28 thg 11, 2011

Các điều phối viên Kinh Thánh

(Trích từ “Handbook for Superiors SVD”, tr. 40-43)
1. Ưu Tiên của Dòng Ngôi Lời
Tổng Tu Nghị 13 chính thức công nhận tông đồ thánh kinh là ưu tiên của Dòng chúng ta. “Chúng ta nhận ra rằng khi nói đến Lời Chúa, Thánh Kinh, là chúng ta đang nói về chính trọng tâm của Dòng chúng ta, Dòng Ngôi Lời … Tông đồ thánh kinh là một phần của di sản của chúng ta do thánh Arnold để lại, và với tư cách là những nhà Truyền Giáo Ngôi Lời, chúng ta phải làm cho nó trở thành nhãn hiệu độc quyền của công tác truyền giáo của chúng ta” (Nuntius 12, tr. 710).
Quả vậy, Đấng Sáng Lập của chúng ta đã muốn con cái của ngài yêu mến Lời Chúa: “Lời Thánh Kinh thật sâu sắc biết bao! Ước gì anh em chúng ta múc lấy Lời với sự quý trọng sâu xa … Các thành viên của Dòng Ngôi Lời phải đặc biệt tôn kính Thánh Kinh và rao truyền chân lý đó” (Nuntius XII, tr. 503). Hơn nữa, danh xưng của chúng ta thúc đẩy chúng ta trở thành tu sĩ biết lắng nghe Lời, sống bởi Lời và loan báo Lời cho người khác.
2. Bám rễ trong Lời Chúa
2.1. “Bằng cách lắng nghe và sống Lời Chúa, chúng ta trở thành những cộng tác viên của Ngôi Lời” (HP 106). “Bổn phận trên hết của chúng ta là loan báo Lời” (HP. 107; xem HP. 102). “Là những cộng tác viên của Đức Kitô, chúng ta tìm kiếm gợi hứng từ Lời Chúa. Bằng cách đọc Thánh Kinh, chúng ta mở lòng cho sự thúc đẩy của Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta hiểu Lời, biến Lời thành của mình và loan báo Lời cho thế giới” (HP. 407; xem 407.1 và 407.2).

2.2. Đã trở thành thông lệ cho các Tỉnh Dòng của chúng ta nhằm coi tông đồ thánh kinh như là một nét đặc thù trong việc phục vụ của chúng ta đối với giáo hội địa phương. Ví dụ, chúng ta có thể làm điều này bằng cách thiết lập các trung tâm thánh kinh (ví như Dei Verbum tại Nemi). Bằng cách nhấn mạnh Lời Chúa trong việc phúc âm hóa và dấn thân mục vụ, chúng đáp lại một trong những nhu cầu căn bản của việc liên tục canh tân giáo hội.
2.3. Tổng Tu Nghị 13 có một nghị quyết yêu cầu các Tỉnh Dòng “dành cho ngành tông đồ thánh kinh đủ tài chính và nhân sự” (Nuntius XII, tr. 711).
3. Điều Phối Viên Tông Đồ Thánh Kinh của Tỉnh Dòng
3.1. Mỗi Tỉnh Dòng nên có một điều phối viên tông đồ thánh kinh, được bổ nhiệm bởi Giám Tỉnh cùng với sự đồng ý của hội đồng. Vị này có nhiệm kỳ 3 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Nếu hoàn cảnh địa phương cho phép, vị điều phố viên tông đồ thánh kinh của Tỉnh Dòng có thể phục vụ toàn thời gian và/hoặc hơn một thành viên có thể được bổ nhiệm làm điều phối viên tông đồ thánh kinh.
3.2. Giám Tỉnh nên tham khảo ý kiến của vị điều phối viên trước khi thực hiện các quyết định liên quan đến tông đồ/mục vụ thánh kinh. Mặc dù vai trò của vị điều phối viên là thông tin và tham vấn, nhưng Giám Tỉnh nên đặc biệt coi trọng những đề xuất của ngài.
3.3. Nên bảo đảm rằng vị điều phối viên được chuẩn bị kỹ càng (ví dụ, tham dự khóa Dei Verbum tại Nemi).
4. Nhiệm Vụ của Điều Phối Viên Tông Đồ Thánh Kinh của Tỉnh Dòng
4.1. Điều phối: Nhiệm vụ chính của điều phối viên là điều phối các hoạt động liên quan đến tông đồ thánh kinh của Tỉnh Dòng – tuy không nhất thiết tham gia mọi hoạt động. Những hoạt động này khác nhau ở từng Tỉnh Dòng tùy nhu cầu, thách đố và cơ hội của từng địa phương. Điều phối viên nên hướng sự lưu tâm của mình không chỉ đến các anh em (ad intra) mà cả những người ngoài nữa (ad extra).
4.2. Cổ võ/Khuyến khích: Điều phối viên gây ý thức về công tác tông đồ và mục vụ thánh kinh; khuyến khích các anh em đặt các công tác mục vụ trên nền tảng thánh kinh; hỗ trợ các anh em đang làm việc trong công tác tông đồ và mục vụ thánh kinh; khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn trong Tỉnh Dòng sử dụng phương pháp lectio divina và chia sẻ Lời Chúa; đồng thời nhắc nhở các thành viên của Tỉnh Dòng, bao gồm cả các anh em trong giai đoạn tiền đào tạo, rằng mục vụ thánh kinh là một chiều kích đặc trưng của đặc sủng tu sĩ truyền giáo (Nuntius XIV, tr. 80).
4.3. Phân phối: Điều phối viên tập hợp và phân phối Thánh Kinh và các nguồn tài liệu; khuyến khích việc dịch và phổ biến Thánh Kinh cũng những những tài liệu thánh kinh khác bằng ngôn ngữ địa phương; chia sẻ và phổ biến các tài liệu và phương pháp được chứng thực là hữu ích cho công việc mục vụ tông đồ thánh kinh.
4.4. Đào tạo: Điều phối viên tổ chức các hội thảo, khóa học và đào tạo liên quan đến mục vụ tông đồ thánh kinh cho các anh em cũng như cho các tín hữu; khuyến khích một số anh em nghiên cứu chuyên về chú giải, thần học thánh kinh hoặc mục vụ tông đồ thánh kinh.
4.5. Tổ chức: Điều phối viên thường xuyên liên lạc với các vị điều phối viên tông đồ thánh kinh địa phương, vùng và tổng quyền; tích cực hợp tác với các vị thư ký truyền giáo, điều phối viên truyền thông và điều phối viên công lý hòa bình của Tỉnh Dòng; khuyến khích sự hợp tác với các chị em SSpS, các cộng đoàn tu trì khác, các giáo phận địa phương cũng như với giáo dân; cổ vũ việc thành lập các tổ chức (ví dụ như các trung tâm mục vụ thánh kinh) giúp đẩy mạnh và hỗ trợ công tác mục vụ tông đồ thánh kinh trong Tỉnh Dòng.
4.6. Nghiên cứu: Điều phối viên một đàng tìm cách cải thiện tính hiệu quả của những phương pháp hiện có, đàng khác tìm kiếm các tài liệu và phương pháp mới hữu ích cho việc mục vụ tông đồ thánh kinh; đánh giá và gợi ý các công tác mục vụ thánh kinh; tham gia các cuộc họp và hội thảo nhằm đẩy mạnh công việc mục vụ tông đồ thánh kinh; báo cáo cho tu nghị tỉnh dòng về các công tác mục vụ thánh kinh trong Tỉnh Dòng; báo cáo về các hoạt động tông đồ thánh kinh trong Tỉnh Dòng cho các vị điều phối viên của vùng và tổng quyền; mỗi ba năm nộp báo cáo chi tiết cho các điều phối viên vùng và tổng quyền (xem D22).
5. Điều Phối Viên Thánh Kinh của Vùng
5.1. Mỗi vùng thuộc Hội Dòng nên có một điều phối viên tông đồ thánh kinh của vùng, được chọn dựa vào những quy định được vùng chấp nhận.
5.2. Nhiệm vụ của điều phối viên vùng cũng tương tự như điều phối viên tỉnh dòng. Tuy nhiên, vì công việc của điều phối viên vùng mang tầm vóc vùng hơn là địa phương, nên nhiệm vụ quan trọng nhất của ngài là cổ võ và nối kết.
5.2.1. Cổ võ: Điều phối viên vùng cổ võ và hỗ trợ các công tác tông đồ và mục vụ thánh kinh trên khắp vùng; khuyến khích các anh em tham gia vào các công tác mục vụ này; cổ võ việc thực hành lectio divina và chia sẻ Lời Chúa trong các cộng đoàn.
5.2.2. Nối kết: Điều phối viên vùng khuyến khích và tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin, tài liệu, chương trình và phương pháp tiếp cận giữa các Tỉnh Dòng trong vùng; giữ liên lạc với các điều phối tông đồ thánh kinh của tỉnh dòng và vùng, với điều phối viên tông đồ thánh kinh của tổng quyền, với điều phối viên vùng và các thư ký thuộc các lĩnh vực khác nhau; trợ giúp trong việc trao đổi nguồn lực nhân sự.
6. Điều Phối Viên Tông Đồ Thánh Kinh của Tổng Quyền
6.1. Điều phối viên tông đồ thánh kinh của tổng quyền do Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng ngài bổ nhiệm. Ngài sẽ giữ vai trò liên lạc giữa tổng quyền và các vùng/tỉnh dòng liên quan đến công tác mục vụ và tông đồ thánh kinh.
6.2. Nhiệm vụ của điều phối viên tông đồ thánh kinh của tổng quyền hướng đến việc điều phối ở tầm mức toàn cầu các hoạt động tông đồ thánh kinh của Hội Dòng. Những nhiệm vụ này cũng giống như các điều phối viên vùng và tỉnh dòng nhưng bao quát cả Hội Dòng. Quan trọng hơn cả là nhiệm vụ linh hoạt, nối kết và giải đáp.
6.2.1. Linh hoạt: Điều phối viên tổng quyền khuyến khích và hỗ trợ những anh em nghiên cứu chuyên môn về các công tác khác nhau của việc mục vụ tông đồ thánh kinh. Đồng thời, ngài nên khuyến khích các anh em đưa Kinh Thánh vào trong các hoạt động truyền giáo, vào trong đời sống thiêng liêng và cộng đoàn.
6.2.2. Liên kết: Trong công tác điều phối các hoạt động tông đồ thánh kinh của Hội Dòng, điều phối viên tổng quyền nên giữ liên lạc với các điều phối viên tỉnh dòng và vùng, cũng như với các hiệp hội Thánh Kinh và với những ai làm công tác chuyên môn về tông đồ thánh kinh. Ngài nên khuyến khích việc trao đổi thông tin giữa tổng quyền, các vùng và các tỉnh dòng. Ngài nên phối hợp chặt chẽ với vị Thư Ký Truyền Giáo, Thư Ký Giáo Dục và Đào Tạo, Điều Phối Viên Truyền Thông và Điều Phối Viên Công Lý và Hòa Bình. Ngài cũng nên hợp tác với các chị em SSpS và các đối tác khác của chúng ta trong ngành mục vụ tông đồ thánh kinh. Sau hết, ngài nên thông tin cho Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng biết về các hoạt động tông đồ thánh kinh mà các anh em SVD đang tham gia.
6.2.3. Giải đáp: Ngoài việc khuyến khích nghiên cứu các phương pháp và tài liệu mới cho công tác mục vụ tông đồ thánh kinh, điều phối viên tổng quyền còn cần có trách nhiệm giải đáp các vấn đề liên quan đến vai trò của Thánh Kinh trong linh đạo, đời sống cộng đoàn và sứ vụ SVD.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét