Đôi ba trải nghiệm với thinh lặng trong Ngày Tịnh Tâm tháng Mười 2011 của Học Viện Ngôi Lời Việt Nam .
p.nguyễnđứcvinhsvd
«Bước chân vào sa mạc, thấy mênh mông, trống rỗng, hoang vu ... cảm nhận sức nóng gay gắt, gió khô rát. Thật yên tĩnh, sự tĩnh lặng đáng sợ.»
“Một cảm giác hơi sợ khi ngồi trong một bầu khí thinh lặng trong Nhà Nguyện, và cái cảm giác sợ hãi đó đã đến, tôi nhìn Chúa như một người xa lạ, không dám để mở miệng ngỏ lời với Chúa.”
“Tôi nhận ra mình chưa đủ kiên nhẫn trong thinh lặng để nhận ra thánh ý Thiên Chúa muốn nơi tôi điều gì.”
“Bản thân tôi chưa quen với sự cô đơn và ngồi một mình trong thinh lặng hàng tiếng đồng hồ.”
“Trong cuộc sống tôi thấy hầu như tôi không thing lặng trong tâm hồn để nghe tiếng Chúa nói. Cả ngày tĩnh tâm tôi không nói cười, nhưng khi vào nhà nguyện thinh lặng đối mặt với Chúa, tôi thấy ớn lạnh, sợ hãi… vì sự cô tịch, vì tôi nhìn thấy biểu đồ của tôi trong tháng qua…”
“Phương pháp thinh lặng tôi đã đọc nhiều, tập luyện cũng lắm, nhưng giờ đây tâm hồn tôi trống rỗng, hay nói đúng hơn là đờ đẫn, không nhập cuộc được chút gì...”
“Vì kinh nghiệm chịu đựng sống trong bầu khí thinh lặng chưa nhiều, nên đôi khi tôi cảm thấy căng thẳng, đau đầu. Cảm giác mệt mỏi như mình đã làm một công việc gì nặng nhọc.”
“Tôi chưa quen với sự thinh lặng. Tôi cảm thấy khó chịu, trong tâm trí mình dường như còn suy nghĩ nhiều hơn về những gì mình thấy, mình gặp. Tôi ngồi không im, bứt rứt, cảm thấy khó chịu, muốn làm cái này, muốn làm cái kia. Muốn tranh thủ đọc vài trang sách, muốn đụng tay đụng chân, như để thỏa mãn một thói quen mà lúc này mình mới để ý và nhận ra.”
“Thực sự tôi chưa hoàn toàn để mình thinh lặng đủ, nơi tôi còn xảy ra những tiếng ồn ào của hoạt động thường ngày, lo lắng về việc học, bận tâm về con đường phía trước mình đi…”
«Sau những giờ phút thinh lặng, suy tư và cầu nguyện, tôi nhận thấy trước hết tôi phải tìm lại chính tôi. Trong cuộc sống thường ngày, tôi quá chú trọng về vấn đề những người chung quanh nghĩ về tôi như thế nào, nhưng lại ít chú trọng đến căn tính của chính mình là gì.
Xưa nay tôi quá chú trọng vào dư luận, quá chú trọng vào những lời khen tiếng chê của người khác, tôi nói chuyện với người khác quá nhiều mà quên nói chuyện với chính mình. Tôi thường nhận xét người khác và dễ dàng đồng ý với những nhận xét tốt của người khác dành cho tôi. »
«Thinh lặng là cách để tôi nhìn vào chính mình; cho tôi một không gian lắng đọng để suy về chính mình, hiểu mình hơn. Là thời gian để tôi nghĩ đến người khác, khám phá ra rằng, đó cũng là cách để kiềm chế bản thân, kiềm chế tính hung hăng.»
“Cảm thấy mình thanh thản, tôi nhìn được vấn đề, sự việc thường ngày xảy ra một cách sâu hơn. Ví dụ thường ngày tôi vẫn ăn, đi học, ăn - như một cái máy. Nhưng chậm rãi một chút, tôi cảm nhận được mình may mắn, tôi dừng lại để cảm ơn, để cầu nguyện cho những người làm ra những của ăn cho mình.
Tôi kiểm soát được lời nói của mình hơn, kiểm soát hành vi mình hơn, không còn nóng nảy, bộc trực một cách thiếu suy nghĩ. Khi thinh lặng, tôi có cơ hội đối diện với ơn gọi của chính bản thân mình, nhặt những gì mình được trong mẻ cá cuộc đời, và vứt bỏ những gì không cần thiết ...»
«Trong thinh lặng, đối diện với chính con người thật của mình, tôi mới biết mình còn sống hời hợt, chưa chuyên tâm cho ơn gọi và còn bị chi phối bởi những thú vui khác. Những điều tưởng như rất đơn giản, nhưng lại khó nhận ra khi tôi cứ mãi trôi theo những lịch trình của cuộc sống.
Trong dòng chảy như vậy, thì những giây phút thinh lặng tuyệt đối là rất có giá trị. Nó giúp tôi biết dừng lại, biết nhìn lại con người mình cách sâu rộng hơn và cảm nhận được cảm giác lắng đọng tâm hồn.”
«Bầu không khí thinh lặng còn cho tôi nghĩ về suy về thân phận làm người của mình, nghĩ về hành trình ơn gọi và mục đích đời mình.»
«Giây phút thinh lặng cả bên trong lẫn bên ngoài, giúp tôi nhìn lại con người mình cách sâu sắc, đặc biệt là thái độ sống của mình với tư cách là một tu sĩ.»
“Thinh lặng để ở với Đức Kitô Giêsu, để khám phá ra chính mình và khám phá ra Đức Kitô Giêsu là ai.”
“Chính những lúc thinh lặng như thế tôi cảm nghiệm lại quảng đường mà mình đã đi qua, chính Đức Kitô ở ngay bên tôi mà tôi không hề hay biết.”
«Chính lúc không gian như lắng lại để chìm vào phút giây thanh tĩnh yên ả nhất của tâm hồn, đó chính là lúc con người ta có cơ hội nhìn lại chính mình nhất.»
“Khi ngồi lại một mình và lắng nghe tiếng nói từ sa mạc của tâm hồn, tôi mới thấy “Thinh lặng” có ý nghĩa to lớn trong đời sống dâng hiến.“
«Qua một ngày sống trong thinh lặng, tôi thấy mình thật nhỏ bé trước một thế giới bao la này.«
“Giữ thinh lặng trong ngày tĩnh tâm là một hồng ân Chúa ban. Vì khi tôi thinh lặng để gặp Chúa quả là một mối lợi cho chính bản thân tôi.”
“Tôi giành quá ít giờ để thinh lặng, để nhìn lại bản thân, để refresh lại mối tương quan giữa con với Chúa, giữa mình với tha nhân.”
«Điều thành công nhất với tôi là học được cách thinh lặng trong sự ồn ào.»
“Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho con có một ngày ngồi lại để tâm sự với Chúa và nhìn lại bản thân mình trong hành trình theo Chúa.
Xin Chúa ban thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực để con có thể vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Xin cho con luôn biết giành thời gian để thinh lặng, để tỉnh tâm, để lắng nghe lời Người dạy giữa cuộc sống rậm lời, rậm âm này.”
tìm một lối đi
Nơi chúng ta đang sống quả thật “chưa” là một không gian lý tưởng cho sự tịnh tâm. Mặt khác, chúng ta chỉ có thể “làm thánh“ ngay nơi mình ở, chứ không thể hẹn vào một nơi khác và vào một thời điểm khác. Hic et nunc. Bầu khí cần thiết thì do chính chúng ta tạo nên – qua thinh lặng với Chúa.
Đời sống hằng ngày được tạo hình dựa theo thời khóa biểu. Nghĩa là chỉ cần giữ các giờ được định đặt là đủ. Là sống theo lối nước trôi thì bèo trôi. Cũng có khi vì thiếu giờ thiếu sức, hay vì thiếu sự quan tâm đến những gì đi qua đời mình hay đi với mình. Đến đâu thì hay đó ...
Nhưng để cho hồn (và xác) trở nên lành mạnh và nhân cách có thể phát triển, thì Tôi cần cảm nhận ra những khuynh hướng và sở thích, các xung cảm và khát vọng của mình. Đời sống nội tâm cần được chăm sóc, các sức sống trong tôi cần được khám phá và làm cho triển nở.
Thinh lặng muốn giúp tôi đến gần các đích đó.
đời tu và thinh lặng
Mỗi ngày sa mạc là một cơ hội cho một bắt đầu mới. Với mình và với Thiên Chúa. Cần ngừng nghỉ để đốt lại ngọn lửa của «tình ban đầu». Đó là những khát vọng và ước mơ to lớn cho đời mình và cho thế giới, những thao thức và lòng nhiệt thành đã thúc đẩy Tôi đến đây. Cũng trong thinh lặng những gì Tôi thực sự nghĩ, cảm nhận và ước muốn bị lấp vùi dưới lớp bụi hằng ngày có thể hiện rõ lên.
Chỉ trong thinh lặng Tôi mới có thể nhận ra những cản trở và gánh nặng không cần thiết đang chồng chất trên đời mình. Tôi nhận ra những điều bị lãng quên, cũng như những điều cần và nên làm trên bước đường đi theo Đức Kitô.
Nhưng để có thể tìm lại sự trong sáng của «tình ban đầu» thì cần dừng bước. Cần tìm về lại với điều căn cốt, về điều làm nên con người Tôi và làm nên một tu sĩ truyền giáo thế giới in spe. Ngừng để tìm lối sống giúp làm sáng chói hơn “nội dung“ chính của đời mình.
Thinh lặng đòi hỏi kỷ luật cá nhân và sự trung thành tập luyện, như kinh nghiệm với nó cho thấy. Là một quá trình lắm lúc thật khó nhọc gian nan, nhưng không thể thiếu. Thinh lặng phải là một phần đời của môn đệ Đức Kitô – vì thời gian đó cần thiết như hơi thở.
Cũng chỉ trong không gian và thời gian đó, Tôi mới có thể nhận rõ những dấu vết Thiên Chúa, sự hiện hữu và các tác động của Người trong đời mình. Đó là nơi Tôi học lắng nghe, học cởi mở cho tình yêu Thiên Chúa và chuẩn bị cho sứ vụ loan truyền Tin Mừng và phục vụ con người.
p.nguyễnđứcvinhsvd ghi lại ■
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét