứ hai là “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”.

“Lay Cha” là câu nói đầu môi của những người tin vào Chúa Ki-tô, Đấng đã mặc khải cho ta mối tình sâu đậm giữa ta và Thiên Chúa. Thử hỏi trong Cựu Ước mấy ai dám gọi Thiên Chúa là Cha?  “Lạy Cha” xuất phát lần đầu từ miệng Chúa Giê su. Lời đó đã được đánh đổi bằng cái chết đau thương trên thập giá. Ngài bị lên án vì Ngài tự xưng mình là con Thiên Chúa. Đức Ki tô gọi Thiên Chúa là Cha mình. Chẳng những thế Ngài còn dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là cha. Bởi vì theo nghĩa tuyệt đối chỉ một mình Thiên Chúa đáng cho ta gọi là Cha với trọn vẹn ý nghĩa: “các ngươi đừng gọi ai dưới đất là cha vì các ngươi chỉ có một cha Người ngự  trên trời”, (Mt 23,9)

Khi một em bé kêu lên hai tiếng” cha ơi”! tiếng cha ơi đó mang nhiều ý nghĩa. Trước hết nó diễn tả một sự lệ thuộc hoàn toàn ở cha. Thứ đến, tiếng cha ơi vọng lên trong những lúc tối trời như những tiếng la cầu cứu, và theo cảm quan tự nhiên, nó nhỏ dại, càng được yêu thương che chở. Sức mạnh của nó là sự yếu đuối. Điều này xem ra mâu thuẫn, nhưng kì thực là thế. Bởi nó nhỏ dại nên cha mẹ anh em dành cho nó sự ưu tiên trong gia đình. Muốn biết cha trên trời xử với ta như thế nào chỉ cần nhìn cách đối xử của cha mẹ trong các gia đình đối với con nhỏ. Chúa Ki-tô há chẳng phải khuyên ta trở nên như trẻ nhỏ đó sao? Như vậy, mỗi khi hạnh phúc hay bất hạnh ta đều có thể cất lên hai tiếng Cha ơi với niềm hy vọng tràn trề.

Từ ý nghĩa thâm sâu của hai tiếng cha ơi, đưa ta đến với lời nguyện: “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”.

Một vận động viên sau khi chinh phục đỉnh Olympia, tự nhiên sẽ được mọi người biết đến. Danh cậu ta đồn thổi khắp nơi. Cậu ta nổi tiếng. Một Bác sĩ cặm cụi trong phòng thí nghiệm, nào ai biết đến ông?  Đột nhiên ông tìm ra thuốc chữa ung thư thì thiên hạ tôn ông lên bậc thần thánh của y dược. Hai ví dụ này đủ để minh họa cho việc xin làm cho danh thánh cha vinh hiển.

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển có nghĩa  là xin cho mọi người tôn vinh Cha, đặt cha lên trên hết, vượt mọi thế nhân. Tại sao xin cho Chúa được vinh hiển? phải chăng chúa thiếu hiển vinh? Không. Tự bản thể Ngài, Ngài là Đấng sáng tạo van vật, không thể thiếu vinh quang, uy quyền và hạnh phúc. Vậy thì, Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển có nghĩa là xin cho mắt con được sáng để nhìn thấy những việc Chúa làm và con nguyện đem tài hèn sức mọn ra để khám phá những việc lạ lung đó để phơi bày cho mọi người biết và cùng ca ngợi Chúa với con. Vinh danh Thiên Chúa là cứu cánh công trình sáng tạo. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài không nhằm mục đích nào khác nhằm tỏ vinh quang Ngài và mưu ích cho vạn vật. Vinh quang này không do ai đưa tới  nhưng tự bản thể Ngài phát ra, cũng như lửa đang cháy tự chiếu sáng. Thiên Chúa như một họa sĩ tỏ vinh quang mình qua tác phẩm. Vũ trụ là một kỳ công tuyệt diệu làm say mê những ai để tâm quan sát. Đúng như lời vịnh gia đã khái quát như sau: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv19,2)

Thời gian tập kỳ tôi được đi linh thao mười ngày trên đồi hiển linh Bảo Lộc. Ngày đâu tiên tôi được cha giảng phòng cho suy niệm về công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong cái thanh tĩnh yên ả của núi rừng Tây nguyên, trong cái tỉnh lặng đến khôn cùng nơi đan viện Biển Đức,bằng sự tập trung quan sát tỉ mỉ lần đầu tiên tôi khám phá được vẽ đep kì diệu của vạn hữu quanh mình mà bình thường tôi chẳng để ý. Tôi thấy mình nhỏ bé trước cảnh núi non hung vỹ, thấy ngỡ ngàng trước một cây trinh nữ e thẹn khép mình khi tôi chạm nhẹ, tôi mê mẫn bởi những bông hoa dại đang độ mãn khai, tôi xót xa vì một đóa dâm bụt gục ngã sau lần đăng quang của mình… từng bông hoa bừng nở, giọt sương la đà trên ngon cỏ hay là một chiếc lá rơi …tất cả đều phản ánh vinh quang Thiên chúa một cách vi diệu. Với sự chiêm ngưỡng, tôi không ngừng cất lên lời tạ ơn vì những kì công Thiên Chúa làm. Tôi cũng tạ ơn chúa vì những điều tôi chỉ thấy vẽ thô thiểu bên ngoài mà chưa khám phá được cái mĩ lệ bên trong. Tôi nuối tiếc khi viết về hành trình tâm linh tôi đã không lột tả được hết những gì có thể, vì bút lực non yêú. Hôm nay khi suy niệm về việc xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển tôi khâm phục sự khám phá tinh tế của một nhà văn Tây phương khi ông nhìn thấy thế giới trong một hạt bụi như sau: “Nhìn ra thế giới trong … Thiên đường hiển lộ… Trong lòng bàn tay… nắm Thiên thu trong mỗi giờ qua.”

Tất cả vũ trụ này đều bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Vì thế xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển là mục đích của cuộc sống chúng ta. Xin cho chúng ta được khuôn rập theo đức Ki tô, Đấng đã từng tuyên bố: Phần tôi, tôi  không  tìm vinh quang cho riêng mình” (Ga 8,50) mà để danh Cha được vinh hiển. Vì thế, mọi công việc Ngài làm đều quy hướng về mục đích tối hậu này. Như thế, bổn phận của chúng ta, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển là kèm theo những mặt sau: - Cải tiến khả năng khám phá nơi mình.

Nổ lực khám phá những gì Thiên Chúa đã dựng nên cho tôi hưởng dùng mà ngợi khen Ngài.
Trong bất cứ lãnh vực nào lạy Chúa, xin cho chúng con có bổn phận làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Trốn tránh bổn phận này là chúng con quên lời cam kết kèm theo lời kinh : ‘xin làm vinh hiển danh Cha”. Xin Chúa biến lời kinh thành chương trình sống cho mỗi chúng con.

                                                                                                                           

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét