Cuộc sống hôm nay của con người hầu như gắn liền với những phương tiện sống mà không thể thiếu được. Con người gần như lệ thuộc hoàn toàn vào những phương tiện sinh hoạt hằng ngày. Đứa em tôi không chịu đi học với lý do là không có xe, người bạn tôi rất khó chịu vì quên mang theo đồng hồ đi làm, một người bạn khác đã vô cùng hoảng sợ khi anh ta để quên chiếc chìa khóa cửa nhà khi đến cơ quan làm việc. Tôi có cảm tưởng những phương tiện sinh hoạt ngày hôm nay đôi lúc nó còn cần hơn cơm gạo, bởi người đói vẫn có thể học nhưng người không có xe thì không thể đi học.
- Cái đồng hồ:
Hiện nay tôi vẫn còn giữ cái đồng hồ báo thức mua từ năm 90, khi tôi phải thức dậy sớm để học bài thi vào đại học. Tôi nâng niu nó, tôi gìn giữ nó, bởi nó đã giúp tôi đi qua bao chặng đường đòi hỏi thời gian. Chung quanh nơi làm việc thường ngày có ít là 3 cái đồng hồ khác nhau: một cái tại bàn làm việc, một cái đeo tay đi làm, và một cái chỉ dùng để báo thức và nhìn thấy ban đêm ở chỗ ngủ, một cái khác có lịch ngày tháng năm. Chưa kể khi mượn được cái điện thoại di động, lại thêm một cái nữa, như vậy là 5 cái rồi bạn ạ.
Một biến cố vừa xảy ra vào đầu tháng 10.2004 làm tôi suy nghĩ. Tôi bị mất cái đồng hồ đeo tay, tôi cảm thấy thời gian trong ngày của tôi bị buông lỏng. Tôi rất hụt hẫng khi đưa tay lên xem giờ mà không thấy đồng hồ. Tôi chưa thể mua ngay cái đồng hồ bởi vì tiền trong túi không đủ, hơn nữa mua nó rồi thì lấy gì mà chi tiêu cái khác. Tôi sống trong tâm trạng không có đồng hồ một ngày, hai ngày, ba ngày. Một tuần đã trôi qua, tôi nghiệm ra rằng: đã bấy lâu nay tôi sử dụng thời gian hết sức chặt chẽ, tôi đã không bỏ phí chút thời gian nào. Mọi khắc đồng hồ đều có ý nghĩa và có lợi ích khác. Giật mình thấy đó là những bài toán tính lợi cho tôi và đôi lúc thấy thiệt cho người khác. Và tôi nghĩ người thiệt nhất đối với tôi là Thiên Chúa, bởi có khi tôi xem đồng hồ hai ba lần trong giờ cầu nguyện, giờ gẫm. Bây giờ tôi có thể mua được đồng hồ rồi, nhưng tôi lại cố muốn kéo thêm khoảng thời gian không có đồng hồ đeo tay. Vì tôi cảm thấy cầu nguyện thoải mái hơn, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
- Chiếc xe:
Gia đình tôi có 10 anh chị em, nhưng chỉ có 3 chiếc xe máy và vài chiếc xe đạp. Khi có việc đi ra ngoài, ai cũng thích đi xe máy, bất kể đường xa hay đường gần, nhu cầu gấp gáp hay thư thả.
Với nhu cầu của công việc, giao lưu hoặc đi lại thông thường, phương tiện đi lại trở nên cần thiết. Có những lúc hai hay ba người cùng có nhu cầu đi lại mà chỉ còn một chiếc xe máy. Những lần như vậy, anh em thường phải sắp xếp nhường nhịn nhau để ổn thoả. Tuy nhiên cũng có đôi lần thu xếp không ổn thoả nên đi đến bất đồng to tiếng với nhau. Phương tiện đi lại là cần thiết và nó giúp con người giảm bớt thời gian lãng phí trong việc đi lại và thêm được thời gian làm việc, gặp gỡ giao lưu, hay thật lợi ích khi có việc gấp gáp. Tuy nhiên, phương tiện cũng có thể là cơn cám dỗ kích thích việc đi lại nhiều.
Tôi còn nhớ cách đây không lâu, khi đi học cấp III. Trường tôi cách nhà hơn 5 cây số, nhưng việc đi lại suốt 3 năm nắng mưa trôi qua nhẹ nhàng và tốt đẹp. Một lần đi du lịch, tôi cùng mấy đứa em đi bách bộ trên đường phố Đà Lạt. Bỗng nhiên chúng tôi ngồi ngay xuống đường, tôi ngạc nhiên hỏi các em tôi tại sao vậy? Hai đứa đang đi học cấp III cho biết: “Tụi em không thể đi được nữa”. Vì đôi giầy mới làm phồng chân, bỏ giầy ra bé Nguyệt cũng không đi được nữa vì mệt, mỏi và không chịu đi nữa. Tôi cầm tay dẫn em đi nhưng cũng chẳng được bao lâu, chúng tôi cũng phải thuê xe đi về nhà dù là không còn bao xa. Tôi hết sức hối tiếc cho một cuộc đi dạo “thành phố Sương Mù”. Bạn biết không, trời lành lạnh có chút sương rơi, với những phong cảnh hoa tươi rực rỡ muôn màu ven đường, là một phong cảnh tuyệt vời cho những cuộc đi dạo. Thế mà tôi chẳng thưởng thức được. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mấy đứa em mình dù là đang học đại học hay đang ở cấp III mà không biết đi bộ. Tại sao vậy? Có lẽ tại các em đi xe máy quen nên quên đi bộ rồi.
Cách đây mấy tháng, vì yêu cầu của “xếp”, tôi tạm thời phải cất chiếc xe tôi đang sử dụng suốt mấy năm nay để đi học và đi một số việc khác. Lúc đầu tôi cảm thấy hơi khó chịu vì không chủ động được về thời gian đi lại nữa. Nhưng chẳng bao lâu, tôi quen dần với những phương tiện khác như xe đạp hay đi bộ. Tôi thực sự cảm thấy thích thú khi có thời gian thư giãn, đạp chiếc xe đi thanh thản. Tôi không còn phải căng thẳng để điều khiển xe máy. Đầu óc tôi có dịp suy nghĩ những hình ảnh diễn ra trên đường phố. Tôi giật mình, vì thấy mình đã đánh mất những giây phút thư giãn trong suốt mấy năm qua.
Một điều thú vị và ý nghĩa hơn cho tôi là tôi thực sự phải rời bỏ những dự định luôn níu kéo, ràng buộc tôi chạy theo nó khi tôi có phương tiện thuận lợi, nên tôi có nhiều tham vọng làm việc này, chọn việc kia. Tôi cảm thấy bình an hơn khi chấp nhận buông mất những tiện nghi thường ngày.
- Chìa khóa:
Có lẽ cách đây một vài chục năm, người ta không dùng nhiều chìa khóa như bây giờ, bởi họ chẳng có gì để giữ, nếu có của thì kẻ trộm kẻ cướp cũng hiếm, nên chẳng ai quan tâm nhiều đến chiếc chìa khóa. Tôi còn nhớ, khi tôi đi học tiếng Pháp ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang, hai anh bạn lớp tôi chẳng mua phiếu gởi xe. Hai anh cứ để xe bên ngoài trường học, cạnh chỗ bà bán bánh mì. Có những lúc bà bán bánh mì bán hết về sớm, chiếc xe cô đơn như đứng đợi ai ngoài đường, thế mà suốt mấy năm học cũng chẳng ai đến đón “nàng”. Có lần hai anh đi học về đến nhà, chiều đến cần đi ra ngoài phải dùng xe, mới giật mình nhớ ra là để quên xe ở trường. Hôm đó vì có anh bạn đi về cùng đường nên được anh chở tới nhà và chẳng để ý đến chiếc xe của mình. Đó là câu chuyện cách đây gần chục năm. Còn bây giờ thì sao? Khi vào Sài Gòn đi học, chính tôi khi đi photo tài liệu, chỉ quên một chút do mải theo dõi bản photo. Chiếc xe đạp của tôi không cánh mà bay mất tăm hơi, hai anh bạn ở cùng nhà cũng cho ai mượn hai chiếc xe một cách bất đắc dĩ và cũng chẳng biết người mượn là ai!
Có lẽ nhu cầu dùng chìa khóa hôm nay là cần thiết và quan trọng. Khi tôi làm thủ kho ở Nha Trang, bên mình tôi luôn lủng lẳng một xâu chìa khóa gần 20 chiếc. Chiếc chìa khóa của tôi lúc đó đầy quyền lực. Có những lần tôi quên mở cổng ban sáng đã phiền lòng người đi sớm, và có lần vì mệt tôi khóa cổng hơi sớm nên đã làm người về trễ phải hết hơi gọi cổng. Chính tôi là người giữ chìa khóa thì luôn an tâm đi sớm về trễ mà chẳng lo lắng không ra vào nhà được.
Tuy nhiên, cũng có những lần tôi thực sự cảm thấy nó là một sự phiền toái lớn đối với tôi, bởi chẳng lúc nào mà tôi được yên tĩnh do những tiếng leng keng của xâu chìa khóa bên người. Hơn nữa, bất cứ ai cũng có thể gọi tôi mở cửa này, đóng cửa kia cho họ… Tôi muốn quăng bỏ tất cả để được nhẹ nhàng và tự do. Tôi muốn khóa cửa phòng lại để không ai gọi mở.
Gần đây, tôi được nhiều người tặng cho những chiếc khoen để chìa khóa, nhưng để làm gì? Tôi đã đem tặng lại mấy đứa em hết và chẳng để lại cái nào. Tôi chẳng thích để chiếc chìa khóa nào trong túi áo hay túi quần, vì nó vướng víu và khó chịu. Thưa các bạn, tôi đã giải phóng cho tôi được tự do thoát khỏi những ràng buộc về quyền hành tôi muốn áp đặt trên người khác, chính tôi cũng không để chiếc chìa khóa cám dỗ việc đi sớm về khuya nữa. Tôi là người được tự do rồi các bạn ạ.
Tâm sự:
Lạy Chúa, khi đến với Chúa, con tháo bỏ những phương tiện dẫn đến tham vọng quyền lực của con. Con cởi bỏ chiếc đồng hồ thời khóa biểu của con. Con bỏ những dự định của con để thay vào những dự định của Chúa trên cuộc đời con. Con bỏ chiếc chìa khóa an toàn của con để con được ở một mình với Ngài.
Lạy Chúa, Chúa là đối tượng duy nhất con tìm kiếm, sau khi được ở với Ngài, con sẽ nhận lại được những phương tiện con đã bỏ, để đi theo con đường đến với Ngài. Con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa. Con sẽ cầm chìa khóa lên để mở cửa tâm hồn con cho Chúa vào, cho anh em con có thể vào dễ dàng. Và con cũng sẽ cầm chìa khóa lên để mở tung các cánh cửa, để nối lòng mọi anh em con lại với nhau, để chúng con có thể cùng nhau gặp Chúa dễ hơn.
Sài Gòn, ngày 19.10.2004.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét