9 thg 11, 2011

Những ngày ở đại hội vùng ASPAC, 25-30/10. BAGIO - PHILIPPINES

“Phúc cho anh em: Đối thoại và chứng nhân trong bối cảnh liên văn hoá của châu Á Thái bình dương.”
Phần 2
Phần 1
Quang Phan, SVD
Chiều 27/10.

Đại hội lắng nghe phần báo cáo của cha Tổng quyền về kết quả của nghiên cứu về hiện tượng gọi là ‘Early Retunees’ (hồi hương sớm), và bàn thảo về vấn đề sexual abuse.

Bài phúc trình về hiện tượng ‘Early Returnees’ do cha Robert Kisala (năm ngoái kinh lý tỉnh dòng VN) tìm hiểu và biên soạn, lấy mốc thời điểm từ 1991-2010, tức là 20 năm trở lại. Early returnees thường được hiểu là các anh em SVD sau khấn trọn, nhận bài sai đi truyền giáo ở nước ngoài, nhưng chưa đầy 7 năm lại trở về tỉnh dòng nhà hay tỉnh dòng nơi mình được đào tạo cơ sở. Cha Tổng quyền dùng một thuật ngữ khác để nói về hiện tượng này stickability, khả năng ‘dính’, dính chặt vào sứ vụ sai đi của mình.

Các lý do chính đưa đến tình trạng Early Returnees như bản nghiên cứu nêu ra: (a) khủng hoảng ơn gọi, thường là do tình cảm cá nhân, 34%; (b)  do khó khăn văn hoá như ngôn ngữ và hội nhập, 24%; (c)  thất vọng với sứ vụ và cộng đoàn, 17%; (d) quan tâm gia đình, 8%; (e) tỉnh dòng nhận gởi trả lại, 6%; (f) không rõ lý do.


Nhìn chung, kết quả cho thấy hiện tượng Early Returnees không đến nổi báo động như ‘ai đó’ lên tiếng. Khi được hỏi ai là người báo động hiện tượng này? Cha Tổng quyền trầm ngâm rồi trả lời “chính tôi cũng đang thắc mắc điều đó.” Mọi người cười! Tuy không đến nổi ở mức báo động, nhưng theo cha tổng quyền, hiện tượng Early Returnees cũng đang tạo ra sự quan ngại trong hội dòng, đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Riêng với anh em SVD từ tỉnh dòng Việt Nam đi truyền giáo ở nước ngoài, hãy còn sớm để có kết luận, vì ‘Early Returnee’ chỉ tính sau 7 năm, tức là sau lần nghỉ (home leave) lần thứ hai.

Trong số tới, tôi sẽ cho đăng đầy đủ bài báo cáo powerpoint của cha Tổng Quyền về hiện tượng này. Mời anh em đón đọc số tới.

Phần bàn thảo sau cùng của ngày nhưng cũng là phần sôi nổi nhất trong mấy ngày đại hội là vấn đề lạm dụng tình dục vị thành niên (sexual abuse of  minors) và giới tính. Đây là hiện tượng gây nhiều quan ngại cho toàn thể giáo hội trên thế giới, và SVD không ngoại lệ. Tất cả đều ý thức rằng những vấn đề giáo hội hiện đang phải đối đầu là hậu quả của lạm dụng tình dục và giới tính có gốc rễ từ mấy chục thập niên về trước. 

Theo Cẩm Nang Dùng Cho Các Bề Trên SVD, phần G4, có ghi định nghĩa về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên như sau, việc lạm dụng tình dục này bao gồm “Sự tiếp xúc trực tiếp có tính tình dục như hôn, sờ chạm bộ phận sinh dục và giao phối, cũng như phơi bày bộ phận sinh dục trước người khác, tải từ mạng xuống, lưu giữ, phân tán, và cố ý xem hình ảnh ấu dâm. Các nguyên tắc này cũng được áp dụng cho những trường hợp lạm dụng tình dục những người lớn dể bị tổn thương do mất khả năng thể lý cũng như tinh thần ở bất cứ tuổi tác nào.” (G4, 1.1)

Cẩm nang nói chung đưa ra những hướng dẫn mang tính cách mục vụ, nhất là cho nạn nhân cần được bảo vệ. Mỗi tỉnh dòng có trách nhiệm lên chính sách của riêng mình. Khi lên chính sách như vậy, cần lưu tâm đến những chính sách đã được hội đồng giám mục địa phương phê chuẩn, phù hợp với bối cảnh pháp lý địa phương và văn hoá.

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cẩm nang cũng nhắc nhở mỗi tỉnh dòng nên lưu tâm trong chính sách nhận ứng sinh của mình với những biện pháp cần thiết như: Ở giai đoạn đào tạo căn bản, các ứng viên xin vào dòng phải “được điều tra kỹ lưỡng (thoroughly) xem có dấu hiệu gì về khuynh hướng lạm dụng tình dục vị thành niên không, thẩm định về tâm lý, giới thiệu từ những người quen biết đáng tin cậy, giáo xứ nhà hay từ người chủ trước đây mướn làm việc. Trong các cuộc tuyển sinh, giám đốc tuyển sinh phải phỏng vấn kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các ứng sinh” (2.2.1) 

Chương trình đào tạo cũng phải bao gồm các chương trình đầy đủ về phát triển giới tính  khiết tịnh, lành mạnh, toàn điện và trưởng thành. (2.2.2)

Ngoài ra, việc đào tạo trường kỳ trong lãnh vực này cũng được tài liệu G4 nhắc đến (2.3)

Khi nói về đào tạo trường kỳ cho anh em đã khấn trọn, một linh mục giám tỉnh chia sẻ câu chuyện có thật trong tỉnh dòng mình như sau. Một bà kia đem đứa nhỏ đến gặp đức giám mục khi biết vị linh mục ‘cha đứa nhỏ’ cũng đang có mặt ở đó. Bà ta tố cáo vị linh mục đó là bố của đứa trẻ trước mặt vị giám mục. Vị giám mục nhìn đứa trẻ rồi nhìn vị linh mục như ngầm so sánh rồi nói, “Hẳn cha là bố của đứa trẻ này.” Vị linh mục đơn sơ trả lời, “Thưa đức cha không thể nào được. Vì mỗi khi gần cô ta, tôi đều dùng bao….” Sau những giờ phút căng thẳng, ít là anh em cũng có được một trận cười kép lại đề tài nóng đó.

Văn hoá của Á châu và Thái bình dương xem đây là vấn đề tế nhị, và có thể là cấm kỵ khi đem ra bàn thảo công khai. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cởi mở nói ra với tinh thần trách nhiệm của những con người đã trưởng thành. Tu sỹ cũng cần được giáo dục hiểu biết về những căn bản tính dục ở con người. Trước khi chúng ta là tu sỹ, chúng ta là con người như bao nhiêu con người khác. Chúa làm người ở giữa chúng ta.

28/10. 

Sau ba ngày mệt mỏi với báo cáo và nghe báo cáo, tất cả anh em dành ngày hôm nay nghỉ ngơi và dã ngoại. Sau giờ ăn sáng mọi người lên xe đi thăm và dâng Lễ với các chị dòng kín SSpSAP, chúng ta gọi với tên thân mật hơn là các chị áo tím, Pink Sisters. Dòng các chị áo tím không xa nhà tĩnh tâm SVD ở Baguio lắm, khoảng độ 5 cây số. 


Thánh Lễ hôm đó trùng ngày kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa dưới sự chủ tế của cha Tỏng quyền. Cảm nghiệm được dự thánh Lễ trong bầu khí của dòng kín cũng thật linh thiêng. Tiếng ca thánh thót chiêm niệm của các chị đưa người dự thánh Lễ như vào một thế giới và không gian khác, linh thánh và huyền nhiệm khó tả. Một cái gì đó hết sức thoát tục để được ‘nếm thử và hãy nhìn xem’….Được biết tuy là dòng kín, không đi ra ngoài quảng cáo, nhưng con số ơn gọi của các chị dòng kín SSpSAP lại khá hơn các chị áo xanh SSpS là dòng xông xáo sinh hoạt xã hội. Ở tây phương cũng có hiện tượng này. Mà đặc biệt nữa là, họ lôi cuốn thành phần trẻ trí thức, thành đạt ngoài đời. Phải chăng ở các dòng kín chiêm niệm, người ta tìm thấy được cho mình một căn tính rõ ràng hơn là các dòng nặng tính sinh hoạt xã hội, làm những việc mà giáo dân không đi tu cũng có thể làm, hoặc làm còn tốt hơn người đi tu? Hay con người một khi đã đi đến tận cùng của thế giới vật chất hay hưởng thụ, họ lại khám phá ra một cái gì đó có giá trị siêu việt mà ở các dòng kín chiêm niệm mới giúp họ khám phá ra? Âu đó cũng là điều đáng cho ta suy nghĩ.


Sau thánh Lễ, tất cả anh em SVD được mời vào hội trường thăm các chị Pink Sisters sau khung sắt! Thú thật mình có cảm giác như thăm tù nhân khi nhìn thấy hai bên nói chuyện qua khung sắt, vì thủa bé mình cũng đã từng có kinh nghiệm ở tù. Cái tội con nít mà bày đặt vượt biên! Trao đổi thăm hỏi nhau xong, các chị Pink Sisters rút vào ‘hậu cung’ tiếp tục chuyên lo việc nguyện cầu, để lại khách khứa tự dùng bữa trưa, do các chị dòng kín khoản đãi đặt từ ngoài mang vào. Một cha người gốc Ái Nhĩ Lan nói nữa thật nữa đùa, “Mấy bà Soeurs này không lịch sự tí nào. Ai đời mời khách ăn trưa, không ăn chung mà lại rút lui đi hết.” Mình an ủi ngài, “Thôi, người ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Mình là con cái thế gian, nên nhìn đâu cũng thấy gian hihihi…”

Sau đó, đoàn tiếp tục thăm viếng những địa danh khác như Miners View, Philippine Military Academy và một làng dân tộc bản xứ Tam –Awan Village. Mình thấy không có ấn tượng gì đặc biệt lắm so với văn hoá người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Một trong những kinh nghiệm thú vị khi tới Philippines là đón xe bus Jeepny (?). Đó là một loại xe jeep nhà bình của quân đội Mỹ mà người Phi độ lại thành một kiểu xe mini bus, có khả năng chứa độ 30 người. Mấy bác tài chạy xe jeepny này chạy nhanh ghê hồn lắm. Cha Nhiệm giải thích với mình không phải họ chạy nhanh để tranh giành khách đâu, mà kiểu chạy xe của họ là như rứa. Người Phi bản chất của họ cũng hiền lành, tin tưởng nhau. Trên xe bus, lúc đông người, ai lên sau, cứ chuyền tiền lộ phí từ tay người này sang tay người khác cho đến tay bác tài. Nếu phải thối tiền lại, bác tài cũng chuyền từ trên xuống qua các hành khách cho tới tay thân chủ, mà không mất đồng nào. Nói hơi bôi bác, nếu là ở VN, không biết số tiền còn nguyên vẹn không hỉ…Các cha Việt Nam đang học bên nớ, khoe với mình là người Phi họ thật thà lắm, không có chuyện móc túi hay chôm chỉa lặt vặt như dân mít mình mô. Ở những chốn đông người, họ cũng xếp hàng thứ tự, chứ không bao giờ có cảnh chen lấn xô đẩy như mình…. Chao ôi mấy ngàn năm văn hiến để mà chi. Nội chuyện xếp hàng mà cũng không xong, dù đã có mấy chục năm XHCN, xếp hàng cả ngày.

Tối đó là social night. Anh em có bữa barbeque với thịt rượu ê chề rồi ca hát đình đám. Anh em nào đã từng ở với dân Phi đều biết, người Phi họ thích party lắm. luôn kiếm dịp để ăn mừng. Dân Phi tháng 9 là họ đã lo ăn mừng giáng sinh rồi. Thấy một số nhà thờ đã có trang hoàng giáng sinh, và thậm chí hang đá nữa. Mình hỏi một cha người Phi, sao dân ở đây mừng giáng sinh sớm thế, ngài trả lời vì dân Phi chúng tôi khi nào cũng thích celebration! Họ khi nào cũng lạc quan. Phải nói ít khi thấy người Phi buồn lắm. Mà nếu có buồn, thì nỗi buồn cũng chóng qua mau.

29/10.

Hôm nay là ngày cuối của cuộc họp. Anh em tập trung vào kiến nghị và bầu cử nhân sự mới. Hội nghị duyệt qua lại các kiến nghị của nhiệm kỳ trước. Kiến nghị nào đã hoàn thành thì bỏ qua. Kiến nghị nào chưa thực hiện được và xét thấy không thực tế thì rút lại. Cha Tổng quyền với kinh nghiệm nhiều năm đã đóng góp những ý kiến hữu ích, vì nhiều anh em đưa nhiều kiến nghị không đâu vào đâu, mất nhiều thời gian bàn cải. Ngài nhấn mạnh, kiến nghị đưa ra phải do mình thực hiện, chúng ta không thể đề xuất những kiến nghị cho người khác thực hiện. Kiến nghị phải thực tế và khả thi. Mình sẽ đăng phần kiến nghị của đại hội ASPAC cho em anh hay sau. 

Sau đó là phần bầu cử. Đại hội bỏ phiếu bầu vị điều phối vùng Zonal coordinator, đó là vị trí mà cha Bill Burt (Úc) đã nắm hai nhiệm kỳ, và sau đó là bầu 8 vị điều phối các ban ngành. Mình tưởng đâu là thoát nạn, ai dè lại dính…bầu lần nữa. Không những dính…bầu mà còn thêm việc linh tinh khác nữa. Thật ra, các ứng viên đưa ra mình thấy họ có khả năng và còn trẻ trung nữa. Nhưng mình đoán già đoán non là phải chăng đại hội muốn nhìn thấy sự đóng góp tích cực hơn nữa từ phía tỉnh dòng VN chúng ta, một tỉnh dòng trẻ trung và có tìm năng con số. Mình cũng tự an ủi, “thôi rán đi Tám, lâu rồi đời mình cũng qua.”

Sau phần bầu bán, các bề trên giám tỉnh/miền họp lại. Mỗi tiểu vùng (subzone) bầu ra một bề trên đại diện, và các vị bề trên đại diện này lập thành Execom, Ban Điều Hành. Và Ban Điều Hành này lại bầu ra một vị chủ tịch (chairman) của Execom. Kết quả của cuộc bầu phiếu: Điều phối viên vùng là cha Michael Maria (INM). Thành viên của Execom: Gabriel (Timor Leste), Felix (INJ), John (PNG), Dennis (KOR), Augustine (ING), và Jerome (PHN). Cha Augustine (ING) được bầu làm chủ tịch của Execom. Execom quyết định Đại hội vùng kế tiếp sẽ là năm 2014 tại Mumbai.

30/10

Sau thánh Lễ và ăn sáng, các anh em lên xe bus về lại Christ the King - Manila. Tối đó mình tranh thủ hàn huyên với cha Cương, cha Nhiệm. Ba anh em cùng với thầy Sáu Xuân Vũ rủ nhau đi thăm và ăn tối với các chị SSpS. Nhà các chị SSpS ở không xa Christ the King lắm. Đón xe jeepny, đi chưa đầy năm phút, xuống xe đi bộ chút là tới cổng. Gặp lại chi Yến (Ye Ye) và ba Soeur Việt Nam đang học bên đó là Sr. Kim, Hoa, Lan. Mấy chị này nhờ ở với cộng đoàn Phi, hoàn toàn nói tiếng Anh nên cũng mau khá. Nghe nói hôm sau, ba chị sẽ phân tán đi ra ba cộng đoàn khác nhau. Họ sẽ học chuyên môn và sau đó khoảng 2 năm về giúp Việt Nam. Xem ra họ đúng là có tầm nhìn xa. Lo đào tạo "cán bộ lãnh đạo cho vững" trước.

Thầy Xuân Vũ cho biết là trong tháng 11 này, thầy sẽ chịu chức Linh mục, và gia đình từ VN sẽ qua dự lễ chung vui với thầy. Chúc mừng tân linh mục.

Quang Phan SVD
10/11/11.
----------------------

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét