8 thg 11, 2011

Lá rụng về cội

Mùa Thu đến. Và đến như một mệnh lệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà hầu hết cây cối đều đã thay đổi màu áo, đã cởi bỏ màu áo xanh đồng nhất và khoác vội lên một lớp áo vàng hay đỏ, đậm nhạt tùy giống tùy loại.
Mùa Thu cho thấy: lá rụng về cội.

Lá vàng rơi rụng xuống đất, mang theo tất cả hơi ấm và ánh sáng đã gom trữ tích tụ được trong suốt mùa Xuân, mùa Hạ. Bởi thế mà mùa Thu là một hình ảnh cho thân phận làm người. Đến ngày giờ đã được Thiên Chúa ấn định, chúng ta phải ra đi để trở về với cội nguồn, cùng với tất cả những gì thu đạt được hay không được trong đời.


Biến chuyển này là một điều tự nhiên, bởi có sinh thì có tử. Cụ thể và quan trọng hơn là câu hỏi: "Chúng ta sẽ mang theo những gì đây khi ra đi, lúc được Chúa gọi?" Hành trang của chúng ta lệ thuộc vào những nỗ lực tìm câu trả lời cho câu hỏi, mà sách Giáo Lý Công Giáo (cũ) đặt ra trong trang đầu tiên: "Hỏi ta sống ở đời này để làm gì?"

“Sống để làm gì?” trước hết là nói đến trách nhiệm cụ thể của mỗi một người, hôm nay cũng như trong suốt cuộc đời. Chúng ta không thể trốn tránh nó được, nếu không muốn rằng đời mình nông cạn hay trở nên vô ích vô nghĩa. Mỗi người đều phải cố gắng tìm ra lời đáp cho chính mình, với hết mọi khả năng và ngay trong điều kiện sống hiện tại. Không ai có thể trả lời thay cho người khác được.

Khi hỏi đến mục đích của đời này, chúng ta cũng đã đặt vấn đề về đời sau. Bởi vì chẳng có việc gì chúng ta làm ở đây hôm nay, lại không liên quan và có ảnh hưởng đến cuộc sống sau bên kia thế giới - cho dù tốt hay xấu, to hay nhỏ, có ý nghĩa to lớn bây giờ hay không. Từ chối chân lý này và cho rằng chết là hết, con người bắt buộc phải tìm cách giải quyết hết mọi vấn nạn nhân sinh trong vài dăm ba năm của cuộc sống trần thế. Nhưng mọi tìm kiếm hay mơ tưởng tự tạo thiên đàng tại đây luôn dẫn đến thất vọng, do những đòi hỏi quá sức ở chính mình và ở người khác.

Người ta không còn cách nào khác hơn tìm mọi cách kéo dài và thần thánh hóa tuổi thanh xuân, trốn tránh tuổi già và cái chết. Nhưng khi làm như vậy, giá trị con người chỉ còn được đo bằng sức lao động, khả năng hưởng thụ và bằng những gì chiếm giữ được: của cải, sức khỏe, sắc đẹp, thay vì bằng "cái đức, cái nết".    

"Quê hương của chúng ta ở trên trời", Thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu tại Phi-líp-phê như vậy (3,20). Đúng ra mỗi một người trong chúng ta đều ý thức và cảm nhận được sự thật này. Không một ai có thể nói trái đất này là quê hương vĩnh cửu của mình được cả, vì có người nào có thể quả quyết rằng mình hoàn toàn thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, đạt được hết điều ước muốn hay đã chu toàn hết mọi trách nhiệm: giải quyết được mọi vấn đề?
Như thế, tìm ra câu trả lời cho câu hỏi "để làm gì" trước hết là cố gắng gìn giữ sự nhạy cảm nội tâm, giúp ta biết xử dụng mọi tài năng và điều kiện, gia sản và sức khoẻ mình có, để sống cho xứng với phẩm giá con người. Và ai đi tìm hạnh phúc cho đời mình cũng không được quên rằng: hạnh phúc bây giờ và vĩnh cửu của mỗi cá nhân, không thể tách rời khỏi trách nhiệm đối với Thiên Chúa và với đồng loại.

"Chúng ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và thương yêu mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp, cho ngày sau được hạnh phúc đời đời".

Đây là câu trả lời từ niềm tin Ki-tô giáo.

© p.nguyễnđứcvinhsvd

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét